Vụ máy bay rơi ở Sơn Trà (Phần 1)

    0
    935

    Trước thềm ngày 27/7 năm nay, tôi muốn trả một món nợ tinh thần trĩu nặng với Nhà báo Lâm Nguyễn và cũng là nỗi khắc khoải khôn nguôi mà tôi đã muốn chia sẻ ngay từ khi đọc những bài viết này của chị trên trang cá nhân cách đây hơn một năm. Lúc ấy, vì đang bận quan tâm một số vụ việc thời sự khác nên khi đọc xong các status này của người bạn thân trên FB (và cũng là một trong số ít các nhà báo mà mình rất quý trọng), tôi đã xin Lâm Nguyễn để share lại vào một dịp khác phù hợp. Tuy nhiên sau đó, vào ít hôm trước ngày 17/2, khi trở lại trang của chị để tính share thì tìm mãi vẫn không thấy bài. Nhắn tin hỏi mới biết rằng hóa ra chị đã buộc lòng phải xoá bài vì thương sư thầy trụ trì chùa bị người ta áp lực, gây khó dễ đủ đường kể từ khi có bài viết của chị. Tôi đành phải năn nỉ nhờ Lâm Nguyễn lục lại để copy cho tôi. Cũng nhờ chị gửi đường link tham khảo, tôi mới biết có thêm anh Nam Anh – một người con có cha tử nạn trong vụ rơi máy bay này – đã chia sẻ bài viết của chị vào ngày 16/2. Tôi xin phép chụp lại bài viết của anh Nam Anh trên trang cá nhân để đính kèm bài chia sẻ này, như một thuyết minh rõ ràng hơn cho bài viết day dứt và tràn ngập xúc động của Nhà báo Lâm Nguyễn.

    Với sự cho phép của chị, xin được đăng tải lại dưới đây toàn bộ hai bài viết về vụ rơi máy bay ở Sơn Trà. Những chi tiết mang yếu tố tâm linh ở đây có thể làm cho người này người kia còn nửa tin nửa ngờ, nhưng quan trọng hơn tất cả là những câu hỏi quay quắt: Vì sao lại phải ém nhẹm thông tin về vụ tai nạn máy bay này? Vì sao mà những người hy sinh không được công nhận là liệt sĩ ngay sau khi tử nạn vì thi hành công vụ cho đất nước? Vì sao lại phải buộc sư thầy gỡ bỏ bàn thờ những người đã hy sinh cho Tổ quốc? Phải chăng vì ngày nay người ta muốn xoá sổ Sơn Trà nên cũng âm mưu xoá luôn mọi dấu tích của vụ tai nạn bi thương đó?…

    Cảm ơn Nhà báo Lâm Nguyễn một lần nữa vì sự dũng cảm và trung thực khi dám kể lại tất cả câu chuyện cho cộng đồng. Mong sao mọi người, những ai có dịp ghé qua Sơn Trà vào tháng Bảy này, xin hãy dừng chân thắp một nén hương cho các liệt sĩ đã nằm lại nơi đây vì nghĩa vụ thiêng liêng với Tổ quốc.

    ***

    Vụ máy bay rơi ở Sơn Trà gần 40 năm trước (phần 1):

    Cho đến nay, vụ rơi máy bay ở núi Sơn Trà gần 40 năm trước hầu như ít ai biết đến, kể cả những người dân địa phương. Báo chí thời đó không nhắc đến cũng là lẽ đương nhiên vì đây là chuyến bay đi làm nhiệm vụ tuyệt mât mà ngay cả danh sách của những người nhận nhiệm vụ cũng không được công khai. Tìm trên Google, hầu như không có thông tin gì nhiều về vụ máy bay rơi vào ngày 15/3/1979. Chỉ một dòng vắn tắt, “vụ máy bay rơi trên đỉnh Sơn Trà khiến 50 người thiệt mạng”. Còn trên máy bay gồm những ai và họ đi đâu với mục đích gì thì tuyệt nhiên không có thêm thông tin nào. Mọi chuyện chỉ dần rõ ràng hơn khi một nhà sư về khai khẩn, tạo dựng vườn tre trúc ở khu vực Suối Đá, bán đảo Sơn Trà.
    Khi thầy Phúc (pháp danh Thích Thế Tường) về đây để khai khẩn, gầy dựng vườn bảo tồn tre trúc, nơi đây còn hoang vắng lắm. Vốn tánh cẩn trọng, nghiêm túc, đi đến đâu, thầy lại hỏi thông tin về vùng đất đó: lịch sử, con người, những sự kiện đặc biệt. Nhờ vậy mà thầy biết rằng có một vụ máy bay rơi ở vùng núi Sơn Trà vào năm 1979. Theo người dân địa phương, máy bay rơi đúng vùng núi cách vườn bảo tồn tre trúc theo đường chim bay khoảng 500m.
    Thông tin này rồi cũng chìm khuất trong bộn bề của việc khai khẩn đất đồi, gầy giống trồng tre khiến thầy Phúc cũng quên bẵng việc này. Mọi sự lạ sau đó dồn dập xảy ra.
    Thời đó, hằng ngày tại vườn tre trúc của thầy Phúc hay có các sinh viên đến giúp thầy chăm sóc vườn. Có một hôm thầy đi vắng, chỉ có các em ở nhà. Khi thầy trở về, các em nói: “Thầy ơi, không hiểu sao tụi con cứ nhắm mắt là thấy rất đông người vào đây và nói muốn nhờ thầy Tường giúp. Mà ở đây con thấy chỉ có mình thầy (Phúc) chứ đâu có thấy thầy Tường nào”. Các em hoàn toàn không biết thầy Phúc còn có pháp danh là Thích Thế Tường. Thầy Phúc cảm thấy có gì không bình thường ở đây nhưng thầy im lặng không nói gì.
    Vài hôm sau, khi thầy đi vắng, các em điện thoại báo rằng vườn hôm nay có nhiều rắn quá. Cơ man là rắn. Lo lắng rằng lỡ nhằm rắn độc cắn khách đang dạo chơi ở vườn, Thầy nói các con cứ đập đi, tội nghiệp thầy chịu cho. Các em thấy rắn nhiều cũng sợ nên bèn đập rắn và mang chôn chung một chỗ. Đến khi thầy trở về, các em kể lại và mời thầy ra vườn đến chỗ chôn xác rắn để xem thử có phải rắn độc không. Kỳ lạ, khi đào đất lên, chỗ đó hoàn toàn không có xác con rắn nào. Các em kinh ngạc nhưng thầy chợt hiểu ra: có điều gì đó rất bí ẩn trong sự việc này.
    Một tháng sau, có một cô gái cũng như nhiều du khách khác đến thăm vườn. Trong buổi uống trà đàm đạo với thầy, cô gái buột miệng: con có một người bạn có cha trước đây tử nạn do máy bay rơi ở núi Sơn Trà này. Thầy lặng người, cái điều mà thầy lờ mờ cảm nhận lâu nay dường như rõ hơn một tí. Tiếp đến, qua cô gái đến thăm vườn, thầy liên lạc được với con gái của người đã khuất. Thì ra năm 1979, cha của cô cùng với nhiều sĩ quan quân đội và một số chuyên gia Liên Xô (cũ) đi làm nhiệm vụ tuyệt mật đã rơi máy bay, tử nạn ở đây. Cùng với cha cô gái, hơn 50 người trong chuyến bay đều thiệt mạng. Ngoài các sĩ quan quân đội cấp tá, uý còn có một số thứ trưởng, vụ trưởng. Đi cùng đoàn hôm ấy còn có … người phụ nữ và … trẻ em.
    Sau chuyến thăm của cô gái, không hiểu vì cơ duyên nào, vườn bắt đầu có nhiều người lạ đến thăm. Trong số đó, không ít người có mối quan hệ xa gần với những người tử nạn trong vụ máy bay năm đó. Cũng từ những manh mối này, thầy Phúc đã dần dần tìm ra tên tuổi của những người đã khuất. Tuy nhiên, đến thời điểm này (11/2016), thầy Phúc chỉ mới tìm được danh tính của 48 vị, 4 vị còn lại vẫn chưa thấy manh mối nhưng thầy vẫn hy vọng với sự xui khiến của các hương linh, thầy sẽ tìm ra đầy đủ tên tuổi để các vị ấm lòng.
    Cảm nhận được sự lạnh lẽo của vong linh những người đã khuất, hiện nay, thầy Phúc đã lập bàn thờ chung bát hương cho 52 hương linh ngay tại tịnh thất ở vườn tre trúc. Ngày ngày, thầy hương khói cho các vị, song như thầy nói: dù biết rằng các vị phải ra đi vì nhiệm vụ tuyệt mật của thời chiến, lúc đi không ai biết đã đành, song lúc mất, bằng cảm nhận của mình, thầy biết rằng họ vẫn mong muốn có một sự công nhận rõ ràng về cái chết của họ.
    Không cần lễ nghi hoành tráng, không cần danh hiệu rỡ ràng, họ, những người đã khuất chỉ mong những người còn sống đừng quên lãng họ.
    Theo thông tin của hàng không: Chuyến bay có 52 người (gồm cả phi hành đoàn) mang số hiệu AN-24 – VN229. Sau đây là danh sách chư anh linh chư liệt sỹ tử nạn máy bay ngày 15/3/1979 (tức ngày 17/2 năm Kỷ mùi) tại khu vực Suối Đá, Phường Thọ Quang, Quận Sơn Trà, TP. Đà Nẵng. (Bán đảo Sơn Trà)
    1/ Nguyễn Duy Bửu (Thứ trưởng, Bộ Cơ khí và luyện kim) Sinh năm 1926 – Quê quán: Quận Thanh Khê, Đà Nẵng.
    2/ Đặng Văn Thiên (Thứ trưởng) Sinh năm 1910 – Quê quán: Quốc Oai, Hà Sơn Bình.
    3/ Trần Trung (Thứ trưởng, Bộ Vật tư) Sinh năm…. Quê quán: Đông Anh, Hà Nội.
    4/ Lê Ba (Thứ trưởng, Bộ Điện Than) Sinh năm:….. Quê quán:…..
    5/ Trần Tú Bảo. Phó Vụ trưởng Vụ Vật tư Bộ Cơ khí và luyện kim. Sinh năm: 1929. Quê quán Thái Hà ấp, Hà Nội.
    6/ Vũ Hoài Tuân (Trung tá) Sinh năm: 1932 – Quê quán: Gia Lương, Bắc Ninh.
    7/ Bác Thiệu (Vụ trưởng) Không tìm được Họ tộc và địa chỉ.
    8/ Nguyễn Ngọc Chấn (Phó tổng cục trưởng) Sinh năm: 1922 – Quê quán: Hải Châu, Đà Nẵng.
    9/ Vũ Huy Bùi (Thiếu úy an ninh) Sinh năm: 1949 – Quê quán: Gia Lương, Hà Bắc.
    10/ Nguyễn Đình Nhẫn (Thượng úy an ninh) Sinh năm: 1940 – Quê quán: Cẩm Khê, Vĩnh Phú.
    11/ Mai Văn Hường (Chuẩn úy phi công) Sinh năm: 1953 – Quê quán: Kim Anh, Vĩnh Phú.
    12/ Nguyễn Văn Tiễn, Sinh năm: 1954 – Quê quán: Kim Thanh, Hà Nam.
    13/ Đào Xuân Hòe (Thiếu tá) Sinh năm: 1926 – Quê quán: Quốc Oai, Hà Sơn Bình.
    14/ Đỗ Gia Bắc (Trung úy) Sinh năm: 1948 – Quê quán: Duyên Hòa – Thái Bình.
    15/ Lê Điển (Thượng úy phi công) Sinh năm: 1941 – Quê quán: Đức Phổ – Quảng Ngãi.
    16/ Lê Tự Diêu (Thượng úy phi công) Sinh năm: 1937 – Quê quán: Tam Kỳ – Quảng Nam.
    17/ Đỗ Xuân Kỷ (Thượng úy phi công) Sinh năm: 1934 – Quê quán: Thiệu Hóa – Thanh Hóa.
    18/ Lương Ngọc Quyến (An ninh không lưu) Sinh năm: 1957 – Quê quán: Đại Từ – Thái Nguyên.
    19/ Nguyễn Thị Bình (Tiếp viên) Sinh năm: 1958 – Quê quán: Thanh Hà – Hải Dương.
    20/ Trương Ngọc Minh (Cán bộ hưu trí) Sinh năm:……. Quê quán: Gia Rai- Bạc Liêu.
    21/ Hà Thị Tư (Bác sỹ) Sinh năm………Quê quán……. Làm việc tại Bệnh viện Bạch Mai.
    22/ Nguyễn Sĩ Thìn ( Bộ điện than) Sinh năm: 1940 – Quê quán: Đô Lương- Nghệ An.
    23/ Nguyễn Thị Lựu – Sinh năm: 1927- Quê quán: Viên Chăn – Lào.
    24/ Đỗ Đức Thịnh – Sinh năm: 1936 – Quê quán: Bắc Giang – Hà bắc.
    25/ Đinh Duy Hiệp – Sinh năm: 1924 – Quê quán: TX Hải Dương- Hải Hưng.
    26/ Phan Vĩnh Đôn – Sinh năm: 1927 – Quê quán: Hương Điền – Thừa Thiên.
    27/ Phan Vĩnh Hòa – Sinh năm: 1964 – Quê quán: Hương Điền – Thừa Thiên.
    28/ Nguyễn Văn Tiến – Sinh năm: 1925 – Quê quán: Kim Bảng – Hà Sơn Bình.
    29/ Trần Cừ – Sinh năm : 1930 – Quê quán: Hiệp Thạch – Vĩnh Phúc.
    30/ Nguyễn Thị Thôi (Bộ Vật tư) – Sinh năm: 1936 – Quê quán: Tam Quan, Bình Định.
    31/ Nông Văn Tiến – Sinh năm: 1956 – Quê quán: La Ri – Bắc Thái.
    32/ Nguyễn Trung Kiên – Sinh năm: 1977 – Quê quán: Ứng Hòa – Hà Sơn Bình.
    33/ Nguyễn Thị Minh Huệ – Sinh năm: 1925 – Quê quán: Phú Xuyên, Hà Sơn Bình.
    34/ Hoàng Minh Đức – Sinh năm: 1924 – Quê quán: TX Hải Dương, Hải Hưng.
    35/ Nguyễn Công Lệnh – Sinh năm : 1947 – Quê quán: Cầu Giấy, Hà Nội.
    36/ Đào Hữu Ngoan – Sinh năm: …….. Quê quán: ………
    37/ Cháu Dũng (hoặc Đông) Không tìm được Họ tộc và địa chỉ.
    38/ Đặng Thị Thùy Trang – Sinh năm……. Quê quán…….
    39/ Đặng Trường Sanh (Chuyên viên) Sinh năm: 1923 – Quê quán: Hòa Vang – Đà nẵng.
    40/ Nguyễn Lương Thắng – Sinh năm: 1952 – Quê quán: Thanh Niệm – Hải Dương.
    41/ Lê Thị Kim Vinh – Sinh năm: 1958 – Quê quán: Viên Chăn – Lào.
    42/ Vũ Văn Cảnh – Sinh năm……. Quê quán…….
    43/ Lê Văn Bàng, Trưởng Ban Cán bộ Sư 370
    Còn đây là danh sách 7 người Nga (Liên Xô cũ) cùng đi với đoàn:
    1. Trung tá Alexandr I.H
    2. Thuyền trưởng (cơ trưởng) Demidov B.A
    3. Thuyền trưởng (cơ trưởng) Zinchenko V.P
    4. Thiếu tá quân y Komarov IU. I
    5. Thiếu tướng không quân Malych E.H
    6 Thuyền trưởng (cơ trưởng) Pastukhov A.I
    7. Thiếu tá Smulyi G. A
    Tổng cộng hiện có 50 người có tên trong danh sách.
    P/s: Trên đây là những gì mình ghi chép lại từ chuyện kể của thầy Phúc. Năm đầu tiên sau khi lập bàn thờ cho 52 hương linh, đúng dịp rằm tháng Bảy năm đó, thầy có nhắn mình qua để dự buổi cầu siêu cho các vị nhưng thật tiếc, hôm đó đúng dịp mình đi công tác nên không đến được. Tuy nhiên, mỗi lần qua Tịnh thất lạy Phật, mình không bao giờ quên thắp một nén hương cho các hương linh. Trong làn khói nhẹ nhàng bay lên, mình cảm thấy như họ đang rất cô đơn vì họ nằm đây như những người vô danh đã gần 40 năm rồi. Nếu ai đến vườn tre trúc của thầy Phúc, xin đừng quên thắp cho các vị nén hương để họ ấm lòng ./.

    +++