Vụ máy bay rơi ở Sơn Trà (phần 2):

    0
    78
       

    Để viết tiếp phần sau của vụ máy bay rơi cách đây gần 40 năm, tôi đã suy nghĩ rất kỹ và có phần phân vân. Đang lúc nhà nước bài trừ mê tín dị đoan và mọi người đang đả phá các nhà ngoại cảm, liệu có ai tin những chuyện như vậy? Nhưng rồi nghĩ lại, chuyện tuy có phần hư ảo nhưng đó là sự thật và đó cũng là nguyên nhân nhờ đó mà thầy Phúc tìm được danh sách 48 trong tổng số 52 vị nằm đây.
    Phải nói rằng việc tìm kiếm danh sách những người bị tử nạn trong vụ máy bay rơi năm 1979 ở núi Sơn Trà cũng mất rất nhiều thời gian. Như đã nói, nhiệm vụ của chuyến bay là mật, những giấy tờ, công văn liên quan đều không thể công khai nên để có danh sách người trên chuyến bay không hề dễ dàng. Sau này qua lời của một số người liên quan mới biết rằng ngày 15/3/1979, có nhiều người trên chuyến bay dân sự đó dù đã mua vé nhưng giờ chót đã được hàng không đổi chuyến vì chuyến bay này chỉ để dành cho những người đi làm nhiệm vụ.
    Nghĩ rằng phải lần tìm manh mối từ ngành hàng không, nhân có một người hay đến thăm vườn là cán bộ ở sân bay Đà Nẵng, thầy Phúc đã nhờ họ giúp việc này. Người đó đã nhờ đến ông một người đang công tác tại Cục Hàng không Việt Nam và kể cả ông Phạm Quý Tiêu, nguyên là Thứ trưởng Bộ GTVT, Phó chủ tịch Ủy ban An ninh hàng không dân dụng Quốc gia (vị Thứ trưởng này vừa qua đời hồi tháng 02/2016 vì bạo bệnh). Tuy nhiên, khi tìm kiếm thì ngay cả đến Cục Lưu trữ cũng không lưu danh sách này.
    Ngoài cái tên tìm ra đầu tiên từ một cô gái đến thăm vườn là bạn của con gái người tử nạn, thầy Phúc đã lần hồi tìm được một số danh tính nhờ những hiện tượng kỳ lạ. Như đã nói, sinh viên ở Đà Nẵng hay đến đây chơi và giúp thầy những việc lặt vặt, nhất là các sinh viên có ngành học liên quan đến ngành sinh học. Có một em trưa đó ngủ lại. Em mơ thấy có hai người đang lóp ngóp bò từ dưới suối lên, người ướt đẫm. Họ nói tên của họ là Phan Vĩnh Đôn và Phan Vĩnh Hòa, nhờ em giúp đỡ. Tỉnh dậy, em kể lại cho thầy nghe và đọc luôn hai cái tên. Thầy Phúc đã ghi vào sổ tay để ghi nhớ, kiểm chứng lại.
    Sự việc trôi qua. Có một hôm, một chị là trưởng phòng kinh doanh ở một ngân hàng kéo bạn bè đến vườn chơi. Biết việc thầy đang làm (ghi chép danh sách để chuẩn bị cầu siêu), chị về nhà kể lại cho bạn bè nghe. Không ngờ có một người quen khi nghe câu chuyện mới thốt lên rằng: hồi xưa ở khu tập thể của chị có hai cha con nghe nói là rơi máy bay ở Sơn Trà, không biết có phải vụ này không? Hỏi tên gì, chị bảo là Phan Vĩnh Đôn và Phan Vĩnh Hòa. Chị trưởng phòng kinh doanh gọi điện báo cho thầy biết (dù thầy hoàn toàn không kể cho chị nghe câu chuyện về giấc mơ của cậu sinh viên). Thầy rất đỗi bàng hoàng dù đã lường trước rằng hai cái tên trong giấc mơ có liên quan đến việc thầy đang làm.
    Sau khi đứng ra làm lễ cầu siêu cho các vị được khoảng một tuần, thầy Phúc lại nhận thêm được một cái tên trong danh sách những người tử nạn. Chị Thuy Le con gái của bác Lê Tự Diêu, một trong những người tử nạn đã kể rằng qua người cô của chị, có một người đã khuất nhờ nói lại với thầy Phúc rằng sao trong danh sách không có tên của con trai ông dù con ông cũng có mặt trên chuyến bay đó. Hỏi tên ông thì ông nói rằng ông tên Phan, họ Vũ. Và cho biết thêm tên của ông đã được đặt cho một con đường ở Hà Nội. Sau khi chị Thuỷ ra Hà Nội tìm hiểu thì mới biết được con đường đó mang tên nhà văn Vũ Ngọc Phan. Ông chính là người báo cho biết con trai ông chưa có tên trong danh sách chuẩn bị cầu siêu. Vậy là danh sách được bổ sung thêm tên trung tá Vũ Hoài Tuân, sinh năm 1932 (là con trai của nhà văn Vũ Ngọc Phan, em trai của Giáo sư Viện sĩ Vũ Tuyên Hoàng).
    Còn nhờ đâu mà thầy Phúc có trong tay danh tính của 6 người Nga thì đó lại là câu chuyện dài khác. Theo ông Nguyễn Hữu Mẫn kể lại: “Đêm ấy tôi đã ko ngủ và gõ vào mạng – ko hiểu sao tôi lại gõ ” tưởng niệm những người Nga hi sinh…” và rồi đã cho tôi thấy tượng đài ở Cam Ranh… Tôi ko đọc được dòng tên chỉ đọc được dòng ngày mất 15/3/ 1979… Điều trùng lặp sáng hôm sau 6g tôi lại đi công tác Cam Ranh cùng GĐ Lê Hoàng Dũng. Tôi kể chuyện cho sếp nghe và hai anh em vừa xuống máy bay đã chạy đến tượng đài và gặp đúng tên của các vị người Nga ấy… chúng tôi đã thắp hương, cầu nguyện..” (tôn trọng người kể chuyện, tôi sao chép lại nguyên văn một bình luận của anh trong phần 1 câu chuyện này).
    Trong danh sách hiện nay vẫn còn thiếu danh tính 4 vị. Vì vậy, mong các cô bác anh chị nào có người thân trong chuyến bay này biết tên tuổi của bạn bè, đồng nghiệp của người thân mình cùng đi mà chưa có tên trong danh sách, vui lòng gửi thêm thông tin cho thầy Phúc. Đặc biệt có một trường hợp lúc mất còn nhỏ tên là Dũng, hiện vẫn chưa biết quê quán và họ tên đầy đủ.
    P/s: Đến nay, qua các bình luận trong phần 1, tôi thấy rằng có một số bạn đã xác nhận trong danh sách có tên người thân của họ. Mong các anh chị nếu biết thêm thông tin gì về những người đã mất là đồng đội của người thân mình (quê quán, năm sinh hoặc địa chỉ hiện nay của người thân), xin cung cấp để thầy Phúc có thể hoàn chỉnh danh sách những người tử nạn trong vụ máy bay rơi tháng 3/1979 ở Sơn Trà một cách chính xác nhất. Nhân đây, tôi cũng xin cảm ơn anh Nam Anh Tran , con trai của bác Trần Tú Bảo và chị Nguyễn Thị Mai Hoa , con gái của cô Nguyễn Thị Thôi đã góp ý chỉnh sửa tên và cơ quan của bác Trần Trung được chính xác. Xin cảm ơn mọi người!

    Advertisement
       

    LEAVE A REPLY

    Please enter your comment!
    Please enter your name here