
14/06/2024
PGS.TS. NGÔ HUY CƯƠNG
Trường Đại học Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội
Tóm tắt: Các quy định của pháp luật về pháp nhân rất quan trọng, chiếm dung lượng lớn trong bất kỳ một hệ thống pháp luật nào. Chúng trải rộng và dài trong cả lĩnh vực luật công, luật tư và không thể chỉ được chứa đựng trong một hoặc một vài văn bản quy phạm pháp luật. Ở Việt Nam hiện nay, các quy định của pháp luật về pháp nhân còn sơ sài, mất tính đồng bộ, hệ thống và còn nhiều hạn chế gây ảnh hưởng tới môi trường pháp lý cho sự phát triển của đất nước.Nguyên nhân chính là do chúng ta chưa nghiên cứu thỏa đáng và không chú ý tới cấu trúc bên trong của pháp luật nói chung, của chế định pháp nhân nói riêng.Trong bài viết này, tác giả phân tích khái quát về cấu trúc bên trong của chế định pháp nhân, từ đó nhìn lại các quy định của pháp luật về pháp nhân của Việt Nam và có ý tưởng nghiêng hẳn về lập pháp.
Từ khóa: Pháp nhân; cấu trúc bên trong của pháp nhân; hệ thống pháp luật; luật công; luật tư.
Abstract: The provisions on legal entities are very important, and occupy a large space in any legal system. They are both vertically and horizontally widespread in both public law and private one and cannot be encapsulated in just one or a few legal documents. In Vietnam, provisions on legal entities seem sketchy, lack uniformity and systematicity, and have several shortcomings that affect the legal environment for the country’s development. The main reason is that there is not adequate research and sufficient attention to the internal structure of the law in general and provisions on legal entities in particular. In this article, the author provides a general analysis of the internal structure of the legal entity regime, accordingly gives reviews of the provisions on legal entities in Vietnam and gives an idea implying the legislation aspect.
Keyworks: Legal entity; internal structure of the legal entity; law system; public law; private law.
1. Nhìn lại khái niệm pháp nhân
Pháp nhân được xem là một mô hình tinh thần mô phỏng vị trí pháp lý của thể nhân (tự nhiên nhân). Nhưng pháp nhân có những điểm rất khác với thể nhân, nên không thể có quy chế pháp lý hoàn toàn giống với quy chế pháp lý của thể nhân. Tuy nhiên, chúng đều là chủ thể của pháp luật, vì thế việc nói tới lý luận nền tảng chung về chủ thể của pháp luật là không thể thiếu khi nghiên cứu về pháp nhân.
“Người” trong lĩnh vực pháp lý bao gồm cả thể nhân và pháp nhân mà chúng đều mang bản chất là các quan hệ xã hội.
Ở Việt Nam, thuật ngữ “pháp nhân” và thuật ngữ “tư cách pháp nhân” được hiểu như nhau về mặt pháp lý. Thậm chí, trong xây dựng pháp luật, thay vì sử dụng thuật ngữ người hay chủ thể của pháp luật là cá nhân, thì người ta dùng thuật ngữ “nhân thân” (ví dụ: Bộ Dân luật năm 1972 của Việt Nam Cộng hòa có Quyển thứ nhất mang tên “Nói về nhân thân” trong khi Bộ luật này kế thừa Bộ Dân luật Bắc Kỳ năm 1931 không chỉ về mô hình và những ý tưởng lớn, nhưng ở Bộ Dân luật năm 1931, Quyển thứ nhứt mang tên “Nói về người”, tức là “người” hay “nhân thân” có cùng một nghĩa, có nội dung pháp lý như nhau).
Ở Common Law, pháp nhân được gọi là “corporation” và được chia thành “corporation sole” (được tạo nên bởi một người, ví dụ như người giữ chức sắc trong một cơ quan thuộc giáo hội mà có luật gia Việt Nam gọi là “pháp nhân đơn nhất”) và “corporation aggregate” (được tạo nên bởi một vài người mà có luật gia Việt Nam gọi là “pháp nhân tập thể”). “Corporation sole” thường là các cơ quan chính quyền được tạo lập như một pháp nhân đơn nhất, lâu dài mà được nắm giữ bởi các cá nhân kế tiếp nhau (ở Anh quốc quan niệm nhà Vua như “Corporation sole”, dù nhà Vua cụ thể nào đó chết nhưng “Corporation sole” thì vẫn tồn tại cho sự lên ngôi khác).
Nguyên nhân chính là các giáo trình này xa rời kiến thức pháp lý nền tảng, không đối chiếu với ngay cả những quy định rõ ràng của Bộ luật Dân sự năm 1995, Bộ luật Dân sự năm 2005 và Bộ luật Dân sự năm 2015. Cả ba Bộ luật này đều không đưa ra một định nghĩa về pháp nhân, nhưng đều có điều luật xác định các điều kiện mà một tổ chức được xem là có tư cách pháp nhân. Bộ luật Dân sự năm 1995 (tại Điều 94), Bộ luật Dân sự năm 2005 (tại Điều 84) và Bộ luật Dân sự năm 2015 (tại Điều 74) đều có một dẫn giải như nhau, rằng: “Một tổ chức được công nhận là pháp nhân khi có đủ các điều kiện sau đây:”, và liệt kê các điều kiện tiếp theo. Đó không phải là định nghĩa chung về pháp nhân, vì pháp nhân bao gồm ba loại là pháp nhân nhiều thành viên, pháp nhân một thành viên và pháp nhân không thành viên. Ngay tại Điều 77 (điểm g và điểm h khoản 2) của Bộ luật Dân sự năm 2015 có quy định xác nhận sự tồn tại của loại pháp nhân không thành viên ở Việt Nam.
2. Nhìn lại một số nội dung pháp lý của chế định pháp nhân
Khi nghiên cứu về pháp nhân, nhất là để cho việc xây dựng pháp luật, không thể không phân tích những điểm giống và khác nhau giữa hai loại chủ thể quan trọng nhất của pháp luật như đã biết là thể nhân và pháp nhân; từ đó, mới có thể xây dựng được quy chế pháp lý chung cho pháp nhân.
2.1. Điểm khác biệt về pháp nhân không có cơ thể sinh lý
Công thức pháp lý tổng quát nhất, quyết định cho sự phát triển của kỹ thuật pháp lý chủ yếu là: Nếu có một nguồn gốc hay căn cứ pháp lý, thì sẽ làm phát sinh ra một hệ quả pháp lý (tức là làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt một quan hệ pháp lý hay một quyền lợi nào đó).
Nguồn gốc hay căn cứ pháp lý, nói tóm lại, gồm có ba loại, đó là: (1) Hành vi pháp lý (bao gồm hợp đồng và hành vi pháp lý đơn phương làm phát sinh ra hệ quả pháp lý bởi ý chí của đương sự); (2) Sự kiện pháp lý (làm phát sinh ra hệ quả pháp lý ngoài ý chí của đương sự có thể do đương sự gây ra hoặc không do đương sự gây ra); và (3) Hiệu lực của luật (làm phát sinh ra hệ quả pháp lý bởi ý chí của nhà làm luật, kể cả hệ quả đó do một đạo luật quy định trực tiếp).
Thể nhân có được nhân cách pháp lý do sự kiện pháp lý (cụ thể là được sinh ra, mà bản thân người được sinh ra không thể lựa chọn). Do đó, pháp luật không thể áp đặt mục đích ra đời của thể nhân.
Trong khi đó, pháp nhân là một “con người tinh thần” (không có cơ thể sinh lý), nên không thể được sinh ra như thể nhân. Do đó, pháp luật phải quy định về nguồn gốc hay căn cứ pháp lý mà theo đó pháp nhân được hưởng nhân cách pháp lý, tức là có khả năng hưởng quyền và gánh vác nghĩa vụ pháp lý. Vậy chỉ còn lại hai trong ba nguồn gốc hay căn cứ pháp lý nói trên được xét tới, đó là: hành vi pháp lý và hiệu lực của luật.
Ở Việt Nam, pháp luật không xác định rõ bản chất pháp lý của pháp nhân nói chung và từng loại pháp nhân nói riêng. Thế nhưng, Luật Doanh nghiệp năm 2020 quy định về thành lập pháp nhân mà qua đó có thể hiểu bản chất pháp lý của các pháp nhân công ty (thương nhân pháp nhân hay pháp nhân thương mại) là hành vi pháp lý. Cụ thể là điểm đ khoản 1 Điều 216 Luật Doanh nghiệp năm 2020 quy định: Cơ quan đăng ký kinh doanh chỉ chịu trách nhiệm về tính hợp lệ của hồ sơ đăng ký kinh doanh. Như vậy, đòi hỏi đăng ký việc thành lập pháp nhân thương mại chỉ là sự đòi hỏi cho “sự biết đến của pháp luật” đối với thành lập pháp nhân thương mại. Và “Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp” chỉ là bằng chứng đầu tiên về việc người đăng ký trở thành thương nhân hay trở thành pháp nhân thương mại, và còn phụ thuộc vào chứng minh ngược lại. Tuy nhiên, đạo luật này chưa xác định được rõ ràng bản chất pháp lý của pháp nhân là doanh nghiệp nhà nước, nhất là doanh nghiệp có 100% vốn của Nhà nước. Tất nhiên, các pháp nhân công pháp, nhất là các cơ quan công quyền, có bản chất pháp lý là pháp luật. Bản chất này thể hiện rõ nhất trong các căn cứ để ra văn bản mà thường được ghi ở đầu các văn bản hành chính và thể hiện ở đòi hỏi về Nhà nước pháp quyền.
Pháp nhân không có cơ thể sinh lý nên việc chấm dứt pháp nhân hoàn toàn không giống với thể nhân. Pháp nhân chấm dứt bởi chỉ hai loại căn cứ là hành vi pháp lý (bởi tự nguyện) hoặc hiệu lực của luật (bởi luật). Trong khi đó thể nhân bị chấm dứt hầu hết bởi sự kiện pháp lý, tức là sự kiện chết do tự nhiên hoặc do bệnh tật hoặc do đột tử hoặc do tại nạn hoặc do bị giết chết bất hợp pháp, hoặc bởi hiệu lực của luật trong một số ít trường hợp như bị thi hành hình phạt tử hình. Thể nhân cũng có thể tự chấm dứt sinh mạng của mình bằng tự tử hoặc thực hiện quyền an tử.
Vì không có cơ thể sinh lý nên pháp nhân có thể hợp nhất, sáp nhập, chia, tách và chuyển đổi hình thức pháp lý, trong khi đó thể nhân thì không thể, mà chỉ có thể chuyển giới. Việc cải tổ công ty cũng phải xét từ nguồn gốc pháp lý hay căn cứ pháp lý của chúng để điều chỉnh thích hợp. Ngay việc chuyển giới ở thể nhân cũng phải xem đó là một quy trình y tế hay một quy trình pháp lý để thiết lập các quy chế thích hợp. Nếu nó là một quy trình pháp lý thì phải xem rằng bản chất là một hành vi pháp lý đơn phương hay là hiệu lực của luật.
Vấn đề quan trọng bậc nhất khi mà pháp nhân không có cơ thể sinh lý giống với thể nhân để có được ý thức là ý chí của pháp nhân được biểu lộ như thế nào. Vì vậy, không quy chế pháp lý nào về pháp nhân mà không nói tới đại diện của pháp nhân và bộ máy để xác định ý chí của pháp nhân, nhất là đối với pháp nhân nhiều thành viên; hầu hết quy định về các hình thức công ty dành cho bộ máy của pháp nhân và thiết lập đại diện của pháp nhân. Tùy từng hình thức công ty mà có các quy định về đại diện khác nhau. Đối với công ty trách nhiệm hữu hạn hay công ty cổ phần thì bình thường là có một đại diện theo pháp luật. Nhưng đối với công ty hợp danh thì không thể quy định chỉ có một người đại diện theo pháp luật. Bộ luật Dân sự năm 1995 và Bộ luật Dân sự năm 2005 đã đánh đồng pháp nhân tư pháp và pháp nhân công pháp, nên quy định dường như chỉ một người đại diện theo pháp luật của pháp nhân, như chế độ thủ trưởng trong các cơ quan hành chính. Tuy Bộ luật Dân sự năm 2015 có quy định trường hợp nhiều đại diện theo pháp luật của pháp nhân tư pháp nhưng lại không thiết lập nguyên tắc tương ứng thích hợp.
Khi một pháp nhân có nhiều đại diện theo pháp luật, thì pháp luật cần quy định hai nguyên tắc sau: Thứ nhất, không được lợi dụng việc có nhiều đại diện theo pháp luật để chống lại người thứ ba ngay tình; và thứ hai, mỗi người đại diện được xem như có quyền đại diện cho tất cả mọi vấn đề của pháp nhân. Cả Bộ luật Dân sự năm 2015 và Luật Doanh nghiệp năm 2020 đều không chú ý tới hai nguyên tắc này. Việc quy định quyền đại diện của từng người đại diện theo pháp luật trong điều lệ của pháp nhân chỉ có giá trị giải quyết các vấn đề tranh chấp trong nội bộ của pháp nhân vì phải tuân thủ nguyên tắc lớn hơn – đó là nguyên tắc hiệu lực tương đối của hợp đồng.
Vì không có cơ thể sinh lý nên pháp nhân không thể có các quyền về hôn nhân và gia đình, cũng như các quyền về bầu cử, ứng cử. Người ta cũng không thể xác định các vấn đề pháp lý khác của pháp nhân dựa trên yếu tố nơi sinh hay huyết thống.
2.2. Điểm khác biệt về pháp nhân ra đời và tồn tại cho một mục đích xác định
Bởi thấm thía về tự do, Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định nguyên tắc tự do thành lập pháp nhân tại khoản 2 Điều 74. Tuy nhiên, cần hiểu rằng, pháp nhân được thành lập phải nhằm mục đích nhất định. Bởi thế, pháp luật luôn đòi hỏi sự ra đời của nó phải được pháp luật cho phép hoặc được pháp luật biết đến. Luật Doanh nghiệp năm 2020 có quy định về một chủng loại mục đích của pháp nhân. Vì vậy, phân loại pháp nhân có ý nghĩa quan trọng bởi vì qua phân loại đó chúng ta có thể thấy ngay mục đích của pháp nhân. Điều này rõ ràng và rành mạch nhất đối với các pháp nhân là những cơ quan công quyền.
Khoản 2 Điều 76 Bộ luật Dân sự năm 2015 “xé vụn” hơn ý tưởng trên để phân loại pháp nhân, xác định những mục đích lớn của pháp nhân. Luật Doanh nghiệp năm 2020 cũng có những quy định để xác định mục đích của pháp nhân trong khi tiến hành đăng ký thành lập các pháp nhân thương mại.
Việc phân loại pháp nhân như vậy để ngoài việc thiết lập quy chế chung của pháp nhân, pháp luật còn phải thiết lập từng quy chế cụ thể cho từng loại pháp nhân. Các quy chế pháp nhân có nhiều tầng nấc khác nhau. Ở Việt Nam hiện nay, đối với pháp nhân tư pháp, quy chế pháp nhân được thiết lập theo tầng nấc như sau: Trên hết là Bộ luật Dân sự năm 2015 có quy chế chung của pháp nhân tư pháp bao gồm các nguyên tắc và các quy tắc chung nhất của pháp nhân về nhân cách pháp lý mà pháp nhân được hưởng; dưới đó là Luật Doanh nghiệp năm 2020 thiết lập các quy tắc chung của pháp nhân thương mại, rồi quy chế riêng cho từng loại pháp nhân như công ty hợp danh, công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn nhiều thành viên và công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên. Ngoài ra, bên cạnh Luật Doanh nghiệp năm 2020, có nhiều đạo luật chuyên ngành khác có các quy định về pháp nhân trong các lĩnh vực tài chính, ngân hàng, hàng hải, hàng không…
Các pháp nhân công pháp là các cơ quan công quyền có quy chế hết sức chặt chẽ và minh bạch mà trước tiên dựa vào Hiến pháp, nơi tập trung lớn nhất các nguyên tắc và quy tắc tạo thành phần cao nhất trong sinh hoạt chính trị, pháp lý của một cộng đồng chính trị. Từ Hiến pháp, bộ máy nhà nước được thiết lập bằng các đạo luật mang tính hiến pháp như Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức Tòa án nhân dân, Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân, Luật Tổ chức chính quyền địa phương… Trong các đạo luật này các quy chế về các loại pháp nhân công quyền ở lớp thấp hơn được chỉ ra, như các bộ, ngành…
2.3. Sản nghiệp của pháp nhân và cá biệt hóa pháp nhân
Sản nghiệp của pháp nhân và cá biệt hóa pháp nhân thường được nghiên cứu chung liên quan tới các quyền dân sự của pháp nhân mà có những điểm tương đồng với thể nhân. Nhưng trước hết, vấn đề hình thành sản nghiệp luôn được chú ý đến đầu tiên trong việc thành lập pháp nhân, nhất là đối với việc thành lập pháp nhân thương mại.
Những loại pháp nhân có bản chất là hành vi pháp lý, thì góp vốn hay hùn vốn là điều khoản quan trọng nhất và được xem xét tới đầu tiên trong hành vi pháp lý đó. Việc góp vốn hay huy động vốn có liên quan tới từng loại hình thức pháp lý của pháp nhân. Do đó, các quy chế pháp lý riêng của từng loại pháp nhân luôn cần chú ý. Ngoài ra, việc định đoạt phần vốn góp hay cổ phần cũng là vấn đề mà luật về pháp nhân không thể không chú ý tới. Tuy nhiên, chúng đều mang bản chất là trái quyền.
Khi lâm vào tình trạng phá sản, quản tài viên có chức năng quản lý sản nghiệp phá sản, xác định tài sản nợ, thu hồi tài sản có của con nợ bị phá sản và có thể dẫn tới thanh toán tư pháp. Vấn đề này cũng có phức tạp trong xác định sản nghiệp phá sản và theo đuổi khoản nợ của pháp nhân là công ty hợp danh. Vì vậy, ngay trong pháp luật phá sản cũng cần có những quy định đặc thù về loại hình pháp nhân nào đó.
Pháp nhân cũng giống như thể nhân có tên riêng, có quốc tịch, có trụ sở, có trách nhiệm. Hiện nay, ở nước ta, việc truy cứu trách nhiệm hình sự pháp nhân thương mại đã được quy định trong Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Tuy nhiên còn quá nhiều quy định không phù hợp với sự khác biệt của pháp nhân so với thể nhân. Ngay khái niệm về pháp nhân thương mại được quy định tại Điều 75 của Bộ luật Dân sự năm 2015 cũng không chuẩn, khiến cho khó có thể thi hành các quy định về trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại theo Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).
3. Kiến nghị
Vì thiếu nghiên cứu về cấu trúc bên trong của pháp luật nói chung và chế định pháp nhân nói riêng, nền tảng luật học của nước ta còn yếu. Do đó, từ giảng dạy, áp dụng pháp luật cho tới xây dựng pháp luật còn đang vướng phải những khó khăn nhất định, làm cho hệ thống pháp luật thiếu tính đồng bộ và tính thống nhất, có nhiều hạn chế và khó đi vào cuộc sống theo đúng như mong muốn.
Bởi các lẽ đó, trước hết cần nghiên cứu và phân tích kỹ lưỡng cấu trúc bên trong của pháp luật để xác định được mô hình mà tại đó có xét đến sự theo đuổi học thuyết pháp lý nào đấy trước khi xây dựng luật.
Vì bị ảnh hưởng chủ yếu, quá lớn và có tính quyết định bởi các văn bản quy phạm pháp luật, nên làm luật ở nước ta là quan trọng nhất để thúc đẩy luật học, tư pháp và thực hiện pháp luật phát triển./.
[10] John H. Farrar (2007), Salmond and Corporate Theory, Victoria University of Wellington Law Review, p.925.
(Nguồn tin: Bài viết được đăng tải trên Ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu lập pháp số 09 (488), tháng 5/2024.)
The degree to which I admire your work is as substantial as your own enthusiasm. Your visual presentation is refined, and the material you’ve written is stylish. However, you seem apprehensive about potentially delivering something that may be viewed as questionable. I’m confident you’ll be able to address this issue promptly.