Cộng Hoà theo chân Dân Chủ xem việc miễn thuế gói hàng trị giá $800 gửi từ Trung Quốc là sai lầm

1
130
   
NGƯỜI VIỆT
WASHINGTON, DC (NV) — Bây giờ tới lượt những người thuộc phe bảo thủ có tư tưởng đề phòng Trung Quốc, đối thủ kinh tế hàng đầu của Mỹ, muốn ngăn chặn tình trạng các gói hàng miễn thuế từ Trung Quốc ồ ạt tiến vào Mỹ, theo AP hôm Thứ Bảy, 24 Tháng Sáu.
Luật hiện hành của Mỹ quy định các gói hàng nhập cảng có giá trị dưới $800 đều sẽ được miễn thuế đầu vào, miễn là được gửi cho cá nhân. Đây được gọi là Quy Tắc Tối Thiểu.
Hồi năm ngoái, đảng Dân Chủ ở Hạ Viện là bên thúc đẩy việc cấm hàng Trung Quốc được hưởng Quy Tắc Tối Thiểu. Còn các nhóm doanh nghiệp và các thành viên chủ chốt của đảng Cộng Hòa phản đối. Do đó đề nghị này không trở thành luật.
Thế nhưng chỉ vài tháng sau, mọi chuyện lại thay đổi nhanh chóng.
Trước cơn bão những gói hàng miễn thuế dạng này từ Trung Quốc, càng có thêm ý kiến muốn hạ thấp ngưỡng tối thiểu, thậm chí muốn một số quốc gia không được hưởng đặc quyền miễn thuế.
Điều này sẽ gây ra tác động lớn đối với những doanh nghiệp thương mại điện tử và người mua các hàng nhập cảng từ Trung Quốc, cũng như gia tăng căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc.
Tuy nhiên, Quy Tắc Tối Thiểu này lại giúp đẩy nhanh tốc độ thương mại và giảm chi phí cho người tiêu dùng, đồng thời cho phép quan thuế Mỹ tập trung nguồn lực vào các mặt hàng có giá trị cao hơn, tạo ra nhiều doanh thu thuế quan hơn cho chính phủ liên bang.
Ông John Drake, phó chủ tịch Phòng Thương Mại Mỹ, người ủng hộ giữ nguyên quy tắc tối thiểu, cho rằng quy tắc này bị đặt thành vấn đề vì có liên quan đến Trung Quốc và những khó khăn liên quan đến thương mại khác.
Trong những năm gần đây số lượng hàng hóa nhập cảng vào Mỹ thuộc diện miễn thuế theo quy tắc tối thiểu tăng cao nhanh chóng.
Năm 2016, mức tối thiểu từng được Quốc Hội nâng từ $200 lên $800. Điều này khiến khối lượng hàng như vậy ồ ạt cập bến Mỹ. Nếu trong năm 2016, Mỹ ghi nhận 220 triệu gói hàng, thì năm 2021 là 771 triệu, trong đó Trung Quốc chiếm 60%.
Ông Robert Lighthizer, cựu đại diện thương mại dưới thời cựu Tổng Thống Donald Trump, nhấn mạnh rằng mỗi ngày Mỹ nhận đến hai triệu gói hàng, hầu hết đều ở Trung Quốc, trong khi chẳng ai biết trong đó có gì.
Vì vậy, ông kêu gọi Quốc Hội loại bỏ hoàn toàn quy tắc tối thiểu, hoặc giảm xuống mức thấp hơn nhiều, chẳng hạn $50 hoặc $100. Nếu không, các công ty ngoại quốc sẽ lợi dụng kẽ hở và khiến ngành sản xuất trong nước trì trệ.
Trong một nghị quyết, Ủy Ban Về Đảng Cộng Sản Trung Quốc của Hạ Viện kêu gọi giảm ngưỡng tối thiểu miễn thuế, đặc biệt đối với “các đối thủ ngoại quốc, bao gồm Trung Quốc.”
Theo họ, Trung Quốc có thể khai thác ngưỡng $800 để bán hàng trực tiếp cho người tiêu dùng Mỹ và né tránh các luật của Mỹ về ngăn chặn lao động cưỡng bức. Ủy ban này thể hiện sự lo lắng nhiều nhất về Temu và Shein. Chỉ riêng hai cái tên này đã chịu trách nhiệm cho hơn 30% lô hàng miễn thuế vào Mỹ mỗi ngày.
Khả năng cạnh tranh cũng là thứ ủy ban lo ngại. Nếu các nhà bán lẻ của Mỹ như Gap hoặc H&M phải chịu thuế nhập cảng lần lượt là $700 triệu và $205 triệu vào năm 2022, thì Temu và Shein chỉ toàn nhập cảng các gói hàng diện miễn thuế.
Trong tháng này Thượng Viện cũng giới thiệu một vài dự luật mới liên quan đến quy tắc tối thiểu, chủ yếu là chấm dứt cho một số quốc gia áp dụng quy tắc này, ví dụ Nga và Trung Quốc, hoặc giảm ngưỡng tối thiểu miễn thuế.
Theo ông Drake, việc cắt giảm ngưỡng tối thiểu không chỉ khiến nhiều doanh nghiệp nhỏ của Mỹ phải chịu khoản thuế lớn hơn, mà nhiều nơi còn phải tuyển vị trí môi giới hải quan để xử lý các lô hàng.
Ông cho rằng Quốc Hội nâng mức tối thiểu vào năm 2016 vì họ biết rằng điều này sẽ đem đến lợi thế cạnh tranh cho cộng đồng doanh nghiệp Mỹ, đồng thời tiền thuế từ các lô hàng có giá trị thấp này cũng không “có nhiều giá trị.” (MPL) [kn]
(Hình minh hoạ: Mychele Daniau/AFP via Getty Images)
Advertisement
   

1 COMMENT

  1. Hi my family member! I wish to say that this post is amazing, nice written and come with almost all significant infos. I would like to see extra posts like this .

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here