Từ vụ Nguyễn Quang Tuấn: Thể chế chuyên biến giả thành thật và ngược lại!

0
20

Thiên Hạ Luận

Trân Văn

Tuy sự kiện Giáo sư, Tiến sĩ Y khoa Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai ở Hà Nội bị khởi tố vì “vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng (1) không làm thiên hạ ngạc nhiên nhưng cảm xúc về sự kiện này trên mạng xã hội vẫn phức tạp, đó là sự đan xen lẫn lộn giữa buồn, tiếc và ngán ngẩm…

Ông Tuấn, 54 tuổi, từng được xem là nhân vật tiêu biểu cho đội ngũ trí thức XHCN: Tốt nghiệp chuyên ngành Bác sĩ Đa khoa của Đại học Y Hà Nội. Tu nghiệp hai năm về tim mạch ở Toulouse (Pháp). Đạt học vị Tiến sĩ tại Việt Nam. Được phong hàm Phó Giáo sư rồi Giáo sư. Được tặng giải “Nhân tài Đất Việt”. Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội. Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai Hà Nội. Được bầu vào Quốc hội Khóa 14. Đến Khóa 15 tiếp tục được chọn để tái ứng cử vào Quốc hội nhưng vài ngày trước khi dân chúng bỏ phiếu bầu đại biểu cho Quốc hội Khóa 15, ông Tuấn xin… rút lui vì người ta phát giác… có gian lận trong mua sắm thiết bị cho Bệnh viện Tim Hà Nội, thời ông là Giám đốc nơi này!

Trong đợt dịch COVID-19 thứ tư vừa qua, ông Tuấn là người điều hành Trung tâm Hồi sức tích cực cho bệnh nhân COVID-19 Bạch Mai ở TP.HCM – nơi hàng ngàn nhân viên y tế, sinh viên Cao đẳng Y tế Bạch Mai được điều động từ Hà Nội vào hỗ trợ TP.HCM ngăn ngừa đại dịch… Đó cũng là điều khiến nhiều người nghĩ như Phạm Tuấn Anh: Buồn cho một thầy thuốc tài năng, giỏi về chuyên môn, đồng nghiệp nề phục về đức độ nhưng vẫn không tránh khỏi cái bẫy của cơ chế và những sai lầm trong công tác quản lý. Với ngành y, quá hiếm những người đáp ứng nổi việc làm chuyên môn giỏi, đồng thời là một người quản lý tài ba. Đáng tiếc cho nền y học nước nhà và cả cho bác ấy (2)! Hoặc như Cong Hoan Nguyen: Buồn vì ngành y lại mất một nhân tài và đau vì một thày thuốc có học hàm, học vị cao tột cùng, có năng lực lại sa chân vào vũng bùn tham nhũng (3)!

Cũng đã có những người như Vũ Đức Tâm, tâm sự: Tôi đã ở Bệnh viện Tim Hà Nội một tuần. Trước khi làm Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, ông Tuấn là Giámđốc Bệnh viện Tim Hà Nội. Đó là một bệnh viện cực tốt và không có tệ phong bì. Ông Tuấn được biết đến là một trong những bác sĩ hàng đầu về tim mạch. Bác sĩ và người bệnh nói rằng ông Tuấn có công gây dựng nên sự thành công ở đấy. Trước đó, cũng tại Bệnh viện Bạch Mai, tiền nhiệm của ông Tuấn, Giáo sư Nguyễn Quốc Anh – một thầy thuốc mà tên tuổi, tài năng và y đức đều lừng lẫy, không thiếu danh hiệu nào, kể cả Anh hùng Lao động cũng đã bị bắt và cũng về tội danh tương tự như ông Tuấn (4)…

Vì sao lại thế? Nhiều người đưa ra những lý giải khác nhau, trong đó có Dương Quốc Chính. Ông Chính đưa lên trang facebook của ông nhận định: “Ai cho quan làm người lương thiện?”: Trường hợp anh Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc Bệnhviện Bạch Mai bị bắt khá giống trường hợp anh Đinh La Thăng. Tức là có sai phạm nhưng vẫn được đề bạt lên chức vụ to hơn rồi bị bắt ở vị trí to hơn đó. Ở vị trí đương nhiệm thậm chí các anh còn muốn lập công chuộc tội. Anh Thăng không có tì vết khi làm Bí thư TP.HCM, thậm chí còn có nhiều động thái dân tuý, khiến cho nhiều người dân xúc động, tưởng chừng đã có một quan phụ mẫu vì dân như việc đập hè phố bởi anh Hải “cẩu” hay việc yêu cầu Vinamilk mua sữa của nông dân… Anh Tuấn thì cải tổ Bệnh viện Bạch Mai theo hướng giảm chi phí cho người bệnh, vừa rồi đích thân vào TP.HCM chống dịch nhiệt tình. Anh còn nằm trong danh sách được thủ tướng khen thưởng (trong danh sách ở vị trí 44) nhưng chưa kịp nhận thì đã bị bắt. Bằng khen sẽ được trao trong trại hay bị tước bỏ? Cả hai đều dùng TP.HCM làm nơi lập công chuộc tội nhưng đều không thoát, đều bị bắt vì những lỗi lầm trong quá khứ chứ không phải ở vị trí đương nhiệm.

Trường hợp anh Tuấn kể ra cũng đau đớn khi người ta chờ lãnh đạo chống dịch xong rồi bắt, ngay trước khi kịp nhận bằng khen. Chuyện này làm mình liên tưởng đến trường hợp ông Vũ Ngọc Hải, nguyên Bộ trưởng Bộ Năng lượng, bị bắt vì để thất thoát trong dự án đường dây 500KV, rồi nhận kỷ niệm chương của Thủ tướng trong trại giam. Anh Chung “con” cũng vào lò sau khi chống dịch ở Hà Nội. Nhiều người vẫn nhớ tới phong cách chống dịch với những phát ngôn kiểu không còn gì để mất của anh. Đến mức thủ tướng phải lên tiếng cảnh cáo.Vừa rồi có doanh nghiệp lập công, tặng rất nhiều vaccine cho TP.HCM nhưng liệu có thoát tội do liên quan đến một số quan chức thành củi?Mình dự đoán là thời gian tới người ta sẽ thanh tra, kiểm toán ngân sách chống dịch và chắc chắn sẽ có một mớ quan lại vào lò. Vì dịch bệnh là cơ hội để anh em đốt tiền ngân sách, chỉ định thầu bừa bãi, ăn uống mạnh bạo hơn qua sân sau như việc test nhanh vô tội vạ chẳng hạn. Thời gian qua đã có anh Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc CDC Hà Nội vào lò – để lại bao nuối tiếc với giới y tế – vì liên quan đến việc thất thoát trong việc mua sắm thiết bị y tế. Không hiểu vụ đó có làm anh em chùn tay (5)?

Dự đoán của ông Chính giống một dự đoán khác mà ông Mai Bá Kiếm nêu ra cách nay một tháng, khái quát tình trạng lãnh đạo ngành giáo dục và ngành y tế liên tục bị bắt vì cùng phạm tội “vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”. Sau khi liệt kê hàng loạt vụ bắt giữ ba Giám đốc các Sở GDĐT ở Điện Biên, Thanh Hóa, Quảng Ninh trong vòng bốn tháng vừa qua và chín lãnh đạo ngành y tế các địa phương trong gần hai năm nay bởi ai cũng bắt tay với bên bán, nâng khống giá mua trang bị, thiết bị,… nhằm chứng minh đó là… bệnh mãn tính của cả hệ thống, hoàn toàn không có thuốc chữa! Cũng vì vậy, ông Kiếm bỡn cợt, sắp tới, có lẽ ngành tòa án nên soạn “án mẫu” khi xử viên chức lãnh đạo hai ngành giáo dục và y tế, còn các tòa soạn nên soạn “tin mẫu”, rồi tùy vụ mà sửa tên bị cáo, địa điểm phạm tội, thời gian! Ông Kiếm tin rằng: Nếu Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho kiểm toán việc huy động, phân bổ và sử dụng các nguồn lực phòng, chống dịch COVID-19 thì chắc chắn bộ phim dài này còn nhiều tập (6).

***

Sự kiện ông Nguyễn Quang Tuấn bị khởi tố vì “vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng là lý do ông Võ Đắc Danh dẫn lại một sự kiến khác cũng liên quan đến ông Tuấn, xảy ra cách nay khoảng hai năm. Hồi tháng 10 năm 2019, khi thảo luận về Dự luật sửa Luật Cán bộ công chức và Luật Viên chức, nhiều đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa trước (Khóa 14) cho rằng… phải tham khảo phương pháp chọn nhân tài của ông Hồ Chí Minh và dựa vào tư tưởng của ông Hồ Chí Minh để viết lại dự luật. Người duy nhất phản đối quan điểm này của đám đông đại biểu cho ý chí, nguyện vọng toàn dân là ông Dương Trung Quốc. Ông Quốc không đồng ý việc bê nguyên xi tư tưởng Hồ Chí Minh về nhân tài vào dự luật và luật vì… Thời đại đã thay đổi, có những giá trị vẫn còn nhưng chúng ta phải nhìn nhận khác! Thời đó có những giá trị lớn hơn tiền bạc, ví dụ yêu nước. Phần lớn những người bác dùng được đào tạo ở chế độ cũ nhưng họ sẵn sàng hy sinh tất cả giá trị vật chất để thực hiện mục tiêu yêu nước!..

Lúc đó, ông Tuấn là người chỉ trích ông Quốc gay gắt nhất. Ông Tuấn nhấn mạnh: Cho dù thời cuộc có thay đổi, chúng ta đã có cơ chế thị trường, đồng tiền len lỏi vào từng người, từng nhà, từng cơ quan nhưng chúng tôi – những nhân sĩ trí thức, nhà khoa học, cán bộ viên chức đang làm việc trong nhà nước không phải vì tiền mà vì lòng tự tôn dân tộc, vì lòng yêu nước giống hệt các nhân sĩ cách đây 70 năm (7)… Nhân sự kiện ông Tuấn vừa bị khởi tố vì thông đồng nâng giá mua bán thiết bị cho Bệnh viện Tim Hà Nội, Võ Đắc Danh bày tuyên bố vừa kể của ông Tuấn cách nay hai năm bên cạnh một bình luận rất ngắn: Một trong những trí thức tầm cỡ quốc gia, Giáo sư Tiến sĩ, Đại biểu Quốc hội, phát biểu nghe rất rất là,… Ha ha ha (8)!

Chú thích

(1) https://dantri.com.vn/suc-khoe/giam-doc-bv-bach-mai-bi-khoi-to-bi-can-ai-se-tam-thoi-dieu-hanh-benh-vien-20211021190633480.htm

(2) https://www.facebook.com/drtuananhpham/posts/10208978068205757

(3) https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=3041503166131490&id=100008155087990

(4)

https://www.facebook.com/vuductamhaiphong/posts/3042582065976494

(5) https://www.facebook.com/chinh.duongquoc.56/posts/2180281792124772

(6) https://www.facebook.com/bakiem.mai/posts/1753183961540133

(7) https://plo.vn/thoi-su/db-tuan-co-dam-nhuong-chuc-cho-nguoi-gioi-hon-khong-866151.html

(8) https://www.facebook.com/100001531817130/posts/4510808698980146/

Tự kể điều mình biết, tự nói điều mình nghĩ với hàng triệu người đã trở thành chuyện đơn giản và bình thường. Khi một người nói, nhiều người có thể cùng nghe, bất kể người nói là ai, làm gì, ở đâu thì vai trò, vị trí của cá nhân trong tương tác với xã hội đã khác trước và chắc chắn sẽ càng ngày càng khác.

Đó cũng là lý do để dù muốn hay không, hệ thống truyền thông chính thống phải tự thay đổi. Ban Việt ngữ VOA cũng thấy phải tự thay đổi…

Trước mặt bạn là “Thiên hạ luận” – chuyên mục mới của Ban Việt ngữ VOA. Tuy nhiên đây chỉ là bước đầu tiên – tập hợp thông tin, ý kiến của nhiều người sử dụng mạng xã hội bằng Việt ngữ về những sự kiện, vấn đề đang được nhiều người quan tâm và có thể là mọi người nên biết, nên bàn thêm – của một tiến trình.

Liệu “Thiên hạ luận” có thể trở thành nơi mà độc giả chủ động đóng góp mọi thứ (thông tin, ý kiến, hình ảnh) về những sự kiện, vấn đề mà theo họ, mọi người cần biết, cần bàn hay không sẽ do các bạn quyết định.

Các bài viết của Thiên Hạ Luận là blog cá nhân và được đăng tải với sự đồng ý của đài VOA nhưng không phản ánh quan điểm chính thức của chính phủ Hoa Kỳ.