Vũ Tuân cùng với Kỳ Văn Cục.
Kỷ niệm 31 năm đến CH Pháp.
▪︎Phần 1: Thương tặng hương hồn Sơn Núi.
Thằng Sơn, có biệt danh Sơn Núi, râu quai nón, dáng to đậm, săn chắc dân biển Hải Phòng. Nó sanh năm Nhâm Dần 1962, hơn tui một tuổi nhưng lúc nào cũng một mực gọi tui là đại ca và xưng em mặc dù tui thấy khó chấp nhận. Nó luôn luôn cười phân bua “Tuổi tác chẳng là cái đ. gì hết đại ca ạ. Dân Hải Phòng em đã kính nể ai thì xưng hô như vậy đó !”
Chậc, kệ bà nó, riết rồi tui cũng quen tai.
Sơn Núi sang Martin, Slovakia (cựu LB Tiệp Khắc) diện học nghề cơ khí sau tui ba năm. Trong khi tui sang diện ‘lờ đờ’, tức hợp tác lao động năm 1982. Hai đứa tui hạp nhau ở các khoản nhậu, hơi có tánh Lục Vân Tiên và rất lỳ đòn khi đụng trận. Khá nhiều lần hai thằng phải ôm đầu máu chạy vì quân địch kéo đông quá. Cả hai còn giống nhau ở chỗ bị vợ cắm sừng mà ly hôn. Tui được tòa xử cho nuôi con nhưng nó thì không. Con gái nó tên Soňa (Sonia), sanh sau thằng Lucas Minh Tú con tui một năm.
Cuối năm 1989 bức tường Bá Linh sụp đổ. Dòng người từ Đông Âu vượt biên giới sang Tây Âu nườm nượp, dĩ nhiên người Việt nếu có điều kiện cũng không bỏ lỡ cơ hội hiếm hoi này. Tụi tui bàn tính, phân công nhau. Nó tìm mối tổ chức và tui nghiên cứu đường đi Pháp bởi có người chị ruột ở Strasbourg.
Đầu tháng Mười 1990 nó toe toét khoe đã có mối, còn phần tui thì cũng đã liên lạc xong với người chị bên Pháp. Nếu trời không bỏ thì cuối tháng sẽ ‘nhổ neo’.
*(Phải hầu cà phê cho bx vừa thức dậy. Chiều cổ đi trực BV thì sẽ viết tiếp)
***
Chị tui đi Pháp năm 1985 theo diện ‘gia đình hồi hương’ vì anh rể tui là con lai. Ổng tên Th.Tui quen ổng trên các vỉa hè đường phố Nha Trang. Nhà ổng ở bên Hộ, thuộc phường Phương Sơn nhưng vì hoài niệm căn nhà cũ ở Đào Duy Từ, mà nhà nước tịch thu qua ‘đánh tư sản’, nên ổng hay lang thang về quanh đó tìm bạn cũ. Đường Đào Duy Từ không xa quán cơm Việt Nam của gia đình thằng Chính Quắn học cùng lớp tui. Tối cuối tuần tụi tui thường tập trung ngồi lề đường trước quán chuyền tay nhau điếu thuốc, tợp chung ly cà phê đá mà đờn ca. Ông Th. tánh hơi khật khưỡng nhưng đờn và hát nhạc ngoại rất hay. Chắc vì tui có mỏ chu nên chơi Harmonica. Hai anh em ráp duyên nhau nhờ song ca bè bủng nhiều bài, mà bài ăn ý nhứt đó là How can I tell her. Một hôm nọ tui đưa ổng về nhà chơi. Rồi kể từ đó đêm nào ổng cũng vác cây đờn thùng tới nhà kiếm tui mới phiền. Tui phiền thiệt tình. Bởi vì ngoài giờ đi học thì tối tui còn phụ Má buôn bán ngoài ga xe lửa. Những lúc chưa tới giờ tàu, thường là trễ chuyến thì đúng hơn thì tui vù đi chơi với bạn bè, hơi đâu tiếp ổng hoài. Vậy là chị tui tiếp bởi “thấy ổng tồi tội”. Tánh ổng ngang ngang, khật khùng nên dễ bị ‘chúng ghét’. Đã có nhiều lần tui bị méc vốn là “Tụi tao mà không nể mày thì đã đập nó thấy mịa rồi.”. Tự nhiên tui trở thành người bảo kê cho ổng luôn.
Nhà tui ở phường Phương Sài, đi một quãng ngắn là qua bên chợ Phường Củi, phường Phương Sơn. Một hôm tui nổi hứng muốn qua đó thăm ổng thì bị một băng bên đó dí đánh vì nhớ mặt trong một trận đã khá lâu. Tui bị ăn mấy đòn gỗ xe ba gác, quần loe thành tè le, cắm đầu chạy mất cả sa pô (mốt dép da có đế cao su xốp dày khoảng 5 phân thời ấy). Tui chạy xộc vô UBND phường. Chẳng thà bị du kích bắt chùi cầu tiêu hơn là bỏ mạng vô duyên. Sau này mới biết tụi nó là đàn em của ông anh ruột mới oái oăm.
Ngày lên tàu Thống Nhất ra tập trung ở Hà Nội để bay sang Tiệp Khắc dù biết trước nhưng Ba biểu phải dấu Má vì bà có tiền sử bịnh tim. Anh Th. cũng đưa tiễn và tặng một cuốn vở chép nhạc ổng sáng tác. Tui giữ kỷ, sau này vượt được sang Pháp vẫn còn và tặng ngược lại ổng bởi vì ổng bị thất lạc mất tập nhạc của chính mình.
Tháng Chín 1982 tui vừa mới đầy 19t. Ba 59 và Má chỉ 56. Lúc được Ba và vài anh chị đưa tiễn ra ga Nha Trang, cách nhà tui chỉ một ngã cua đi bộ, thì không hiểu cách nào Má biết mà chạy ra theo. Lúc đó tui đã ngồi trên toa, Ba phải mua vé ‘đi tiễn’, một dạng vét rất xhcn, thì mới được vào bên trong. Ba đứng dưới cửa sổ toa tàu dặn dò tui đủ thứ.
“Tuấn, Tuấn…con ơi… đi mà không cho má hay biết gì vậy con…”. Má dụi mặt giữa hai chấn song hàng rào sắt ngăn cách với đường tàu bằng khoảng sân rộng mười thước. Một tay Má với tới vẫy lia lịa. Tiếng thét và gương mặt giàn giụa nước mắt của Má vẫn ám ảnh tui trọn cuộc đời. Ba tui trấn an “Nó đi 5 năm rồi về thôi Má nó ơi…”. Tui cũng khóc mà tự trách mình đã không ôm hun Má trước chuyến đi quá xa. Tui trách luôn cả Ba, trách luôn cả nhà bắt tui phải dấu Má.
Hà Nội cuối tháng Chín hơi ẩm ướt. Mặc dù vừa mới qua Trung Thu nhưng Hà Nội chẳng có chút dấu hiệu trang hoàng nào. Nói không ngoa, thủ đô rất xơ xác và biểu ngữ Bác Đảng rặt một khuôn cho toàn quốc. Thằng Dũng, con của GĐ Cty nước ngọt quốc doanh Nha Trang mà tui vừa mới quen qua hành trình dài hai ngày một đêm từ Nha Trang ra Hà Nội hứa sẽ đưa tui đi tham quan Hà Nội vì ba nó là dân ‘tập kết’, ông lấy vợ và sanh ra nó ở đây. Trước hết cả đoàn được đưa lên xe nhà binh (của Nga sản xuất) đưa về nhà nghỉ thương binh QĐND. Cả đoàn ở đây đúng một tuần, đến đầu tháng Mười 1982 sẽ mới bay sang Bratislava (Slovakia) bằng phi cơ của hãng Aerophlot (Liên Xô).
Thằng Dũng giữ lời đưa tui về thăm nhà bà con của nó. Người già và bọn trẻ con từ đâu mọc lên kín quanh tui chỉ để khoái trá cười được nghe ‘giọng Sài Gòn’. Với họ thì những ai từ miền Nam ra cũng đều là người Sài Gòn tất.
Lần đầu tiên trong đời tui được uống ‘chè vối’ pha bằng lá vối tươi. Rất ngon. Chỉ ngồi chơi, chào hỏi bà con nó chút thôi, rồi tụi tui xin kiếu bởi vì không muốn họ khó xử khi phải mời ở lại dùng cơm chiều, mặc dù họ có nài nỉ. Thời buổi tem phiếu lúc ấy nhà nào cũng đều phải giật gấu vá vai cả.
Tui được thằng Dũng đưa đi thăm khá nhiều khu di tích xưa. Thời đó chỉ chụp ảnh dạo đen trắng và hẹn hôm sau lấy mà không cần phải đặt tiền cọc. Thứ tệ nhứt với tui là bia Trúc Bạch. Chẳng có ai nếm qua nước đái bò nhưng tại sao lại so sánh với nó nhỉ ? Đã vậy còn phải xếp hàng mua tem, sau đó lại phải xếp hàng bên cạnh chờ nhân viên ‘cửa hàng ăn uống Hoàn Kiếm’ chìa chai bia với khuôn mặt như đá tạc nữa.
Cứ đi mỏi chưn thì gọi xích lô một đoạn. Xe xích lô ở Hà Nội ngồi hai người còn rộng rãi. Đường xá toàn ổ voi mà xe chỉ lót gỗ phủ lên trên bằng những tấm nhựa giả da nứt nẻ vì nắng mưa. Muốn mua thứ gì thì tui cũng như người câm, không dám mở miệng vì thằng Dũng đã dặn trước “Mày mà mở mồm thì đến cứt cũng thành có giá, mà lại giá trên trời !”. Tụi tui nhảy xe điện hàng ngày vài lần. Tài tình là ở cửa nào cũng có sẳn người đeo băng thu tiền. Anh hên có chỗ ngồi hay anh đứng, thậm chí anh bám thành xe đều phải xòe tay ra bằng một giá với nhau. Thời ấy còn quá trẻ chẳng có ấn tượng gì với loại xe điện leng keng cà cọc đó đâu. Ấy vậy mà nay nhớ lại thì lòng dạ rất bồi hồi. Bao nhiêu người Hà Nội tiếc nuối và thế hệ trẻ sau này mất hẳn một di sản tinh thần của một phần lịch sử từng tồn tại ở thủ đô.
Một tuần Hà Nội trôi qua khá nhanh. Trước khi lên xe buýt ra sân bay Nội Bài thì bác lãnh đạo ở nhà nghỉ đến nói chuyện. Tựu trung là thay mặt đảng chúc-mừng và dặn dò phải phát huy truyền thống tốt đẹp của nhân dân ta khi đến sống và làm việc ở đất nước xhcn anh em. Cuối cùng thì bác ấy nhã nhặn “đề nghị cháu nào còn tiền VN thì cho nhà nghỉ xin bởi vì sang ấy các cháu đâu có xài được đâu.”. Mà bác ấy rất có lý.
Lịch trình chuyến bay phải dừng ở Bombay (Ấn Độ) không biết vì nguyên do gì. Ngồi tại chỗ trên máy bay trên nửa tiếng mà cảm giác dài lắm. Ngắm các cô tiếp viên Nga chán thì có mấy bố ngứa ngáy tay chưn, thấy nút nào cũng bấm thử xem sao. Bị mắng. Mà mắng bằng tiếng Nga thì mấy bố cũng hềnh hệch cười thôi. Sau đó thì máy bay dừng tiếp nhiên liệu ở phi trường Dubai (Các tiểu vương quốc Ả Rập). Bấy giờ là chiều tà, mặt trời hắt ánh vàng cam từ rất xa. Ở trên cao nhìn xuống thấy ánh đèn muôn màu, rực rỡ vô cùng. Hàng trăm người chúng tôi bị lùa xuống ngồi bệt dưới đất ở một góc bên trong phi trường hiện đại nhứt thế giới. Chung quanh có lính cầm tiểu liên đứng canh. Hành khách quốc tế đi ngang qua ai cũng dòm với ánh mắt đầy ngạc nhiên. Chẳng biết họ đánh giá chúng tôi là lũ vịt hay là một đám đông khủng bố nào vừa bị bắt. Hơn một tiếng ngồi đói khát dưới nền đá cẩm thạch thì chúng tôi được lùa trở lại về máy bay. Chuyến đi này khá mệt mỏi vì phải bay đường vòng để tránh chiến sự giữa Iraq và Iran.
Cuối cùng thì cũng đáp xuống phi trường Bratislava. Đón tiếp hàng trăm con người chúng tôi là những đợt gió lạnh buốt của đầu tháng Mười 1982. Hàng trăm con người ‘phong phanh áo vải hồn muôn trượng’, chưn dép lếch, đứng khép nép teo hết từ ngoài vô trong. Có bốn, năm chiếc xe ca đậu chờ ở phía xa. Sau khi chúng tôi được bàn giao cho các nhân viên của sứ quán Việt Nam thì những nhân viên này cầm giấy xướng tên từng người để chia ra làm hai đoàn, mỗi đoàn được một vài nhân viên sứ quán dẫn đi về hướng xe ca. Hai chiếc đi Olomouc (Czech), hai xe thì đi Martin (Slovakia), gồm 70 người.
Lên xe thì tất cả đều mệt nhoài. Có lẽ lần đầu tiên có một đám đầu đen đi chung với nhau mà im lặng đến thế. Tui nhắm mắt lại nghe tiếng thở đều đều của thằng Dũng ngồi cạnh bên. Tui thiếp đi lúc nào cũng chẳng hay. Mà nếu như có thức thì cũng chẳng ngắm được phong cảnh bởi vì bên ngoài kia là một màn đêm như mực.
Khoảng 5g sáng, trời tháng Mười vẫn tối hù, chúng tôi về tới trước KTX ở Martin. Con đường của KTX có tên 30 Oktobra (30 tháng Mười!)
(Sẽ cố gắng hồi tưởng để viết tiếp)