Tòa kết án nhóm Báo Sạch từ 2-4,5 năm tù vì ‘lợi dụng tự do dân chủ’

0
11
Nhà báo Trương Châu Hữu Danh làm việc hồi tháng 1/2019 khi còn tự do.

VOA Tiếng Việt

Tòa án huyện Thới Lai, thành phố Cần Thơ, hôm 28/10 tuyên án tù từ 2 đến 4 năm rưỡi đối với 5 thành viên nhóm Báo Sạch vì phạm tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức cá nhân”, căn cứ theo Bộ luật Hình sự.

Các bản tin của Reuters và báo chí Việt Nam cho biết ông Trương Châu Hữu Danh, 39 tuổi, nhận mức án nặng nhất là 4 năm 6 tháng tù.

Bốn người còn lại là Nguyễn Phước Trung Bảo, Đoàn Kiên Giang, Nguyễn Thanh Nhã, Lê Thế Thắng, trong độ tuổi từ 36-41, bị phạt tù từ 2-3 năm. Tòa cũng phán rằng cả 5 ông bị cấm hành nghề báo chí trong 3 năm.

Báo chí trong nước dẫn lại quan điểm của tòa xác định rằng 5 thành viên nhóm Báo Sạch đã “đăng nhiều bài viết sai sự thật lên mạng, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến các tổ chức, cá nhân”.

Như VOA đã đưa tin, 5 người kể trên lập ra nhóm Báo Sạch trên Facebok hồi năm 2019 và nhanh chóng gây nhiều tiếng vang, đạt được lượng theo dõi khổng lồ do họ đăng nhiều tin, bài về các sai phạm của các quan chức tham nhũng cũng như của một số doanh nghiệp ở Việt Nam.

Không ít độc giả của Báo Sạch nhận xét rằng nhóm có những bài viết rất thẳng thắn và có những bằng chứng rất xác thực.

Hồi tháng 12/2020, ông Trương Châu Hữu Danh bị bắt. Hơn 4 tháng sau, tiếp tục đến 3 thành viên nữa của Báo Sạch bị bắt, riêng ông Lê Thế Thắng được tại ngoại.

Trả lời phỏng vấn của VOA chỉ một ngày trước khi bị bắt, ông Danh nói rằng ông thường viết về các sai phạm cụ thể của các quan chức địa phương và “không liên quan đến chế độ” hay “thể chế”, vì vậy, ở thời điểm đó, ông không tiên liệu rằng mình sẽ bị bắt.

Ông Danh thậm chí còn cho rằng việc làm của cá nhân ông và của nhóm “nên được khuyến khích”.

Tuy nhiên, theo tường thuật của báo chí bị nhà nước Việt Nam quản lý, bản án của phiên tòa diễn ra từ ngày 27-28/10 viết rằng các bài viết của ông Danh và đồng phạm tuy “không sử dụng hình ảnh, câu chữ rõ ràng mang tính chống phá, nhưng qua cách thức, nội dung trình bày đã khiến dư luận tin vào bài viết là đúng”.

Hệ quả là có nhiều người vào bình luận, bày tỏ cảm xúc, chia sẻ, công kích, sử dụng ngôn từ khó nghe đối với các tổ chức, cá nhân, vẫn theo bản án.

Điều đó cho thấy “bị cáo có ý đồ, mục đích lôi kéo các đối tượng xấu tham gia bình luận chống phá đường lối, chủ trương của đảng, nhà nước”, bản án khẳng định.

Tại phiên tòa, hội đồng xét xử cho rằng hành vi của các bị cáo “gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến vai trò, uy tín của lãnh đạo đảng, nhà nước, chính quyền địa phương; gây hoang mang nghi ngờ, mất niềm tin trong nhân dân, gây bất ổn xã hội”.

Cũng đưa tin về phiên tòa song bản tin của Reuters trích lời ông Phil Robertson, Phó Giám đốc tại châu Á của tổ chức Human Rights Watch (Theo dõi Nhân quyền) nói rằng Việt Nam không được đối xử với báo giới như thể họ là “kẻ thù của nhà nước”.

“Tống giam thêm các nhà báo công dân vẫn sẽ không ngăn được mọi người lên tiếng khiếu nại hoặc đòi cải cách ở Việt Nam”, ông Robertson nói, và đề nghị chính phủ cần phải “công nhận rằng các nhà báo công dân và báo chí độc lập là đồng minh của nền quản trị tốt”.

Vụ bắt bớ và bỏ tù nhóm Báo Sạch nằm trong chuỗi các vụ có tính chất tương tự mà chính quyền Việt Nam thực hiện để trấn áp những người đăng bài “chống nhà nước” trên mạng xã hội.

Việt Nam lâu nay bị chỉ trích về việc chính quyền kiểm soát chặt chẽ thông tin, báo chí, và không khoan nhượng với các hành vi chỉ trích.

Các phiên xét xử giới bất đồng và các nhà hoạt động ở Việt Nam cũng thường bị các tổ chức bảo vệ nhân quyền xem là bất công vì họ cho rằng ở Việt Nam không có nền tư pháp độc lập.