‘Studies’ từ một người Việt

0
38

Tin ông Trần Hữu Dũng qua đời làm nhiều người hụt hẫng kể cả những người chưa từng gặp gỡ, trò chuyện với ông.

Có nhiều người Việt là Tiến sĩ là Giáo sư của những đại học bên ngoài Việt Nam. Không ít người khi này, khi khác đã từng bày tỏ sự trăn trở, rồi phân tích, góp ý về những vấn đề liên quan đến quá khứ, hiện tại, tương lai của Việt Nam. Ông Dũng là một trong số những người như thế nhưng dấu ấn ông tạo ra đậm hơn, sâu hơn.

“Viet Studies” không chỉ là nơi ông Dũng bày ra những thông tin, nhận định có liên quan đến quá khứ, hiện tại và tương lai mà ông nhặt nhạnh từ khắp nơi cả ở bên ngoài lẫn bên trong Việt Nam. Người ở ngoài dùng “Viet Studies” để xem điều gì đã, đang cũng như sẽ xảy ra tại Việt Nam và người ở bên trong dùng “Viet Studies” theo hướng ngược lại.

Ông Dũng dùng hiểu biết, kinh nghiệm của một Tiến sĩ, Giáo sư để thực hiện “Viet Studies” nhưng không như một Giáo sư, Tiến sĩ. Trần Hữu Dũng miệt mài với “Viet Studies” trong vài thập niên bằng tư cách của một người Việt từng trải. Có lẽ Trần Hữu Dũng là một trong số rất ít những người Việt trải nghiệm tất cả những khía cạnh của nhiều phía – phía bên này, phía bên kia và cả phía những người không may rơi ngay vào giữa hai bên. Có thể chính sự từng trải này khiến thông tin, nhận định được lựa chọn và bày ra trên “Viet Studies” mang nét riêng, không thể lẫn với những trang web khác cũng làm cùng loại việc như ông.

Có thể chính sự từng trải ấy của Trần Hữu Dũng khiến “Viet Studies” trở thành nơi được nhiều người Việt chọn làm chỗ ký thác tâm sự của riêng họ. Đó có thể là tâm sự về những chuyện đã qua, những suy tư về chuyện đang xảy ra hoặc dự đoán về những chuyện sắp tới – một loại diễn đàn vì không có ở Việt Nam nên phải cậy đến “Viet Studies” với niềm tin vào hiệu quả lan tỏa, tác động của trang web này. Cũng vì vậy, ngoài “studies”, “Viet Studies” còn giống như một loại nhiệt kế, thể hiện “số đo” hiện tình Việt Nam cả ở bên trong lẫn bên ngoài Việt Nam. Trần Hữu Dũng không còn, còn ai có thể miệt mài với loại công việc ngốn thời gian, sức lực để tạo ra, duy trì một chỗ vô vụ lợi như “Viet Studies”?

Dường như chính Trần Hữu Dũng cũng không ngờ ông sẽ rời bỏ “cuộc chơi” cho nên trên “Viet Studies”, ông chỉ thông báo: “Vì bận nhiều việc, trang này sẽ không được cập nhật thường xuyên khoảng 1 tuần, kể từ thứ hai 27/2/23”… Còn một chuyện khác có thể “study” từ “Viet Studies” là cho dù việc ông làm tạo ra tác động rất lớn đến tri thức – nhận thức – hành xử của nhiều người, nhiều giới nhưng Trần Hữu Dũng không ngạo thị, không kể công. Trần Hữu Dũng xem những việc ông làm như một loại nghĩa vụ mà một người Việt, một trí thức cần làm cho xứ sở của mình, dân tộc của mình. Cũng vì vậy, mỗi khi việc thực hiện nghĩa vụ bị gián đoạn, ông luôn xin lỗi.

Năm ngoái, Trần Hữu Dũng đã xin lỗi một lần vì ngưng làm việc mà không thông báo. Lần này, ông cũng xin lỗi… Tuy điều đáng tiếc có vẻ ngoài mong muốn của chính ông nhưng Trần Hữu Dũng vẫn kịp làm được điều mà không phải ai cũng có thể làm khi từ biệt cuộc đời – tạ lỗi.

Giống như nhiều người khác đã nhận không ít lợi ích từ “Viet Studis” xin tạ ơn ông – Trần Hữu Dũng, một trong những người mà khi sống, ngoài việc trả nợ cơm, áo luôn cố gắng hướng đến những thứ cao hơn cơm, áo một chút. Chỉ “một chút” vì nếu cho rằng lớn hơn, có thể ông lại không thích cũng như không thích được gọi là Giáo sư – Tiến sĩ!

Trân Văn là bút danh của một nhà báo có 28 năm làm việc ở nhiều vị trí khác nhau (Cộng tác viên, Phóng viên, Biên tập viên, Thư ký Tòa soạn) của một số đài truyền hình, đài phát thanh, nhật báo, tuần báo, báo điện tử tại Việt Nam và Hoa Kỳ. Các bài viết của Trân Văn là blog cá nhân và được đăng tải với sự đồng ý của đài VOA nhưng không phản ánh quan điểm chính thức của chính phủ Hoa Kỳ.

https://www.voatiengviet.com/a/studies-tu-mot-nguoi-viet-/6989525.html

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here