Tuỳ bút của nhà văn Phạm Thị Hoài, một người theo đánh giá của GS Nguyễn Đăng Mạnh là “một tài nữ của văn chương Việt Nam đương đại ở tất cả mọi nghĩa”. Chắc hẳn vì phải chứng kiến và cám cảnh cho cuộc sống của nhiều cô gái Việt sống ở Đức nên bà dùng ngòi bút thâm hậu biên bài “BA BẢY ĐƯỜNG” đăng lên Tuần báo trẻ ngay sau ngày 8/3 vừa qua. Xin gửi group đăng lại bài này để các member cùng thưởng thức sức công phá ghê gớm của cách bà sử dụng từ ngữ và để chúng ta có cái nhìn cảm thông, cùng yêu thương hơn nữa một nửa người Việt đang phải tha hương lưu lạc xứ người.
BA BẢY ĐƯỜNG
Phạm Thị Hoài
Sau giai đoạn huy hoàng đánh thuốc lá lậu quy mô lớn đóng vai trò tích lũy nguyên thủy gây dựng cộng đồng, người Việt thuộc các đợt di cư tiếp theo sang Đức đã tỏa ra nhiều lĩnh vực khác, ngày càng đa dạng. Làm mi làm móng; làm bếp nóng cơm rang mì xào, bếp nguội cuốn sushi; giữ kho, giao hàng, bồi bàn pha nước, phụ hồ, bó hoa, sơn sửa, cạy cửa, trồng rau, hái dâu, nhặt nấm, cắt tóc, khuân vác, dọn rác, cờ bạc, cò mồi, lau chùi, nhặt ve chai, trông trẻ, buôn đồ cổ, trồng cỏ, đòi nợ, công ty hai ngón. Phụ nữ Việt, không ít người bán dâm.
Tôi không thấy phụ nữ bán thân để mưu sinh, mưu cầu hạnh phúc hay vì bất kỳ một lý do nào khác đáng khinh bỉ hay thương hại. Chúng ta đều tồn tại bằng cách bán chác những gì mình sở hữu hoặc không sở hữu và cả những thứ nẫng trộm hay cướp trắng của người khác. Bán óc sao lại sang trọng hơn bán trôn? Phe chống hợp pháp hóa mại dâm cho rằng gái điếm không bán thân thể mà bán phẩm giá, trong khi nhà văn như tôi chỉ bán một sản phẩm ngôn ngữ, và hai thứ đó không thể đánh đồng. Song tôi trút vào kỹ năng viết của mình không ít hay nhiều phẩm giá hơn cô gái điếm trộn nó vào kỹ năng tình dục; tuy nhiên vấn đề không phải ở đó, vì phẩm giá là thứ không mua hay bán được, mà nó bị đánh mất hay bị tước đoạt. Nhà văn có thể đi khách tinh thần, bán văn cách cho thị hiếu hay đạp lên chữ mà tiến thân và đánh mất phẩm giá của ngòi bút – tuy điều này hiếm khi giết chết một tác giả. Cô gái điếm có thể bị tước đoạt phẩm giá, song cô bị cưỡng bức hạ nhục chỉ trong một khoảng thời gian giới hạn và được thù lao theo thỏa thuận, vẫn hơn chán vạn những phụ nữ trọn đời làm nô lệ không công, làm đệm giảm xóc và thảm chùi chân, làm túi đấm và con ở, làm ống nhổ và khe phun cho các đấng ông chồng trong cái thiết chế xã hội được mệnh danh là hôn nhân và gia đình. Phẩm giá cũng có ba bảy đường.
Gái điếm bỏ nghề được coi là hoàn lương hay phục hồi nhân phẩm. Ngôn ngữ có thể tàn nhẫn như vậy. Song vốn tự có, như cách gọi mỉa tấm thân của gái ngành, chân thực hơn hẳn vốn đa cấp từ lùa gà lừa đảo, vốn ảo thổi khống của hàng loạt tập đoàn kinh tế từng là niềm tự hào quốc gia, hay vốn nhà nước tái cơ cấu để thất thoát. Lấy lỗ làm lời, như thành ngữ hiện đại, thậm cynic so với hình ảnh bán trôn nuôi miệng mộc mạc, là loại kinh doanh lương thiện hơn hẳn chiêu trò chuyển giá báo lỗ để ăn lời tránh thuế của rất nhiều doanh nghiệp ông lớn. Làm gái, như cách nói mặc nhiên khinh rẻ toàn bộ phái nữ, là làm một công việc thực sự đầu tư và tiêu hao sức lao động, hơn hẳn những job hờ vờ vịt như thường gặp ở giới công chức bàn giấy nhà nước. Tiếng Việt là một hiện trường bề bộn không ai buồn thu dọn; chúng ta thản nhiên dùng những từ ngữ đầy bỉ bôi kỳ thị như thế, thậm chí thấy thú vị, dễ mua vui.
Một cô gái nghề ở Berlin kể với tôi rằng ở Quảng Bình quê cô, không nói ra nhưng ai cũng biết đàn bà con gái sang đây làm gì là tốt nhất. Danh nghĩa là đi Đông Âu xuất khẩu lao động, song có mất trí mới bỏ ra nửa tỷ để ngồi im ở Tiệp hay Hung. Ai cũng bỏ hợp đồng, tìm đường sang Đức. Chẳng ai bị lừa bán vào lầu xanh hết. Người trước dắt người sau, có đường đi lối về thông tỏ cả. Cho thuê thân xác có vẻ là con đường giải thoát ngắn và ít rủi ro nhất cho những phụ nữ Việt không có gì ngoài một đống nợ và một kế hoạch đổi đời. Các nghề khác, may mắn thì hai năm hay lâu hơn, nếu không sa chân vào sàn bay và máy đánh bạc, mới trả hết nợ. Nghề này, tiếp bảy tám khách một ngày, 30 phút năm chục, một tiếng tám chục chưa kể tiền tip, mỗi tháng cũng để ra được dăm ngàn, nửa năm là xong vé. Làm thêm một năm nữa rồi có thai đúng thời điểm là đủ tiền mua một ông bố Đức cho con và cho mình ăn theo con. Cô may mắn được một khách quen thương, cưới làm vợ. Cô bảo, Tây nó thoáng lắm chị ạ, họ chẳng lăn tăn mình xuất thân thế nào. Cô đang làm thủ tục đón hai đứa con sang đoàn tụ, thằng Tây nhà em yêu tụi nhóc lắm. Vợ chồng đã về Quảng Bình thăm quê, được Ủy ban Nhân dân xã đón tiếp như doanh nhân thành đạt. Doanh nghiệp của cô bây giờ là đại lý cho thiên đường hạnh phúc. Lo khám sức khỏe, tiêm tránh thai định kỳ cho chị em, thuê phòng, đầy đủ chăn gối thơm tho và bao cao su chất lượng tốt, hậu cần cơm nước, chụp ảnh, quảng cáo, điều phối khách, dàn xếp xung đột. Trăm thứ việc, hưởng phần trăm vừa phải, không cắt cổ như nhiều má mì khác. Cô không cưỡng ép, không bóc lột, lại kiêm cả chức năng công đoàn nên được tín nhiệm. Từ nghề này đi lên, cô biết. Nước Đức cho phép mại dâm nhưng cấm môi giới, song chị em mới sang bỡ ngỡ lắm, cô cầm tay chỉ việc, giúp cho đến khi họ ra tự lập, cô không phải là hạng Tú Bà. Tôi hỏi, thế em có như nàng Kiều không? Cô cười rộ, úi, em mà Kiều thì thằng Tây nhà em là Từ Hải chắc? Hay Kim Trọng?
Việt Nam chắc chắn đã vượt qua Thái Lan trong ngành mại dâm ở Đức. Nhiều người ngạc nhiên, hiện tượng này khó giải thích bằng văn hóa cộng sản và truyền thống Khổng giáo. Song tình dục chính là hệ thống van đặc dụng của chiếc nồi áp suất chính trị và đạo đức. An toàn, không tốn ngân sách, dễ điều chỉnh. Trong tác phẩm “Praha thác loạn” (The Prague Orgy, 1985) của Philip Roth, nhân vật dâm nữ cuồng nhiệt Olga, người có cặp đùi đẹp nhất Praha, tuyên bố rằng đụ là tự do duy nhất còn lại ở đất nước này mà chúng nó không thể và cũng không cần đình chỉ. Nàng than phiền, có chủ nghĩa xã hội để làm gì nếu không ai chịu đụ nàng. Cả đống vĩ nhân thế giới đến Tiệp, nào Heinrich Böll, nào Carlos Fuentes, nào Graham Greene, nhưng chẳng ma nào đụ nàng. Sartre cũng vác mặt sang, Sartre không đụ nàng. Simone de Beauvoir theo Sartre sang, cũng không đụ nàng. Tất cả chỉ mải quan sát chính quyền Tiệp đàn áp nhân dân và viết kiến nghị mong cứu Tiệp Khắc, nhưng người ta chỉ có thể cứu Tiệp Khắc nếu đụ Olga. Nàng đòi nhà văn Mỹ cưới và đưa nàng ra khỏi Tiệp Khắc. Nếu không, ngay đêm nay nàng sẽ đi cuỗm một xe tăng Liên Sô để tự sát. Olga là vợ một nhà văn Tiệp lừng danh lưu vong ở phương Tây mà Milan Kundera là nguyên mẫu.
Nàng Kiều của tôi ở Berlin chưa bao giờ nghĩ về tự do tình dục và càng không nghĩ đến cứu nước. Nàng chỉ tự cứu mình. Hoàn toàn thiết thực, chủ động, bất chấp định kiến, không cần ai thương vay khóc mướn, không cam chịu thân phận, không diễn vai nạn nhân. Kiều cũng ba bảy đường.
https://www.facebook.com/groups/778019953000802/permalink/1391252365010888/
Tuần báo Trẻ, 09/3/2023