Mấy hôm nay tôi như bị ám ảnh, sau khi đọc bài viết của một cô gái kể về người cha bạo hành của mình. Chuyện bạo hành vốn nhan nhản trong xã hội Việt Nam vì những quan niệm cổ hủ và lối sống lạc hậu như một quán tính kéo dài dai dẳng. Chỉ đọc vài chi tiết trong bài đó thôi đã khiến ta khiếp sợ, kinh hãi. Ở đó, những hành động man rợ giáng xuống vợ con, gây ra những vết thương và sự tàn phá tâm hồn ghê gớm, có lẽ mãi mãi sẽ không bao giờ có thể chữa lành được.
Nhưng trong câu chuyện này, điều khiến tôi giật mình nhất chính là nhân vật người cha, vì đó là người tôi có biết tên tuổi, từng đọc sách do anh ta dịch, và có một thời gian kết bạn trên FB. Người này được giới chữ nghĩa và nghệ thuật biết tới như là nhà thơ, nhạc sĩ, dịch giả, nhà phê bình mỹ thuật, giám tuyển độc lập…, có một cuộc sống sang chảnh và luôn luôn nói về văn minh, về cái đẹp. Tóm lại, đó là một hình ảnh lung linh, hoàn mỹ về một người đàn ông thành đạt, có văn hóa cao thuộc tầng lớp thượng lưu.
Rồi đùng một cái, cô con gái quyết định nói ra 20 năm đau khổ của mình và người mẹ bất hạnh! Người đàn ông ấy giờ là một chân dung khác, đối lập như ánh sáng và bóng tối, như thiên thần và quỷ dữ. Câu chuyện này khiến tôi như đứng trước một thế giới xa lạ, xa lạ với xung quanh và với con người. Điều gì đã khiến họ trở nên độc ác ghê rợn như thế? Tri thức là gì khi nó không lương thiện hóa con người? Đạo đức giả là thứ thật ghê tởm.
Cô gái kia có lẽ đang phải đối diện với không ít áp lực và sự đe dọa. Nhưng cô cần được giải thoát khỏi gánh nặng này khi đã phải mang nó trên đôi vai nhỏ bé của mình suốt 20 năm qua, bằng cách nói ra.
Ai sẽ bảo vệ cô? Một câu chuyện như thế có khiến cái gọi là “cơ quan chức năng” quan tâm? Có khi nào, sau những lời cảm thán, một làn sóng tấn công nạn nhân sẽ nổi lên, như đã từng với rất nhiều nạn nhân của đủ thứ tội ác trong cái xã hội này?
Quan điểm của tôi rất giản dị. Hôn nhân là một cam kết, một khế ước giữa 2 người có tình thương yêu và mục đích chung, nhằm cùng nhau xây dựng một cuộc sống tốt đẹp. Khi những điều kiện và cả mục đích ấy đều đã đổ vỡ, như không còn tình yêu, sự tôn trọng và ý muốn xây đắp, thì lập tức ly dị.
Người phụ nữ ngày nay đã được giải phóng cơ bản về mặt thực tế. Xưa, do xã hội nông nghiệp nghèo nàn, họ phải phụ thuộc hoàn toàn vào chồng và nhà chồng, không thể tự chủ về kinh tế. Nay, cơ bản cả 2 vợ chồng đều cùng bước ra xã hội và cùng kiếm tiền. Người vợ ngày xưa “sảy nhà ra thất nghiệp”, chỉ còn nước chết đói nếu dám bỏ chồng; nhưng nay khác rồi, tệ nhất là đi làm công nhân cũng đủ nuôi thân và nuôi con. Cái cửa ải sinh tồn đã được mở ra – đó là điều quan trọng nhất.
Tôi còn thấy, nay nhiều phụ nữ sau ly hôn thường mau chóng kết hôn dù đã 1 – 2 đứa con, thậm chí là với trai tơ, chứ không phải chỉ “rổ rá cạp lại”. Nghĩa là một lần nữa, hạnh phúc không còn đóng chặt nữa với phụ nữ hiện đại sau một hay vài lần đò. Đây không phải cái gọi là “tự do quá trớn”, mà là điều hết sức tự nhiên. Các nước phương Tây hiểu điều này nên đã có luật ly hôn từ rất sớm. Không ai nên bị cầm tù bởi một khế ước đã đã bị vi phạm nghiêm trọng; trong khi hạnh phúc vẫn còn chờ đợi mình ở phía trước.
Hết sức vun xới, hết sức cứu vãn, nhưng dứt khoát không chịu đựng một cách vô lý. Người vợ sống 20 năm trong cảnh bạo hành địa ngục như thế mà có thể im lặng gánh chịu, dù đồng cảm nhưng tôi không bao giờ có thể đồng tình.
Phụ nữ (và đôi khi cả đàn ông nữa) cần hiểu rằng kinh tế, xã hội và quan niệm đã thay đổi căn bản, và từ đó mạnh dạn tự giải phóng cho mình khỏi những địa ngục trần gian mang tên gia đình.
Thái Hạo