Bắc Triều Tiên tiếp tục thách thức cộng đồng quốc tế bất chấp những lời cảnh cáo mạnh mẽ của Donald Trump. Các cuộc bắn thử tên lửa nối tiếp nhau và mọi người đang chờ đợi một cuộc thử nghiệm nguyên tử mới, được thông báo là « cận kề ». Kim Jong Un không có vẻ gì muốn dừng lại.
Thae Young Ho, một cán bộ ngoại giao từng là nhân vật số 2 đại sứ quán Bắc Triều Tiên tại Luân Đôn, vào năm ngoái đã đào thoát sang Hàn Quốc, cảnh báo về thực tế tình hình. Ông Thae Young Ho là một trong những nhân vật cao cấp nhất Bắc Triều Tiên đã bỏ trốn.
Thông tín viên RFI tại Seoul, Frédéric Ojardias, đã gặp được ông Thae Young Ho trong những điều kiện không khác gì một chuyện trinh thám gián điệp : hẹn được vào giờ phút chót, phỏng vấn trong một phòng khách sạn, với sự hiện diện của cận vệ và dưới sự bảo vệ nghiêm mật của mật vụ Hàn Quốc.
Thae Young Ho nói lên suy nghĩ của ông về viễn ảnh chương trình hạt nhân và tên lửa Bắc Triều Tiên.
« Kim Jong Un không hề điên ! »
Thae Young Ho : Đối với Kim Jong Un, chương trình phát triển hạt nhân và hỏa tiễn liên lục địa là cách duy nhất đảm bảo sự tồn tại của chế độ và « triều đại » của ông ta, cho nên ông ta kiên quyết thực hiện chương trình này, cho đến khi nào triển khai được những đầu đạn hạt nhân và hỏa tiễn có thể sử dụng được trên chiến trường.
Bắc Triều Tiên sẽ không đưa ra bất kỳ biện pháp nào để phi hạt nhân hóa. Tất cả mọi thỏa thuận tạm thời, mọi thỏa hiệp, đối với Bắc Triều Tiên chỉ là một phương cách để được chấp nhận như một cường quốc hạt nhân.
Một số người nghĩ là Kim Jong Un là một kẻ điên rồ, nhưng điều đó không đúng, Kim Jong Un không hề điên !
Kinh nghiệm Đông Âu : Để dân lật đổ chế độ
RFI : Nếu Bắc Triều Tiên từ chối, không phi hạt nhân hóa và nếu đối thoại không hữu ích gì, thì khủng hoảng có thể giải quyết ra sao ?
Thae Young Ho : Vấn đề hạt nhân chỉ có thể được giải quyết khi loại bỏ chế độ Kim Jong Un. Kim Jong Un sẽ không bao giờ từ bỏ tham vọng hạt nhân của mình. Điều này rất rõ.
Giải pháp quân sự thì không thể vì quá mạo hiểm. Giải pháp hòa bình thì sẽ là giải pháp nào ? Chúng ta phải rút kinh nghiệm từ việc các chế độ xã hội chủ nghĩa sụp đổ ở Đông Âu.
Thời Xô Viết, người Đông Âu biết là ở phía Tây, người ta hưởng tự do, dân chủ, được một nhà nước chăm sóc, bảo bọc… Chúng ta phải cần gieo rắc loại thông tin như thế ở bên trong Bắc Triều Tiên, bằng cách này hay khác, bằng nhiều cách.
Bây giờ tại Bắc Triều Tiên, phim ảnh, phim truyện Hàn Quốc, nội dung văn hóa Hàn Quốc đang thâm nhập đời sống hàng ngày người Bắc Triều Tiên (nhờ chợ đen). Qua các phim ảnh này, người Bắc Triều Tiên biết được xã hội Hàn Quốc tự do và trù phú.
Khi người Bắc Triều Tiên được có đầy đủ thông tin và hiểu biết khá rõ ràng, họ có thể nổi dậy, lật đổ chế độ. Tôi rất tin tưởng vào khả năng này.
Dân Bắc Triều Tiên hiện đã có dấu hiệu phản kháng
RFI : Nhưng ở Đông Âu, ngay từ thời Cộng Sản, đã có những cơ cấu mà các hành động phản kháng có thể dựa vào, còn Bắc Triều Tiên thì hoàn toàn không có… ?
Thae Young Ho : Trong thời gian gần đây, nếu đi trên đường phố Bắc Triều Tiên, thì ta thấy có nhiều người bán hàng bày bán những thứ không được chính phủ cho phép. Họ không bỏ chạy khi cảnh sát đến, ngược lại họ còn gây sự với lực lượng an ninh.
Đó là những điều mà chỉ một vài năm trước đây không ai có thể tưởng tượng nổi. Bây giờ ở miền Bắc, người ta bắt đầu kháng cự để có thể tồn tại.
Tầng lớp quyền chức sợ bị dân trả thù
RFI : Ông từng thuộc tầng lớp có chức có quyền ở Bình Nhưỡng. Theo ý ông, quan điểm của tầng lớp này đối với khả năng chế độ thay đổi là như thế nào ?
Thae Young Ho : Sau nhiều năm hành quyết các cán bộ cao cấp, tiếp tục chương trình hạt nhân và tên lửa, các tầng lớp lãnh đạo tại Bình Nhưỡng hoàn toàn nhận thức được thực tế là Bắc Triều Tiên sẽ không trở thành thịnh vượng nếu cứ theo chế độ hiện hành.
Nhưng họ phải đối mặt với tình trạng khó xử. Bởi vì họ đang tự hỏi điều gì sẽ xảy ra nếu một ngày nào đó Kim Jong Un bị loại bỏ, và chế độ bị thay đổi. Các tầng lớp này biết rất rõ rằng phần lớn dân chúng đã bị hiếp đáp và khai thác trong suốt 70 năm. Và họ sợ bị người dân trả thù.
Không một chế độ bạo tàn nào có thể sống mãi
RFI : Theo ông, chế độ Bắc Triều Tiên hiện nay có thể đứng vững được trong bao lâu nữa ?
Thae Young Ho : Tôi không tin rằng tình hình chia cắt hiện thời của bán đảo Triều Tiên sẽ kéo dài được lâu. Người dân ở miền Bắc hiện nay rất ý thức về sự thịnh vượng ở miền Nam.
Ngay chính ông Kim Jong Un cũng tự biết rằng chế độ hiện tại đang trong cơn khủng hoảng. Chính vì lý do đó mà ông ta đã đi đến hành động giết cả người chú dượng và người anh cùng cha khác mẹ của mình ! Bởi vì Kim Jong Un nghĩ rằng chú của ông ta có thể là một mối đe dọa đối với chế độ của ông ta trong tương lai.
Tôi không tin là một chế độ hay một xã hội nào đó có thể tồn tại vô hạn định bằng cách gieo rắc kinh hoàng khủng bố.
(Bài phỏng vấn Thae Young Ho, cựu nhân vật số 2 đại sứ quán Bắc Triều Tiên tại Luân Đôn, Anh Quốc, do thông tín viên RFI Frédéric Ojardias thực hiện tại Seoul.)