Trong số hàng chục loài cá voi « khủng » còn sống hiện nay, người ta còn tìm thấy loài cá voi lưng gù (dài từ 13-14m, cân nặng trung bình 25 tấn), loài cá voi hàm sừng nói chung (dài từ 19-20m, trọng lượng trung bình từ 40-50 tấn), và đương nhiên có loài cá voi xanh (30m chiều dài cho 170 tấn) –loại cá voi to nhất còn tồn tại trên Trái Đất hiện nay.
140 mẫu hóa thạch của những loài cá voi này, bao gồm cả 63 loài đã tuyệt chủng và 13 loài còn sống đã được nghiên cứu để tìm hiểu mối liên hệ giữa kích cỡ hộp sọ và kích cỡ toàn thân của loài động vật này.
Ông Nicolas Pyenson, giáo sư về cổ sinh học và các cộng sự của ông thuộc Smithsonian’s National Museum of Natural History đã chỉ ra hai nguyên nhân giải thích vì sao cá voi có thân hình to lớn đến như vậy.
Thứ nhất, theo các nhà khoa học, đó là do những biến đổi về khí hậu, xảy ra vào lúc đầu của kỷ băng giá. Cách nay 4 triệu năm, tổ tiên của các loài cá voi hiện nay chỉ dài từ 5-9 mét. Bước ngoặt chuyển sang thân hình « khủng » như ngày nay đã xảy ra cùng lúc đối với nhiều loài cá voi khác nhau, trong khi mà những loài nhỏ đang biến mất dần.
Ông Nicolas Pyenson nhận định : « Chúng tôi nghĩ là việc có được kích thước to lớn hơn dường như mang lại một ưu thế trong suốt thời kỳ biến đổi khí hậu này ».
Chẳng hạn, khi eo biển Panama bị khép lại cách đây ba triệu năm đã làm thay đổi cơ chế các dòng chảy đại dương, dẫn đến những thay đổi nguồn cung cấp thực phẩm cho loài cá voi. Các loại động vật phù du và loài thân giáp nhỏ (tôm cua…) sinh sôi ở khắp các vùng nước lạnh và theo mùa, nhưng cá voi lại sinh sản trong những vùng nước ấm nhiệt đới. Chính việc phải di chuyển hàng ngàn cây số mà cá voi cần phải có một thân hình to lớn để tích trữ năng lượng nhiều hơn, có nhiều nguồn dự trữ hơn cho những hành trình di trú dài dằng dặc.
Nguyên nhân thứ hai : thân hình to lớn cho phép có một cái miệng to hơn, và như vậy có thể tự nuôi mình một cách nhanh nhất nhưng tiêu hao năng lượng ít nhất. Loài cá voi xanh thân dài và thon, « không răng » nhưng miệng có khoảng 300 tấm sừng (mỗi chiếc dài một mét) mọc ở hàm trên.
Cổ cá voi còn có từ 60-90 nếp gấp mở rộng cổ họng, tạo thuận lợi cho việc thải nước sau khi đã giữ lại thức ăn. Với chiều dài xương hàm có thể đạt đến 6m, cá voi có thể mở và khép miệng dưới nước trong vòng 10 giây.
Các nếp gấp cổ họng bật ra như một tấm dù, kết hợp với tốc độ bơi nhanh về phía trước, cá voi có thể hớp được một lượng thức ăn rất lớn. Tất cả các loài thân giáp, cá, mực, động vật phù du… đều bị những tấm sừng hàm lọc giữ lại trong túi chứa thức ăn được tạo ở hàm dưới, còn nước thì được thải nước ra. Một kiểu « vợt hút » thức ăn rất đặc trưng của loài cá voi lưng gù hàm sừng, theo kiểu « lao chộp mồi ».
Kết luận cuối cùng của nghiên cứu này là… các nhà khoa học vẫn chưa thể nào hiểu được đời sống của loài cá voi. Đặc biệt, các nhà nghiên cứu vẫn chưa biết được cá voi phản ứng ra sao trước hiện tượng biến đổi khí hậu đang diễn ra và thay đổi có thể xẩy ra ở đại dương.