Vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh – Đức vẫn dứt khoát và cứng rắn

0
869
Trịnh Xuân Thanh khi còn đang ở nước ngoài. Ảnh: Chưa rõ nguồn
Trung Khoa

Chỉ ít tuần trước bầu cử tại Đức, việc An Ninh Việt Nam đưa đội đặc nhiệm cùng vũ khí đột nhập lãnh thổ các nước châu Âu để vào Đức bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh ngay giữa ban ngày, dấy lên làn sóng dân chúng Đức phản đối cách hành xử của nhóm tội phạm này đã ảnh hưởng đến an toàn của họ.

Vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh - Đức vẫn dứt khoát và cứng rắn

Các đảng đối lập nhân cơ hội này, đã đưa vấn đề an ninh tại nước Đức vào chương trình tranh cử, ông Christian Lindner, Chủ tịch FDP đã đưa ra cương lĩnh với phương châm: „Chúng ta phải tư duy lại: An ninh phải được tổ chức tốt hơn là tội phạm“.

Đáp lại, đương kim Thủ tướng Đức bà Angela Merkel đồng thời là Chủ tịch đảng CDU vẫn tỏ rõ quyết tâm giữ vững ổn định cho nước Đức với khẩu hiệu: „Vì một nước Đức mà ở đó chúng ta sống tốt và thích sống“.

Một diễn biến tiếp theo, nhằm xử lý triệt để vụ bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh, cơ quan Cảnh sát điều tra chuyên về các vụ án bắt cóc giết người của Đức đã vào cuộc ngay hôm 24.7, sau khi nhận được thông báo của luật sư biện hộ cho thân chủ Trịnh Xuân Thanh thông tin về việc ông này đã bị bắt cóc.

Theo một nguồn tin riêng từ nội vụ Đức, đây là vụ việc rất nghiêm trọng nên Cục tình báo liên bang Đức (BND) cũng được huy động vào cuộc từ rất sớm để nhanh chóng truy tìm ra dấu vết và các bằng chứng liên quan, chính vì vậy, trong một thời gian ngắn Chính phủ  Đức đã có đủ chứng cứ pháp lý để khẳng định “Có sự liên quan của cơ quan mật vụ Việt Nam với ĐSQ VN ở Đức trong vụ bắt cóc này“ để đưa ra lệnh trục xuất hôm 2.8 đối với người đại diện Tổng cục tình báo Việt Nam ở ĐSQ VN, buộc ông này phải rời khỏi nước Đức trong vòng 48 giờ.

Các biện pháp nghiệp vụ tiếp theo có lẽ đã được phía Đức áp dụng như kiểm tra lại dữ liệu của hàng trăm Camera an ninh được lắp khắp các ngả đường, sân bay, bến cảng, rà soát các cuộc gọi đi và đến từ tòa Đại sứ VN cùng những mối quan hệ của các đối tượng này trong thời gian gần đây.

Trả lời báo TAZ, phát ngôn viên Bộ Hợp tác kinh tế và Phát triển Đức cho biết, Chính phủ Đức bảo lưu quyền ngừng giải ngân cho Việt Nam. Các cơ quan liên quan sẽ thỏa thuận với nhau về những biện pháp kế tiếp có thể tiến hành. Kết quả có thể được đưa ra trong tuần này.

Thời kỳ băng giá mới giữa Berlin và Hà Nội đã có những tác động cụ thể. Theo thông tin của báo TAZ, ông Joachim Nagel, Đặc mệnh toàn quyền (Generalbevollmächtigte) và là thành viên tương lai của Ban Giám đốc Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW) đã hủy bỏ chuyến đi thăm Việt Nam được lên kế hoạch cho tuần này. Khi được hỏi, phát ngôn viên KfW cho biết „thời điểm này không thích hợp“. KfW phụ trách việc cho các nước đang phát triển vay tiền với lãi suất ưu đãi. Việc cho vay này là một phần lớn trong viện trợ phát triển cho Việt Nam.

Trong đàm phán giữa hai chính phủ trong tháng 5 mới đây, Chính phủ Đức đã hứa viện trợ cho Việt Nam khoảng 160 triệu Euro cho 2 năm tới với trọng tâm là dạy nghề và trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Ngay trong năm 2016, Đức đã có cam kết viện trợ 520 triệu Euro cho các dự án trong lĩnh vực năng lượng tái tạo và cải cách thị trường điện. Đối với Việt Nam, Đức là một đối tác kinh tế quan trọng, có quan hệ thương mại nhiều nhất với Việt Nam trong các nước EU.

Các quan hệ kinh tế và nhập cảnh giữa 2 nước bị thắt chặt trong thời gian sắp tới là điều khó tránh khỏi, điều này sẽ gây ra các hậu quả rất lớn về mối bang giao song phương giữa 2 nước nói riêng, cũng như giữa Việt Nam với châu Âu nói chung, nó cũng phá vỡ tình hữu nghị Việt Nam và Đức, điều mà Việt Nam đã dầy công đặt nền móng xây dựng từ những năm 1957 cho đất nước này.

Có lẽ hiện nay Việt Nam đang tìm cách đàm phán với phía Đức hầu hạn chế những thiệt hại, nhưng thái độ của Đức vẫn tỏ rõ sự dứt khoát và cứng rắn.

Trung Khoa – Thoibao.de 

1/ Thông cáo báo chí của Bộ Ngoại giao Đức hôm 2.8 về vụ việc Trịnh Xuân Thanh

2/ Ngân hàng tái thiết Đức( KfW) hủy bỏ chuyến đi Việt Nam

Trụ sở Cục tình báo liên bang Đức (BND) tại Berlin

Biểu ngữ vận động tranh cử tại Đức bắt đầu được các đảng đưa ra.