TỰ DO BÁO CHÍ – BÀI HỌC TỪ HONG KONG (Phần 1)

0
250
Ảnh : FB Đỗ Hùng

Jeffrey Ngo là một chàng mảnh mai trẻ tuổi đang làm tiến sĩ lịch sử tại Đại học Georgetown (Mỹ). Anh nói được tiếng Việt chút chút và từng nghiên cứu về thuyền nhân Việt Nam tị nạn.

Một hôm mình bèn hỏi chuyện Jeffrey bởi vì cậu ta, bên cạnh con đường học thuật, còn là một nhà hoạt động, giữ cương vị “trưởng ban tuyên giáo” (chief researcher) phong trào Demosisto.

Nói thêm một chút, Demosisto (Hương Cảng chúng chí) khởi sinh trên nền các phong trào Scholarism (Học dân tư triều) và Hong Kong Federation of Students (HKFS, aka Học liên tức Liên hội Sinh viên Hong Kong), những phong trào đã làm nên cuộc cách mạng dù vàng kinh thiên động địa hồi năm 2014.

Khi ra đời vào năm 2016, Demosisto là một chính đảng với một trong những mục tiêu là tranh cử vào Hội đồng Lập pháp (Legco) và các vị trí dân cử khác trong hệ thống chính quyền đặc khu. Tuy nhiên, sau khi các thủ lãnh như Nathan Law, Joshua Wong, Agnes Chow bị loại khỏi lập pháp viện, bị cấm tranh cử hoặc thậm chí bị bỏ tù, Demosisto bèn chuyển thành một phong trào đấu tranh chính trị, với mục tiêu là đòi quyền tự trị sâu rộng, bảo vệ các giá trị dân chủ, tự do cho Hong Kong.

Giờ đây, với những quy định kìm kẹp tự do của luật An ninh quốc gia do Bắc Kinh áp thẳng xuống, Demosisto bị đặt vào đầu ruồi. Các hoạt động của Demosisto, chiếu theo luật mới, là phạm pháp và các nhân vật chủ chốt như Joshua Wong, Agnes Chow, Nathan Law và Jeffrey Ngo đứng trước nguy cơ bị truy tố với các tội danh: kích động bạo loạn, khủng bố, lật đổ, hợp tác với ngoại bang…

Nathan Law, from left, Joshua Wong, and Agnes Chow leave the Demosisto group.

Cho nên, vào hôm nọ – ngày 30 tháng 6 – một loạt nhân vật chủ chốt như Joshua Wong, Agnes Chow, Nathan Law và Jeffrey Ngo đã rời khỏi vị trí ở Demosisto.

Phong trào này, dưới hình thức là một nhóm hoạt động vì dân chủ, đã chấm dứt.

Hay tin mình bèn bổ sung một câu hỏi vào cuộc trò chuyện dự kiến với Joshua, rằng có phải đó là điểm kết của cuộc đấu tranh, nhưng sau đó Joshua hồi đáp, khá buồn: “Xin lỗi, tôi xin phép không trả lời phỏng vấn nữa. Hy vọng anh sẽ hiểu”.

Mình nói là mình hiểu tình hình hiện tại không thuận lợi và hẹn một ngày nào đó thích hợp hơn. Thanh sơn, lục thủy còn đó, lo gì không có ngày sau.

Mình hỏi Jeffrey có trở lại Hong Kong trong tương lai gần không, bạn ấy bảo “chắc còn lâu”.

“Vì rằng những hoạt động của tôi có thể dễ dàng bị dán nhãn bạo loạn, lật đổ, hợp tác với thế lực nước ngoài. Trong hoàn cảnh Hong Kong không còn quyền tự quyết như cam kết ‘một quốc gia, hai chế độ’, Bắc Kinh sẽ dễ dàng bắt bớ”, Jeffrey nói.

Thực ra cuộc trò chuyện với Jeffrey có trọng tâm là Demosisto và phong trào đấu tranh tại Hong Kong, nhưng mình cũng hỏi về báo chí bởi nó gần gũi với mình. Cũng bởi, tự do báo chí là một trong những quyền tự do then chốt mà người Hong Kong đấu tranh để bảo vệ.

Jeffrey Ngo cũng hào hứng với câu chuyện báo chí: “Nói thế này để anh dễ hình dung: Năm 2002, Hong Kong xếp thứ 18 trên bảng xếp hạng của Tổ chức Phóng viên Không biên giới, năm nay Hong Kong xếp thứ 80” (*).

Mình đã kiểm tra thông tin trên website của Reporters sans frontières (RSF) và thấy quả đúng như vậy.

Phần này chỉ mới như dẫn nhập thôi…

Đỗ Hùng
#Hongkong
#PressFreedom
#FreedomofthePress

TỰ DO BÁO CHÍ – BÀI HỌC TỪ HONG KONG (Phần 2)