Trái phiếu chính phủ Trung Quốc bị bán tháo khi giới đầu tư hướng sang cổ phiếu

0
7
Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) yêu cầu các ngân hàng báo cáo về khả năng đáp ứng các nghĩa vụ nợ ngắn hạn của họ sau khi cú sụt giá bất ngờ của trái phiếu chính phủ kích hoạt làn sóng bán tháo các sản phẩm WMP. Ảnh: Reuters.

Thứ Năm, 17/11/2022

(KTSG Online) – Trái phiếu chính phủ ngắn hạn của Trung Quốc đang trải qua đợt giảm giá mạnh nhất kể từ giữa năm 2020. Cú sụt giá này, được thúc đẩy bởi sự chuyển hướng sang các tài sản rủi ro hơn bao gồm cổ phiếu, khiến các nhà đầu tư nhỏ lẻ vội vã rút tiền khỏi các sản phẩm có thu nhập cố định, hay còn gọi là sản phẩm quản lý tài sản (WMP- wealth management products) do các ngân hàng phát hành. Điều này càng làm trầm trọng thêm vòng xoáy giảm giá và càng khiến nhiều người rút tiền khỏi WMP. Tình trạng bán tháo cũng cũng lan sang trái phiếu doanh nghiệp được xếp hạng cao nhất, khiến lợi suất của chúng tăng kỷ lục trong tuần này.

Lợi suất trái phiếu chính phủ Trung Quốc kỳ hạn 1 năm đã tăng khoảng 40 điểm cơ bản trong năm ngày qua, lên 2,25%, mức cao nhất kể từ tháng 1

Trong những ngày qua, giới đầu tư bán mạnh trái phiếu chính phủ Trung Quốc để chuyển tiền vào thị trường chứng khoán đang bật dậy mạnh mẽ, khiến lợi suất tăng nhanh. Lợi suất trái phiếu chính phủ Trung Quốc kỳ hạn 1 năm đã tăng khoảng 40 điểm cơ bản trong năm ngày qua, lên 2,25%, mức cao nhất kể từ tháng 1. Lợi suất trái phiếu chính phủ Trung Quốc kỳ hạn 10 năm tăng lên 2,85% vào hôm 16-11, cao nhất kể từ tháng 12 năm ngoái.

Niềm lạc quan ngày càng tăng về triển vọng của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới đang làm thay đổi vị thế của các tài sản ở Trung Quốc, buộc các nhà đầu tư phải tính toán lại các khoản đặt cược của họ vào cổ phiếu, trái phiếu và đồng nội tệ của Trung Quốc.

Trái phiếu chính phủ Trung Quốc mất sức hút trong những tuần gần đây khi những kỳ vọng về việc nới lỏng tiền tệ mạnh mẽ đã suy yếu dần và chứng khoán Trung Quốc phục hồi.

Ming Ming, nhà kinh tế trưởng tại Citic Securities, nói: “Trái phiếu Trung Quốc có thể đã được định giá dựa trên sự bi quan quá mức đối với triển vọng tăng trưởng kinh tế và việc lợi suất tăng mạnh đang phản ánh sự thay đổi trong tâm lý của giới đầu tư. Xu hướng giảm đặt cược vào triển vọng Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) sẽ cắt giảm tỷ lệ bắt buộc ở các ngân hàng hoặc cắt giảm lãi suất, dẫn đến việc bán mạnh trái phiếu”.

Các nhà đầu tư cũng bán tháo trái phiếu doanh nghiệp được xếp hạng cao và các sản phẩm WMP có thu nhập cố định do các ngân hàng phát hành, khiến thị trường tài sản an toàn càng hỗn loạn.

Các cơ quan quản lý Trung Quốc vừa yêu cầu các ngân hàng báo cáo về khả năng đáp ứng các nghĩa vụ nợ ngắn hạn của họ sau khi cú sụt giá bất ngờ của trái phiếu chính phủ kích hoạt làn sóng rút tiền của các nhà đầu tư khỏi các sản phẩm WMP.

Một số ngân hàng đã đưa ra các tuyên bố để trấn an các nhà đầu tư rằng tình trạng hỗn loạn sẽ được ngăn chặn. Trong khi đó, PBoC đã tăng gần gấp đôi quy mô bơm tiền vào hệ thống tài chính thông qua các nghiệp vụ thị trường mở hôm 16-11.

Các ngân hàng lớn nhất của Trung Quốc được cho là có khả năng tiếp cận nguồn vốn dồi dào, nhưng sự dao động giá quá lớn và hoạt động rút tiền ồ ạt bằng cách bán sản phẩm WMP đã làm tăng nguy cơ mất cân đối nguồn vốn ngắn hạn. Các sản phẩm WMP với giá cả và thanh khoản biến động hàng ngày là một điều tương đối mới ở Trung Quốc.

Cơn hỗn loạn trên thị trường trái phiếu chính phủ và WMP trong tuần này là một “tác dụng phụ” bất ngờ của niềm lạc quan đang gia tăng của giới đầu tư về triển vọng kinh tế Trung Quốc. Thị trường chứng khoán trị giá 10 nghìn tỉ đô la Mỹ của Trung Quốc đã tăng vọt trong những ngày gần đây sau khi Bắc Kinh nới lỏng một số biện pháp kiểm soát Covid-19 đồng thời tung ra gói giải cứu sâu rộng đối với lĩnh vực bất động sản cũng như có những động thái giảm căng thẳng với Mỹ và các nước phương Tây khác. Với dòng tiền đang chảy mạnh vào cổ phiếu và các khoản đầu tư nhạy cảm về kinh tế khác, các khoản đặt cược trú ẩn an toàn vào trái phiếu chính phủ Trung Quốc đã bị ảnh hưởng.

Các nguồn tin cho biết ít nhất 5 ngân hàng đã báo cáo các điều kiện thanh khoản và rủi ro tiềm ẩn của họ cho PBoC và Ủy ban Quản lý ngân hàng và bảo hiểm Trung Quốc (CBIRC) trong những ngày gần đây, bao gồm cả kế hoạch đáp ứng hoạt động rút tiền của các nhà đầu tư.

Trong thông báo hôm 16-11, bộ phận quản lý tài sản của Ngân hàng Trung Quốc (BoC), cho biết: “Cú sụt giá mạnh trên thị trường trái phiếu đã kéo theo sự giảm giá của một số sản phẩm WMP”

BoC cho biết sẽ tìm cách hạn chế thua lỗ cho nhà đầu tư ở mảng WMP và tích cực theo đuổi các khoản đầu tư tương đối an toàn. Ngân hàng Công nghiệp (IBC) và Ngân hàng Chiết Thương Trung Quốc (CZB) cũng đưa ra thông báo tương tự và khuyến khích các nhà đầu tư tận dụng thời cơ để mua các sản phẩm WMP với giá thấp.

Sản phẩm WMP là sản phẩm tài chính không có bảo hiểm được bán ở Trung Quốc bởi các ngân hàng và tổ chức tài chính khác. Thông thường, các sản phẩm này đưa ra mức lợi suất cao hơn lãi suất tiền gửi ở các ngân hàng. Tiền thu được từ việc bán các sản phẩm WMP thường được sử dụng để tài trợ cho các khoản đầu tư vào các lĩnh vực mà tín dụng ngân hàng bị hạn chế.

Các sản phẩm WMP của các ngân hàng đã thu hút sự giám sát ngày càng tăng từ các cơ quan quản lý trong vài năm qua do họ lo ngại về một loạt rủi ro từ việc cam kết trả lãi và sử dụng đòn bẩy ngầm và sự thiếu minh bạch về nơi tiền được đầu tư.

Chiến dịch chấn chỉnh gần đây nhất của Bắc Kinh đối với mảng “ngân hàng bóng tối” đã nhắm vào hơn 1.000 tỉ đô la Mỹ sản phẩm WMP không minh bạch năm ngoái, cấm các ngân hàng và các nhà quản lý tài sản sử dụng tiền thu được từ việc bán sản phẩm WMP để mua nợ dài hạn hoặc mua trái phiếu có hạng dưới mức AA+.

Theo nghiên cứu từ Citic Securities, dư nợ các sản phẩm WMP tại các ngân hàng Trung Quốc lên tới 9,78 nghìn tỉ nhân dân tệ (1.371 tỉ đô la Mỹ) tính đến giữa tháng 10. Các khoản đầu tư vào trái phiếu chiếm 68% tài sản của mảng WMP vào cuối tháng 6, theo dữ liệu chính thức.

Trong tuần qua, tính đến hôm 16-11, hơn 10.000 trong số 30.000 sản phẩm WMP ghi nhận thua lỗ trên giấy tờ, theo Công ty tư vấn Financial Regulation & Law, có trụ sở tại Thượng Hải.

Theo Bloomberg