Sau khi thổi bùng nỗi sợ hãi về Covid, giờ đây Trung Quốc đang phải cố gắng xoa dịu chúng

0
4
Ảnh: Một nhân viên phòng chống dịch đang quét dọn trước một khu nhà đang bị phong tỏa tại Bắc Kinh.

Cù Tuấn

NYT

Tóm tắt: Bắc Kinh từ lâu đã cảnh báo rằng phản ứng hiệu quả chống Covid duy nhất là xét nghiệm, cách ly và phong tỏa. Khi thay đổi chính sách, chính quyền phải thay đổi cách mô tả các rủi ro.

Trong gần ba năm, chính phủ Trung Quốc đã triển khai bộ máy tuyên truyền đáng kể của mình để thổi bùng nỗi sợ hãi về Covid nhằm biện minh cho việc phong tỏa quy mô lớn, xét nghiệm hàng loạt thường xuyên và theo dõi hơn một tỷ người. Khi các nhà chức trách hiện tại đang thay đổi cách tiếp cận đối với đại dịch, họ phải đối mặt với nhiệm vụ hạ thấp những nỗi sợ hãi đó.

Cho đến tuần trước, với có các cuộc biểu tình bày tỏ sự phản đối mãnh liệt của công chúng đối với các quy tắc nghiêm ngặt “Zero Covid”, các quan chức chính phủ và truyền thông nhà nước Trung Quốc vẫn đang nhấn mạnh những tin tức y tế đáng lo ngại nhất về đại dịch. Có vô số câu chuyện về số người chết cao ngất ở những nơi khác – đặc biệt là ở Hoa Kỳ – và về những người mắc các vấn đề về hô hấp, suy giảm nhận thức và những khó khăn khác liên quan đến chứng Covid kéo dài.

Tờ báo chính thức của Đảng Cộng sản, Nhân dân Nhật báo, cảnh báo vào ngày 15 tháng 11 rằng bất kỳ sự nới lỏng nào đối với các biện pháp phòng chống Covid sẽ gây nguy hiểm đến tính mạng và sức khỏe của người dân Trung Quốc: “Việc nới lỏng phòng ngừa và kiểm soát chắc chắn sẽ làm tăng nguy cơ lây nhiễm của các nhóm dân cư dễ mắc bệnh.”

Chỉ một tuần rưỡi trước, Phó thủ tướng giám sát các phản ứng với Covid của chính phủ, bà Tôn Xuân Lan, nói rằng “bất kỳ ai cần được xét nghiệm đều phải được xét nghiệm. Không ai sẽ bị bỏ lại phía sau.”

Nhưng khi các chính quyền địa phương hiện tại đang vội vàng dỡ bỏ các yêu cầu xét nghiệm và bắt đầu dỡ bỏ các kiosk xét nghiệm bên lề đường, bà Tôn đã thay đổi chiến thuật vào ngày 30/11. Bà nói: “Công tác phòng chống đại dịch của Trung Quốc phải đối mặt với một tình huống mới và nhiệm vụ mới, do mức độ nghiêm trọng của biến thể Omicron đang suy yếu.”

Các chuyên gia cho rằng Trung Quốc đang phải đối mặt với một thời điểm đầy thách thức trong việc ứng phó với đại dịch, phần lớn là do việc đưa thông điệp khá lộn xộn. Chính phủ đã thất bại trong việc thực hiện nhiều biện pháp y tế công cộng đã được chứng minh, chẳng hạn như không hoàn tất các chiến dịch tích cực tiêm chủng đầy đủ, khiến nhiều công dân của quốc gia đông dân nhất thế giới gặp nguy hiểm.

Nhà lãnh đạo hàng đầu của Trung Quốc, Tập Cận Bình, đã đích thân khẳng định rằng cần phải có hy sinh để ngăn chặn sự lây lan của Covid. “Thà tạm thời ảnh hưởng một chút đến sự phát triển của nền kinh tế còn hơn để tính mạng, sự an toàn và sức khỏe của người dân bị tổn hại,” ông nói vào tháng 6.

Bắc Kinh hiện đang nhanh chóng thay đổi để giảm bớt gánh nặng của các hạn chế do Covid. Một số ủy ban khu phố bắt đầu cho cư dân ở nhà nếu họ hoặc thành viên gia đình của họ bị nhiễm bệnh, thay vì đưa họ đến bệnh viện dã chiến, các sân vận động rộng lớn hoặc hàng dài container, vốn là quy trình tiêu chuẩn kể từ những tháng đầu của đại dịch. Thành Đô, Quảng Châu, Thiên Tân, Bắc Kinh, Trùng Khánh và Thâm Quyến đều đã dỡ bỏ các yêu cầu trong vài ngày qua đối với người dân phải có kết quả xét nghiệm âm tính với Covid trước khi đi tàu điện ngầm hoặc vào các địa điểm công cộng khác.

Tuy nhiên, việc xoa dịu những lo lắng kinh khủng về Covid của hàng triệu người, đặc biệt là những cư dân lớn tuổi, đang là một thách thức đối với Đảng Cộng sản và truyền thông nhà nước. Vấn đề phức tạp hơn nữa là các nhà lãnh đạo Trung Quốc có một lịch sử lâu dài không muốn ngươi dân thấy rằng hình như họ đang đảo ngược chính sách vì sự tức giận của công chúng.

Trong suốt quá trình phản ứng kiên quyết của chính phủ, quốc gia này đã phải vật lộn để tiêm chủng đầy đủ cho một số đối tượng dễ bị tổn thương nhất: Trong số những người từ 80 tuổi trở lên, hai phần ba số người đã thực hiện quá trình tiêm chủng ban đầu, thường là hai liều, nhưng chỉ 40% được tiêm liều thứ 3.

Các nhà khoa học quốc tế nói rằng cần phải tiêm ba mũi vắc xin của Trung Quốc để đạt được khả năng bảo vệ tương đương với hai mũi vắc xin mRNA của phương Tây.

Các phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc khi đưa tin mới về Covid đã bỏ qua bất kỳ đề cập nào về các cuộc biểu tình những ngày gần đây. Nội dung chính của các bài báo đã chuyển sang nghiên cứu của các nhà khoa học Trung Quốc rằng biến thể Omicron có thể không nguy hiểm như các phiên bản trước đó.

Nhật báo Nam phương, một tờ báo do nhà nước kiểm soát ở Quảng Châu, đã xuất bản vào thứ Bảy một báo cáo nhấn mạnh ước tính của thành phố rằng 90% các ca nhiễm Omicron là không có triệu chứng. Trích dẫn các cuộc phỏng vấn với bảy bác sĩ hàng đầu của Quảng Châu, tờ báo cũng trấn an độc giả rằng các trường hợp có triệu chứng hiếm khi nghiêm trọng, ngoại trừ những người lớn tuổi, chưa được tiêm phòng.