Iran giải thể cảnh sát đạo đức và sửa đổi luật trùm khăn Hồi Giáo

0
7
Tổng thống Iran Ebrahim Raisi phát biểu tại Teheran, Iran ngày 04/11/2022. AP - Vahid Salemi

04/12/2022

RFI-Thu Hằng

Chính quyền Iran đã phải nhân nhượng phong trào phản kháng đường phố kéo dài suốt ba tháng. Ngày 04/12/2022, Teheran thông báo giải thể lực lượng cảnh sát đạo đức, được thành lập để « truyền bá văn hóa đoan trang và choàng khăn ». Mọi phụ nữ ở Iran bị bắt buộc trùm khăn che mặt theo một đạo luật có hiệu lực từ năm 1983.

Thông tín viên Siavosh Ghazi tại Teheran tường trình :

« Tổng chưởng lý Iran Mohammad Jafar Montazari thông báo ngắn gọn thông tin : « Chính những người lập ra cảnh sát đạo đức đã dỡ bỏ lực lượng đó ».

Các cuộc biểu tình bắt đầu từ tháng 9 để phản đối việc thiếu nữ Mahsa Amini bị chết khi đang bị cảnh sát đạo đức giam giữ vì không trùm khăn Hồi giáo theo đúng luật. Sau đó, phong trào phản đối chuyển sang hướng chính trị với những khẩu hiệu ngày càng cứng rắn hơn chống các nhà lãnh đạo Iran và khiến vài trăm người chết. Những năm gần đây, hành động của cảnh sát đạo đức (thành lập năm 2005) đã bị lên án sau hàng loạt vụ bắt giữ bạo lực nhiều phụ nữ trẻ không trùm khăn đúng cách.

Cùng lúc, tổng chưởng lý Iran cũng thông báo Quốc Hội và một cơ quan khác do tổng thống Ebrahim Raisi lãnh đạo đang xem xét sửa đổi luật về việc bắt buộc trùm khăn nhưng không nêu rõ văn bản sẽ được sửa đổi theo hướng nào. Kết quả sẽ được thông báo từ nay đến 15 ngày tới.

Theo một nghị sĩ, có thể là cảnh sát sẽ ngừng bắt giữ và áp dụng hình thức phạt đối với việc không tôn trọng trùm khăn. Trên thực tế, từ vài tuần nay, người ta thấy nhiều phụ nữ Iran, đặc biệt là thanh niên, không trùm khăn nhưng không bị lực lượng an ninh can thiệp.

Những thông báo này được đưa ra vào lúc có nhiều lời kêu gọi biểu tình và đình công thêm ba ngày, kể từ thứ Hai (05/11) ».

Iran tiếp tục cáo buộc các thế lực thù nghịch nước ngoài kích động nổi dậy

Ngày 03/12, bộ Nội Vụ Iran cho biết kể từ khi phong trào biểu tình nổ ra vào tháng 09, có hơn 200 người chết, kể cả cảnh sát, người biểu tình và thành viên của những nhóm vũ trang bị cáo buộc phản cách mạng. Theo AFP, con số này thậm chí còn thấp hơn số liệu khoảng 300 người được lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran đưa ra trước đó. Tổ chức Quan sát Nhân quyền Iran (IHR), trụ sở tại Na Uy, thống kê khoảng 448 người chết. Liên Hiệp Quốc đưa ra con số hơn 300 người, trong đó có hơn 40 trẻ em.

Dù vậy, tổng thống Ebrahim Raisi vẫn khẳng định Iran là nước bảo đảm cho các quyền và quyền tự do và « có hiến pháp tiến bộ nhất trên thế giới ». Chính quyền Teheran cáo buộc các thế lực thù nghịch nước ngoài, trong đó có Mỹ, Ả Rập Xê Út, Israel, là nguồn gốc của các cuộc nổi loạn.