Nông dân Trung Quốc: Trả lại cho chúng tôi Quyền sở hữu đất đai

0
461
Nông dân tại làng Wukan, Tỉnh Guangdong (Quảng Đông), Trung Quốc biểu tình chống cưỡng chế đất năm 2011
LUẬT KHOA TC

Luật Khoa tạp chí xin giới thiệu đến bạn đọc một bài tiểu luận khác của nhà văn bất đồng chính kiến Liu Xiaobo, The Land Manifestos of Chinese Farmers. Bài được đăng trong sách Không có kẻ thù, không có hận thù: Tuyển tập thơ và tiểu luận của Liu Xiaobo (No Enemies, No Hatred: Selected Essays and Poems by Xiaobo Liu) do Nhà xuất bản Đại học Harvard xuất bản năm 2012.

Những bản tuyên ngôn của người nông dân Trung Quốc

Trong những ngày cuối cùng của năm 2007 tại Trung Hoa đại lục, đã có rất nhiều lời tuyên bố đồng loạt từ những người nông dân. Họ đang đòi lại đất đai của mình.

  • Ngày 9/12/2007, tại Tỉnh Heilongjiang (Hắc Long Giang), đã có 40.000 nông dân từ 72 ngôi làng, một trong số đó là làng Dongnan’gang thuộc Thành phố Fujin (Phú Cẩm), đưa ra tuyên bố trước cả nước là họ có quyền sở hữu những mảnh ruộng tại đây.

Chỉ vài ngày trước đó, vào ngày 28/11/2007, cũng chính những người nông dân này đã tổ chức một buổi họp dân chủ để tiến hành các bước cho quy trình đòi lại những mảnh ruộng đã bị tước đoạt từ tay mình.

Ngay ngày hôm sau, họ tiến hành một buổi đo đạc giám định đất. Và ngày kế tiếp, họ chuẩn bị cho việc phân định lại những mảnh ruộng ở đây. Đúng vào ngày 9/12/2007, họ chính thức tiến hành phân chia lại đất đai.

  • Vào ngày 12/12/2007, tại khu hồ chứa nước Sanmenxia – (Sanmenxia Reservoir District) ở lân cận phía Tây Henan (Hà Nam, và tại phía Đông Shanxi (Sơn Tây) – gồm các Huyện Dali, Thành phố Huayin, và Huyện Tongguan – đã có 70.000 nông dân từ 76 làng xã đưa ra bản tuyên bố chung với nội dung như sau:

“Chúng tôi, những người nông dân từ bốn khu vực này, sẽ cùng nhau giải quyết vấn đề giành lại quyền sở hữu đất của mình. Đây là những mảnh đất vốn thuộc về chúng tôi, được truyền từ đời này qua đời khác bởi các thế hệ ông cha, mà chúng tôi cần phải gìn giữ và bảo vệ.

Chúng tôi sẽ thiết lập chủ quyền sở hữu đất dựa trên diện tích quân bình cho mỗi hộ gia đình. Và, chúng tôi sẽ đặt dấu chấm hết cho tệ nạn cưỡng chiếm đất đai của các tầng lớp quan chức đã kéo dài hàng chục năm qua”.

  • Ngày 15/12/2007, tại Tỉnh Jiangsu (Giang Tô), 250 hộ nông từ làng Shengzhuang thuộc Thành phố Yixing (Nghi Hưng) đã đòi quyền sở hữu vĩnh viễn mảnh đất mà họ hiện đang cư trú qua việc sử dụng nguyên tắc “quyền sở hữu đất thuộc về những kẻ đang sinh sống tại đó.” Họ đã tuyên bố:

“Làng Shengzhuang có lịch sử hơn 1.500 năm. Các thế hệ nông dân từ đời này qua đời khác, và từ triều đại này sang triều đại khác, vốn đã tự thiết lập cho mình một cách minh bạch rõ ràng, đất nào là của ai, từ lũy tre nào đến lũy tre nào, và từng vùng đồi núi là thuộc về ai …

Đất này là của cha ông chúng tôi. Từ trước đến nay, chúng tôi đã được hưởng quyền thừa kế từ đời trước truyền lại và sẽ tiếp tục truyền đến đời con, đời cháu chắt chúng tôi. Từ ruộng vườn đến dải rừng, ngọn núi, sẽ vĩnh viễn được phân định bởi chính những người nông dân cắm dùi tại mảnh đất này, và lưu truyền đến các thế hệ sau để tiếp tục phát triển.”

Câu chuyện về đất đai ở Trung Quốc

Trong những năm vừa qua, câu chuyện về đất đai đã trở thành một đề tài nóng trong những cuộc tranh luận đương đại về “cải cách”. Câu hỏi về quyền sở hữu tài sản đã phân hóa nội bộ giữa phe ủng hộ tư hữu và những kẻ vẫn muốn tiếp tục mô hình hiện nay.

Tuy nhiên, mặc cho là việc tranh cãi có trở nên kịch liệt đến mức nào đi chăng nữa, thì lâu nay, chủ đề này vẫn chỉ quanh quẩn bên cạnh những kẻ trí thức thành thị – học giả, doanh nhân, và quan chức. Tiếng nói của người nông dân – nhân vật chính của vấn đề – vốn chẳng mấy khi được nhắc đến.

Thế nhưng, ngay lúc này, điều đó đã bắt đầu thay đổi.

Đến cuối cùng thì những người nông dân cũng tự cất lên tiếng nói của mình, rõ ràng và dõng dạc. Như thể cả một quốc gia đang đắm chìm trong thinh lặng, bỗng nghe được tiếng thét gào tự sâu thẳm của lòng đất mẹ.

Những lời tuyên bố của nông dân – vừa thực tiễn, hợp lý, mà lại còn có căn cứ lịch sử – đại biểu cho một sự đột phá, chống lại chế độ quản lý đất đai bất hợp lý đã bị áp đặt lên đất nước từ thời đại Mao Trạch Đông.

Những người nông dân Trung Quốc đã nói trắng ra lập trường kiên định của mình về quyền tư hữu đất đai.

Những bản tuyên ngôn của họ, chắt lọc từ kinh nghiệm cay đắng dưới chế độ cộng sản, đã tiến một bước xa hơn rất nhiều so với cái thiết chế “quyền sử dụng đất” được tiến hành 30 năm trước tại làng Xiaogang, Tỉnh Anhui (An Huy).

Những bản tuyên bố gần đây đại diện cho một tinh thần “tự giác ngộ” của chính những người nông dân.

Họ đã thật sự thức tỉnh, và họ đang tuyên bố rằng, mảnh đất dưới chân họ khôngthuộc về nhà nước và cũng chẳng thuộc về một thứ “sở hữu chung” theo kiểu hợp tác xã nào cả.

Đây là những mảnh đất mà hàng bao thế hệ người nông dân đã sống và gắn kết với chúng. Đất đấy là của họ.

Và từ hôm nay trở đi, những người nông dân sẽ không quỳ gối van xin để được ban ân huệ cho những thứ thuộc về quyền của họ nữa.

Từ hôm nay trở đi, họ sẽ đứng thẳng đòi lại những gì vốn là của mình. Họ, những người nông dân, mới là những người chủ nhân chân chính của mảnh đất dưới chân mình. Và vì thế, họ có toàn quyền quyết định sẽ làm gì với nó.

Ngay từ những ngày đầu, đảng Cộng sản đã lột sạch của người nông dân. 

Trong những vòng xoay giữa tình trạng ổn định và bất ổn định kéo dài suốt lịch sử Trung Hoa, thì “ổn định” đồng nghĩa với nỗi thống khổ của những người nông dân, những người mà khi thời thế “bất ổn định” thì họ vốn cũng khổ không kém. Điều này luôn được xem là “bình thường” ở Trung Quốc.

Thế nhưng, cho dù các triều đại trước có tham tàn và bạo ngược thế nào đi nữa, thì trong việc cướp đoạt và lợi dụng người nông dân bằng những chiêu trò lừa gạt tởm lợm, vẫn không có lực lượng nào qua mặt được đảng Cộng sản.

Năm 1947, tại một thời khắc quan trọng trong cuộc chiến giành quyền lực, khi mà họ cần sự ủng hộ của số đông giai cấp nông dân, những người cộng sản đã đẩy mạnh lời kêu gọi cải cách đất đai với những khẩu hiệu như, “Đả đảo những kẻ bạo chúa, tiến hành chia lại đất đai.”

Họ còn ban hành cả một ấn phẩm “Phác thảo Luật Đất đai Trung Hoa” để có thể vỗ ngực mà hứa hẹn với những người nông dân rằng, họ sẽ phân chia lại đất đai, để cho người cày có ruộng. Rằng người nông dân sẽ có quyền được quản lý và sử dụng, mua bán hay trao đổi đất của mình một cách tự do.

Nhưng ngay sau khi họ nắm được chính quyền, thì cũng chính những người cộng sản vội vàng quay ngoắt và tức thì đổi thái độ khi tiến hành cuộc cách mạng “xã hội chủ nghĩa” và kế hoạch “quốc hữu hóa” toàn diện của họ.

Tại những thành phố, tất cả tài sản tư nhân của các xí nghiệp và cơ sở thương mại của mọi ngành nghề công nghiệp đều bị cưỡng đoạt. Tại các vùng nông thôn, một kế hoạch “hợp tác xã hóa” đầy hấp dẫn đã có thể tước lấy toàn bộ đất đai từ tay người dân.

Trong phong trào xây dựng hợp tác xã từ năm 1951 đến 1958 được tiến hành bởi các Hợp tác xã Nhân dân, Mao Zedong (Mao Trạch Đông) trước thanh lý toàn bộ giới địa chủ và những hộ nông giàu có, sau đó ép buộc những người nông dân bình thường phải vào hợp tác xã.

Kết quả là, chẳng có một tấc đất nào trở thành tài sản của người dân. Chế độ cộng sản trở thành đại địa chủ lớn nhất và cũng là duy nhất tại đất nước này.

Chính công cuộc quốc hữu hóa toàn diện đó đã trải đường cho nguyên tắc kinh tế chủ đạo trong chế độ độc tài của Mao.

Người thành thị bị mất đi tài sản tư hữu và trở thành những con ốc vít trong mắc xích các guồng máy của những đơn vị lao động thuộc nhà nước. Còn người nông dân mất đất thì lại quay ra sắm vai nông nô của các “hợp tác xã”.

Nếu phải so sánh tình cảnh của hai giai cấp, thì xem ra, số phận của những người nông dân có phần khổ sở hơn.

Họ ở tầng lớp thấp nhất của cơ chế lao động khổ sai toàn quốc. Họ bị từ chối quyền được tự do di chuyển, nên phải trói mình vào mảnh đất vốn không còn là của họ nữa, nhưng lại chẳng có an sinh xã hội. Họ trở thành những ống truyền thực phẩm được Mao sử dụng cho tham vọng công nghiệp hóa các thành thị.

Cái giá phải trả cho các dự án công nghiệp hóa này chính là người dân khắp cả nước, từ thành thị đến nông thôn, đều bị tập trung vào một chế độ lao động với mức lương hưởng của nô lệ.

Giai cấp nông dân, vốn là 90 phần trăm dân số cả nước khi dự án này bắt đầu, đã phải trả một cái giá lớn nhất nhưng lại là những người nhận được ít nhất từ nó. Trong thời kỳ khủng hoảng bởi cơn điên Bước Nhảy vọt Vĩ đại, sự nghèo khó của người nông dân chạm tới mức đỉnh điểm khi đa số họ không có cơm ăn và cũng chẳng có áo để mặc.

Những bóng ma của các nạn nhân chết vì đói khổ vẫn ám lấy mảnh đất này, vì người ta đã phải ăn thịt của nhau để mà sống. Hầu hết con số hàng chục triệu người đã chết vì những cái chết không tự nhiên là của những người nông dân.

“Chế độ trách nhiệm” chỉ là một cuộc giải phóng nửa mùa

Sau khi Mao chết và “cải cách” được cho phép, cũng chính người nông dân – những nạn nhân khốn đốn ấy lại trở thành người dẫn đầu công cuộc đòi lại đất đai.

Bắt đầu từ Anhui, vì đối mặt với những hiểm nguy chính trị khôn cùng, nên chính quyền đã đồng ý thiết lập một cơ chế giúp cho người dân có thể tự gánh vác trách nhiệm đối với mùa màng của mình. Ngày nay, sự kiện này được ghi nhận là “cuộc cách mạng giải phóng nông nô”.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy cuộc giải phóng nông nô ấy vẫn chỉ là nửa mùa, bởi vì người nông dân chưa bao giờ giành được quyền tư hữu đất đai. Những gì mà họ đấu tranh được, chỉ là quyền sử dụng những mảnh đất thuộc về “tập thể”.

Người nông dân vẫn không thể sở hữu đất.

Thế nên ngày nay, bất kỳ lúc nào đất ruộng trở nên cần thiết cho “phát triển” đô thị hay các mục đích đầu tư, thì ruộng vườn lập tức trở thành “sở hữu toàn dân do nhà nước quản lý”.

Nhà nước quản lý có thể là một khái niệm mơ hồ, nhưng trong trong quá trình thực tiễn, điều này có nghĩa là quan chức các cấp đều có quyền tự tung tự tác, và họ có thể nhân danh nhà nước để quyết định số phận của bất kỳ mảnh đất nào.

Trong công cuộc đô thị hóa trên dưới 20 năm vừa qua, và trải qua một “bước nhảy vọt vĩ đại” của giá địa ốc, quan chức đã nhào nặn quyền lực của nhà nước, cũng như sử dụng quyền quản lý đất đai của chính phủ để cấu kết với giới doanh nhân khắp nơi, nhằm tiến hành một loại “Phong trào bao che toàn quốc”.

Những kẻ được hưởng lợi nhiều nhất từ các dự án đất đai – ở mọi cấp – chính là nhà cầm quyền Cộng sản và những giới nhà giàu tinh hoa và quyền lực.

Người nông dân – một lần nữa – lại trở thành vật hy sinh.

Trong tất cả các nhóm yếu thế của xã hội, những người nông dân là nhóm yếu nhất

Điểm chính cần nhắc ở đây là, trong mô hình toàn trị của Trung Quốc, quan chức là nhóm mạnh và lớn thế nhất, trong khi người dân thì nhỏ bé và yếu đuối. Người nông dân lại còn là nhóm yếu nhất trong các nhóm yếu thế.

Không có một nền báo chí tự do và một nền tư pháp độc lập, người nông dân không có tiếng nói trước công chúng, họ không có quyền được tự thành lập các hội nhóm hay nghiệp đoàn dành cho nông dân, và cũng không có bất kỳ hành lang pháp lý nào để sử dụng.

“Viết đơn kêu oan” là phương pháp duy nhất mà họ có thể dùng, nhưng khi hệ thống công quyền muốn bảo vệ tư lợi và sẵn sàng chặn đứng những lá đơn ấy, thì hành động kêu oan của họ cũng trở thành một loại hoạt động trống rỗng. Những người đứng tên trong các lá đơn ấy phải đối mặt với rất nhiều hiểm nguy và gian khổ để đổi lại một con số không.

Và đó là vì sao, khi tất cả biện pháp đấu tranh từ bên trong hệ thống – từ việc tìm kiếm sự cảm thông của công luận, tòa án, hoặc cả guồng máy hành chính – đều bị bóp nghẹt, người dân sẽ thuận theo tự nhiên mà tìm đến những hành động đấu tranh tập thể ngoài hệ thống.

Đó cũng là lý do vì sao mỗi năm, chính quyền luôn báo cáo rằng, có rất nhiều “sự kiện quần chúng”. Thật đúng như câu tục ngữ, “quan ép dân phản”.

Hầu hết các cuộc đụng độ lớn xảy ra ở Trung Quốc trong những năm gần đây đã khoét sâu chia rẽ giữa người dân và quan chức. Đa số các vụ việc xảy ra ở mức địa phương, tại các vùng thôn quê, và phần lớn là liên quan đến đất đai.

Các quan lại địa phương, vì để bảo vệ những lợi ích của nhóm quyền lực, đã sẵn sàng dùng những phương pháp man rợ nhất, sử dụng chính sự tàn bạo của chính quyền hoặc của những tên côn đồ xã hội đen để đàn áp những cuộc nổi dậy của người nông dân.

Máu đã đổ.

Một trong những lần đụng độ khốc liệt nhất đã xảy ra gần đây là vụ việc ngày 6/12/2005 ở làng Dongzhou ở Guangdong (Quảng Đông), khi chính quyền đã huy động trên một nghìn cảnh sát cơ động để trấn áp người dân. Họ đã sử dụng hơi cay và cả súng liên thanh để nã đạn vào đoàn tuần hành với hơn nghìn người dân làng. Hàng trăm người đã bị bắt và có ít nhất ba người thiệt mạng.

Khi người nông dân bị áp bức phải làm phản, họ đã tự giải phóng mình

Chúng ta hãy đọc thật kỹ những gì mà người nông dân Trung Quốc đã nói về đất đai của họ trong ba hồ sơ mà tôi đã nêu ở đầu bài viết.

250 hộ dân đứng sau tuyên bố ở làng Shengzhuang của Jiangsu:

Những người dân tại đây đã cáo buộc, là có một nhóm lợi ích đầy quyền lực gồm các quan chức và doanh nhân đã cưỡng đoạt đất đai của họ, nhân danh “lợi ích công” cùng việc xây dựng các “cơ sở hạ tầng công cộng”.

Nhưng thật ra, đất đai bị cưỡng chế lại được dùng để xây các nhà nghỉ, nhà hàng, khu mua sắm và giải trí – tất cả đều là những dự án thương nghiệp tư nhân.

Và điều này đã khiến người nông dân phải đặt vấn đề:

“Dự án này là công trình ‘công cộng’ kiểu gì? Nó có giúp ích gì đến an sinh xã hội của người nông dân chúng tôi? ‘Nhà nước’ mà các ông nói đến là nhà nước nào? Lợi ích ‘công’ thật ra là lợi ích của ai? Lợi ích ‘tập thể’ lại là lợi ích của những người nào?

Mỗi khi cưỡng chế đất xảy ra, tất cả nông dân chúng tôi đều phản đối. Chúng tôi đã ký những tuyên bố để khẳng định sự phản đối của mình, thế mà các vị trưởng làng cùng chi bộ đảng lại tự cao tự đại cho rằng họ có quyền ‘đại diện’ cho người nông dân để ủng hộ dự án …

Mỗi một lần họ đến để đàn áp chúng tôi, thì ai cũng thấy quan chức, công an, cùng bọn xã hội đen thực thi pháp luật ‘tập thể’.

Chính quyền đã sử dụng bọn côn đồ hệt như các băng thảo khấu thời trước, là những kẻ lập lên núi lập sơn trại để đánh, phá, và cướp.

‘Bọn tao đến để ủi sập ruộng vườn của bọn mày nhân danh chính quyền,’ chúng đã nói với chúng tôi như thế. ‘Hãy hợp tác đi, chống lại thi hành cưỡng chế chính là chống lại chính quyền đấy.’ Chúng thậm chí còn nói, ‘bọn mày tiếp tục ở lại trên mảnh đất này là vi phạm pháp luật’”.

Những người nông dân ở Thành phố Fujin của Tỉnh Heilongjiang:

Họ đã nhìn thấu được hành vi tham nhũng dưới các tên gọi “nhà nước” và “tập thể” rất rõ ràng, và họ tuyên bố:

“Đã từ rất lâu, ‘sở hữu tập thể’ chỉ cho người nông dân quyền làm chủ đất đai trên giấy chứ không phải là thật sự sở hữu nó trong thực tế.

Giờ đây, các quan chức ở Fujin đã kết bè cùng với bọn sâu bọ tại địa phương và nhân danh nhà nước, nhân danh tập thể để cưỡng đoạt và thu lợi từ đất của người nông dân trên diện rộng. Họ đã trở thành những tay ‘địa chủ’ mới, trong khi đó người nông dân chỉ mang vẻ làm chủ đất đai, và sự thật thì họ không khác gì một loại tá điền.

Người nông dân chúng tôi sẽ giải quyết dứt điểm việc cướp đoạt này. Bằng cách khẳng định quyền sở hữu đất của các hộ nhà nông và của từng cá thể nông dân. Chúng tôi sẽ khiến người nông dân trở thành những người chủ thật sự trên mảnh đất của họ”.

Tuyên bố của 70.000 nông dân ở Hồ chứa nước Sanmenxia thì nêu rõ:

“Chúng tôi ở vùng nông thôn nhìn thấy rất rõ là, ngay tại thời điểm này, không có bất kỳ điều luật hay chính sách nào của chính phủ có thể kiểm soát được việc sử dụng đất.

Thế nhưng, nếu quyền sở hữu đất đai được trả về cho người nông dân, thì những tên côn đồ địa phương, những kẻ đã bị lòng tham làm đui mù, sẽ nhanh chóng nhận ra rằng bọn chúng không thể làm ra những hành vi hống hách, trịch thượng như trước nữa.

Bởi vì mảnh đất mà chúng muốn trộm lấy không còn thuộc về một ‘tập thể’ mơ hồ nào nữa, mà đó là đất của chúng tôi, là máu của sinh mạng chúng tôi. Và chúng sẽ chiến đấu thật sự cho mảnh đất đó. Một khi quyền lực này của người nông dân được huy động bởi chính họ, thì phía chính quyền cũng có thể giảm bớt gánh nặng bảo vệ đất đai.

Và:

Trong những năm qua, các quan chức của chính quyền trung ương đã ném cho những người nông dân một chút ủi an, xoa dịu. Nhưng nếu họ thật sự muốn thay đổi, thì họ phải trao lại quyền sở hữu đất đai và quyền tự do kinh doanh cho chúng tôi.

Bời vì hai quyền này sẽ giải quyết được mọi gốc rễ của các vấn đề ở nông thôn. Không có gì có thể khiến cho người nông dân được bình đẳng với người dân thành thị cho bằng có được các quyền này, và điều đó cũng sẽ giúp họ hưởng được quả ngọt của xu thế hiện đại hóa.”

Chúng ta cần một cuộc cách mạng vĩ đại hơn nữa

“Chế độ trách nhiệm” được khởi xướng năm 1978 tại một số khu vực của Tỉnh Anhui, nơi những người nông dân đã đứng lên đòi hỏi quyền tự thống kê mùa màng dựa trên thu hoạch của từng hộ, có thể tạm gọi là “cuộc cách mạng đầu tiên” trong công cuộc giải phóng những người nông dân Trung Quốc, và cũng là một bước đầu tiên trong công cuộc cải cách thời Hậu Mao.

Ngày nay, gần 30 năm sau, chúng ta có thể nói rằng, những bản tuyên ngôn về quyền sở hữu đất của những người nông dân ở Jiangsu, Heilongiang, và Shanxi đã trở thành làn sóng “cách mạng thứ hai”. Qua đó, người nông dân đang tự giải phóng mình.

Lần này, công cuộc đấu tranh của họ còn mang tính cách mạng hơn cả lần đầu, và các tác giả của những bản tuyên ngôn ấy đều biết rõ điều đó.

Họ, không chỉ đòi hỏi quyền làm chủ đất, mà họ đang đòi hỏi các quyền công dân.

Viết tại nhà ở Beijing ngày 19/12/2007
Xuất bản lần đầu trên nhật báo Zhengming (Cheng Ming Monthly) tháng 1 năm 2008.
Dịch sang tiếng Anh bởi A. E. Clark