Ngõ nhỏ trên con phố của Dân nghèo quận 8, căn nhà cấp 4, nơi ấy từ 1989 khi ra trại cải tạo 13 năm dằng dặc ông Nguyễn Ngọc Bích đã ở và suy nghĩ cách làm đổi thay Đất nước.
Một tài năng trẻ của Sài Gòn, tu nghiệp ngành luật tại Harvard, trở về nước ông trở thành chuyên gia luật và dầu khí hàng đầu ở Miền Nam khi ngoài 25 tuổi.
Nhưng số phận trớ trêu, sự tin dùng của chính phủ VNCH vì tài năng xuất chúng của ông lại là nghi vấn về kế hoạch hậu chiến mà chính quyền mới treo lên cổ ông.
13 năm bị tập trung cải tạo. Khi vừa tự do, ông Phan Chánh Dưỡng hỏi ông: Đi hay ở? Ông cười đáp: 13 năm tôi trả giá vậy đâu để bỏ đi.
Và thế là ông ở lại.
Điều gã ngạc nhiên là ngay sau khi được tự do, ông lập tức trở thành người thuyết giảng luật hàng đầu ở các diễn đàn kinh tế, chính trị xã hội cập nhật nhạy bén thời cuộc VN và thế giới. Chuyên gia tài chính Lê Trọng Nhi lý giải cùng đức cha Nguyễn Thái Hợp: Do ông có Đức tin. Trong lúc bị giam cầm khổ ải ông luôn giữ Đức tin ấy.
Bây giờ gã mới hiểu câu ông nói với Phan Chánh Dưỡng: 13 năm tôi trả giá lẽ nào lại bỏ đi. Ông trả giá cho chính Đức tin của mình: Đất nước phải cường thịnh. Ông trả giá cho Đức tin của mình: Tôi yêu Đất nước tôi.
Trước thi hài của ông trong căn nhà cấp 4 đơn sơ ấy, gã nói với con trai út của ông: Rồi Lịch sử sẽ Công bằng đánh giá bố Bích của cháu là nhà cách mạng chân chính của Đất nước.
Lịch sử phải Công bằng ghi nhớ rằng: Nguyễn Ngọc Bích cùng Lâm Võ Hoàng, Trần Bá Tước, Phan Chánh Dưỡng, Huỳnh Bửu Sơn… là những nhà cách mạng đã góp công rất lớn cho nền kinh tế của VN chuyển từ bao cấp qua thị trường, đã thay đổi các nền tảng kinh tế, tài chính, ngân hàng, thương mại, luật pháp của VN hoà nhập với thế giới.
Lịch sử đã đến lúc phải ghi nhận rằng chính những trí thức lớn trên cùng thủ tướng Võ Văn Kiệt là tác giả chính của Đổi mới để hôm nay VN có được bộ mặt hoàn toàn mới.
Ông Lê Trọng Nhi kể: Hôm ấy ông Võ Văn Kiệt mời ông Bích đi khảo sát Trường Sơn. Xe cảnh sát hú còi dẫn đường. Ông Bích nói với ông Nhi, tôi cũng từng một lần đi xe còi cảnh sát dẫn đường, đó là lần đến trại cải tạo.
Nhà báo Trần Trọng Thức kể: Một lần ông Võ Văn Kiệt gặp gỡ Nhóm Thứ Sáu,ông Bích bảo tôi tuy lưng còng nhưng sẽ chỉ nói thẳng. Ông Kiệt khi nghe ông Bích nói rất thẳng về những sai lầm của lãnh đạo, đã nắm hai tay vào mép bàn để kìm phản ứng. Sau đó ông nói với ông Bích: Tôi cần phải biết nghe những lời như thế nếu muốn Đất nước thay đổi.
Bây giờ thì nhà cách mạng ấy đang khép mắt lại. Chúc ông một giấc ngủ yên bình. Bà con mình sống có tình có nghĩa lắm. Bưng bát cơm lên luôn nhớ công ơn kẻ cấy cày.