Nghiêm Hương: Đừng chết ở xứ Ả Rập

0
25
Tác giả Nghiêm Hương - Ảnh: M.LY
TUỔI TRẺ
TTO – Khi lên đường đến Saudi Arabia theo diện xuất khẩu lao động, tác giả Nghiêm Hương muốn tìm lại cân bằng sau ly hôn, nhưng đón chị nơi đất khách lại là “địa ngục trần gian”.

Vào năm 2014, Nghiêm Hương ly hôn ở tuổi 40. Để cân bằng lại, chị đến Saudi Arabia sau khi đọc mẩu quảng cáo xuất khẩu lao động không cần đặt cọc. Thủ tục nhanh và dễ dàng nhưng chị phải cam kết đền 3.000 USD nếu bỏ ngang.

Đến xứ người, Nghiêm Hương tưởng mình sẽ làm đầu bếp đúng như sở thích. Nhưng không, chị bị ép làm giúp việc cho nhiều gia đình. Cuộc sống khổ ải trong gần một năm được chị kể lại trong cuốn sách Đừng chết ở Ả Rập Xê Út. Thế giới sách kỳ này có cuộc trò chuyện với tác giả Nghiêm Hương.

Còn nhiều phụ nữ lao động bị chà đạp, bị bóc lột nhưng nếu người chủ trả tiền thỏa đáng, họ vẫn chấp nhận hoàn cảnh. Họ không kêu cứu được vì thấp cổ bé họng. Khi trở về nước, họ vẫn đau buồn. Họ kể lại câu chuyện với làng xóm nhưng không tạo được tiếng vang vì không cách nào kiểm chứng.

Nghiêm Hương

Chuyến đi mạo hiểm

* Lên đường đến một đất nước xa lạ có phải là một quyết định bốc đồng của chị?

– Bản tính của tôi là thích phiêu lưu. Từ hồi trẻ đến giờ, tôi luôn chọn đi để giải thoát bản thân khỏi tình trạng bế tắc. Vậy nên, đi khỏi đất nước để tìm cân bằng sau hôn nhân đổ vỡ không phải là một quyết định bốc đồng mà chỉ là thói quen của tôi. Đó là cách tôi trốn chạy thực tại, khi bản thân quá bế tắc và không muốn ở lại một môi trường quen thuộc, gợi nhớ những kỷ niệm cũ.

* Nhưng chị hoàn toàn không lường trước sự mạo hiểm của chuyến đi?

– Riêng về chuyến đi này, tôi thừa nhận không tính hết những mạo hiểm, không có kế hoạch, không tìm hiểu về đất nước đó. Tôi cứ nghĩ đằng nào cũng chỉ có hai năm, sẽ nhanh thôi. Thậm chí, tôi không thông báo cho gia đình, không kể về những ngày tháng ở đó cho bất cứ ai. Đến khi cuốn sách này ra đời, mẹ tôi đọc được mới bật khóc vì thương con.

* Thói quen ít chia sẻ khó khăn có phải là lý do chị hạn chế tìm sự giúp đỡ từ Việt Nam khi lâm vào hoạn nạn ở Saudi Arabia?

– Tôi là người mà những gì thuộc về riêng mình tôi sẽ giữ kín. Đến khi tôi chia sẻ thì mọi việc đã giải quyết xong rồi. Món tiền 3.000 USD (gần 70 triệu đồng) lúc đó nằm ngoài khả năng của gia đình tôi. Tôi biết gia đình có muốn cũng không giúp được. Tôi có nhờ chồng cũ nhưng anh chuyển tiền từ Việt Nam sang nước ngoài mà không chứng minh được nhân thân nên cũng không giúp được.

Vì vậy, tôi quyết định xin ứng lương nhờ một chị người Philippines ở đây nộp giúp. Chị ấy giúp tôi một phần vì tiền, nhưng nếu không có lòng trắc ẩn thì không ai dám mạo hiểm như vậy. Trong cuốn sách, tôi không tái hiện hết được mối nguy hiểm khi sống bên đó. Sau này, tôi mới biết chị ấy bị tố cáo với chủ là đã giúp tôi nên phải quay về Philippines.

Nghiêm Hương: Đừng chết ở xứ Ả Rập - Ảnh 3.

Sách do Sống và NXB Thế Giới ấn hành – Ảnh: Mi LY

Không phải tố cáo mà là sẻ chia

* Chị so sánh cuộc sống ở Saudi Arabia như “đang trở lại thời nô lệ của Nghìn lẻ một đêm”, bị đày đọa về thể xác lẫn tinh thần. Chị lấy đâu ra sức mạnh tinh thần để sống và trở về?

– Người Saudi Arabia không cho phép người ngoại đạo đồng đẳng với mình về văn hóa, tri thức. Sống trong một môi trường như vậy, người giúp việc bị áp chế thì người chủ lại coi đó là lòng trung thành.

Tôi xác định mình phải thích nghi để tồn tại. Tôi nghe theo lời khuyên của một số người giúp việc đi trước để tự bảo vệ mình. Tôi đặt ghi âm điện thoại cả ngày lẫn đêm nên mới ghi được tiếng ông chủ vào bếp định cưỡng hiếp mình.

Nhưng tôi không muốn viết cuốn sách như một lời tố cáo, tôi muốn nó là sự chia sẻ trải nghiệm. Ngay cả quyết định nghe theo công ty môi giới để đến đất nước đó cũng là do chính mình. Tôi không muốn gọi hành vi của công ty đó là lừa đảo nhưng chắc chắn là một sự gian dối.

* Chị muốn nói với những người phụ nữ nghèo từ Việt Nam và các nước khác là họ còn có lựa chọn khác?

– Tôi không muốn áp đặt rằng bất cứ ai đi xuất khẩu lao động ở Saudi Arabia đều sẽ rơi vào hoàn cảnh như tôi. Tôi chỉ muốn họ đọc sách và cân nhắc. Còn nhiều điều kinh khủng hơn rất nhiều nhưng tôi không thể đưa hết vào sách vì chúng nằm ngoài sức tưởng tượng. Tại Việt Nam hiện nay, thông tin về xuất khẩu lao động sang Saudi Arabia vẫn còn rất ít ỏi. Tôi mong cuốn sách đến được tay những người cần đọc, chỉ tiếc là những phụ nữ này lại ít đọc sách.

Tôi chỉ sợ cuốn sách gây hiệu ứng tò mò và hiếu kỳ hơn là quan tâm thực sự.

* Tác động tích cực nhất của trải nghiệm nhớ đời này đối với chị là gì?

– Với tôi bây giờ, mọi áp lực công việc đều không là gì cả. Trước đây khi gặp vấn đề trong công việc, tôi rất dễ chán và bỏ ngang. Nhưng hiện tại, tôi hiểu mọi khó khăn đều có thể vượt qua.

Tủi cực và chết hụt

Chuyện xuất khẩu lao động của Nghiêm Hương bắt đầu vào ngày 5-11-2014 tại thành phố Ha’il ở phía tây bắc Saudi Arabia.

Trong sự ngỡ ngàng của bản thân, chị bị đẩy vào làm giúp việc cho một gia đình sống trong căn biệt thự bề thế nhưng có cách đối xử tàn tệ. Bên cạnh khối lượng công việc nặng nhọc là những quy tắc ràng buộc nặng nề đổ lên đầu người giúp việc, trong đó có việc phải quỳ xuống khi đưa thức ăn cho chủ. Sức chịu đựng của chị lên đến đỉnh điểm khi một lần bị ông chủ tìm cách hãm hiếp. Ý định của chủ không thành nhưng cũng đủ khiến chị hoảng loạn và tuyệt vọng. “Đầu óc tôi bấn loạn, ngay ngày mai tôi sẽ rời khỏi đây và trở về bằng mọi giá, tôi cảm thấy sắp thần kinh tới nơi” – Nghiêm Hương bộc bạch.

Thế nhưng, việc trở về Việt Nam từ nơi đất khách quê người không hề dễ dàng. Sau khi được đổi chủ, chị lại sa chân vào một nơi nguy hiểm khác, bị bà chủ căm ghét, nhốt và bỏ đói suốt hai ngày trong một căn phòng.

Chỉ trong hai tháng đầu ở đất khách, chị qua ba đời chủ và nếm trải vô số khổ ải. Trở về Việt Nam vào tháng 7-2015 sau chuyến đi kinh hoàng ấy, Nghiêm Hương thừa nhận với Tuổi Trẻ rằng chị suy sụp mất 2 năm mới vực dậy được.

Hiện tại, sau khi trở về từ biến cố, Nghiêm Hương đang có cuộc sống hạnh phúc ở Sài Gòn với một công việc tốt.