Liên Hiệp Quốc bác bỏ trưng cầu dân ý do Nga tổ chức ở Ukraine: Hiểu sự kiện này ra sao?

0
12
Kiên trì và bền bỉ trong cuộc chiến vệ quốc của mình là cách tốt nhất để người Ukraine có thể tận dụng hết lợi thế pháp lý quốc tế của họ trước Nga. Ảnh minh họa. Nguồn: SOPA Images.

Ukraine đang có tất cả sự ủng hộ pháp lý mà họ cần có.

Nguyễn Quốc Tấn Trung October 13, 2022 . 3:59 PM

Kiên trì và bền bỉ trong cuộc chiến vệ quốc của mình là cách tốt nhất để người Ukraine có thể tận dụng hết lợi thế pháp lý quốc tế của họ trước Nga. Ảnh minh họa. Nguồn: SOPA Images.

Rạng sáng ngày 13 tháng 10 năm 2022 giờ Việt Nam, Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc (United Nations General Assembly – UNGA) thông qua Nghị quyết ES-11/L.5 trong chuỗi nghị quyết khẩn cấp liên quan đến hòa bình và an ninh quốc tế do hành vi xâm lược của Nga đối với Ukraine. [1]

Nghị quyết này của Đại hội đồng – với sự ủng hộ áp đảo của đại đa số các quốc gia thành viên (143/183) – khẳng định tính vô pháp của các cuộc trưng cầu dân ý mà Nga tổ chức hồi tháng Chín vừa qua tại một số khu vực mà quốc gia này chiếm đóng của Ukraine.

Những lãnh thổ này thật ra không xác định được đường biên giới ổn định, không xác định được dân cư vì các dòng tị nạn và số lượng người ở lại chưa được thống kê phù hợp, và thậm chí cũng chưa xác định được đơn vị hành chính nội tại để có thể tổ chức trưng cầu dân ý một cách đúng nghĩa.

Quan trọng hơn, sau cuộc “trưng cầu dân ý”, chiến sự vẫn diễn ra khá bình thường với việc quân đội Ukraine duy trì thế tiến của họ ở cả phía Đông lẫn phía Nam Ukraine để giành lại các vùng mà Nga vừa… tổ chức “trưng cầu” xong. Điều này một lần nữa cho thấy diễn ngôn “đã trưng cầu dân ý xong” của Nga luôn có vấn đề.

Song tìm hiểu chi tiết hơn về nghị quyết này, bạn đọc Việt Nam cần chú ý những vấn đề gì?

Nội dung và các điểm nhấn của nghị quyết

Trong bản dự thảo dài hai trang (tham khảo bản dịch tiếng Việt ở trang Dự án Đại sự ký Biển Đông), [2] Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc vận dụng tất cả các ngôn ngữ cần thiết và phù hợp nhất, nhắc lại các nguyên tắc pháp lý cơ bản đã được thừa nhận, và từ đó đưa ra khẳng định vững chắc nhất có thể về tính pháp lý của các cuộc trưng cầu dân ý mà Nga tổ chức.

Trong đó, Đại hội đồng:

  1. “Tái khẳng định” (reaffirms) chủ quyền, độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine đối với tất cả các lãnh thổ nằm trong vùng biên giới được quốc tế công nhận từ trước đến nay (tức ngay sau khi quốc gia này trở thành quốc gia độc lập, hoàn toàn tách khỏi Liên bang Xô Viết). Điều này có nghĩa là Crimea, Donbas, hay bất kỳ vùng lãnh thổ nào khác mà Nga đòi hỏi đều được công nhận là của Ukraine.
  2. “Chỉ trích” (condemns) hành vi tổ chức trưng cầu dân ý cũng như nỗ lực sáp nhập lãnh thổ Ukraine vào Nga.
  3. “Tuyên bố” (declares) rằng “hành vi phạm pháp” (unlawful actions) của Nga liên quan đến “những cuộc trưng cầu dân ý bất hợp pháp” (illegal so-called referendums) tại những vùng bị chiếm đóng (temporary military control), đều không có giá trị (no validity) làm thay đổi biên giới Ukraine. Chỉ trong mục thứ ba này, các thuật ngữ có hàm ý phủ nhận tính hợp pháp của mọi hành vi Nga đang thực hiện tại Ukraine được nhắc đi nhắc lại đến năm lần.
  4. “Kêu gọi” (calls) tất cả các quốc gia thành viên cũng như cơ quan chuyên môn của Liên Hiệp Quốc không công nhận bất kỳ thay đổi lãnh thổ nào hình thành do các hành vi kể trên.
  5. “Yêu cầu” (demands) Liên bang Nga hủy bỏ ngay lập tức và vô điều kiện các quyết định liên quan đến những vùng lãnh thổ này.

[…]

Như vậy, với một nghị quyết chỉ có tám tiểu mục, Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc đã dùng tới năm tiểu mục để chỉ ra hành vi cần bị lên án của Nga, xác nhận tính phi pháp của các hành vi này, và đồng thời đưa ra hệ quả pháp lý cho những sai phạm đó.

Ngôn ngữ của nghị quyết rõ ràng, minh thị và mạnh mẽ trong việc loại trừ tất cả các khả năng dùng lãnh thổ của Ukraine đang bị chiếm đóng như là một chủ đề có thể được mang ra bàn cân để đàm phán với Nga, như nước này luôn đề nghị.

Tổng quan về cách bỏ phiếu và các quốc gia bỏ phiếu

Kết quả bỏ phiếu đối với dự thảo ES – 11/L.5 là 143 phiếu thuận, chỉ năm phiếu chống, và 35 phiếu trắng (cùng thêm 10 quốc gia không bỏ phiếu). Đây có thể được xem là một nghị quyết được cộng đồng quốc tế ủng hộ mạnh mẽ với số phiếu áp đảo.

Kết quả bỏ phiếu đối với dự thảo Nghị quyết ES – 11/L.5 là 143 phiếu thuận, chỉ năm phiếu chống, và 35 phiếu trắng (cùng thêm 10 quốc gia không bỏ phiếu). Nguồn: UN News (news.un.org)

Còn nhớ với Nghị quyết 68/262 về việc phủ nhận tính pháp lý của cuộc trưng cầu dân ý đòi sáp nhập Crimea vào Nga năm 2014, cộng đồng quốc tế phản ứng yếu ớt hơn nhiều với chỉ 100 phiếu thuận, 11 phiếu chống và đến 58 phiếu trắng. [3]

Điều này cho thấy sau chín năm, chính quyền đương nhiệm Nga đã thể hiện rõ độ nguy hiểm và tư duy vô pháp của họ hơn, có tính thách thức cao hơn cho sự tồn tại của trật tự quốc tế hiện đại. Từ đó, Nga buộc các quốc gia vốn tương đối trung lập trước đó phải thể hiện rõ quan điểm của mình trước những sai phạm và sự leo thang của Nga.

Tương tự, nếu so với Nghị quyết ES – 11/1 lên án hành vi xâm lược của Nga hồi đầu tháng Ba năm nay, số phiếu thuận trong nghị quyết mới tăng lên hai phiếu (từ 141 lên 143 phiếu thuận). Số phiếu chống vẫn là năm phiếu trong khi phiếu trắng tăng lên một phiếu (từ 34 phiếu). Lý do của hiện tượng này là bởi vì một số quốc gia hoàn toàn không tham gia bỏ phiếu trước đó nay đã tham gia và bỏ thêm phiếu thuận hoặc phiếu trắng.

Một điểm bất ngờ mà chúng ta có thể cân nhắc là việc Afghanistan, Myanmar – hai quốc gia vốn đều có hiềm khích với phương Tây – cũng phải bỏ phiếu ủng hộ nghị quyết vì tính vô pháp nghiêm trọng của các hành vi mà Nga thực hiện. [4]

Các quốc gia ASEAN bỏ phiếu ra sao?

Một điểm đáng chú ý khác và có liên quan đến chúng ta hơn là trong các quốc gia ASEAN, có tám quốc gia ủng hộ nghị quyết, bao gồm: Brunei, Cambodia, Indonesia, Malaysia, Myanmar, Philippines, Singapore, và Timor-Leste. Ba quốc gia bỏ phiếu trắng bao gồm Việt Nam, Thái Lan, và Lào. Con số này cho thấy ngay cả bên trong ASEAN, đa số áp đảo trong các quốc gia thành viên cũng thể hiện rõ quan điểm phản đối Nga, cũng như cho rằng những hành vi này là vi phạm nghiêm trọng pháp luật quốc tế.

***

Nhìn chung, với nghị quyết mới này, kho tàng quan điểm pháp lý quốc tế cũng như các tài liệu có tính thẩm quyền ngày càng phong phú hơn. Điều này giúp định hướng cách xử lý và giải quyết các tranh chấp liên quan đến các hành vi của Nga trên lãnh thổ Ukraine.

Sẽ có nhiều người thất vọng về việc Việt Nam tiếp tục bỏ phiếu trắng. Tuy nhiên, đối với Ukraine, họ đã có tất cả sự ủng hộ pháp lý cần thiết họ cần có. Không bỏ cuộc, tiếp tục chân cứng đá mềm trong cuộc chiến vệ quốc của mình là cách tốt nhất để người Ukraine có thể tận dụng hết lợi thế pháp lý quốc tế của họ trước Nga.

Theo Luật Khoa