GS Vũ Tường: VNCH chỉ thua về quân sự nhưng “thắng hầu hết” các lĩnh vực khác

0
13
Cuốn sách "Việt Nam Cộng Hòa, 1955-1975 - Những Góc Nhìn của người Việt Nam về Xây dựng Đất nước" (tạm dịch), do Tường Vũ và Sean Fear chủ biên, Xuất bản của Chương trình Đông Nam Á, một ấn phẩm của NXB Đại học Cornell, Ithaca & London, in tại Hoa Kỳ, năm 2019 Quốc Nguyễn/ RFA

Quốc Phương, cộng tác viên RFA Tiếng Việt từ London
2023.04.30

Nhìn lại 48 năm biến cố lịch sử 30/4/1975, có thể thấy rằng Việt Nam Cộng Hòa chỉ thua về mặt quân sự nhưng đã “thắng hầu hết” trên các lĩnh vực khác; và di sản của Việt Nam Cộng Hòa mặc dù qua năm thập niên bị đàn áp, vẫn trường tồn và phát triển, đó là ý kiến của một học giả chuyên về khoa học chính trị nghiên cứu Việt Nam và Việt Nam Cộng Hòa từ Mỹ.

“Có thể thất bại về mặt quân sự, nhưng rõ ràng Việt Nam Cộng Hòa đã chiến thắng phe Cộng Sản Bắc Việt trên hầu hết các mặt trận khác, và thất bại về mặt quân sự cuối cùng đó mặc dù vậy, chỉ là một thất bại trên mặt quân sự mà thôi,” nhà nghiên cứu chính trị học, Giáo sư Vũ Tường, Chủ nhiệm Khoa Khoa học Chính trị, Đại học Oregon của Hoa Kỳ trong dịp này nói với Đài Á Châu Tự Do.

“Qua sự nghiên cứu về văn hóa, chính trị, kinh tế, xã hội, giáo dục, nghệ thuật v.v…, chúng tôi thấy câu hỏi phải đặt ra là tại sao Việt Nam Cộng Hòa lại chiến thắng về những mặt đó?

Tức là tất cả những mặt đó, Việt Nam Cộng Hòa đều hơn phe cộng sản cả, và di sản của Việt Nam Cộng Hòa vẫn tồn tại cho đến ngày nay và vẫn đang phát triển, mặc dù sau bao nhiêu năm bị đàn áp, như vậy câu hỏi đã hoàn toàn lật ngược lại.”

Câu hỏi mới mở ra cách nhìn mới 

Theo Giáo sư Vũ Tường, người cũng được biết tới là đồng chủ biên của nhiều cuốn sách, công trình nghiên cứu, biên khảo về chính trị Đông Nam Á, Chiến tranh Lạnh ở Châu Á, Việt Nam Cộng hòa (1955-1975), chủ nghĩa cộng hòa Việt Nam, chính trị và kinh tế Việt Nam đương đại, và cộng đồng người Mỹ gốc Việt v.v…, đây là cách nhìn mới trong giới nghiên cứu Việt Nam học và nghiên cứu Việt Nam Cộng Hòa học ở Mỹ hiện nay, ông cho biết:

“Cách nhìn mới này đã dẫn đến câu trả lời hoàn toàn khác so với cách nhìn cũ, bởi vì nếu không có cách nhìn mới, mà cứ nhìn vào cách nhìn cũ thì sẽ chỉ nói rằng: ‘Ồ, rõ ràng Việt Nam Cộng Hòa đã thua trong trận 30/4/1975, dẫn tới mất nước’.

Cách nhìn như thế thì còn gì phải bàn cãi nữa, và cứ xoay đi xoay lại thì kết cục thua quân sự là một kết cục rồi, thành ra câu hỏi tiếp tục sẽ đi tới là ‘Ồ, thua, nhưng thua theo kiểu nào?’

Còn bây giờ, chúng ta đặt câu hỏi với cách nhìn mới, không phải tập trung vào mặt quân sự, mà tập trung vào những khía cạnh khác, thì rõ ràng là Việt Nam Cộng Hòa không thua, mà còn thắng nữa. Thành ra câu hỏi này dẫn đến một sự thay đổi hoàn toàn!”

Về những lĩnh vực được cho là ưu thắng này của Việt Nam Cộng Hòa so với phe Cộng sản Bắc Việt, như một di sản lịch sử để lại mà vẫn còn có giá trị cho ngày nay cũng như cho tương lai, Giáo sư Vũ Tường nói:

“Hãy nói về từng mặt một, thứ nhất về chính trị, Hiến pháp 1967 là Hiến pháp dân chủ, tự do nhất của Việt Nam từ trước đến nay, hơn cả Hiến pháp 1946 nữa.

Và Hiến pháp đó thực sự là kết quả của một quá trình tranh đấu rất khó khăn, từ thời chống thực dân cho đến thời Đệ Nhất Cộng Hòa, những đảng phái, những phong trào tôn giáo, những phong trào sinh viên v.v… chống lại chế độ và gia đình ông Ngô Đình Diệm và sau đó chống lại các tướng lãnh, như là tướng Nguyễn Khánh, tướng Nguyễn Cao Kỳ v.v…, thành ra mới ra được Hiến pháp đó, bản Hiến pháp đó để lại một văn bản mà chúng ta cần nghiên cứu để hiểu thêm; và Hiến pháp đó thực sự được thi hành, chứ không phải chỉ là mấy tờ giấy thôi, mà nó thực sự được thi hành trong những năm sau đó. 

Và nó có sức sống tương đối là mạnh, mặc dù cuối cùng nó thất bại cùng với cái chết của Việt Nam Cộng Hòa, nhưng nó để lại một tài liệu rất quan trọng, để cho chúng ta có thể nghĩ là trong tương lai, nếu Việt Nam muốn hướng đến dân chủ, mà thực ra dân chủ này không phải là do phương Tây áp đặt, mà dân chủ này rõ ràng chúng ta thấy là những tranh đấu của những phong trào, đảng phái mà nhờ đó có được, thành ra dân chủ đó là dân chủ thực sự, là nguyện vọng của dân chúng, chứ không phải do nước ngoài áp đặt; và trong tương lai, khi Việt Nam có được điều này, Việt Nam có thể học hỏi từ những thành công hay thất bại của Hiến pháp đó, vì Hiến pháp đó không phải hoàn toàn hoàn thiện, hay toàn bích gì cả.

Bởi vì Hiến pháp nào, như Hiến pháp Mỹ, cũng vậy thôi, nó là văn kiện phản ánh thế lực chính trị, quan điểm chính trị của thời điểm được soạn thảo, thành ra đương nhiên, nó là Hiến pháp dân chủ và tự do nhất trong lịch sử của Việt Nam, nhưng nó cũng có những điểm yếu mà chúng ta có thể tham khảo để mà sửa đổi, v.v… đó là về mặt chính trị.”

Phiên họp hỗn hợp của Quốc hội miền Nam Việt Nam biểu quyết vào Chủ nhật, ngày 28 tháng 4 năm 1975 để yêu cầu Tổng thống Trần Văn Hương chuyển giao chức vụ của mình cho Tướng Dương Văn Minh. Ảnh: AP/Errington

Rất nhiều chính sách, kinh nghiệm, bài học hữu ích

Theo Giáo sư Vũ Tường, tác giả của cuốn sách được nhiều người trong giới nghiên cứu biết tới là cuốn ‘Paths to Development in Asia: South Korea, Vietnam, China, and Indonesia’ (tạm dịch: ‘Những con đường phát triển ở Châu Á: Hàn Quốc, Việt Nam, Trung Quốc và Indonesia’ do Nhà xuất bản Cambridge xuất bản năm 2010), về mặt kinh tế Việt Nam Cộng Hòa cũng có nhiều chính sách phát triển kinh tế rất tốt, ông nói:

“Mặc dù ngày nay nó không còn được thích hợp lắm do quy mô kinh tế của Việt Nam đã phát triển lớn hơn nhiều và thời đại kinh tế cũng thay đổi, nhưng cũng vẫn còn có những bài học về kinh tế có giá trị, như là quản lý khu vực tư, về quản lý những cơ sở kinh doanh của người Hoa, về quản lý đất đai v.v…

Nó là những bài học còn rất giá trị với Việt Nam hôm nay, chúng ta thấy ở Việt Nam ngày nay có những vụ xung đột, như là vụ xung đột đẫm máu ở Đồng Tâm chẳng hạn, cái đó có thể tránh được, nếu như chế độ quản lý ruộng đất tốt đẹp hơn, đó là về kinh tế và quản lý xã hội.”

Nhìn sang một số lĩnh vực khác như giáo dục, văn hóa, nghệ thuật v.v…, thì những ưu thắng của chế độ Việt Nam Cộng Hòa theo sử gia Vũ Tường là hiển nhiên, ông nói:

“Những mặt đó thì chúng ta thấy là quá rõ rồi, và cũng đã có nhiều người nói đến, đó là chính sách tự do cho văn, nghệ sỹ được tự do sáng tác, đặc biệt dưới thời Đệ Nhị Cộng Hòa, và được tự do tiếp cận và du nhập các trường phái tư tưởng văn hóa, nghệ thuật từ nước ngoài. 

Kể cả tôn giáo v.v…, kể cả những xu hướng mà chính quyền không ưa thích, nhưng vẫn được thoải mái tiếp nhận và sáng tạo, nhờ đó mới phát huy được văn học, nghệ thuật của nước nhà, còn nhiều khía cạnh khác nữa mà có thể nói đến.”

Về một lĩnh vực mà Việt Nam Cộng Hòa cũng được cho là đã đạt được trình độ phát triển ưu so với chế độ ở miền Bắc cộng sản, đó là về dân chủ pháp trị và xây dựng nhà nước trên nền tảng này, Giáo sư Vũ Tường nói:

“Xây dựng nhà nước pháp quyền ở Việt Nam Cộng Hòa trước đây là một quá trình dài, nó chưa có được kết quả rõ ràng như là Hiến pháp 1967, nhưng hệ thống tòa án ở miền Nam Việt Nam tương đối độc lập với chính quyền và có khả năng đưa ra những phán quyết mà ngược lại với chính quyền. Ví dụ như vụ chính quyền Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu bắt ông Trần Ngọc Châu chẳng hạn, mà đã bị Tòa án tối cao của miền Nam Cộng Hòa phủ quyết v.v… Đó là những thí dụ, mặc dù nó không phải là nhiều, vì trong hoàn cảnh chiến tranh, nhưng nó cho thấy đã có nhiều kinh nghiệm thực tế trong xây dựng nhà nước pháp quyền, mà thực ra hồi đó người ta gọi là pháp trị, tức là quyền cai trị của pháp luật trên cả nhà nước.” 

Ông Trần Ngọc Châu là Tổng thư ký Hạ viện Việt Nam Cộng Hòa giai đoạn 1968-1969 và là một người tích cực chỉ trích Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, theo một bài báo của tờ Washington Post vào năm 2020 cho biết, ông Châu bị bắt vào năm 1970 vì “những hoạt động có lợi ích cho Cộng sản.”

Ông bị kết án 10 năm tù giam trong một phiên tòa quân sự, mặc dù sau đó Tối cao Pháp viện miền Nam phán quyết rằng phiên tòa đã vi hiến và hủy bỏ bản án của ông, ông Châu vẫn phải ở tù bốn năm trước khi được thả ra để quản thúc tại gia.

Cảnh sát Quốc gia và thường phục xô đẩy các nhà báo nước ngoài từ một hành lang đông đúc bên ngoài tòa nhà Quốc hội ở Sài Gòn, nơi Tổng thư ký Hạ viện Trần Ngọc Châu đợi cảnh sát đến bắt ông sau khi ông bị tòa án quân sự kết án về tội hoạt động thân Cộng, ngày 26 tháng 2, 1970. Ảnh: AP/Nick Út

Kế hoạch nghiên cứu VNCH và quan hệ Việt – Mỹ tới đây

Nhân dịp này, Giáo sư Vũ Tường cũng chia sẻ với Đài Á Châu Tự Do về kế hoạch nghiên cứu Việt Nam Cộng Hòa trong nghiên cứu Việt Nam học giai đoạn cận, hiện đại tại Mỹ, ở nơi mà ông và các đồng nghiệp của ông đang nghiên cứu và đào tạo, ông nói:

“Thứ nhất, chúng tôi vừa ra một số sách xong, thành ra còn trong giai đoạn quảng cáo sách; thứ hai, về mặt nghiên cứu chúng tôi đã có một số đề tài sắp tới mà chúng tôi tiếp tục hướng tới như nghiên cứu về Hiến pháp Việt Nam Cộng Hòa và hệ thống chính trị của nó, ví dụ nghiên cứu về Chủ nghĩa Tự do, tức là dịch của chữ ‘Liberalism’ của tiếng Anh.

Chủ nghĩa tự do đó trong thời Pháp nó đã có một ít ở Việt Nam, nhưng đến thời Đệ Nhị Cộng Hòa thì nó mới phát triển mạnh và có những quan điểm mới về tự do, đặc biệt là tự do trong kinh tế, tự do trong văn hóa và tự do trong chính trị đa nguyên. 

Đây là những tư tưởng mà những nhà tư tưởng và những nhà hoạt động của Việt Nam Cộng Hòa đã du nhập từ phương Tây và họ còn đang trong quá trình sàng lọc thì quá trình đó chấm dứt và bị cộng sản thâu chiếm tất cả, và không cho nó phát triển nữa, nhưng mà hiện nay nó đang phát triển trở lại, thành ra xu hướng về chủ nghĩa tự do đó là một đề tài khá hứng thú.

Còn một số đề tài khác, chẳng hạn về kinh tế, chính sách người cày có ruộng là một chính sách rất hay và tiến bộ mà chúng ta có thể tham khảo, bên cạnh những chính sách khác.

Và đặc biệt, nhân dịp 50 năm đánh dấu kết thúc cuộc chiến Việt Nam, sắp tới đây, trước mắt vào tháng 10/2023, chúng tôi sẽ tổ chức một hội thảo về ‘50 năm cộng đồng người Mỹ gốc Việt nhìn lại lịch sử và hướng tới tương lai’.

Hội thảo này sẽ là khá lớn, giống như hội thảo năm 2019 mà chúng tôi tổ chức, và sẽ có khoảng chừng 40-50 người chủ chốt tham gia, còn những người khác thì không kể, họ gồm có một nửa trong đó là những nhà hoạt động, các lãnh đạo trong cộng đồng người Mỹ gốc Việt.

Chúng tôi sẽ tổ chức những cuộc đối thoại và trình bày những quan điểm khác nhau để có thể đưa đến những suy nghĩ sâu sắc về sự hình thành của cộng đồng người Mỹ gốc Việt, về những khó khăn đã gặp phải, những khó khăn trong tương lai, ví dụ như xung đột giữa những thế hệ với nhau, vấn đề về bảo tồn ký ức và di sản lịch sử. 

Tại vì một trong những mảng mà chúng tôi ở trung tâm nghiên cứu Việt – Mỹ ở Đại học Oregon nhắm vào là cộng đồng người Mỹ gốc Việt, và chúng tôi cũng vừa xuất bản một cuốn sách về đề tài đó xong, dựa trên cuốn sách đó và dựa trên quan hệ của chúng tôi trong cộng đồng, chúng tôi hy vọng sẽ có được những cuộc thảo luận rất bổ ích trong cộng đồng, dựa trên đó chúng tôi có thể viết được những báo cáo và thu được tư liệu để làm một bộ phim tài liệu dựa trên những thảo luận và những vấn đề quan trọng trong cộng đồng.”

Hội thảo này theo Giáo sư Vũ Tường là một trong những hội thảo chính mà ông và các đồng nghiệp sắp tổ chức, có sự hợp tác của Viện Hòa Bình thuộc chính phủ Mỹ với Đại học Oregon, ngoài ra trong dịp đánh dấu quan hệ Việt – Mỹ sau 50 kết thúc chiến tranh, về kế hoạch tới đây mà ông đề cập cũng có một hội thảo quan trọng khác nữa:

“Sau đó, chúng tôi cũng dự định tổ chức một hội thảo về quan hệ Việt – Mỹ sau 50 năm, kể từ ngày 30/4/1975, khi mà cộng sản Việt Nam trở thành chủ nhân của cả đất nước Việt Nam, thì quan hệ đó rất là thù địch và trải qua một quá trình thù địch như vậy, nó trở nên bình thường hóa, và cho đến ngày nay nó vẫn còn có nhiều vấn đề mà hy vọng chúng tôi có thể đi sâu vào và có những nghiên cứu có giá trị về đề tài đó,” từ Hoa Kỳ, Giáo sư Vũ Tường nói với Đài Á Châu Tự Do trong dịp đánh dấu 48 năm biến cố lịch sử 30/4.

Giáo sư Vũ Tường hiện là Chủ nhiệm khoa Khoa học Chính trị, Đại học Oregon, ông bắt đầu nghiên cứu và giảng dạy tại khoa này với tư cách giảng viên từ năm 2008. Ông cũng từng thỉnh giảng tại Đại học Princeton và Đại học Quốc gia Singapore, đồng thời giảng dạy tại Trường Sau đại học Hải quân ở Monterey, California. Nghiên cứu và giảng dạy của Giáo sư Vũ Tường liên quan chính trị học so sánh về hình thành và phát triển nhà nước, chủ nghĩa dân tộc và các cuộc cách mạng, đặc biệt tập trung vào Đông Á, cùng với một số quan tâm khác nữa như hệ tư tưởng, chủ nghĩa cộng sản và Đông Nam Á học.