Trong thời gian dài nhà cầm quyền cộng sản Huế đã sử dụng nhiều thủ đoạn nhằm chiếm cứ phần đất đai thuộc sở hữu của Đan viện Thiên An. Đỉnh điểm vào sáng ngày 28/6, một nhóm khoảng 150 người tự xưng là “nhân dân đi thực thi công lý” cùng với một số lãnh đạo chính quyền mặc thường phục tấn công, đập phá nát thánh giá và hành hung, gây thương tích cho rất nhiều đan sĩ.
Tinh thần bất khuất của các đan sĩ để gìn giữ tài sản của Giáo hội trước sự tấn công của sự dữ đang dần trở nên sức mạnh lớn lao khiến nhà cầm quyền Huế buộc phải có những chính sách đối thoại bằng pháp lý thay bằng những cuộc tấn công cơ bắp, man rợ.
Đan Viện Thiên An có cô đơn chống chọi lại sự dữ?
Những hình ảnh, cảnh tượng đàn áp, đập phá Thánh giá, đánh đập các đan sĩ những ngày cuối tháng 6 vừa qua lan truyền trên truyền thông tự do khiến cho hàng triệu con người đau đáu và lo lắng cho các cha, các thầy và đan sĩ cũng như số phận của Đan viện Thiên An.
Một số bạn trẻ nhắn tin cho tôi có suy nghĩ về việc Giáo hội chậm lên tiếng hoặc im lặng trước biến cố đau thương này. Các bạn trẻ cho rằng Giáo hội hình như đang vô cảm trước những nỗi đau của chính thân thể mình và xã hội Việt Nam?
Với cá nhân tôi thì cảm nhận rất rõ ràng Giáo hội Việt Nam đang đau cùng với nỗi đau của Thiên An, đang hòa điệu cùng với những hành động của các tu sĩ nơi đây. Đúng lúc Đan viện Thiên An bị tấn công đàn áp thì tôi đang tĩnh tâm tại một dòng tu kín. Những gì diễn ra tại Dòng tu kín này đã cho tôi sáng bừng và cảm động biết bao trước sự hiệp thông của Giáo hội Công Giáo.
Dù cách xa hàng nghìn cây số nhưng Dòng tu này biết tất cả những hình ảnh, thông tin mà các đan sĩ tại Thiên An bị đàn áp. Họ ngày đêm cầu nguyện liên lỉ. Một ngày 5 giờ kinh nguyện từ sáng sớm tinh mơ đến khi đêm trầm mặc. Trong giờ kinh nguyện nào cũng cầu xin Thiên Chúa bảo vệ, che chở cho cộng đoàn Thiên An đang bị bách hại.
Các Giám mục hiện diện tại Thiên An cũng đã nói lên cử chỉ, tinh thần hiệp nhất và sự ủng hộ với các đan sĩ nơi đây. Đã có 3 Giám mục viếng thăm, cầu nguyện và chia sẻ những mất mát đau thương về biến cố vừa qua. Đặc biệt chúng ta thấy Đức Giám mục Giuse Nguyễn Chí Linh đã đến thăm Thiên An ngay từ lúc Ngài mới nhậm chức Tổng giám mục Huế.
Mới nhất là sự xuất hiện của Đức Tổng Giuse Ngô Quang Kiệt đến thăm Đan Viện Thiên An. Một đan sĩ cho biết rằng Ngài vào và chào thăm từng anh em bằng thái độ ân cần, chuyển lời của bề trên đan viện xitô Châu Sơn cùng anh em ở ngoài đó. Ngài nói Giáo hội luôn đứng về phía anh em, Nhà nước lắm kế, anh em phải khôn ngoan cẩn thận.
Nhiều Giáo xứ ở các Giáo phận khác thắp nến cầu nguyện hiệp thông với các đan sĩ, nhiều nhóm giáo dân trên cả nước tổ chức cầu nguyện nhỏ lẻ riêng biệt cho đan viện cùng các đan sĩ.
Như vậy, chúng ta thấy rằng, mọi biến cố, mọi sự bách hại mà nhà cầm quyền cộng sản nhắm vào bất cứ nơi đâu trên cơ thể Giáo hội Công Giáo thì Giáo hội đều cảm nhận nỗi đau như nhau và tập trung nguồn lực, sức mạnh để bảo vệ, chữa lành vết đau đó.
Tinh thần các đan sĩ
Nhìn từ những diễn biến, động thái của các Giám mục, các linh mục, giáo dân khắp nơi trên khắp đất nước thì thấy rằng Đan viện Thiên An không hề cô đơn, ngược lại là một điểm sáng cho sự kết nối, hiệp nhất của Giáo hội Công giáo Việt Nam trong bối cảnh hiện thời.
Từ tình cảm, sự hiệp nhất của Giáo hội nâng đỡ đan viện Thiên An mà thúc bách và gợi hứng cho lòng nhiệt thành, sự kiên trì và trung tín của các đan sĩ ngày một mạnh mẽ hơn. Một đan sĩ chia sẻ quan điểm: “Giữ vững lập trường bảo vệ tài sản chung của Giáo Hội, còn phía nhà cầm quyền thì đã quen với nó lắm mưu nhiều kế rồi nên các thầy không dễ bị mắc lừa”.
Qua cuộc khổ nạn của Đan viện Thiên An và những biến cố đau thương của Giáo hội trước những thách thức của thời cuộc có thể cho chúng ta thấy rõ được một Giáo hội Công Giáo Việt Nam đang trưởng thành như thế nào.
12.07.2017
Paulus Lê Sơn