Người sử dụng mạng xã hội Việt ngữ đang chuyền cho nhau xem công văn số 3893/BVHTTDL-VP do Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch (VHTTDL) soạn và gửi Bộ Thông tin Truyền thông (TTTT) hôm 15/9/2023 để đề nghị “phối hợp xử lý các tài khoản mạng xã hội đăng thông tin xuyên tạc” (1).
Theo công văn vừa đề cập thì… một số tài khoản trên mạng xã hội đã lợi dụng vụ cháy chung cư mini tại quận Thanh Xuân, Hà Nội để bình luận phản cảm, trái chiều, liên quan đến lãnh đạo đảng, nhà nước, lãnh đạo các ban, bộ ngành trung ương và địa phương tham dự “Lễ trao Giải Báo chí toàn quốc Vì sự nghiệp phát triển Văn hóa Thể thao Du lịch Lần thứ nhất”, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự, uy tín và gây mất niềm tin trong nhân dân. Do vậy, Bộ VHTTDL đề nghị Bộ TTTT chỉ đạo các cơ quan chức năng có biện pháp xử lý đối với các tài khoản trên mạng xã hội bị Bộ VHTTDL liệt kê trong danh sách đính kèm.
Sở dĩ Bộ VHTTDL bị chỉ trích kịch liệt bởi tối 13/9/2023 vẫn tổ chức “Lễ trao Giải Báo chí toàn quốc Vì sự nghiệp phát triển Văn hóa Thể thao Du lịch lần thứ nhất”sau khi chung cư mini tại quận Thanh Xuân, Hà Nội phát hỏa lúc rạng sáng 13/9/2023, khiến 56 người Việt tử nạn. Bộ VHTTDL cho rằng, bộ vẫn tổ chức đàn ca, múa hát mừng công vì “chương trình đã có sự chuẩn bị từ trước”, thuộc loại “trang trọng, thiết thực, hiệu quả, có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, đơn vị, cá nhân”, đặc biệt là… “có sự tham dự của lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương (TGTƯ), Bộ TTTT” nên dường như vì vậy mà lãnh đạo Ban TGTƯ và Bộ TTTT cần… “hành động”!
***
“Lễ” khiến lãnh đạo Bộ VHTTDL vừa bị chỉ trích nặng nề lại liên quan đến… “văn hóa”! Cách nay chừng mươi ngày, “văn hóa” đã từng là lý do khiến Bộ VHTTDL bị thiên hạ dè bỉu vì bộ dự định xin cấp 350.000 tỉ để thực hiện “Chương trình mục tiêu quốc gia về chấn hưng, phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam giai đoạn 2025-2035”.
Nếu chẳng may “chương trình” được duyệt thì từ 2025 đến 2035, mỗi năm chính quyền Việt Nam sẽ cấp cho Bộ VHTTDL khoảng 35.000 tỉ để xây các trung tâm văn hóa – thể thao, thư viện, bảo tàng trải dài từ các tỉnh xuống đến các huyện, xã,… Khoản này gấp rưỡi mức chi tiêu hàng năm cho y tế – dao động từ 20.000 tỉ đến 25.000 tỉ/năm (2).
Việt Nam đã từng dốc tiền xây dựng hệ thống nhà văn hóa, thư viện, nhà truyền thống, nhà triển lãm,… từ phường – xã lên đến quận – huyện, tỉnh – thành rồi phá bỏ, không ít cơ sở trong nhóm được gọi là “thiết chế văn hóa XHCN” này đã được chuyển từ sở hữu toàn dân thành tài sản cá nhân.
Ai thuộc thế hệ sinh từ đầu thập niên 1980 trở về trước cũng có thể trả lời câu hỏi, “thiết chế văn hóa” từng hiện hữu và vừa nhắc lại đã đóng góp những gì cho “phát triển văn hóa, xây dựng con người”? Thế thì tại sao lại khai quật, đề nghị dùng đến 350.000 tỉ đồng để “tô son, trát phấn” cho thứ đã được tống táng ấy?
***
“Chương trình mục tiêu quốc gia về chấn hưng, phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam giai đoạn 2025-2035” mà Bộ VHTTDL giới thiệu hồi đầu tháng này là sản phẩm của “Hội nghị Văn hóa Toàn quốc lần thứ hai” được tổ chức hồi tháng 11 năm 2021, cách Hội nghị Văn hóa Toàn quốc lần thứ nhất (1946) tới 75 năm.
Vì sao 75 năm sau đảng CSVN mới tổ chức “hội nghị văn hóa toàn quốc” lần thứ hai? Cứ nhìn vào tình trạng kinh tế – xã hội càng ngày càng bi đát, nhân tâm – dân ý càng ngày càng bất lợi cho việc giữ gìn và duy trì độc quyền lãnh đạo của đảng CSVN ắt sẽ tìm được câu trả lời.
Khi CNXH hết thiêng, đảng CSVN tự đồng hóa chính họ với “văn hóa”: Đại hội lần thứ 13 của đảng ta tiếp tục phát triển tư duy mới, xác định văn hóa phải thật sự là nền tảng tinh thần của xã hội, soi đường cho quốc dân đi, khẳng định văn hóa và con người là sức mạnh nội sinh để phát triển đất nước phồn vinh và hạnh phúc (3)…
Trong diễn văn khai mạc “Hội nghị Văn hóa Toàn quốc lần thứ hai”, ông Nguyễn Phú Trọng, khẳng định, “chấn hưng văn hóa” là: Xây dựng nền văn hóa Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân – thiện – mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, tính nhân văn, dân chủ và khoa học, làm cho văn hóa trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội (4).
Tuy nhiên đến giờ, “chấn hưng văn hóa” lại trở thành kế hoạch khai thác công quỹ để xây đủ thứ theo kiểu phong trào. Ai tin rằng cứ đổ tiền ra xây Trung tâm văn hóa, Nhà hát, Bảo tàng, Nhà văn hóa, Nhà Truyền thống, Thư viện,… là “nền tảng tinh thần của xã hội” tự nhiên trở thành… “vững chắc”?
Ai tin Bộ VHTTDL – nơi vừa giới thiệu “Chương trình mục tiêu quốc gia về chấn hưng, phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam giai đoạn 2025-2035” và cũng là nơi vừa long trọng tổ chức “Lễ trao Giải Báo chí toàn quốc Vì sự nghiệp phát triển Văn hóa Thể thao Du lịch lần thứ nhất” – có khả năng “hướng đến chân – thiện – mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, tính nhân văn, dân chủ và khoa học” như ông Trọng khẳng định khi thản nhiên tổ chức đàn ca, múa hát bất kể 56 đồng loại và cũng là đồng bào vừa tử nạn hết sức thảm thương, đồng thời khăng khăng đòi “các cơ quan chức năng phối hợp xử lý” những người đã phê phán bộ này.
***
Tổng Bí thư đảng CSVN là nhân vật thường xuyên bày tỏ sự tự hào về nỗ lực xây dựng hệ thống đạt tới “tiền hô hậu ủng, nhất hô bá ứng, trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suất” (6). “Chấn hưng văn hóa” do ông Nguyễn Phú Trọng khởi xướng là ví dụ mới nhất cho thấy tuy có “tiền hô hậu ủng, nhất hô bá ứng, trên dưới đồng lòng” nhưng “dọc ngang không… thông” vì “hậu ủng” hay “bá ứng” hoặc “đồng lòng” chỉ là để tìm lợi nhỏ cho cá nhân, cho nhóm chứ không phải mưu lợi lớn cho dân tộc, cho xứ sở. “Thông” đến… túi mấy gang khi “chấn hưng văn hóa” được nặn thành gói 350.000 tỉ để xây đủ thứ và cứ thắc mắc, góp ý là thành… “xuyên tạc”, phải xử lý?
Chú thích
(1) https://www.facebook.com/photo?fbid=10223858864874642&set=pcb.10223858899675512
(5) https://tienphong.vn/chan-hung-van-hoa-post1567462.tpo