Chấn động thành Hồ, bắt Trương Mỹ Lan và gõ cửa nhà Lê Thanh Hải

0
40
Nguyễn Phú Trọng và Nguyễn Văn Nên. Ảnh trên mạng

Thu Hà 

TIẾNG DÂN

Từ chuyến kinh lý của tổng Trọng…

Ngày 22-9-2022, trên khắp các ngã ba, ngã tư đường nội thành Đà Nẵng đều rải từ ba đến bốn cảnh sát lập chốt. Lực lượng an ninh chìm, nổi bố trí dày đặc, cùng với thông tin lan truyền cho hay, ngài Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ thăm Đà Nẵng. Tuy nhiên tin cuối ngày, các cảnh sát mới té ngửa, đây chỉ là đòn gió của Bộ Công an, nhằm đánh lạc hướng chuyến đi của ông Trọng.

Sáng hôm sau, tức ngày 23-9-2022, chuyên cơ đưa ông Nguyễn Phú Trọng bay thẳng từ Nội Bài đến Tân Sơn Nhất. Cùng đi theo ông Trọng là một bộ sậu quyền lực nhất của cung đình cộng sản, gồm:

– Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng;

– Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai;

– Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an;

– Đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng;

– Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa;

– Chánh Văn phòng Trung ương Đảng Lê Minh Hưng

– Cùng lãnh đạo các ban Đảng, bộ ngành trung ương…

Nguyễn Phú Trọng kinh lý thành Hồ. Ảnh trên mạng

Chuyến đi của ông Trọng được truyền thông của đảng cho biết là “thăm và làm việc với lãnh đạo TP HCM”. Tuy nhiên, nhiều câu hỏi được đặt ra, sau lần đột quỵ tháng 4-2019, đây là lần đầu tiên người đứng đầu của đảng kinh lý phương Nam, thì sao chỉ làm việc trong thời gian chỉ một ngày và chỉ giới hạn tại Thành uỷ thành Hồ?

Ông Trọng đã bí mật bàn những gì với Ban Thường vụ thành uỷ, thông tin không được lộ ra ngoài. Nhưng tin rò rỉ từ những cựu sĩ quan an ninh của quân đội và công an cho hay, khả năng đập nát môt đế chế thao túng nền kinh tế và sẽ bắt giam một vài cựu lãnh đạo cao cấp tại thành Hồ là rất lớn.

Bởi lẽ, ông Trọng mang theo vào thành Hồ cả bốn Uỷ viên Bộ Chính trị hàng đầu, có lãnh đạo cầm đầu quân đội lẫn công an và hai Bí thư Trung ương đảng. Ngoài thị uy, Nguyễn Phú Trọng còn ngụ ý trấn an, bảo đảm sinh mạng chính trị cho phe cánh đang lãnh đạo thành Hồ là Nguyễn Văn Nên, Phan Văn Mãi, cũng như dằn mặt giới cựu lãnh đạo cấp cao từng hùa theo, ăn chia cùng phe Lê Thanh Hải (tức Hai Nhựt).

Đến bắt tài phiệt Trương Mỹ Lan…

Sau nhiều ngày câu lưu thẩm vấn, sáng ngày 8-10-2022, Bộ Công an công bố chính thức, đã khởi tố bắt giam bà trùm giàu nhất Sài Gòn, Trương Mỹ Lan cùng với em gái và cộng sự: Trương Huệ Vân, Nguyễn Phương Hồng, Hồ Bửu Phương.

Hình ảnh bà Trương Mỹ Lan trước (ảnh trên) và sau khi bị bắt giữ. Ảnh trên mạng

Bà Trương Mỹ Lan (còn có tên gọi khác là Trương Muội) sinh năm 1956, là nữ doanh nhân người Việt gốc Hoa giàu có ở Việt Nam. Hiện bà Lan là Chủ tịch HĐQT Công ty Vạn Thịnh Phát, doanh nghiệp đang sở hữu nhiều khu đất vàng ở thành Hồ.

Chồng bà Lan là Eric Chu Nap Kee, một doanh nhân bất động sản ở Hong Kong. Vợ chồng bà Lan có hai người con gái tên là Chu Duyệt Hằng (sinh năm 1994) và Chu Duyệt Phấn (sinh năm 1995).

Chu Duyệt Phấn hiện là Tổng giám đốc Công ty cổ phần bảo trợ tập đoàn Vạn Thịnh Phát, doanh nghiệp vừa ủng hộ 1.450 tỷ đồng mua vaccine Trung Quốc về chích ngừa dịch Covid-19 cho dân Việt.

Ngoài bà Lan, gia tộc họ Trương còn hai doanh nhân hoạt động trong lĩnh vực bất động sản, nắm giữ lượng cổ phần rất lớn tại Vạn Thịnh Phát là Trương Chí Trung, cha bà Lan và Trương Huệ Vân, cháu bà Lan.

Vạn Thịnh Phát của Trương Mỹ Lan phất lên từ những năm Lê Thanh Hải làm chủ tịch UBND thành phố. Tuy nhiên, bà Lan thâu tóm bất động sản, đất vàng và trở thành trùm tài phiệt số một kể từ năm 2007, khi Lê Thanh Hải lọt vào Uỷ viên Bộ Chính trị và giữ chức bí thư thành Hồ.

Vạn Thịnh Phát và các doanh nghiệp liên quan hiện sở hữu rất nhiều bất động sản có vị trí đắc địa tại TP. HCM. Tập đoàn này luôn gây sốt thị trường địa ốc, thâu tóm đất vàng, tạo lập các siêu dự án, sở hữu nhiều dự án tọa lạc ngay trung tâm Sài Gòn như Union Square, Times Square, VTP Office Building, khách sạn Duxton…

Ngoài ra, Vạn Thịnh Phát còn có hàng loạt siêu dự án khác như: Cao ốc căn hộ dịch vụ cao cấp Sherwood Residence, Khách sạn Thương mại An Đông, Khu dân cư Bonville Land, Khu dân cư cao cấp Sterling Residence, Khu căn hộ cao cấp Lambert Residence, Thuận Kiều Plaza…

Trương Mỹ Lan cũng đã bỏ ra hơn 700 tỷ đồng, tương đương 35 triệu Mỹ kim để mua lại căn biệt thự cổ từ thời Pháp, diện tích gần 3000m2, toạ lạc số 110-112 Võ Văn Tần, quận 3 Sài Gòn.

Nổi tiếng giàu có bậc nhất Sài Gòn, nhưng từ năm 2006, doanh nhân Ted Sioeng, quốc tịch Indonesia, tố cáo vợ chồng Trương Mỹ Lan lợi dụng việc mời chào đầu tư để lừa đảo chiếm đoạt của Ted Sioeng tổng cộng 6 triệu Mỹ kim.

Vụ việc từng đưa ra tòa, nhưng cuối cùng, dưới sự bảo kê của “lãnh chúa thành Hồ” Lê Thanh Hải, vụ án chìm xuồng và Trương Mỹ Lan thoát.

Vợ chồng Trương Mỹ Lan cũng bị nêu tên trong “hồ sơ Panama”, liên quan đến trốn thuế và rửa tiền.

Tháng 1-2014, trong một phiên toà, bị cáo Dương Chí Dũng đã khai, có nhận của bà Lan số tiền 1 triệu Mỹ kim, để hối lộ cho thượng tướng Phạm Quý Ngọ, Uỷ viên Trung ương đảng, Thứ trưởng Bộ Công an, nhằm lấy dự án tại Cảng Sài Gòn.

Nhìn lại, Trương Mỹ Lan là người đàn bà thật siêu đẳng. Từ tiểu thương buôn vải tại chợ An Đông, cuộc đời đưa đẩy bà ta gặp được và kết nghĩa chị em với Trương Thị Hiền, em gái bà Trương Mỹ Hoa và là phu nhân của Hai Nhựt, bí thư quận uỷ Quận 5 thời đó, mà số phận đã thay đổi 180 độ.

Dựa vào thế lực gia tộc Lê Thanh Hải, Vạn Thịnh Phát trở thành tập đoàn khổng lồ, tổng số vốn lên đến hàng tỷ Mỹ kim. Từ đất đai của dân nghèo Thủ Thiêm, đến các công sản trung tâm đô thành Sài Gòn, lần lượt lọt vào tay tài phiệt Trương Mỹ Lan và chia chác cho gia tộc Lê Thanh Hải.

“Tứ đại hung thần” thành Hồ: Theo chiều kim đồng hồ, Hải – Quân – Tài – Đua.

Người vợ không cưới, nhưng có hai mặt con với Lê Trương Hải Hiếu, trưởng nam của lãnh chúa Lê Thanh Hải chính là Cheng Bảo Phương. Ít người biết, cô Cheng chính là con nuôi của Trương Mỹ Lan và có thời gian hàng chục năm giữ “tay hòm chìa khoá” cho bà Lan.

Bắt được Trương Mỹ Lan kỳ này, hy vọng “lò ông Trọng” gõ được cửa nhà Hai Nhựt. Những cái tên lần lượt sẽ bị ném vào chảo lửa là Nguyễn Thành Phong, Lê Hoàng Quân và Nguyễn Văn Đua.

Người ta cho rằng, chỉ khi nào ông Trọng đưa vụ án Trương Mỹ Lan vào diện theo dõi của Ban phòng chống tham nhũng Trung ương, thì may ra “tứ đại hung thần” Lê Thanh Hải – Lê Hoàng Quân, Nguyễn Văn Đua – Tất Thành Cang, cùng các tay chân hút máu ở thành Hồ mới bị bắt hết và trả nợ cho dân chúng.

Lê Thanh Hải và Trương Mỹ Lan trong một sự kiện. Ảnh trên mạng

Đảng cộng sản Việt Nam đã “đào tạo, nuôi dưỡng và rèn luyện” nên thứ mà họ cho là “tinh hoa” để đưa vào Ban chấp hành Trung ương đảng. Và chính dảng cũng lột mặt “đảng viên chuyên chính vô sản” ra, trong các cuộc thanh trừng đẫm máu đễ giành lại những gì họ cần phải lấy.

Mặt thật của đảng sẽ dần lộ diện, những đảng viên hưu trí và một bộ phận dân chúng hò reo, hô hào “người đốt lò vĩ đại” sẽ có ngày phải cười ra nước mắt, nếu như “sĩ phu Bắc Hà” bị thế lực khác tiếm quyền tiêu diệt hoặc đem ra trước giá treo cổ để luận tội.