Đặng Đình Mạnh
Lê Công Định
Lại sắp đến ngày 10/10 hàng năm, “ngày Truyền thống Luật sư”. Khi vừa mới bước chân vào nghề, các luật sư thường được xã hội mặc nhiên thừa nhận rằng họ đã vinh dự khoác chiếc áo của một trong số ít nghề nghiệp danh giá, khả kính và đương nhiên có địa vị trong xã hội.
Dĩ nhiên, chúng ta không ảo tưởng hoặc mơ hồ đến mức cho rằng sự danh giá ấy là thành quả được tạo dựng bởi đội ngũ luật sư hiện đang hành nghề trên đất nước này. Trên thực tế, cái nhìn hào phóng của xã hội có nguồn gốc từ ánh hào quang và thành quả hoạt động của giới luật sư phương Tây từ hàng chục thế kỷ qua, ít nhất từ thế kỷ thứ tư sau công nguyên, khi nghề luật sư còn chưa dành cho đại chúng, mà hầu như chỉ là lãnh địa nghề nghiệp riêng của giới quý tộc vốn dồi dào tài chính để theo đuổi những chương trình luật học khó khăn và đắt đỏ.
Với giới luật sư thời xa xưa ấy, hành trang vào nghề luật sư không chỉ là kiến thức luật học, mà còn là những hành xử cao quý của các quý ông thuộc giới tinh hoa của xã hội phương Tây. Họ hành nghề không vì nhu cầu vật chất cơm, áo, gạo, tiền, v.v…; áp lực chính đối với họ là sự thật, là công lý, là công bằng xã hội. Hành động vì các mục tiêu đó, vô hình trung, họ đã tạo dựng nên những giá trị truyền thống tốt đẹp, cùng lý tưởng và danh giá cho nghề luật sư.
Hãy nhìn vào chiếc áo choàng rộng của họ tại pháp đình, trông uy nghiêm và lãng tử như chiếc áo choàng của các hiệp sĩ khi hành hiệp trượng nghĩa. Họ, các luật sư, thật sự chính là hiệp sĩ vì công lý. Cũng chiếc áo ấy, tua rủ màu đen từ vai trái thả đến trước ngực, nơi tọa lạc của trái tim ẩn mình dưới tấm da thỏ trắng phau, tượng trưng cho trách vụ người luật sư phải mang vác trên vai mình: hắc bạch phân minh.
Là một quốc gia Á Đông, Việt Nam chưa biết đến nghề luật sư cho đến khi văn minh phương Tây cùng với nghề luật du nhập vào Việt Nam theo bước chân viễn chinh của người Pháp. Đầu thế kỷ 20, khi chính phủ thuộc địa mở rộng phạm vi hành nghề luật sư cho người có quốc tịch Việt Nam tham gia, thì nhiều người Việt theo tân học đã sớm trở thành luật sư, như LS Phan Văn Trường.
Và chỉ ít lâu sau, nhiều người trong số họ đã có thể trở thành những chính khách hàng đầu, nắm giữ những chức vụ quan trọng trong nhiều chính phủ đã từng được thành lập, kể từ thời cựu hoàng Bảo Đại cho đến năm 1975. Tiêu biểu nhất là LS Trịnh Đình Thảo, LS Phan Anh, LS Trần Văn Chương, LS Vũ Văn Hiền, LS Vũ Văn Mẫu, LS Nguyễn Văn Huyền, LS Trần Văn Tuyên, v.v… .
Các luật sư hành nghề trong suốt thời gian này đều là những hậu duệ kế thừa các giá trị tinh thần cao quý từ các luật sư Pháp quốc và phương Tây, họ luôn giữ gìn phẩm hạnh và lý tưởng nghề nghiệp, vốn tạo nên danh giá và sự khả kính của giới luật sư trong xã hội.
Đáng tiếc, các giá trị tinh thần cao quý vốn là truyền thống của nghề luật sư Việt Nam đã mai một dần qua hai lần chịu sự tác động của lịch sử. Lần đầu tại phần lãnh thổ phía Bắc vĩ tuyến 17 từ năm 1954 và lần hai trên toàn phần lãnh thổ đất nước từ năm 1975. Đó là sự tổn thất vô bờ!
Đến tận năm 1987, nghề luật sư mới được manh nha tái lập. Thực chất là xây dựng mới hoàn toàn, trên cơ sở tự phát một cách hồn nhiên như cây cỏ hữu sinh vô dưỡng thành ra hữu danh vô thực, mà hầu như không có sự uốn nắn nào theo khuôn khổ những giá trị truyền thống của nghề luật sư. Vì lẽ, thế hệ luật sư sở đắc những giá trị truyền thống tốt đẹp ấy đã không còn mấy người hoạt động, một số rất ít luật sư được chân truyền thì lại không có đủ tiếng nói trọng lượng hoặc lòng nhiệt thành để truyền bá lại cho đồng nghiệp. Cho nên, sự mai một các giá trị nghề nghiệp là điều không tránh khỏi và là cái giá phải trả quá đắt cho nghề nghiệp luật sư kể từ thời điểm “khai tử” nghề vào năm 1975.
Có bao giờ các luật sư tự hỏi “truyền thống” đang được nói đến là truyền thống nào? Truyền thống của lý tưởng và danh giá nghề nghiệp đã mai một, hay một thứ truyền thống không nguồn gốc và không liên quan đến nghề nghiệp mà các luật sư ngày nay đang cố tạo dựng? Trả lời câu hỏi ấy, các luật sư sẽ đo lường được niềm tự hào của mình trong “ngày Truyền thống Luật sư”.
Saigon, ngày 09/10/2020
——-//——-
* Ảnh LS Phan Văn Trường, Luật sư Tòa Thượng Thẩm Paris, vị luật sư người Việt đầu tiên.
Thanks for sharing. I read many of your blog posts, cool, your blog is very good.