1- Don’t Assume

0
381
Ushuaia- Argentina- điểm tận cùng thế giới, cách Alaska 17,848km — tại Parque Nacional Tierra del Fuego. Ảnh : Lan Pham

LATIN AMERICA- NAM MỸ

Những năm trước khi theo các khoá huấn luyện để làm trong ngân hàng Canada, chúng tôi được nhắc nhở nhiều lần là Don’t Assume (đừng nghĩ rằng…cho rằng…đoán rằng…). Hãy hỏi để tìm câu trả lời. Đôi lúc trong đời chúng ta cũng hay…. tưởng rằng… nghĩ rằng… phải là thế này…, Thực tế rất khác!

Sau mấy tháng làm một vòng Nam Mỹ (Latin America), càng nhớ cụm từ “Don’t Assume” nhiều hơn.

Trước giờ cứ tưởng khoai tây là sản phẩm của châu Âu (chả thế gọi là khoai “Tây” để phân biệt với khoai “ta” là khoai lang). Nhưng không, nó xuất phát từ Nam Mỹ. Ở những nơi đất cằn sỏi đá, núi cao, khí hậu khắc nghiệt khoai tây vẫn dễ trồng, dễ lan và mạnh như cỏ dại, cho năng suất cao trong thời gian ngắn. Địa lý Nam Mỹ nhiều núi, để trồng trọt người ta phải dùng đá ngăn đất sụt, tạo thành tầng, trông xa giống hệt nương lúa trên Sapa, và khoai tây là thực phẩm chính. Hiện ở Peru có khoảng gần 4 nghìn giống khoai tây khác nhau.

Trước nghĩ tới các loại ớt là tôi nghĩ tới Ấn độ, tới con đường tơ lụa và trao đổi các loại gia vị, trong đó phần nhiều là ớt. Đúng một phần, nhưng nguồn gốc của ớt là từ Nam Mỹ. Columbia tìm ra nơi mà ông tưởng là Ấn độ, cũng là lúc tìm ra gia vị cay, làm cho món ăn thế giới phong phú thêm.

Hồi nhỏ ở quê mỗi lần đu chiếc võng lên tít cao, nhìn bầu trời đung đưa – mây chao đảo và cứ ngỡ rằng quê hương của cái võng là châu Á, nơi có những cây cọ cao vút, sóng đánh bên bờ kè đá và gió nam thổi mát rượi. Giờ mới hay cái võng cũng từ châu Mỹ. Khi Columbia cùng thuỷ thủ đoàn của ông lao đao say sóng gần chết thì đặt chân tới Nam Mỹ. Ông đã tìm được cách cứu giấc ngủ qua cái võng của người bản xứ, dù sóng đánh mạnh ra sao thì thuỷ thủ đoàn của ông vẫn an toàn.

Cứ tưởng rằng đường xích đạo là nơi nóng nhất thế giới, ấy vậy mà Quito, thủ đô Ecuador- nơi đường xích đạo chạy qua (vì thế mà mang tên Ecuador) lại mát, thậm chí lạnh, nhiệt độ quanh năm chỉ từ 10 đến 20 độ C. Đến Quito bạn sẽ có cơ hội đứng trên đường xích đạo màu vàng ở Mitad del Mundo (Middle of the World) nhìn dòng chữ Latitude 00°-00’-00”, nhảy hai chân trên hai nửa bán cầu hoặc đặt quả trứng lên trên đầu móng tay xem có giữ được thăng bằng không. Các cặp đôi thì thường hay đặt mỗi người một chân trên yellow line đó theo kiểu “Anh với em- mình chia đôi thế giới”!!!

Luôn tưởng rằng Nam cực (hay Bắc cực) toàn băng đá, những thành phố gần đó phải lạnh ghê gớm, dù đang sống tại Canada nổi tiếng với mùa đông 11 tháng/năm (!!!). Du lịch chuyến này qua mỏm cực Nam tôi mang đi cái áo khoác ấm nhất của mình. Khi tới Ushuaia- Argentina, nơi được mệnh danh là End-Of-The-World Land, người tour guide cho biết rằng nhiệt độ lạnh nhất ở đó cũng chỉ xuống gần -5°C, chứ không có tới âm ba mươi như Canada đâu, hic! Nhưng tuyết thì bạt ngàn, nơi sân golf hiện nay (đang mùa hè), thì tháng 7 tuyết sẽ cao vài mét. Cơ hội ngàn vàng cho các đội tuyển skiing, skating… luyện, còn mùa đông phía bắc bán cầu thì về… Canada tập tiếp!!!

Niagara Falls nổi tiếng thế giới là thác nước đẹp, dư nước làm thuỷ điện. Ở biên giới Brazil và Argentina có thác nước Iguazu cao hơn và nhiều nước hơn Niagara Falls. May mắn hơn Niagara Falls, nơi các bạn Mỹ phải chạy qua Canada để ngắm, thác nước Iguazu đẹp cả hai bên, Brazil thấy toàn thác từ trên cao và Argentina cảm thấy hết sức mạnh của nước khi đổ xuống. Chiêm ngưỡng những kỳ quan thiên nhiên kỳ vỹ bạn càng khâm phục sức sáng tạo phi thường của tạo hoá.

Sản phẩm của bậc trũng nhất xã hội Argentia, nhà thổ, lại từng mê hoặc đỉnh cao của kinh đô văn hoá Paris. Ra đời từ 1880, điệu tango tình tứ của các cô điếm và phu bến tàu từng bị cấm bởi giới thượng lưu Argentina nhưng được chào đón và đưa ra thế giới cùng tinh thần lãng mạn Pháp. Tương tự như vậy, điệu samba nổi tiếng của Brazil được sinh ra từ khu ổ chuột Rio de Janeiro.

Trước cứ tưởng chỉ cừu cho len, tới Peru mới biết về alpaca. Một loại lạc đà không bướu rất phổ biến tại đây, được dùng nhiều để thồ nặng và leo núi, lông đan áo mũ khăn len… Chợ nào tại Peru cũng bày bán đủ các loại sản phẩm Alcapa với màu sắc sặc sỡ bắt mắt, giá cả hợp lý, lại bảo đảm không có made in China nên khách du lịch thích mua về làm quà. Thêm nữa người Peru hiền lành chân chất gần như không nói thách và không kỳ kèo khách mua nên đi chợ nơi đây quả là một cái thú. Giá cả tuỳ theo lông alpaca loại nào, mother alpaca khoảng 15-20 đô cái khăn len made in Peru. Baby alpaca đắt hơn, vì là lớp lông đầu tiên, rất mềm, đặc biệt là sờ vào thấy mát tay dù giữa trời nóng khoảng 60-70 đô. Baby premium – là loại được chọn 5% từ những sợi lông tơ mịn nhất để làm nên chiếc khăn len đặc sản Peru khoảng $100 và loại cuối cùng- Vicuña là đỉnh của đỉnh với giá một hai ngàn đô. Sở hữu một chiếc khăn mát tay bất kể thời tiết nào là tuỳ ở sự chọn lựa của bạn.

Chile là đất nước có bờ biển dài nhất thế giới, khoảng 4300 km, kéo suốt từ vĩ tuyến 17 nam xích đạo tới tận cùng – mỏm Cape Horn là vĩ tuyến 56 nam, nên khí hậu chạy từ phía bắc rất nóng vì toàn sa mạc và núi tới phía nam lại lạnh gần 0 độ và nhiều sông băng nhất, có những cái rộng cả vài trăm km vuông, với chiều cao một vài trăm mét trên biển. Với biến đổi khí hậu, global warming, những sông băng tại đây cũng đang xối xả tan chảy như thác, hoà nước đại dương tạo thành hai vùng màu xanh khác nhau, trông qua tưởng như hoà bình mà thực chất là cả một cuộc chiến “hoà lẫn hay hoà tan”.

Brazil là nước lớn nhất Nam Mỹ, thứ 5 thế giới về diện tích cũng như dân số. Nước duy nhất tại Nam Mỹ nói tiếng Bồ Đào Nha, các nước còn lại nói tiếng Tây Ban Nha. Rio de Janeiro không phải là thủ đô của Brazil nhưng là thành phố nổi tiếng nhất khi nghĩ tới Brazil, nghĩ tới samba, carnival và những nàng tiên da bánh mật với ba vòng đẹp đến chóng mặt rất thiếu vải và thừa… lông chim. Tại Rio nếu bạn mặc áo tắm một mảnh ra biển, người ta sẽ nghĩ là bạn có bệnh da liễu nên phải che bớt, bởi các cô gái ở đây chỉ có cái gọi là thong, tức là bộ áo tắm hai mảnh, mà mảnh nào cũng nhỏ như dây giúp bạn thêm phong phú trí tưởng tượng.

Bolivia trước thế kỷ 18 cũng có biển, nhưng sau cuộc chiến với Chile và Peru thì nay đã không còn món sashimi bằng sản phẩm nội địa nữa. Bolivia cùng 3 nước khác trên Nam Mỹ (Peru, Argentina và Chile) là những nước duy nhất trên thế giới hợp pháp hoá việc buôn bán và sử dụng các sản phẩm từ lá thuốc phiện (coca) như kẹo, trà. Đơn giản vì chất coca trong lá thuốc phiện làm giảm triệu chứng mệt do altitude sickness (thiếu dưỡng khí khi ở trên cao) gây ra. Nhai nó cả ngày, uống không biết bao nhiêu cốc trà coca, ngậm cả chục cái kẹo, chả ăn thua gì, vẫn thấy mệt mỏi…Con trẻ nơi đây hơi ít chắc dân chúng cũng khó thở, bải hoải trong chuyện làm tình!

P.S: Có khách tới chúc Tết, phải tạm dừng nơi đây chút nữa viết tiếp.