Vụ kiện quốc tế và bài học lớn

0
16
FB Luân Lê

Đôi khi ta muốn giúp kẻ ngu ngốc lại với vị thế là kẻ độc tài, muốn dùng quyền lực để thoả mãn sự cai trị của mình, nhưng trí thức và trí tuệ hầu như họ không cần và cũng không muốn nghe ai góp ý cả.

Pháp luật thì không thượng tôn, dùng quyền uy để cai trị, muốn dùng việc bắt bớ và xét xử theo thói quen thiếu nghiêm minh và các chuẩn mực, nên việc trả giá là điều tất yếu.

Không một ai muốn đất nước mình phải chịu thiệt thòi, phải mất mát, phải gánh chịu thiệt hại về kinh tế và uy tín quốc gia. Nhưng nếu cứ giữ nguyên tư duy và nếp hành xử cũ, coi pháp luật là thứ yếu trong hành xử đời thường và để duy trì quyền lực, thì chơi với quốc tế, những nước văn minh và luôn đòi hỏi tất cả các bên phải tuân thủ một cách chặt chẽ và nghiêm ngặt luật pháp lên hàng đầu, không sớm thì muộn sẽ phải gánh lấy hậu quả nặng nề về hành xử tuỳ tiện của mình.

Trong cuốn sách, MỘT NGƯỜI QUỐC DÂN, tôi đã dành hẳn một phần để viết về sự cần thiết của luật pháp và tại sao nhà nước phải thượng tôn pháp luật. Đây chính là câu trả lời rõ ràng nhất cho những gì tôi đặt ra nếu làm ngược lại những đòi hỏi bắt buộc mà cuốn sách ấy nhấn mạnh.

Người dân trong nước có thể không khởi kiện ra toà án quốc tế được và cũng chỉ biết đi theo hệ thống tố tụng với nhiều khiếm khuyết mà cứ năm nào cũng đòi hỏi cải cách nhưng ngày càng tệ đi (luật sư phải tố giác thân chủ là một quy định điển hình làm thụt lùi nền tư pháp). Nhưng với công dân nước ngoài thì lại khác, họ có mọi biện pháp tư pháp quý giá khác mà người dân nội quốc không thể sử dụng hoặc được hưởng.

Nhưng đó là bài học lớn về việc đòi hỏi phải thay đổi nền tư pháp tiếp cận với tư pháp quốc tế, đòi hỏi lớn hơn nữa là nền luật pháp phải văn minh cũng tương đồng với hệ thống luật pháp của thế giới. Và hơn hết là bỏ thói tư duy dùng quyền lực thay vì dùng luật pháp khoa học để hành xử, lúc đó sẽ tránh được những vụ kiện quốc tế mà phần lớn phần thua thiệt nghiêng về phía Việt Nam!

Như đã từng trước đây trong Bộ luật Hình sự 1985 còn có điều luật quy định về “tội chống lại các nước xã hội chủ nghĩa anh em”. Năm 1999 thì trong Bộ luật Hình sự quy định một số tội liên quan đến kinh tế nhưng đã được bãi bỏ trong Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi 2017). Vì thế, nếu không có hệ thống luật pháp chuẩn mực, thì hậu quả pháp lý là vô cùng lớn trong cuộc chơi hội nhập với thế giới văn minh.