Vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh: Người cộng sản trong Sở Liên bang

0
805
Hồ Ngọc Thắng là đảng viên cộng sản, dũng sĩ ...
Phan Ba

Một người Việt sống ở Đức đưa ra những lời khuyên chính trị cho chế độ cộng sản. Ông ta làm việc cho Sở Nhập cư.
Marina Mai

BERLIN taz | Bây giờ thì Công tố Liên bang tham gia vào vụ Trịnh Xuân Thanh: Vào chiều thứ năm, cơ quan ở Karlsruhe này thông báo đã tiếp nhận điều tra về vụ bắt cóc cựu chính trị gia Việt Nam này và người phụ nữ đi cùng với ông.
Trước đây 18 ngày, cả hai người đã bị lôi vào một chiếc xe tải “ngay trên đường phố” ở Berlin, bị chở vào Đại sứ quán Việt Nam và sau đó đã bị mang về Việt Nam, Công tố Liên bang cho biết. Vì vậy mà sẽ điều tra vì hoạt động gián điệp tình báo và cướp đoạt tự do.

Sở Liên bang về Nhập cư và Người Tỵ nạn, chủ lao động của T.

Trong khi đó, Bộ Ngoại giao đang xem xét những biện pháp tiếp theo. Một nhân viên tình báo của Đại sứ quán Việt Nam đã bị Bộ trục xuất hồi tuần rồi. Cho tới nay, Hà Nội không tham gia làm rõ việc Trịnh Xuân Thanh biến mất, một phát ngôn viên của Bộ nói.

Việt Nam ngồi yên trong cuộc khủng hoảng song phương – và đưa Thanh ra như là một người hối lỗi tự nguyện trở về quê hương. Nước này cáo buộc ông, người trước đây cũng đã từng là doanh nhân, tham nhũng và biển thủ số tiền hàng trăm triệu.

Lời khuyên cứ ngồi yên
Trong truyền thông nhà nước Việt Nam, bây giờ lại có một người đàn ông phát biểu, người sống ở Jena và đã phục vụ cho Bộ Nội vụ từ 26 năm nay: như là nhân viên của Sở Liên bang về Nhập cư và Người Tỵ nạn (Bamf). Ở đó, H. Ngoc T. xử lý các hồ sơ xin tỵ nạn. Ông ta không che dấu công việc làm của mình: Trên Facebook , T. đưa ra công khai một công văn chúc mừng của Sở Liên bang. Về vụ rõ ràng là bắt cóc Trịnh Xuân Thanh, H. Ngoc T. viết hồi tuần rồi: “Các quan hệ Đức-Việt sẽ không bị ảnh hưởng bởi vụ việc này.” Ông ta khuyên chế độ hãy ngồi yên chịu đựng vụ này. Trên trang Facebook của mình, H. Ngoc T. so sánh đường lối ngoại giao cứng rắn của Chính phủ Liên bang [Đức] với cuộc Chiến tranh Việt Nam: “Đừng quá lo sợ, trước đây, Thực dân Pháp và Đế quốc Mỹ đe dọa dùng vũ lực mà chúng ta không sợ, rồi khi họ mang hàng vạn quân đến xâm lược, chúng ta vẫn không chịu khuất phục. Hôm nay, nhân dân Đức và nước Đức không dọa nạt chúng ta.”

Người sếp của Đài Phát thanh Nhà nước Voice of Vietnam lại chia sẻ bài viết này trên trang Facebook của ông – qua đó ông đã tiếp tay tường thuật cho nhân viên của ông.

Lòng trung thành với chế độ Việt Nam không bị phát hiện

Sau khi Bamf chú ý đến những lời phát biểu của người đàn ông này qua điều tra của báo taz, cơ quan đã cho ông ngưng việc cho tới khi có thông báo khác.

Cho tới nay, lòng trung thành của T. với chế độ ở Việt Nam đã không bị phát hiện. Con người độ 65 tuổi này, người đã từng chiến đấu trong Chiến tranh Việt Nam và sang nước CHDC Đức học đại học về luật năm 1976, cũng tự phô bày bản thân trong quân phục trên Facebook. Đảng Cộng sản Việt Nam đã nhiều lần khen thưởng ông ta vì những bài viết mà ông đã công bố trên báo Nhân Dân – chắc hẳn là tờ báo bảo thủ nhất Việt Nam. “Vì những thành tích đặc biệt trong tuyên truyền đối ngoại” nằm trên một giấy.

Trong các bài viết của mình, T. cũng đã từng thúc giục Hà Nội đừng khoan dung cho “những tên phản bội”. Ý ông ta muốn nói đến giới đối lập. Năm 2016, trong một bài viết trên tờ báo của Đảng, ông ta thậm chí còn phê phán cả một nghị viên Đức. Ông dân biểu Martin Patzelt thuộc Đảng Dân chủ Thiên Chúa giáo Đức đã quan sát một vụ xét xử những người đối lập. Lúc đó, Ngoc T. đã viết rằng người Đức này can thiệp thô bạo vào công việc nội bộ của Việt Nam.

Ngay sau Giao Thừa, Ngoc T. đã viết một bài mừng năm mới. Trong đó, ông ta tuyên bố sẽ về hưu năm 2019 và “viết lại và thuật lại tất cả những gì tôi phải giữ bí mật cho đến nay”. Trong khi đó thì nhân viên của Sở Liên bang bị ràng buộc bởi “nghĩa vụ trung thành và yêu cầu trung lập”.

Một nhân viên “hết sức có vấn đề”

Bây giờ thì nhiều câu hỏi được đặt ra: Một nhân viên của một cơ quan liên bang được phép hoạt động chính trị như thế nào? Anh ta có được phép cố vấn cho các quốc gia khác trong những bài phát biểu ý kiến hay không, trong xung đột với Cộng hoà Liên bang [Đức]?

Và: Ngoc T. có tiếp cận tới hồ sơ xin tỵ nạn của Trịnh Xuân Thanh đã bị bắt cóc hay không?

Ở tại Hội đồng Người Tỵ nạn bang Thüringen, người ta đã biết H. Ngoc T. từ lâu, như là một nhân viên “hết sức có vấn đề”. Tuy hiện nay các đơn xin tỵ nạn của công dân Việt Nam không được xử lý ở Thüringen, nơi T. làm việc, theo Sở Liên bang. Thế nhưng ông ta, cũng như tất cả nhân viên, đều có quyền truy cập các hồ sơ nhạy cảm. Bamf cho biết: “Theo nhận biết cho tới nay, không có mối liên quan trực tiếp nào giữa nhân viên này và vụ tình nghi bắt cóc.”

Nhà hoạt động nhân quyền Vu Quoc Dung của tổ chức Veto! ngược lại lo sợ rằng các hồ sơ mà Trịnh Xuân Thanh đã cung cấp cho đơn xin tỵ nạn của mình bây giờ có thể được sử dụng để chống lại ông trong vụ xét xử ở Hà Nội. Vì trong các bài viết của mình, H. Ngoc T. đã dùng những gì ông biết được qua công việc làm của ông trong Sở Liên bang.

Trong yêu cầu cho biết ý kiến, báo taz không liên lạc được với H. Ngoc T.

Phan Ba dịch
https://m.taz.de/Archiv-Suche/!5433452&s=Vietnam;m/