Việt Nam sẽ tăng hàng lọat sắc thuế trong năm 2018?

    0
    689
    Ảnh minh họa: Một buổi chợ vắng vẻ. Hình chụp tháng 9/2017 tại Hà Nội.
    Hòa Ái, phóng viên RFA
    2018-01-04
     
    Báo Pháp Luật thành phố Hồ Chí Minh vào ngày 2 tháng Giêng năm 2018 đưa tin Bộ Tài Chính đã gửi Dự thảo Luật sửa đổi về thuế đến Bộ Tư Pháp thẩm định, trước khi chuyển đến Thủ tướng và Quốc hội trong năm 2018.
     
    Bắt buộc phải tăng thuế
     
    Trong Dự thảo Luật sửa đổi về thuế vừa chuyển đến Bộ Tư Pháp, Bộ Tài Chính vẫn bảo lưu quan điểm tăng 5 loại thuế, trong đó thuế giá trị gia tăng-VAT tăng từ 10% lên 12%, bất chấp nhiều ý kiến đóng góp từ các bộ, ngành và giới chuyên gia cho rằng Bộ Tài Chính cần phải cân nhắc một cách thận trọng.
     
    Tại buổi họp của Bộ Tài Chính hồi hạ tuần tháng 8 năm 2017, liên quan đến Dự thảo Luật sửa đổi tăng 5 luật thuế, Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhấn mạnh Bộ Tài Chính không nên tăng thuế VAT vì mức thuế VAT hiện hành đã đủ cao và đóng góp rất lớn cho ngân sách, lên đến 27%. Bà Phạm Chi Lan còn đề nghị Bộ Tài Chính cần làm rõ ai được lợi và ai bị thua thiệt trong chi phí và lợi ích từ việc điều chỉnh 5 loại thuế; bao gồm thuế giá trị gia tăng-VAT, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và thuế tài nguyên.
     
    Bộ Kế hoạch-Đầu tư cũng từng lên tiếng lo ngại rằng chính sách tăng 5 loại thuế của Bộ Tài Chính chỉ nhắm vào mục tiêu tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước, mà chưa tính đến việc tạo động lực phát triển cho nền kinh tế quốc gia. Bộ Kế hoạch-Đầu tư chỉ rõ số liệu tính toán từ Tổng cục Thống kê cho thấy nếu thuế VAT tăng lên 12% thì chỉ số tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ giảm 0, 5% và chỉ số giá tiêu dùng sẽ tăng lên gần 2, 3%.
     
    Trong năm 2017, khi đưa ra đề xuất tăng 5 loại thuế trong Dự thảo Luật sửa đổi về thuế, Bộ Tài Chính từng khẳng định việc tăng thuế là phù hợp với thông lệ quốc tế. Sau khi vấp phải nhiều ý kiến phản bác của các bộ, ngành và giới chuyên gia, Bộ Tài Chính chuyển đến Bộ Tư Pháp Dự thảo mới đã có chỉnh sửa, bổ sung và giải trình thêm một số nội dung. Theo đó, bên cạnh 5 luật thuế đã được đề cập còn có thêm sửa đổi luật thuế xuất-nhập khẩu.
     
    Việc tăng thuế cho đến giờ có thể khẳng định rằng đây không phải chỉ là chủ quan của Bộ Tài Chính mà chắc chắn có sự chỉ đạo từ Chính phủ và chắc chắn được sự đồng thuận cao của Bộ Chính trị Đảng và đặc biệt bên khối Đảng
    -TS. Phạm Chí Dũng
    Bộ Tài Chính lý giải rằng Việt Nam đã ký kết 10 hiệp định thương mại tự do (FTA) có hiệu lực đến năm 2020 và do thực hiện các cam kết thuế quan bị dỡ bỏ trong 10 hiệp định này nên ngân sách nhà nước sẽ hụt thu xấp xỉ 44 ngàn tỷ đồng, bởi giảm thuế nhập khẩu. Và đây là một trong các nguyên nhân mà Bộ Tài Chính đưa ra đề xuất điều chỉnh tăng hàng loạt sắc thuế để bù đắp vào nguồn thu cho ngân sách nhà nước.
     
    Tiến sĩ Kinh tế Phạm Chí Dũng nhận xét lý lẽ của Bộ Tài Chính nêu ra rất là ngụy biện, vì ông cho rằng với lý giải vừa nêu của Bộ Tài Chính cho thấy việc ký kết các hiệp định thương mại song phương của Việt Nam vô tác dụng và không một quốc gia nào tham gia những hiệp định thương mại song phương mà lại xác định lấy thuế để bù đắp vào các giá trị thuế quan xuất nhập khẩu bị mất đi. Tiến sĩ Phạm Chí Dũng nói với RFA nguyên nhân chính yếu dẫn đến quyết định bảo lưu tăng hàng loạt các loại thuế, mà ông cũng như nhiều chuyên gia làm việc trong bộ máy nhà nước ghi nhận là ngân sách trung ương đang trong cơn “quẩn cực”:
     
    “Việc tăng thuế cho đến giờ có thể khẳng định rằng đây không phải chỉ là chủ quan của Bộ Tài Chính mà chắc chắn có sự chỉ đạo từ Chính phủ và chắc chắn được sự đồng thuận cao của Bộ Chính trị Đảng và đặc biệt bên khối Đảng. Họ chỉ nhìn thấy trên một phương diện thâm hụt ngân sách trầm trọng cho nên phải tăng thuế để bù đắp ngân sách, chứ họ không nghĩ đến chuyện nếu tăng thuế thì có thể gây ra các phản ứng phụ hay tạo ra những phản ứng trái ngược gây ảnh hưởng đến tình hình kinh tế và làm cho nền kinh tế vốn đã suy thoái lại càng suy thoái thêm.”
     
    Hậu quả nào nếu được thông qua?
     
    Một số các chuyên gia về kinh tế và tài chính ở trong nước mà Đài RFA trao đổi đều có cùng nhận định rằng tăng thuế thì đồng nghĩa với tăng giá thành và doanh nghiệp phải tăng giá bán là điều hiển nhiên; do đó sẽ ảnh hưởng đến sức mua của người tiêu dùng.
     
    Giám đốc một doanh nghiệp tư nhân ở Sài Gòn nói với chúng tôi nếu như Dự thảo tăng thuế được thông qua thì không chỉ khối doanh nghiệp bị khốn đốn:
     
    “Đóng thuế nhiều thì phải khó khăn hơn rồi vì chí phí bị cộng dồn. Những chi phí không rõ ràng thì rất kinh khủng. Làm doanh nghiệp tư nhân thì sẽ thấy điều này. Thật ra, thuế VAT đầu vào bao nhiêu thì doanh nghiệp sẽ tính vào đầu ra bấy nhiêu. Do đó, người tiêu dùng là người chịu cuối cùng, chứ không phải doanh nghiệp. Nhưng vô hình trung sẽ làm mặt bằng giá cả ở Việt Nam trở nên đắt đỏ. Sức mua sẽ giảm. Đồng tiền mất giá. Ví dụ, rõ ràng trước đây mua một sản phẩm giá 1 đồng thì bây giờ phải trả 1, 2 đồng. Từ đó, lạm phát cũng tăng theo, dẫn đến mệnh giá đồng tiền của Việt Nam bị yếu đi.”
     
    Thuế VAT đầu vào bao nhiêu thì doanh nghiệp sẽ tính vào đầu ra bấy nhiêu. Do đó, người tiêu dùng là người chịu cuối cùng, chứ không phải doanh nghiệp. Nhưng vô hình trung sẽ làm mặt bằng giá cả ở Việt Nam trở nên đắt đỏ. Sức mua sẽ giảm. Đồng tiền mất giá. Từ đó, lạm phát cũng tăng theo
    -Giám đốc Doanh nghiệp Tư nhân
    Chuyên gia kinh tế, Phó Giáo sư-Tiến sĩ Ngô Trí Long, thành viên được Bộ Tư Pháp mời tham gia tổ thẩm định Dự thảo các Luật về thuế nêu lên quan điểm của ông rằng việc tăng thuế, đặc biệt là thuế VAT không phù hợp với tinh thần của Chính phủ là kích thích tiêu dùng, đảm bảo tăng trưởng. Báo Pháp Luật thành phố Hồ Chí Minh, vào ngày 3 tháng Giêng, dẫn lời của Tiến sĩ Ngô Trí Long nhấn mạnh rằng mức thuế, phí so với thu nhập ở Việt Nam hiện nay đã quá cao và nếu tiếp tục thu bằng biện pháp tăng thuế thì doanh nghiệp không thể cạnh tranh, phá sản, không tạo ra công ăn việc làm, không nộp thuế cho ngân sách được nữa.
     
    Theo ghi nhận của Tiến sĩ Phạm Chí Dũng, tính đến giữa tháng 12 năm 2017, ngân sách nhà nước thu về được 91,5% so với dự toán đầu năm và tỉ lệ các doanh nghiệp làm ăn bị thua lỗ trong năm qua là rất cao. Đồng quan điểm với Tiến sĩ Ngô Trí Long, Tiến sĩ Phạm Chí Dũng khẳng định nếu Dự thảo Luật tăng thuế của Bộ Tài Chính được thông qua trong năm 2018 thì tình hình sẽ trở nên tồi tệ hơn.
     
    Trả lời câu hỏi của RFA rằng đón nhận thông tin Dự thảo Luật tăng thuế được chuyển đến Chính phủ và Quốc hội trong năm nay với tâm thế lo lắng nhiều ít thế nào, hầu hết những người dân và các doanh nghiệp ở Việt Nam mà chúng tôi tiếp xúc chia sẻ rằng họ không còn sức để kêu la, như chuyên gia kinh tế-Tiến sĩ Vũ Đình Ánh từng lên tiếng “Thu thuế như vặt lông vịt, nhưng vặt làm sao cho sạch và đừng quá vội để con vịt nó kêu toáng lên”, mà họ chỉ còn có thể than rằng “Cuối cùng rõ ràng là các ông đang dần dần thu tiền của người dân một cách tắng trợn bằng cách thu thuế.” và “Nói chung ảnh hưởng đến đời sống mà tất cả là người dân khổ”.