Ukraine sẽ làm gì sau khi giành lại quyền kiểm soát Kherson?

0
12
Xe tăng Ukraine tiến vào trung tâm thành phố Kherson ngày 11/11. Ảnh: AP

Vietnamnet

Sau khi giành lại kiểm soát vùng chiến lược Kherson từ tay quân Nga và được Mỹ đảm bảo hỗ trợ không ngừng, Ukraine có điều kiện để phát huy lợi thế trên chiến trường hơn là chấp nhận đóng băng chiến tuyến suốt mùa đông.

Theo một số nhà phân tích quân sự, giao tranh ác liệt tiếp diễn xa hơn về phía bắc, dọc theo hơn 1.000 km đường chiến tuyến nhắc nhở rằng, ngay cả khi sông Dnipro rộng lớn đang chia cắt hai bên đối địch xung quanh Kherson, miền nam Ukraine, các mục tiêu khác vẫn phải xúc tiến.

Reuters dẫn lời Philip Ingram, cựu sĩ quan tình báo quân sự cấp cao của Anh nhận định, Ukraine đang có động lực và thế chủ động để “ấn định cho người Ngavề địa điểm và thời gian diễn ra cuộc giao tranh tiếp theo”. Điều đó có thể bao gồm việc tái tập trung phản công gần Bakhmut hơn ở vùng công nghiệp miền đông Donbass, nơi các lực lượng Moscow đã cố gắng tạo đột phá suốt nhiều tháng.

Ông Ingram tin, mùa đông làm chậm lại mọi thứ nhưng không thể ngăn cản bước tiến của các lực lượng Kiev. Lí do vì họ “được chuẩn bị tốt hơn người Nga để tiếp tục chiến đấu qua mùa đông”.

Hàng kilômét đường hào bị bỏ hoang dọc theo con đường dẫn đến thành phố cảng Kherson dường như đã phản ánh điều kiện sống khó khăn của binh lính Nga ở hữu ngạn sông Dnipro trước khi rút lui tuần trước. Phóng viên Reuters kể đã nhìn thấy những chiến hào hẹp, lầy lội của quân Nga, trái ngược với những chiến hào lát sàn gỗ, đôi khi được trang bị internet và ti vi màn hình phẳng của người Ukraine.

Theo ông Ingram, dù làm gì, các lực lượng Kiev cũng sẽ lên kế hoạch cẩn thận, giữ bí mật khi thực hiện.

Tướng Mỹ đã nghỉ hưu Ben Hodges cho rằng, Ukraine sẽ không cần phải vội vã vượt sông Dnipro trong khi bảo vệ khu vực bờ tây sông thuộc Kherson, đồng thời có thể triển khai pháo binh để hạ gục quân Nga đang bảo vệ các đường tiếp cận bán đảo Crưm.

Một số cư dân ở Kherson lo ngại về nguy cơ bị quân Nga pháo kích vào thành phố khi họ tái tập hợp lực lượng xa hơn về phía đông. Song, ông Hodges đánh giá, chính lực lượng Nga tập trung ở phía nam có thể hứng chịu sự phản công của cánh bên kia thuộc Ukraine, từ hướng Kharkiv hướng tới thành phố Mariupol bị tàn phá trên biển Azov.

Hôm 11/8, ngày các lực lượng Kiev tiến vào trung tâm Kherson sau khi quân Nga rút hết khỏi thủ phủ vùng duy nhất họ từng kiểm soát kể từ đầu chiến sự, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan tuyên bố trước báo giới rằng, Washington sẽ tiếp tục hỗ trợ Ukraine về mặt quân sự “để đưa Ukraine vào vị trí tốt nhất có thể trên chiến trường”, đồng thời sẽ không tìm cách chỉ đạo nước Đông Âu này phải làm gì.

Phát biểu của ông Sullivan ám chỉ đến đánh giá gần đây của các quan chức phương Tây rằng, những bước tiến trên chiến trường có thể mang lại lợi thế cho Kiev trong đàm phán với Moscow.

Trong chuyến công du Kherson hôm 14/11, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky khẳng định, nước này sẵn sàng cho hòa bình nhưng chỉ với điều kiện là khôi phục được sự toàn vẹn lãnh thổ.

Phát biểu qua video trước các lãnh đạo G20 ở Bali, Indonesia ngày 15/11, ông Zelensky đã đề xuất kế hoạch hòa bình 10 điểm nhằm chấm dứt cuộc xung đột với nước láng giềng. Trong đó, Kiev muốn có một lộ trình dẫn đến an toàn hạt nhân, an ninh lương thực, trao trả các tù binh, một tòa án đặc biệt xét xử các vi phạm của Nga,  và một hiệp ước hòa bình với Moscow. Lãnh đạo Ukraine cho biết thêm, nước này sẽ không để Moscow “chờ đợi, xây dựng lực lượng và sau đó bắt đầu một loạt hành động gây bất ổn mới”.

Nga chưa lên tiếng phản hồi trước các tuyên bố của Kiev. Tuy nhiên, theo giới quan sát, chính quyền Zelensky đã tỏ rõ quyết tâm không nhượng bộ Moscow và sẽ vừa cố gắng gây sức ép trên chiến trường, vừa kêu gọi trợ giúp của các đồng minh phương Tây để có thể sớm chấm dứt cuộc xung đột đang tàn phá nước này.

Tuấn Anh