Trung Quốc và tiền, những điểm nghẽn của ngoại giao Việt Nam

0
8
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh và Ngoại trưởng TQ Vương Nghị tại Hà Nội hôm 10/9/2021 AFP

Bình luận của Nguyễn Quang Khai
2022.02.06

Cơn say thành tích

Năm vừa qua, báo chí Việt Nam được dịp ca ngợi hết lời về những thành tích của ngoại giao Việt Nam.

Chính phủ Việt Nam và ngành ngoại giao còn hồ hởi “khoe công trạng” khi đại dịch COVID-19 bùng phát và diễn biến phức tạp trên thế giới và trong nước, ngành Ngoại giao đã tiên phong cùng các Bộ, ngành đẩy mạnh “ngoại giao y tế,” “ngoại giao vắc xin,” tranh thủ sự hỗ trợ kịp thời, hiệu quả của cộng đồng quốc tế về vắc xin, thiết bị y tế và thuốc điều trị, chung tay cùng cả nước phòng, chống dịch bệnh.

Cái tát bất ngờ

Tuy nhiên, đang say sưa trong men chiến thắng, vụ công an bắt bà Nguyễn Thị Hương Lan – Cục trưởng Cục Lãnh sự đã như một “cái tát” vào mặt ngành ngoại giao Việt Nam. Thực tế cho thấy, những âm mưu bẩn thỉu, những trò chơi tham nhũng vẫn còn đó, mà vụ bắt bà Lan chỉ mới là phần nổi của tảng băng chìm đối với tình trạng tham nhũng trong Bộ Ngoại Giao.

Tham nhũng trong bộ máy công quyền Việt Nam, được gọi bằng cái tên mỹ miều là “lợi ích nhóm” đã tồn tại từ rất lâu và rất sâu trong toàn bộ hệ thống chính trị Việt Nam, mà Bộ Ngoại Giao cũng không là ngoại lệ.

Người ta đã bàn tán từ lâu, mỗi một chức vụ trong các cơ quan ngoại giao đều có “giá” của nó. Từ các vị trí Vụ phó, Vụ trưởng đến các chức vụ Cục trưởng, Thứ trưởng đều có “giá” cụ thể. Các cơ quan đại diện tại nước ngoài cũng vậy, phải “chạy” mới được đi chỗ “ngon”, “nước giàu”. Từ đó mới “ra nhà, ra đất”, chứ không thì “đói thối mồm”.

Trong đợt Đại dịch COVID-19 vừa qua, “quyền lực” của cơ quan ngoại giao rất lớn trong việc quyết định danh sách những công dân Việt Nam đang ở nước ngoài, được nằm trong danh sách hồi hương trên những chuyến bay “giải cứu”. Và những lợi ích phát sinh từ quyền lực này đã dẫn đến việc bà Cục trưởng Cục lãnh sự cùng ba thuộc cấp phải “xộ khám”.

Những người quan tâm có thể đặt một câu hỏi: Nếu như nhiều quan chức ngoại giao “cần tiền” như thế thì việc tình báo Trung Quốc xâm nhập cơ quan ngoại giao Việt Nam sẽ không khó. Vì tình báo Trung Quốc sẵn sàng chi rất nhiều tiền để mua thông tin cũng như tạo ra những cách để chi phối đến chính sách đối ngoại của Việt Nam. Sẽ có những người bênh vực ngành ngoại giao nói rằng, đây chỉ là hoạt động “kiếm sống” của nhân viên ngoại giao nói chung, vì ngành ngoại giao rất đặc thù nhưng thu nhập lại rất ít ỏi, lãnh lương như tất cả các cán bộ công chức Việt Nam khác, nhưng sinh hoạt tại các cơ quan đại diện nước ngoài thì phải trả bằng ngoại tệ, nhưng các nhân viên ngoại giao này biết nên “ăn tiền” ở đâu để tránh khỏi bị tình báo nước ngoài mua chuộc. Thế nhưng, đã gọi là tình báo thì các biện pháp mua chuộc và xâm nhập là vô cùng đa dạng và phong phú, dễ gì các nhân viên “hám tiền” lại thoát được cơ chứ.

cuclanhsu.jpeg
Bốn lãnh đạo Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao vừa bị khởi tố và bắt giam về tội nhận hối lộ. RFA edit

Số phận hẩm hiu của ông Nguyễn Cơ Thạch

Câu chuyện tham nhũng của bà Lan cũng cho thấy vai trò của ngành ngoại giao chưa được đặt đúng mực trong hệ thống chính trị Việt Nam. Trong ba Bộ liên quan đến việc hoạch định chính sách đối ngoại, bao gồm: Bộ Quốc Phòng, Bộ Công An và Bộ Ngoại Giao thì Bộ Ngoại Giao xếp hàng chót. Ngoại trưởng Việt Nam hiện nay còn chưa được vào Bộ Chính Trị trong khi Bộ trưởng Quốc Phòng và Bộ trưởng Công An luôn là Uỷ viên Bộ Chính Trị. Lương của ngành công an và quân đội cao nhất trong bộ máy công chức Việt Nam, còn ngành ngoại giao thì lương không đủ sống, nên anh em phải đi “kiếm thêm”.

Chưa kể đến việc trong quan hệ với Bắc Kinh, ngành ngoại giao luôn bị gạt ra khỏi những quyết định quan trọng ảnh hưởng đến vận mệnh đất nước.

Phóng viên Huỳnh Phan (Tên thật là Hoàng Ngọc) có nhiều tư liệu về một nhân vật tài năng ngoại giao, đó chính là Cố Ngoại trưởng Nguyễn Cơ Thạch. Những năm  đầu 1990, vì Trung Quốc “không ưa” ông Thạch, nên Hội nghị Thành Đô, ông Thạch đã không được tham dự và không được cung cấp thông tin.  GS.TS Vũ Dương Huân – Người đã từng giữ chức vụ Giám đốc Học viện Ngoại giao, nguyên Trưởng ban Nghiên cứu Lịch sử Ngoại giao, cho biết: “Khoảng 2-3 tháng trước Đại hội VII (6/1991) có rộ lên tin tức là Trung Quốc đang tìm cách hạ bệ ông Thạch vì ông chống Trung Quốc. Nhưng thực tế là ông chủ trì Nghị quyết XIII, mà một trong những nội dung quan trọng là giải quyết vấn đề Campuchia và bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc. Để nói về giai đoạn lịch sử này, chúng ta cũng có thể dùng câu nói của ông là “thực tiễn sẽ trả lời.” (1)

AP9010170372.jpg
Bộ trưởng Ngoại giao VN Nguyễn Cơ Thạch gặp Thượng nghị sĩ Mỹ John McCain ở DC hôm 17/10/1990. AP

Tuy nhiên, có những góc khuất đằng sau những trang báo chính thống. Chính vì vậy, sau này phóng viên Huỳnh Phan có đưa lên Facebook của mình những lời kể về bài báo viết về ông Nguyễn Cơ Thạch của mình nhưng bị ngăn không cho đăng báo. Huỳnh Phan trích dẫn lời của GS.TS Vũ Dương Huân cho biết: “quan điểm của Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch là muốn bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc, nhưng Việt Nam phải bảo vệ được quyền lợi dân tộc của mình…” “Nguyên Bộ trưởng Nguyễn Dy Niên, lúc đó là Trưởng đoàn Đàm phán cấp chuyên viên chuẩn bị cho cuộc gặp Thành Đô (3-4/9/1990), nói rằng quan điểm của Việt Nam là trước bàn về bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc, sau đó mới bàn về vấn đề Campuchia. Nhưng Trung Quốc phản đối, đòi làm ngược lại.”

“Hai bên cãi nhau suốt hơn một ngày, cuối cùng tôi phải điện về nước xin ý kiến. Lãnh đạo cấp cao đã nhượng bộ với quan điểm của Trung Quốc”, nguyên Bộ trưởng Nguyễn Dy Niên nói. Khi sắp đến Hội nghị Thành Đô, Đặng Tiểu Bình đã đánh tiếng với lãnh đạo chóp bu của Việt Nam, thông qua Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Lào Kaysone Phomvihane thăm Trung Quốc, rằng Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch “có ý đồ gây rối”. Vì quá muốn bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc, TBT Nguyễn Văn Linh đã đồng ý không để Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch tham dự phái đoàn, mà chỉ cho Thứ trưởng Đinh Nho Liêm tham dự.

“Phía Trung Quốc biết rất rõ Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch là một nhà đàm phán rất giỏi từ Hội nghị Geneva về Lào (1961-1962), đến Hội nghị Paris ( giai đoạn 1972-1973), nên nếu ông tham gia Hội nghị Thành Đô, Trung Quốc khó ép Việt Nam phải chấp nhận Giải pháp Đỏ. Chính họ đã gây chia sẽ trong nội bộ cấp cao của chúng ta”, nguyên Bộ trưởng Nguyễn Dy Niên đoán chắc.

Một nhà ngoại giao rất có tài năng của Việt Nam như ông Nguyễn Cơ Thạch nhưng trước sự “can thiệp” của “thiên triều”, Đảng Cộng sản Việt Nam đã sẵn sàng “hy sinh” nhà ngoại giao tài năng này để làm đẹp lòng Bắc Kinh. Nói thế để hiểu vai trò của ngành ngoại giao ở Việt Nam như thế nào.

Câu chuyện ông Trọng đi Bắc Kinh

Năm 2011, khi ông Nguyễn Phú Trọng mới đắc cử Tổng Bí thư, đã có ngay chuyến đi ra mắt “thiên triều”. Để tạo dấu ấn ngoại giao cho Tân Tổng Bí thư, Bắc Kinh đã cho người soạn sẵn bản Thoả thuận về những nguyên tắc giải quyết tranh chấp trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc (2). Điều đáng nói là văn bản này hoàn toàn do Trung Quốc soạn thảo trước, phía Việt Nam chỉ có thể ký vào mà thôi. Thậm chí mấy chuyên gia về luật quốc tế của Bộ Ngoại giao Việt Nam muốn vào theo để tham gia đàm phán những điều khoản bảo vệ lợi ích của Việt Nam thì bị đuổi ra ngoài, với lý do đây là do hai Đảng Cộng sản quyết định, không có chỗ cho Bộ Ngoại giao chen vào. Chính vì vậy, sau này Thoả thuận này giữa bản tiếng Trung và bản tiếng Việt có một số khác biệt. Bản tiếng Trung ở Điều 4 khẳng định là hai quốc gia sẽ tìm kiếm giải pháp bằng cách “gác tranh chấp cùng khai thác”, còn bản tiếng Việt thì ghi là “hợp tác cùng phát triển”. Điều này cho thấy vai trò của ngoại giao bị lép vế trước cơ quan ngoại giao của Đảng, mà nhiều khi chính vì vậy, các văn bản mà Đảng cộng sản Việt Nam ký kết với Đảng cộng sản Trung Quốc đã đưa Việt Nam vào thế bất lợi trên rất nhiều lĩnh vực.

Kết luận

Với những “điểm nghẽn” về chế độ đãi ngộ cũng như vai trò tham gia hoạch định chính sách đối ngoại của Việt Nam như vậy thì dù ngành ngoại giao Việt Nam có nhiều người tài giỏi đến mấy cũng chỉ có thể “múa tay trong bị” được mà thôi. Vì thế, có khi thời gian tới, người dân Việt Nam lại khám phá thêm được nhiều “thành tích đen tối” của ngoại giao Việt Nam khi chính các cơ quan công quyền khui ra thêm nhiều vụ “ăn bẩn” khác. Cứ như thế liệu thái độ chống cường quyền Bắc Kinh là thật hay lại là các bên diễn trò đây?

_____________

Tham khảo:

1. https://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/doithoai/30-nam-doi-moi-nhin-tu-nganh-ngoai-giao-ong-nguyen-co-thach-co-phai-la-nguoi-chong-trung-quoc-322982.html

2. https://nhandan.vn/theo-dong-thoi-su/thoa-thuan-ve-nhung-nguyen-tac-co-ban-chi-dao-giai-quyet-van-de-tren-bien-giua-nuoc-cong-hoa-xa-hoi-chu-nghia-viet-nam-va-nuoc-cong-hoa-nhan-dan-trung-hoa-178255/