Tranh chấp đất giữa chùa Dược Sư và công ty Hoa Sen: trách nhiệm hình sự?

0
9

VNTB

23.02.2022 6:11

Hà Nguyên

(VNTB) – Theo pháp luật hiện hành thì đất đai tôn giáo là “không được quyền chuyển nhượng”.

Đã không có quyền chuyển nhượng thì việc nhóm người được cho là của công ty Hoa Sen đã ‘khủng bố’ các nữ tu ở chùa Dược Sư, cần được truy cứu về trách nhiệm hình sự.

Theo một trả lời với kênh truyền hình Quốc hội Việt Nam, ni cô Nhuận Đức  – Đại diện cơ sở tôn giáo có tên chùa Dược Sư, thị trấn Đạ M’ri, huyện Đạ Huoai, tỉnh Lâm Đồng, nói (trích): “Chúng tôi hoàn toàn không đồng ý việc đổi đất của Công ty Hoa Sen. Ông Vũ đã ngang nhiên xâm chiếm một phần thửa đất số 200 và cho máy móc tác động hủy hoại hoa màu, gần 100 cây sầu riêng chôm chôm, măng cụt và san lấp mặt bằng đổ đất cao hơn mặt đất cũ hơn 2m và uốn dòng nước khiến mùa mưa đến chúng tôi bị ngập úng, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống sinh hoạt tập thể ni chúng”.

Truyền hình Quốc hội ghi nhận ý kiến của ông Đồng Gia Khánh – Thành viên Ban điều hành Đại Tùng Lâm Hoa Sen: “Tôi xin khẳng định việc trao đổi đất là có thật.

Cụ thể tôi và đại diện công ty đã qua gặp bà Tương để thực hiện việc trao đổi đất này. Sau khi trao đổi đất công ty đã thực hiện việc làm đường trên phần đất bà Tương giao cho công ty. Về phía bà Tương cũng đã xây dựng 1 số công trình trên phần đất mà công ty giao cho bà Tương. Phía công ty cũng đã thực hiện nghĩa vụ đó là hỗ trợ số tiền 4 tỷ đồng theo thỏa  thuận  cho bà Tương để bà Tương xây dựng  một số cơ sở vật chất khác trên đất bà Tương”.

Như vậy, việc hoán đổi đất này bên nói có, bên nói không. Và công an tỉnh Lâm Đồng đã có kết luận, hướng dẫn hai bên làm đơn khởi kiện ra tòa dân sự để được giải quyết tranh chấp trên.

Vụ việc như lược thuật vắn tắt ở trên cho thấy đôi co giữa hai bên dễ khiến người ta quên mất đi một điều, nếu đây là đất tôn giáo, tức đất của nhà chùa mang tên Dược Sư, thì dù có thể pháp lý về thủ tục hành chính của chuyện đăng ký tôn giáo còn vướng mắc đâu đó, song về nguyên tắc thì không thể có chuyện đổi chác gì ở đây.

Về đất thuộc cơ sở tôn giáo, khoản 1 Điều 159 Luật Đất đai năm 2013 có quy định như sau: “Đất cơ sở tôn giáo gồm đất thuộc chùa, nhà thờ, nhà nguyện, thánh thất, thánh đường, niệm phật đường, tu viện, trường đào tạo riêng của tôn giáo, trụ sở của tổ chức tôn giáo, các cơ sở khác của tôn giáo được Nhà nước cho phép hoạt động”.

Theo quy định này, để đất được xem là đất cơ sở tôn giáo thì phải đảm bảo rằng đất đó sẽ hoặc đang được sử dụng vào mục đích xây dựng các nhà thờ, thánh đường, chùa chiền,… và người sử dụng đất đó phải là tổ chức tôn giáo được Nhà nước cho phép hoạt động.

Điều 181 Luật Đất đai năm 2013 quy định về Quyền và nghĩa vụ của cơ sở tôn giáo, cộng đồng dân sư sử dụng đất như sau:

“1. Cơ sở tôn giáo, cộng đồng dân cư sử dụng đất có quyền và nghĩa vụ chung quy định tại Điều 166 và Điều 170 của Luật này.

 2. Cơ sở tôn giáo, cộng đồng dân cư sử dụng đất không được chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, tặng cho quyền sử dụng đất; không được thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất”.

Từ quy định trên, có thể thấy pháp luật về đất đai không cho phép các cơ sở tôn giáo được quyền thực hiện các giao dịch liên quan đến đất cơ sở tôn giáo, cụ thể rằng cơ sở tôn giáo không được phép chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, tặng cho quyền sử dụng đất và không được phép thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất đối với đất cơ sở tôn giáo.

Và có lẽ cũng vì lý do trên nên phía gọi là “Đại Tùng Lâm Hoa Sen” chỉ có những thỏa thuận miệng về chuyện ‘đổi chác’ với phía đại diện chùa Dược Sư, để rồi khi có tranh chấp nếu mang ra tòa dân sự, bản án khả năng sẽ tuyên “trả về nguyên trạng”, có nghĩa khi ấy “Đại Tùng Lâm Hoa Sen”… trắng tay.

Tuy nhiên trong một diễn biến ngược lại, giả dụ nguyên đơn là đại diện pháp nhân chùa Dược Sư yêu cầu tòa án xử lý hành vi có dấu hiệu khủng bố tinh thần từ phía Đại Tùng Lâm Hoa Sen, thì đây có thể xem xét trách nhiệm hình sự.

Thế nhưng đến nay thì ai cũng hiểu chốn pháp đình nhiều khi “đa kim ngân phá luật lệ”…