TRẦN VÀNG SAO – MỘT NHÀ THƠ BỊ CẦM TÙ TRONG SỰ THẬT

0
2535
Vĩnh biệt nhà thơ Trần Vàng Sao - Tác giả BÀI THƠ CỦA MỘT NGƯỜI YÊU NƯỚC MÌNH
 Trần Mạnh Hảo

Lúc 14 h 30’ chiều 9-5-2018 hôm qua, nhà thơ Trần Vàng Sao ( Nguyễn Đính sinh năm Tân Tỵ 1941) tác giả bài thơ nổi tiếng : “Tau chửi” và “Bài thơ của một người yêu nước mình” đã vĩnh biệt chúng ta, hưởng thọ 77 tuổi.

Thỉnh thoảng ra Huế, tôi lại ghé ngôi nhà ở Vĩ Dạ thăm Trần Vàng Sao. Anh có gương mặt cổ quái, già nua như người của thế kỷ thứ 17, 18 còn sót lại. Thông qua cuốn sách anh viết : “Tôi bị bắt” (nhớ lại những năm tháng tôi bị bắt rồi thả ra sống như tù) của Trần Vàng Sao in trên mạng, tôi tìm thấy ngôi nhà tù vĩ đại trùm lên cả thế hệ chúng tôi. Đó là những tù nhân được thả rông đã bị cầm tù tư tưởng, thậm chí tâm hồn bị nhốt trong tù mà lại cảm thấy tự do.

Trần Vàng Sao – Nguyễn Đính sinh năm 1941, lên sáu tuổi cha anh tham gia Việt Minh chống Pháp tại Huế bị Pháp bắn chết năm 1947. Mẹ anh chỉ có mình anh, ở vậy nuôi anh ăn học. Nguyễn Đính đương nhiên là con liệt sĩ. Anh được nền giáo dục nhân bản của Việt Nam Cộng Hòa nuôi dưỡng tinh thần để có thể trở thành con người chân chính.

Oái ăm thay, anh Đính lại tham gia phong trào thanh niên sinh viên đấu tranh theo Việt Cộng. Năm 1965 anh Đính lên rừng để làm cuộc cách mạng bằng bắn giết mà giải phóng miền Nam cùng lứa với Hoàng Phủ Ngọc Tường, Ngô Kha, Trần Quang Long, Hoàng Phủ Ngọc Phan, Nguyễn Đắc Xuân…

Sau 5 năm sống trong sốt rét, đói khát, bệnh tật tại chiến khu rừng Thừa Thiên Huế làm công tác viết báo viết văn phục vụ đảng, anh Đính được ra “Miền Bắc thiên đường của các con tôi” ( thơ Tố Hữu) chữa bệnh và an dưỡng.

Trên đường ra miền Bắc lòng anh vui vô cùng, liên tục gọi thầm lời thiêng liêng : miền Bắc ơi, lý tưởng của tôi ơi, tôi sắp đến bên Người…Và anh Đính đã cảm động ứa nước mắt khi bước chân anh đã đến Quảng Bình…

Khi ra đến Hà Nội, anh khóc òa vì đã tới thủ đô của thiên đường, điều mà hàng nghìn hàng vạn đồng đội đồng chí của anh đã hi sinh ở miền Nam chỉ được đến bằng ước mơ, bằng tưởng tượng và khát vọng…Anh muốn hát to lên mà gọi ba ơi, má ơi, đảng ta ơi, con đã tới được nơi con hàng mơ ước…

Nhưng thực tại của miền Bắc xã hội chủ nghĩa năm 1970 rất nghèo đói, rất phi đạo đức, rất bất công, rất bê bối và tồi tệ…đã giết chết dần miền Bắc thiên đường trong giấc mộng của anh. Ra đường, hở tí là anh nghe thanh niên đàn ông đàn bà chửi nhau, toàn bằng tiếng Đan Mạch…Hầu như không ai có văn hóa giao tiếp, không ai có văn hóa và lịch sự…Vào cửa hàng mậu dịch quốc doanh ăn phở, cái thìa cũng bị đục lỗ chi chít để không bị đánh cắp…
Đi đâu cũng xếp hàng rồng rắn : xếp hàng để mua một lạng thịt, xếp hàng để mua một bao diêm, xếp hàng để mua một mét vải phin đen may quần, xếp hàng để chẳng mua được cái gì ngoài câu chửi ĐM nó… Trong khi cửa hàng Tôn Đản dành cho cán bộ cao cấp không thiếu thứ gì để các bà vợ các ông to mua hàng thúng hàng gánh ra bán cho chợ đen. Một xã hội quá bất công, quá hèn hạ chia giai cấp cả miếng ăn đại táo trung táo với tiểu táo…

Nguyễn Đính thất vọng, rồi tuyệt vọng hoàn toàn về cái gọi là miền Bắc thiên đường xã hội chủ nghĩa. Anh bắt đầu viết nhật ký để thoát khỏi những ẩn ức thực tại có thể làm anh tuyệt vọng đến vỡ tim mà chết vì cái xã hội cộng sản bánh vẽ kia…

Ô hay, một xã hội dã man, nghèo đói tột độ sao lại đòi đi giải phóng xã hội văn minh giàu có. Những ý nghĩ, những tư tưởng do thực tại cung cấp cứ từ đầu anh ộc ra trang giấy như một người bị ộc máu.

Và cái gì đến sẽ đến. Một kẻ nào ( đồng bọn hay đồng chí) đã đọc trộm cuốn nhật ký dám cả gan viết ra sự thật tồi tệ của xã hội miền Bắc của anh và nộp nó cho cấp trên…

Tất nhiên, giờ chết của Nguyễn Đính đã điểm. Cấp trên, và cả cấp trên của cấp trên anh đã chuyền tay đọc cuốn nhật ký phạm thượng của một trí thức miền Nam ra an dưỡng đất Bắc còn chưa được giác ngộ, chưa biết nói dối để gọi đói là no, gọi bất hạnh là hạnh phúc, gọi ác là thiện, gọi nô lệ nhà tù là tự do.

Nguyễn Đính – nhà thơ Trần Vàng Sao bị gọi lên thẩm vấn hàng nhiều tháng trời, còn kinh hơn bọn SS phát xít Đức thẩm vấn kẻ phản bội làm tay sai cho kẻ thù của thống chế Hít Văn Le.
Nền giáo dục nhân bản của Việt Nam cộng hòa dạy anh nói dối là vô văn hóa. Nhưng quy luật của chế độ cộng sản lại là, nói thật sẽ mất mạng. Muốn tồn tại trong thiên đường của nghèo đói và nô lệ kia, mày, Đính ơi, mày phải biết nói dối. Anh thầm mắng mình : mày sẽ phải bị thủ tiêu, vì mày đã dám gọi sự vật bằng tên của nó ngay trong nhật ký.

Anh trí thức miền Nam theo cộng sản chưa quen nói dối đã mấy lần toan tự sát vì bị thẩm vấn, bị quy kết phản động, bị hành hạ cho tới mức muốn anh phải khai bịa ra mình là CIA, là em kết nghĩa của Thiệu Kỳ mới làm công an cộng sản toại nguyện.
Anh không dám tự sát ( chết sướng hơn) chỉ vì anh còn có mẹ đang sống một thân một mình tại Huế chờ anh con trai độc nhất trở về. Đêm nào anh cũng mơ thấy mình bị xử bắn, bị cắt cổ, bị ném trôi sông…Đêm nào anh cũng nằm mơ thấy mẹ anh khóc ngất ngồi ôm xác cha anh bị Pháp bắn chết tại chợ Đông Ba năm 1947. Đêm nào anh cũng mơ thấy mẹ anh ngồi ôm xác anh bị mất đầu do các đồng chí của anh vừa cắt, ru à ơi à ơi, Đính ơi con chết không đầu / Mẹ ru con mắt còn đâu ngủ vùi…

Anh đã bị cầm tù trong chính doanh trại, trong chính nơi an dưỡng với khẩu phần tù chết đói. Anh Đính kể may mình có hai người trong tiểu ban văn nghệ miền Nam là chị Ngọc Trai ( Tôn Nữ Ngọc Trai con gái thượng thư Tôn Thất Đàn) và anh Doãn Triều cứu giúp những khi mình tuyệt vọng muốn tự sát. Anh chị này luôn động viên Đính phải sống để sau này còn gặp mẹ…

Năm 1975, sau mấy tháng trời Huế “giải phóng” anh Đính mới được về ôm mẹ. Mẹ anh chờ anh và đã biết chuyện con mình phản động bị tù trên đất Bắc vì tội nói ra suy nghĩ thật của mình trong nhật ký…
Trần Vàng Sao – Nguyễn Đính một người tù chuyên nghiệp, một thứ tù thả rông, một con người sinh ra để sự dối trá phi nghĩa hành hạ tới mức xuýt bị thủ tiêu.

Anh đã đi theo cha mình là liệt sĩ, nguyện đứng dưới ngọn cờ đỏ sao vàng mãi mãi nên mới có bút danh Trần Vàng Sao…

Ngôi sao vàng kia không chấp nhận anh, không cho phép anh nhìn và viết ra sự thật. Ngạn ngữ Pháp có câu : “Với chữ nếu, ta có thể bỏ tháp Eiffel vào cái chai”. Vâng, nếu sống lại, trở về thời 20 tuổi, Trần Vàng Sao chắc chắn sẽ lấy bút danh là Trần Vàng…Vĩnh biệt ngôi sao của ảo tưởng đã bị sự giả dối nuốt sống, cũng như cuộc đời anh đã bị lý tưởng kia nuối sống và nhả ra một cái bã người tội nghiệp, khổ đau uất hận đến chết . Trần Vàng …Sao, thương anh vô cùng ! Anh một nhà thơ đã bị sự thật cầm tù.,.

Sài Gòn 10-5-2018

T.M.H.
( xin quý vị vào mạng xem cuốn hồi ký của người tù thả rông là Trần Vàng Sao, với tên cuốn sách : “ Tôi bị bắt” còn lưu trên trang mạng sau) :