Tiếp quản hay giải phóng?

0
29
Tưởng Năng Tiến – Tháng Mười Nhớ Mẹ
Hôm nay, ngày 10 tháng 10 (ngày chứ không phải mùng), cái ngày được nhà nước hiện thời và giới truyền thông của họ gọi là “ngày giải phóng thủ đô”. Ngày 10.10 xưa cũ ấy đã cách nay 70 năm, 10.10.1954, bộ đội vào tiếp quản thủ đô, sau cuộc kháng chiến 9 năm chống quân đội và bộ máy cai trị của Pháp.
Tôi là người kiệm nhời nhưng bướng bỉnh, những gì không đáng nói thì không lên tiếng, nhưng với cái nhố nhăng, sai trái thì không chịu được. Nói ra không phải để hả lòng mình, mà trước hết vì sự thật, vì sự tử tế của con người.
Thời lứa tôi đi học, ở trường cũng như trên báo chí truyền thông (hồi ấy đâu có nhiều, chỉ vài tờ báo do đảng và nhà nước quản lý, nhất là báo Nhân Dân và đài phát thanh, chưa có tivi-đài truyền hình), cứ nói tới sự kiện này, ngày 10.10.1954, chỉ có cách gọi duy nhất “ngày tiếp quản thủ đô”, “ngày tiếp quản Hà Nội”. Cách gọi đã nói lên đúng bản chất sự việc, đúng sự thật lịch sử. Ngay cụ Hồ cũng diễn đạt như thế, báo Nhân Dân cũng nói thế, viết thế. Tôi đố ông bà nào tìm được tư liệu gốc thể hiện rằng cụ Hồ nói/viết là “ngày giải phóng thủ đô/Hà Nội”, hoặc báo Nhân Dân thời điểm lịch sử đó viết “ngày giải phóng thủ đô”. Con người ta không ai sai hoặc đúng hoàn toàn. Cụ Hồ và báo Nhân Dân có thể sai điều gì đó, nhưng trường hợp này thì hoàn toàn đúng. Cãi lại cụ, cố ý làm sai lời cụ là vô phép, vô lễ, coi thường người trên. Nếu học cụ, trước hết hãy học ngay sự chính xác này, chỉnh sửa ngay thói tự ý xuyên tạc lịch sử.
Ngày 10.10.1954, bộ đội theo các ngả 5 cửa ô hành quân vào tiếp quản thủ đô. Tiếp quản là gì, là tiếp nhận và quản lý. Hồi trước, tôi thường nghe người nhớn còn gọi là tiếp thu, ngày tiếp thu. Cũng chưa chính xác, chưa đầy đủ nội hàm sự việc.Nghĩa của từ “tiếp quản” rộng hơn từ “tiếp thu” bởi tiếp thu chỉ có nhận, còn tiếp quản có thêm sự quản lý sau khi đã tiếp nhận. Nhận rồi quản lý. Tức là được bàn giao rồi làm chủ. Bàn giao chứ không phải đánh nhau.
Bộ đội vào Hà Nội, người Pháp bàn giao xong xuôi, hai bên chào nhau, bắt tay nhau, thậm chí cười (trên phim tư liệu thấy rất rõ), rồi những lính Pháp cuối cùng xếp hàng hành quân qua cầu Long Biên để ra ngoại thành (ga Gia Lâm) lên tàu hỏa xuôi về Hải Phòng cách đó hơn trăm cây số, tập kết chờ ngày về Pháp theo điều khoản 300 ngày của hiệp định Geneva. Ai từng đi bãi biển Đồ Sơn ở Hải Phòng đều biết nơi đó có di tích bến Nghiêng, nơi quân Pháp xuống tàu thủy về nước. Họ từng có đơn vị đóng quân dịp 300 ngày ở đình làng tôi, trước khi đi họ còn cho nhà tôi chục cốc thủy tinh, dân quen gọi là cốc tập kết, giờ vẫn còn, như một thứ kỷ niệm.
Ngày 10 của tháng 10.1954 ấy, xin lưu ý thời gian cụ thể là “ngày”, là thời điểm chính thức kết thúc cuộc chiến tranh. Một bên bàn giao, một bên tiếp nhận, quản lý. Ngày đó, trên thực tế, không đổ một giọt máu, không ai chết, ngược lại rất thân thiện, chỉ có niềm vui, tiếng cười, cờ hoa, hòa bình. Một ngày như thế không thể là ngày giải phóng, bởi không hề xảy ra xung độ, đánh nhau, chém giết để giành phần thắng. Nếu dùng từ giải phóng, nó rất hợp với Điện Biên Phủ ngày 7.5.1954, với Sài Gòn ngày 30.4.1975. Còn Hà Nội ngày 10.10.1954, Hải Phòng ngày 13.5.1955 mà gọi thành “ngày giải phóng” thì chỉ có những anh tự sướng và rẻ rúng lịch sử, rẻ rúng tiếng Việt mới làm vậy.
Muốn biết ngày 10.10.1954 là ngày giải phóng hay tiếp quản, cứ thắp nén hương khấn cụ Hồ, ông thiếu tướng Vương Thừa Vũ, ông chủ tịch Trần Duy Hưng, ông Nguyễn Bá Khoản (chụp ảnh), họ sẽ chỉ cho.
Nếu biết sai, nhận ra sai thì nên sửa, làm đúng như lời cụ Hồ. Còn cứ bảo thủ, cố chấp, tự sướng, xuyên tạc lịch sử thì cũng chẳng ai làm gì được các vị, chỉ có điều thiên hạ sẽ cười thầm vào sự lì lợm, bất chấp đúng sai, ngạo nghễ vớ vẩn ấy.
Thông cào (viết điều này sau khi một ông to ra rả trên tivi “ngày giải phóng thủ đô” như một cái máy)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here