Thực hư việc Công an Gia Lai nói đã xóa đạo Hà Mòn, chặn việc phục hồi tổ chức phản động

0
11
A Montagnard hill-tribes man looks past a group of over 30 while they wait for transportation after emerging from dense forest 70 km (44 miles) northeast of Ban Lung, located in Cambodia's northeastern province of Ratanakiri on July 22, 2004. [A steady stream of Montagnards, a minority hill tribesmen who practise Protestantism, have been trickling over the border following land rights and religious protests in Vietnam's coffee-growing central highlands in April. Over 50 tribes men were taken to UNHCR camps in Ban Lung on Thursday]. Hình minh hoạ. Người Thượng ở Tây Nguyên đang đợi xe của UNHCR khi ra khỏi cánh rừng ở tỉnh Ratanakiri của Campuchia hôm 22/7/2004 Reuters

Thanh Trúc / RFA

Thực hư việc Công an Gia Lai nói đã xóa đạo Hà Mòn, chặn việc phục hồi tổ chức phản động

Việc xóa bỏ một “tà đạo” có âm mưu phục hồi hoạt động FULRO, Tin Lành Đề Ga, được Công an tỉnh Gia Lai công bố như một trong số các thành tích nổi bật tại hội nghị tổng kết công tác 2020 và triển khai chương trình công tác 2021.

Hội nghị diễn ra tại thành phố Pleiku, tỉnh Kon Tum, nơi đạo Hà Mòn được nghe nói đến lần đầu tiên hồi năm 2013.

Tháng 5/2016, báo Công An của Nhà Nước Việt Nam có bài tựa “Sự thật về cái gọi là Đức Mẹ hiện hình tại Hà Mòn hay tà đạo Hà Mòn” ở khu vực Kon Tum, Gia Lai , cáo buộc đây là tổ chức tôn giáo hoạt động trái phép, ảnh hưởng xấu đến nhân dân và gây phức tạp  trật tự an ninh địa phương.

Báo đài địa phương khi đó cho rằng một số đối tượng đã bị các thế lực phản động bên ngoài móc nối, chỉ đạo nhằm khôi phục lực lượng FULRO vốn là tổ chức phản động, chuyên phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc, đi ngược với lợi ích đất nước và dân tộc.

Một người giấu tên thuộc dân tộc R’Ngao  nơi xuất phát đạo Hà Mòn, nói với RFA rằng anh ‘may mắn” không bị bắt và cũng không bao giờ dám nhận mình từng tin theo đạo Hà Mòn:

Nhiều người đã bị bắt rồi, đạo Hà Mòn này là đạo cấm, ai đi theo là bị bắt. Nhiều người trong làng sợ quá chạy trốn vào rừng, nó cũng truy quét, tìm kiếm để bắt đi tù. Theo em đạo Hà Mòn này tốt, không chống phá chính quyền, không phá hoại chính sách đoàn kết dân tộc của nước Việt Nam đâu. Đạo Hà Mòn chỉ thờ Chúa và Đức Mẹ thôi, không chống chính quyền gì hết cả”. ”

Một phụ nữ dân tộc khác giấu tên nói rằng Hà Mòn là đạo hiền, và người dân ở đây rất sợ khi nghe nói đến từ FULRO hay Đề Ga mà họ thực sự không hiểu đó là cái gì và nguy hiểm như thế nào.

Về chi tiết người Hà Mòn cuối cùng đã sa lưới pháp luật như báo Công An đưa tin, người phụ nữ dân tộc này nói nếu báo đài không loan tải thì cũng không ai hay biết gì về chuyện đạo Hà Mòn bị chính quyền xóa sổ. 

RFA đã cố nối kết đường dây viễn liên về công an địa phương huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum, nhưng lần nào máy cũng phát tín hiệu đường dây bận.

Nhiều người đã bị bắt rồi, đạo Hà Mòn này là đạo cấm, ai đi theo là bị bắt. Nhiều người trong làng sợ quá chạy trốn vào rừng, nó cũng truy quét, tìm kiếm để bắt đi tù.

Một người từng ở Sa Thầy, mục sư Aga thuộc nhóm Tin Lành Đấng Christ Tây Nguyên, bị cấm đạo nên phải trốn qua Thái Lan và được Hoa Kỳ nhận cho định cư năm 2018, nói về đạo Hà Mòn mà theo ông biết là xuất phát từ một phụ nữ dân tộc R’Ngao tên Ygyin, cư ngụ tại làng Hà Moong, xã Hà Ra, huyện Sa Thầy, tỉnh Kom Tum. 

Tức là bà Ygyin thấy Mẹ Maria hiện hình tại nơi bà ở, vì đó bà mới cho dân làng biết. Sau đó họ lập nhóm thờ Mẹ Maria, đặt tên là Công giáo đạo Hà Mòn. Bà Ygyin đã đi rao giảng nhiều nơi ở Kom Tum, sau đó bà đến Gia Lai và Đắc Lắk. Tín đồ của đạo Công giáo Hà Mòn sự thật rất đông đảo”

“Tháng 8/2013 thì chính quyền kết tội bà chỉ có 3 năm tù, những anh em khác có người 8 năm, có người 9 năm, có người 11 năm tù, có người 17 năm tù ”

“Chính quyền cho rằng đạo Hà Mòn cấu kết với bọn FULRO lưu vong ở nước ngoài, mục đích là thành lập “Nhà Nước Đê Ga Tự Trị”. Thật ra người Công giáo Hà Mòn chỉ tin và thờ phượng Mẹ Maria để được cứu rỗi linh hồn mà thôi”.

Vẫn theo nội dung trên mạng VOV Việt Nam ngày 16/5/2016, bà YGyin  đã mượn danh tôn giáo, bịa đặt chuyện “Đức Mẹ hiện hình” ở Hà Mòn nhằm tuyên truyền, lôi kéo người khác tham gia tụ tập, cầu nguyện và phản đối việc chính quyền tỉnh Kon Tum di dời đồng bào dân tộc thiểu số về nơi ở mới để tiện cho việc xây đập thủy điện Plei Krông.

Bài báo nói rằng vì không hiểu biết nên nhiều người đã nghe theo mà không chịu dời về khu tái định cư. Họ đã dựng lán, trại ở bờ sông để tụ tập đọc kinh, cầu nguyện.

Trước tình hình đó, VOV nói tiếp, cơ quan chức năng tỉnh Kon Tum phải  vạch trần thủ đoạn lừa bịp, sai trái của bà Y Gyin cùng một số đối tượng cầm đầu. 

Người Thượng chạy sang lánh nạn tại Campuchia năm 2004. Reuters

Được hỏi người dân tộc theo đạo Hà Mòn có trốn vào rừng rồi vượt biên giới ra khỏi nước, có cấu kết với FULRO để thành lập “Nhà Nước Đề Ga Tự Trị” hay không, mục sư Aga, từng cung cấp thông tin về đạo Hà Mòn cho tổ chức BPSOS ở Hoa Kỳ, nói rằng không chỉ đạo Hà Mòn mà ngay cả Hội Thánh Tin Lành Đấng Christ Tây Nguyên của ông cũng bị khép vào tội danh tương tự.

“Chính quyền lại vu cáo là phản động là thành lập nhà nước tự trị này khác. Cái thứ hai  là FULRO đâu có còn tồn tại, không còn cái FULRO nào ở đây nữa. Chẳng qua tôn giáo nào không theo ý họ thì họ kiếm đủ mọi thứ để vu cáo. Ngay cả như hội thánh Tin Lành Đấng Christ Tây Nguyên họ  cũng gọi là tà đạo. Không làm theo họ thì họ cho là sai, là xằng bậy, là không đúng”.   

Về câu hỏi trước giờ có người dân tộc theo đạo Hà Mòn nào chạy sang Thái Lan để tránh bị bắt bớ không, mục sư Aga cho biết:

Riêng đạo Hà Mòn thì không thấy ai chạy qua Thái Lan. Họ bị đàn áp, bị tra tấn, bị bỏ tù nhưng có điều họ không biết cách phải đi trốn ở đâu cả”

“Cái thứ hai, đạo Hà Mòn tan rã đến ngày hôm nay vì lý do là không có ai có thể giúp đỡ lên tiếng thay cho họ. Vấn đề của Công giáo đạo Hà Mòn hồi đó tôi đã thu thập thông tin nhưng  thú thật là chưa đầy đủ chi tiết vì công an ở Đắk Đoa ngăn chặn những anh em của chúng tôi đến xã Hà Ra. Chính vì thế bản báo cáo về đạo Hà Mòn không hoàn thành”.

Đạo Hà Mòn và chẳng hạn Tin Lành Đê Ga thực sự không dính gì đến FULRO. Đê Ga là một tên khác của Montagnards tức người Thượng Tây Nguyên thôi. Chính quyền Việt Nam, đặc biết là công an, thường chụp cái mũ FULRO cho những nhóm Tin Lành hay Thiên Chúa Giáo không nằm dưới sự dẫn dắt của họ – TS. Nguyễn Đình Thắng

Đạo Hà Mòn, mà báo an ninh Nhà Nước gọi là hiện tượng tà đạo Hà Mòn, không manh động chống chính quyền mà thực chất chỉ là phản ứng tự nhiên của người dân tộc thấp cổ bé họng bị  mất nơi ở do công trình thủy điện Plei Krông, là nhận định của tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng, Giám đốc điều hành BPSOS. Ông là người từng tham gia những buổi điều trần về tự do tôn giáo tại quốc hội Mỹ:

Đạo Hà Mòn này là nhóm tôn giáo độc lập ở vùng Tây Nguyên. Chính quyền Việt Nam xem đó là tà đạo và tìm mọi cách triệt hạ. Gần đây nhất thỉ tỉnh Gia Lai khoe rằng họ đã bắt được người cuối cùng theo đạo Hà Mòn”

“Đạo Hà Mòn và chẳng hạn Tin Lành Đê Ga thực sự không dính gì đến FULRO. Đê Ga là một tên khác của Montagnards tức người Thượng Tây Nguyên thôi. Chính quyền Việt Nam, đặc biết là công an, thường chụp cái mũ FULRO cho những nhóm Tin Lành hay Thiên Chúa Giáo không nằm dưới sự dẫn dắt của họ”.

Sau năm 1975, vẫn lời tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng, lực lượng vũ trang FULRO của người dân tộc thiểu số đã không còn hiện hữu:

FULRO, tức Mặt Trận Thống Nhất Đấu Tranh Của Các Sắc Tộc Bị Áp Bức,  sau 75 có một nhóm vài trăm người Thượng không chấp nhận đầu hàng và đã vào rừng sống khoảng 20 năm.” 

“Cho tới khi có Đội Quân Hòa Bình của Liên Hiệp Quốc vào Campuchia để chuẩn bị tổng tuyền cử thì họ ra trình diện. Tất cả những người này đều đã đi Mỹ rồi, thành ra không còn phong trào FULRO nữa. Chính phủ Việt Nam cứ vin vào đó để biện minh cho hành động đàn áp người Tây Nguyên, đặc biết người Tây Nguyên theo đạo Tin Lành”.

Năm 2017, Ủy Hội Hoa Kỳ Về Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế, gọi tắt là USCIRF, có vai trò quan trọng trong việc tư vấn cho quốc hội cũng như hành pháp Mỹ  về tình hình tự do tôn giáo các nước trên thế giới, đã phát động một chiến dịch mới có tên Tù Nhân Lương Tâm Tôn Giáo, nêu bật những trường hợp đàn áp đức tin hoặc vi phạm quyền tự do tín ngưỡng tại các nước, qua đó tên Việt Nam được nhắc đến.

Phúc trình thường niên về tự do tôn giáo thế giới của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, kể cả báo cáo của HWR Giám Sát Nhân Quyền, năm nào cũng giữ nguyên Việt Nam ở vị trí một quốc gia tiếp tục chính sách trấn áp đạo giáo và đức tin một cách có hệ thống, nhất là đối với các dân tộc thiểu số miền núi ở trong nước.