Tập củng cố “Chủ nghĩa Tư bản Trung Hoa” bằng “Xã hội Chủ nghĩa Mao”

0
13

Lingling Wei (*)

(bản tiếng Việt của Vũ Văn Lê)

Kiềm chế những tập đoàn công nghệ khổng lồ, Tập muốn Đảng Cộng sản điều khiển dòng tiền, 
đặt ra các giới hạn chặt chẽ hơn về lợi nhuận

Chiến dịch chống doanh nghiệp tư nhân của Tập Cận Bình ngày càng rõ rệt, nhiều tham vọng hơn là thực tế..

Ngoài nỗ lực kiềm chế một số công ty công nghệ lớn và nhiều xí nghiệp khác, Tập muốn “phô diễn” đấng chủ nhân ông thực sự của nước Tàu, 

 Nỗ lực đảo ngược quá trình phát triển nhiều thập kỷ của Trung Quốc theo đường hướng tư bản phương Tây, Tập muốn lái nước Tầu sang một con đường hoàn toàn khác. Nghiên cứu kỹ các bài viết của Tập và các cuộc thảo luận giữa lãnh đạo tối cao với các quan chức đảng CSTQ, cùng các cuộc phỏng vấn với giới hoạch định chính sách, sẽ thấy rõ những điều đó.

Suốt 40 năm kể từ lúc Đặng Tiểu Bình tiến hành cải cách kinh tế lần đầu tiên ở Trung Quốc, các nhà lãnh đạo Đảng CSTQ đã mở rộng thị trường, tạo được không gian lớn rộng cho công cuộc phát triển đất nước. Sự mở cửa đó đã giúp hàng trăm triệu người thoát khỏi cảnh nghèo đói, tạo hàng nghìn tỷ đô la của cải cho nước Tầu, nhưng đồng thời tham nhũng cũng tràn lan, xói mòn nền tảng của chế độ, đe dọa sự tiếp tục cai trị của đảng Cộng sản.

Theo quan điểm của Tập, dòng vốn tư nhân được phép vận hành hiện nay đang đe dọa tính chính đáng của đảng CSTQ, quan chức quen thuộc với các ưu tiên của Tập đã thổ lộ như thế. Kết quả xem xét của The Wall Street Journal cho thấy Tập đang cố gắng tột bực đưa Trung Quốc trở lại tư tưởng Mao Trạch Đông, vốn coi chủ nghĩa tư bản chỉ là một giai đoạn nhất thời (quá độ) trên đường tiến lên chủ nghĩa xã hội.

Không hề mưu tính tiêu diệt các thế lực thị trường, Tập đòi hỏi Đảng và Nhà nước phải tích cực hơn nữa trong công cuộc điều hành tiền bạc vốn liếng, bằng cách tiết chế khả năng kiếm lợi nhuận của các doanh nhân và giới đầu tư, thậm chí kiểm soát chặt chẽ hơn nữa nền kinh tế. Chính yếu, Tập muốn viết lại các quy tắc ứng xử kinh doanh cho nước Tầu, mà triển vọng một ngày không xa, có cơ trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới.

 “Trung Quốc đã bước sang một giai đoạn phát triển mới,” Tập đã tuyên bố như thế trong một bài phát biểu vào tháng Giêng. Tập xác quyết mục tiêu của đảng CSTQ là xây dựng, phát triển nước Tầu thành “một cường quốc xã hội chủ nghĩa hiện đại.”

 Tập đã hủy bỏ, sửa đổi cả 100 luật lệ, quy định, pháp lệnh, và thay đổi chính sách kể từ cuối năm ngoái, nhắm mục tiêu phá vỡ sự thống trị thị trường của các tập đoàn công nghệ điện tử khổng lồ, như Alibaba Group Holding Ltd., tập đoàn Tencent. Holdings Ltd. và xe điện Didi Global Inc.

Những biện pháp kiềm chế giá nhà cửa gần đây của Bắc kinh đã đẩy hiện trạng khủng hoảng tiền mặt của China Evergrande Group, một tập đoàn phát triển bất động sản khổng lồ nhưng ngập lụt nợ nần, tới mức trầm trọng hơn khiến thị trường toàn cầu phải ớn lạnh. Theo giới phân tích, Bắc Kinh sẽ không cứu vớt Evergrande như đã từng giải cứu nhiều doanh nghiệp nhà nước trước đây, và công cuộc kềm kẹp các giới phát triển bất động sản tư nhân khác sẽ còn được thắt chặt hơn nữa.

Tập còn có kế hoạch tiến xa hơn nhiều trong đường hướng đó. Trong cuộc họp lãnh đạo vào tháng 8, Tập mạnh mẽ xác định mục tiêu “thịnh vượng chung” của chế độ, và đòi hỏi phân phối của cải một cách bình đẳng hơn. Điều này sẽ được thực hiện phần nào nhờ sự can thiệp sâu xa hơn nữa của chính quyền vào kinh tế, cũng như ép buộc kẻ giàu có phải chia sẻ thành quả của họ cho người nghèo khốn.

Nhiều quốc gia quản lý chặt chẽ ngành công nghiệp, nhân công, thị trường, thiết lập chính sách tiền tệ, và cung cấp các khoản trợ cấp để trợ lực, thúc đẩy kinh tế của nước họ. Trong phiên bản của Tập, đảng và nhà nước sẽ kiểm soát tới mức độ có thể lèo lái nền kinh tế và ngành công nghiệp theo con đường mà chế độ lựa chọn, đồng thời chuyển các nguồn lực tư nhân sang việc củng cố quyền lực của Nhà nước.

Nguy cơ lớn cho Tập và Trung Quốc là, thúc đẩy đường hướng này sẽ dập tắt hết tinh thần sáng tạo kinh doanh đã tạo ra bùng nổ kinh tế, thành quả của nhiều năm đổi mới. 

Đối với các doanh nghiệp nước ngoài, chiến dịch của Tập sẽ tạo ra nhiều bất ổn trong tương lai gần. Các công ty phương Tây thường phải tuân hành theo đường lối của đảng CSTQ, nhưng giờ đây, ngày càng bị ép buộc phải tuân thủ nhiều thứ hơn nữa, chẳng hạn, phải chia sẻ dữ liệu về người tiêu thụ, phải tuyển dụng đảng viên làm nhân viên. Họ có thể bị thúc ép phải hy sinh nhiều lợi nhuận hơn nữa để giúp Bắc Kinh đạt được mục tiêu của chế độ.

“Tình trạng giám sát đối với vốn ngoại quốc sẽ được tăng cường chặt chẽ, vì vậy sẽ không còn chuyện lợi nhuận siêu cao ở Trung Quốc thông qua độc quyền và đặc quyền của thị trường vốn”. Một người am hiểu tư duy cơ quan quản lý thị trường hàng đầu của Trung Quốc cho biết.

Văn phòng Thông tin của Quốc vụ viện Trung Quốc đã không chịu trả lời các câu hỏi cho bài viết này.

Trước năm nay, Tập cũng chẳng mấy tin tưởng vào dòng vốn tư bản, nhưng ông ta có nhiều ưu tiên khác. Giờ đây, khi đã củng cố xong quyền lực, Tập huy động toàn bộ chính quyền hỗ trợ kế hoạch ép buộc doanh nghiệp tư nhân phục vụ nhà nước.

Quá trình chuyển đổi lãnh đạo duy nhất trong thập kỷ sẽ diễn ra vào cuối năm 2022, và Tập sẽ phá lệ truyền thống kế vị lâu đời, tiếp tục nắm giữ quyền lực. Để biện minh cho sự cai trị lâu dài của mình, Tập cần tạo động lực biểu tượng chứng tỏ mình đang thực hiện những điều thật “to tát vĩ đại “cho người dân.

Tại nhiều cuộc họp nội bộ của Đảng CSTQ, một số người tham dự đã kể lại rằng, Tập luôn nhấn mạnh về sự đặc thù, khác biệt của hệ thống kinh tế Trung Quốc. Tập chỉ trích chủ nghĩa tư bản phương Tây tập trung quá nhiều vào mục tiêu theo đuổi lợi nhuận và của cải cá nhân. Vì buông thả để những tập đoàn, những đại công ty phát triển quá mạnh, nên dẫn đến bất bình đẳng, bất công xã hội, và nhiều mối đe dọa khác cho công cuộc ổn định đất nước. 

Đầu năm nay, khi chứng kiến Facebook Inc. và Twitter Inc. cấm đoán, xóa bỏ các tài khoản của Tổng thống Donald Trump, Tập cho đó là dấu hiệu sai trái điển hình của hệ thống kinh tế Mỹ, chấp nhận để doanh nghiệp lớn được quyền cho phép hay cấm cản tiếng nói của một nhà lãnh đạo chính trị tối cao. Các giới chức am tường quan điểm của Tập đã cho biết như vậy.

Vài tháng sau, khi Đảng CSTQ kỷ niệm một trăm năm thành lập vào ngày 1 tháng 7, Tập mặc bộ đồ Mao, đứng sau bục trang trí hình búa liềm, dõng dạc cam kết đứng về phía nhân dân. Sau bài phát biểu, từ Quảng trường Thiên An Môn, Tập cao giọng, say sưa hát vang”Quốc Tế Ca”, bài hát đặc trưng của phong trào xã hội chủ nghĩa từ những năm 1800, biểu hiện lời tuyên chiến của giai cấp công nhân đối với chủ nghĩa tư bản. https://www.youtube.com/watch?v=E2lncyoqPlA

Những kiểu cách như vậy, thường được coi là thủ thuật chính trị, đang được các giới quan sát Trung Quốc xem xét nghiêm túc hơn khi có những bằng chứng cho thấy Tập nghiêng về ý thức hệ hơn những người tiền nhiệm.

Sự khác biệt giữa tầm nhìn của Tập và chủ nghĩa tư bản phương Tây, là “ở Trung Quốc, tư bản phục vụ nhân dân” như Tập đã khẳng định trong các cuộc họp nội bộ.

Những ngành mà Tập dị ứng, cho rằng bị lạc lối bởi tinh thần tư bản, ngoài công nghệ còn cả việc dạy kèm sau giờ học, trò chơi kỹ thuật số (digital gaming) và giải trí, đang phải chịu những đòn trừng phạt thật nặng nề.

Chính sách biến các công ty giáo dục tư nhân thành các tổ chức phi lợi nhuận đã giết chết New Oriental Education & Technology Group Inc., công ty đã cung cấp các bài học tiếng Anh cho nhiều thế hệ sinh viên du học ở nước ngoài. Cổ phiếu của công ty này đã giảm khoảng 90% trong năm nay.

Yu Minhong, người sáng lập công ty có biệt danh là “Bố già của đào tạo tiếng Anh ở Trung Quốc”, đã bật khóc trong cuộc họp công ty gần đây, một nhân viên của hãng đã cho biết, và than vãn: “Điều đó thật tàn nhẫn cho bố già và tất cả chúng tôi. 

Những thay đổi chính sách của Tập đã làm tiêu tan hơn 1 nghìn tỷ USD trị giá thị trường chứng khoán, và xóa sổ hơn 100 tỷ USD tài sản của các doanh nhân, như Jack Ma, người sáng lập Alibaba và Pony Ma của Tencent. Các công ty tư sở hữu của họ đang được khuyến cáo quyên góp lợi nhuận và của cải để đóng góp thực hiện các “mục tiêu thịnh vượng chung” của ông Tập. Riêng Alibaba đã cam kết sẽ đóng góp một ngân khoản tương đương với 15,5 tỉ Mỹ kim.

Các công ty quốc doanh lớn mạnh dưới thời Tập, đang tiến sâu vào các lĩnh vực vốn đã được khai phá tiên phong bởi lãnh vực tư, nhưng ngày càng được coi là quan trọng đối với an ninh quốc gia, như quản lý dữ liệu kỹ thuật số (management of digital data).

Một định chế giám sát các công ty quốc doanh, Ủy ban Giám sát và Quản lý Tài sản Nhà nước, đang lên kế hoạch thiết lập thêm các cơ quan cung cấp “dịch vụ mây” (providers of cloud services), do chính quyền kiểm soát để lưu trữ dữ liệu, những người am tường hoạt động của cơ quan này đã tiết lộ. Tới nay các dịch vụ loại này thường là lãnh vực ngự trị bởi các công ty tư nhân, như Alibaba và Tencent.

Theo một thông báo chính thức ngày 12 tháng 8. thành phố Thiên Tân đã ra lệnh cho các công ty mà họ giám sát, phải tức thời di chuyển dữ liệu từ các “nền tảng mây” của khu vực tư nhân sang các nền tảng thuộc sở hữu nhà nước trong vòng hai tháng khi các hợp đồng hiện hữu hết hạn, chậm nhất là vào tháng 9 năm 2022, Nhiều địa phương dự kiến sẽ tuân theo.

Các thực thể do chính quyền kiểm soát đang mua lại cổ phần của nhiều công ty, và thay thế hết nhân vật trong hội đồng quản trị để đảm bảo đường lối hoạt động phải phù hợp với mục tiêu của nhà nước. ByteDance Ltd., chủ sở hữu của ứng dụng chia sẻ video TikTok và Weibo Corp., điều hành các nền tảng tiểu blog giống Twitter, gần đây đã bị ép buộc bán cổ phần cho các công ty do nhà nước hậu thuẫn.

Tập trực tiếp điều khiển chiến dịch, thay vì giao điều hành chi tiết cho Phó Thủ tướng Lưu Hạc, cố vấn kinh tế chính của ông ta như trước đây. Một văn phòng trung ương đảng báo cáo trực tiếp cho Tập, đã gửi chỉ thị hướng dẫn các bộ thực hiện và điều phối chính sách. 

Được biết đến như một nhà cải cách thiên về thị trường, Lưu Hạc, nhà lãnh đạo hàng đầu, đai diện của Trung Quốc ở nước ngoài, đã nỗ lực ngăn chặn một cuộc chiến thương mại giữa Trung quốc và Hoa Kỳ, đã giải thích cho những người Mỹ nghi hoặc rằng, biện pháp của Tập là rất cần thiết để thúc đẩy cải cách trong lúc định hướng thị trường bị đình trệ. “Mục tiêu của đường hướng lãnh đạo mạnh mẽ ở Trung Quốc là thực hiện cải cách”, Lưu xác định như thế với một nhóm giám đốc điều hành Mỹ ở Washington đầu năm 2018, theo kể lại của những người có mặt.

Theo những người am hiểu vấn đề, Phó thủ tướng Lưu sẽ nghỉ hưu vào năm tới, đã phải tự phê bình vì không ngăn chặn Didi tung đợt phát hành cổ phiếu ra công chúng (IPO) lần đầu ở New York, trị giá 4,4 tỷ USD vào cuối tháng 6. Tự phê bình là phương cách đảng CSTQ sử dụng để kỷ luật đảng viên theo truyền thống cố hữu, được Mao du nhập từ Stalin, và vẫn tiếp tục tồn tại ở Trung quốc dưới triều đại Tập cận Bình.

Tập quy trách Lưu không chịu phối hợp giữa các cơ quan quản lý khiến đợt lên sàn IPO lần đầu của Didi ở thị trường Nữu Ước phải thất bại. Cơ quan quản lý an ninh mạng của Trung Quốc đã cảnh cáo “Didi thiếu sót an ninh mạng trước khi niêm yết cổ phiếu.” Trong khi đó, các cơ quan quản lý khác dưới quyền Lưu, như Bộ Giao thông Vận tải đã hoàn toàn ủng hộ kế hoạch niêm yết nói trên .

Vì không được thông báo rõ ràng phải ngừng bán cổ phiếu, Didi vẫn tiếp tục tiến hành IPO để bán cổ phiếu. Vì thế Tập giận dữ, lập tức ra lệnh thi hành một cuộc điều tra đa phương đối với công ty này. 

Ngay sau sự cố IPO đó, Phó thủ tướng Liu đã phải tự phê tại một diễn đàn công khai như sau: “Trong giai đoạn phát triển mới, chúng ta cần phối hợp mối quan hệ giữa phát triển và an ninh.”

Gần đây, cơ quan điều hành quản lý Trung Quốc cũng xem xét lại một thỏa thuận liên quan đến công ty cổ phần tư (private-equity firm) Blackstone Inc., đồng sáng lập bởi tỉ phú Stephen Schwarzman, một nhân vật quan trọng khác trong quan hệ Mỹ-Trung. Giống như nhiều tài chính gia khác, Schwarzman từng là nhân vật trung gian giữa lãnh đạo Trung Quốc và chính quyền Trump.

Vào tháng 6, Blackstone đã thỏa thuận mua lại phần lớn cổ phần của Soho China Ltd., một nhà phát triển bất động sản Trung quốc, với giá khoảng 3 tỷ USD. Giá mua này chỉ tương đương với 40% trị giá trị sổ sách của Soho China tính đến cuối năm ngoái, tạo cho Blackstone cơ hội thu lợi lớn.

Tức khắc, toàn thể hệ thống truyền thông xã hội Trung Quốc trở nên sôi sục, đầy rẫy những bài chỉ trích moi móc Pan Shiyi và Zhang Xin, hai nhân vật điều hành Soho China, tố giác hai vợ chồng này đang cố gắng kiếm tiền để có thể rời Trung Quốc trong thời điểm nóng bỏng của chiến dịch bôi nhọ, lên án tài phiệt giàu có. Các nhà kiểm duyệt của Bắc Kinh thường dựa trên danh nghĩa chống tiêu cực, để thẳng tay xóa bỏ các bài đăng tương tư, nhưng lại hoàn toàn nhắm mắt cho lan tỏa rộng rãi những tố cáo này. WSJ đã không thể nào liên hệ được cặp đôi này để phỏng vấn và xin bình luận.

Vào tháng 8, cơ quan Quản lý Nhà nước về Quy chế Thị trường đã bắt đầu điều nghiên thương vụ này dựa trên vi phạm luật chống độc quyền. Một tháng sau, Blackstone đã phải chính thức xé bỏ thỏa ước trong khi cuộc xem xét vẫn tiếp tục. Trong tuyên bố chung ngày 10 tháng 9 vừa qua, hai công ty liên hệ đã giải thích lí do hủy bỏ như sau: “vì không“thỏa mãn được các điều kiện tiền định để hoàn tất dịch vụ kịp thời.” Blackstone từ chối bình luận thêm. Soho China không trả lời yêu cầu bình luận của WSJ .

Theo một số quan chức, kế hoạch tái thiết lập trật tự kinh tế của Tập đã được đưa ra tại Hội nghị Công tác Kinh tế Trung ương vào tháng 12 năm ngoái, một cuộc họp nghị sự hàng năm. Tại một khách sạn nhà nước, nằm phía Tây Bắc kinh, được bảo vệ nghiêm ngặt, Tập cận Bình đã nghiêm khắc lên tiếng cảnh cáo về “tình trạng mất cân đối nghiêm trọng do“nguồn vốn lớn”tạo ra”.

Đề cập tới lĩnh vực công nghệ mạng internet, Tập công kích các đại công ty này đã sử dụng thị trường vốn và các nguồn lực khác để làm giàu cho sở hữu chủ và giới đầu tư, tạo thêm chênh lệch lợi tức, và tước đoạt tài nguyên của các bộ phận kinh tế quan trọng liên hệ tới khả năng cạnh tranh của Trung Quốc, như kỹ nghệ sản xuất cao cấp.

Vài tuần lễ trước khi đưa ra những phán xét đó, chính Tập đã đích thân can thiệp, ngăn chặn đợt phát hành cổ phiếu IPO lớn nhất từ trước đến nay của Fintech Ant Group do Jack Ma sáng lập. Lí do đưa ra: “những kẻ thân thuộc có quan hệ tốt được hưởng lương bổng quá cao, và đặc quyền đặc lợi quá nhiều”, như WSJ đã loan tin.

Đối với Tập, sự thể những kẻ có quan hệ kết nối lớn trở nên giàu sụ, sẽ gây tổn hại lớn cho thanh danh của Đảng, cho thân phận những thành phần kém may mắn mà lẽ ra đảng phải đại diện, nhiều giới chức đã cho biết.

Tại một cuộc họp với các quan chức cấp cao toàn quốc hồi tháng giêng, Tập nêu cao tầm quan trọng của việc chia sẻ sự sung túc đồng đều hơn cho 1,4 tỉ dân Trung Quốc, một mục tiêu xã hội chủ nghĩa chính yếu của các nhà lãnh đạo đảng CSTQ thời kỳ đầu. Tập tuyên bố: “Nhận thức thịnh vượng chung không chỉ là vấn đề kinh tế mà còn là vấn đề chính trị then chốt liên quan đến nền tảng cầm quyền của Đảng.”

Điểm nhấn mạnh đó phản ánh tư duy của Tập, là: chủ nghĩa xã hội TQ dưới sự kiểm soát duy nhất của đảng CS sẽ thắng thế so với chủ nghĩa tư bản Hoa Kỳ. Tập khẳng định mô hình Trung Quốc đã chứng tỏ tốt đẹp hơn hẳn hệ thống của phương Tây trong công cuộc chống lại đại dịch Covid-19. 

“Thời gian và xung lực đang ngả về phía chúng ta,” Tập đã xác quyết như thế tại cuộc họp tháng Giêng.

Tại Bắc Kinh, nhiều quan chức đã mệnh danh nỗ lực đánh sập đại tư bản của Tập là boluan fanzheng, có nghĩa là tái lập trật tự để thoát khỏi tình trạng hỗn loạn. “Đây là một từ khóa mới của chính sách kinh tế vĩ mô”, một cố vấn chính phủ giải thích. 

Để phụ họa cho chính sách mới, giới lãnh đạo Trung quốc đã đặt mục tiêu tăng trưởng cho năm 2021 là 6% , tương đối thấp so với thực trạng phục hồi mạnh mẽ vào thời điểm đó. “Chúng ta phải khai thác cơ hội “áp lực tăng trưởng thấp ” để thúc đẩy những thay đổi.” Hồi tháng tư Bộ Chính trị đã khuyến cáo như vậy.

Tuy thế, Tập và bộ tham mưu vẫn cảm thấy công cuộc phát triển khu vực tư nhân đang tạo ra 80% công ăn việc làm ở thành thị là tối cần thiết. Theo nhiều quan chức, trọng tâm của chính sách hiện nay là thúc đẩy các công ty cỡ nhỏ và vừa, trong các lĩnh vực từ thiết bị điện đến cảm biến và bán dẫn vốn không có khả năng trở thành cơ sở quyền lực thay thế. Song, các công ty này đã được khuyến cáo, là “đổi mới nhằm nâng cao năng lực sản xuất của Trung Quốc hơn là lợi nhuận.”

Nền tảng cho các hành động của Tập là một ý thức hệ bắt nguồn từ lý thuyết phát triển của Mao, lý thuyết này gọi chủ nghĩa tư bản nhà nước là giai đoạn tạm thời có thể giúp nền kinh tế Trung Quốc bắt kịp phương Tây trước khi bị chủ nghĩa xã hội thay thế.

Là tín đồ nhiệt thành của Mao, Tập đã khẳng định trước các đảng viên rằng: “Đường lối cũ đã hết thời.”

Một bài viết đăng trên tờ Qiushi (Sự Thật) vào năm 2018, cơ quan lý luận chính của đảng CS, đã phô bày rõ tư duy của Tập: “Thực tại ở Trung Quốc đã chứng tỏ rằng, một khi quá trình chuyển đổi xã hội chủ nghĩa hoàn thành, hệ thống xã hội chủ nghĩa cơ bản với sở hữu công cộng là thành phần chính sẽ được thiết lập … [ và] chủ nghĩa tư bản nhà nước, với tư cách là một hình thức kinh tế quá độ, đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử , sẽ rút khỏi giai đoạn lịch sử ”.

Trong nhiều dịp khác, Tập kín đáo khó hiểu hơn. Chẳng hạn khi nói chuyện với các lãnh đạo cấp cao của đảng vào tháng 1 năm 2013, Tập bảo:“Chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc là chủ nghĩa xã hội, chứ không phải bất kỳ chủ nghĩa nào khác”. Để từ đó, theo nhiều quan chức, Tập thường xuyên nhắc lại cho các đảng viên như là những cảnh cáo.

Với chủ trương đàn áp đánh tư bản kể trên, uy tín của Tập trong cơ sở đảng, trong giới lao động và dân nghèo ở nông thôn, có vẻ tăng lên nhờ các sáng kiến chống tham nhũng và giúp kẻ nghèo khốn.

Tại Xingguo, một quận ở phía Nam TQ, là một vùng đất cằn cỗi toàn đá sỏi, việc canh tác quy mô vô cùng khó khăn, chân dung của Tập được long trọng treo ngay phòng khách của cư dân, vị trì tôn kính ngày xưa chỉ được dành cho ảnh của Mao.

Cư dân địa phương tín nhiệm Tập trong việc xóa đói giảm nghèo, thường xuyên phân công cán bộ địa phương đến thăm viếng hỗ trợ cho các gia đình yếu kém.

“Trước đây các ngài lãnh đạo cũng hay nói về việc giúp đỡ người nghèo khó, Nhưng Tập Cân Bình mới là người thực sự quan tâm đến chúng tôi.” Một cư dân của Xingguo, nói tên là Zhong, đã thổ lộ như thế khi phóng viên WSJ đến nhà thăm gia đình vào mùa xuân năm 2020.

Lingling Wei/Vũ Văn Lê

Nguồn: (*) Wall Street Journal 20.9.2021. (Bài gốc có nhiều hình ảnh).