Suy tôn

2
33
Ông Tô Lâm trở thành Tổng bí thư Đảng Cộng Sản Việt Nam. Hình: Tân Tổng bí thư họp báo tại Hà Nội ngày 3 tháng Tám, 2024. Nguồn: AFP
   

Nguyễn Thông

4-8-2024

Dạo cuối tháng 7 rồi, nhiều lúc nhà cháu ngẩn ngơ không biết mình đang sống ở đâu, “Việt Nam đất nước ta ơi/ Mênh mông biển lúa đâu trời đẹp hơn”, hay bên Triều Tiên tục gọi Bắc Hàn. Có lúc cứ nghĩ hay mình ở Triều Tiên thật, thấy người ta sụt sịt khóc khô khóc ướt quá trời.

Hôm nay lại ngơ ngẩn. Cứ ngẩn ngẩn ngơ ngơ kiểu này, chẳng khác gì đang hộ khẩu KT3 trong bệnh viện tâm thần. Mình rõ ràng sống thời dép lốp bèo dâu lên tàu vũ trụ, 4 chấm không chấm khiếc, hay là đang thời phong kiến vậy. Đã từng nghe “rồng 5 móng vua quan thành bụi đất” rồi kia mà, chả nhẽ vua chúa tái sinh, hiện về đòi cướp lại chính quyền.

Ấy là lâu lẩu lầu lâu mới được nghe, được đọc lại từ “suy tôn”. Cái từ gốc Hán Việt ni có từ thời nào, không ai biết, chỉ biết ngày xưa, thời phong kiến hay dùng.

Suy tôn là hành vi đưa lên cao, đề cao (người nào đó). “Suy” nghĩa là bầu ra, tiến cử, đưa lên. “Tôn” là tôn trọng, đề cao. Ta vẫn có câu “tôn sư trọng đạo” (đề cao người thầy, kính trọng nghề dạy). Từ điển Hán Việt của cụ Đào Duy Anh cắt nghĩa, suy tôn là tâng bốc lên.

Xét về mặt ngôn ngữ, từ “suy tôn” của Tàu đã được Việt hóa, cũng như rất nhiều từ tiếng Việt đang tồn tại. Theo Từ điển tiếng Việt của nhóm Hoàng Phê, “suy tôn” là động từ, để chỉ việc đưa ai đó lên địa vị cao quý.

Từ này phổ biến thời phong kiến đứng đầu là vua, hoàng đế. Chỉ vua/ hoàng đế mới được suy tôn, chứ nó không dành cho quan, dù quan thượng thư. Nhóm bạn chăn trâu suy tôn Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi hoàng đế. Bề tôi, đàn em suy tôn Lê Lợi làm vua Lê Thái tổ sau khi đánh dẹp được quân Minh…

Nếu không vua thì phải là trùm. Các đầu lĩnh Lương Sơn Bạc suy tôn Tống Giang làm minh chủ. Những phong trào nông dân khởi nghĩa suy tôn Phan Bá Vành, Nguyễn Hữu Cầu, Cao Bá Quát làm thủ lĩnh. Nói tóm lại, suy tôn kiểu nào cũng đặc sệt phong kiến, mà phong kiến là một thể chế xã hội người cộng sản đã quyết đánh đổ, tiêu diệt.

Sau khi cách mạng vô sản thành công, người ta ít dùng, thậm chí không dùng từ “suy tôn” nữa. Nó được thay bằng những từ “tín nhiệm”, bầu, bỏ phiếu, cho có vẻ dân chủ. Thậm chí có 3 mức: Tín nhiệm cao, tín nhiệm, tín nhiệm thấp. Cán bộ của nhà nước vô sản chứ có phải vua, đầu lĩnh, trùm giặc cỏ đâu mà suy với tôn.

Dễ tới 2/3 thế kỷ, từ “suy tôn” bị nhốt trong từ điển, không ai cho nó ra sống với đời. Làm gì còn vua, còn phong kiến mà thả ra. Họa hoằn lắm, người ta mới dùng nó, nhưng để chỉ những con người không cụ thể, ví dụ: Suy tôn làm bậc thầy, suy tôn làm đại ca. Mặc nhiên không đưa nó lên thượng tầng. Từ ngữ tiếng Việt, cũng như dân tộc vậy, sống dở chết dở, bi khốc lắm.

Nay thì bỗng dưng nó được đắc dụng, chắc là người ta có ý lắm, cân nhắc lắm, chứ không phải vô tình, ngẫu nhiên.

Advertisement
   

2 COMMENTS

  1. Hey there You have done a fantastic job I will certainly digg it and personally recommend to my friends Im confident theyll be benefited from this site

  2. Hey there You have done a fantastic job I will certainly digg it and personally recommend to my friends Im confident theyll be benefited from this site

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here