SỰ SỐNG và CÁI CHẾT.

1
8

Giao Thanh Pham

Trong văn hóa của người Việt, người ta sợ và tránh nói về cái chết, nhưng không nhờ đó, mà người ta không phải đối mặt với cái chết. Riêng tôi, tôi luôn nghĩ về cái chết, về sự vĩnh viễn ra đi của mình, ngay từ khi còn khá trẻ ở lứa tuổi ngoài 40. Bởi vậy, tôi đã dành khá nhiều thời giờ để suy nghĩ và chuẩn bị cho cái sự việc hiển nhiên sẽ đến, mà con người từ thuở có mặt trên trái đất này, đã không một ai thoát khỏi. Tôi sẵn sàng trực diện với cái thực tế, rằng kiếp người của tôi là vô thường, để rồi không còn phải hối tiếc khi nó lững thững tà tà đến hoặc đột ngột xuất hiện một cách bất ngờ.

Cái chết là một thực thể đáng sợ mà chẳng ai muốn đề cập đến làm gì. Dường như ai cũng muốn từ chối và phủ nhận cái thực tiễn SẼ XẢY RA này, ít ra là cho đến khi người ta bước vào cái tuổi thất thập, khi mỗi ngày, mỗi tháng, mỗi năm qua đi, ta có thể nhận ra sự đổi khác của cơ thể mình, ta có thể cảm nhận được sự … thoái hóa, sự yếu kém về sức khỏe và nhất là, mỗi sáng thức dậy, ta chợt nhận ra một điều để bám vào và tự an ủi rằng, mình vẫn còn sống thêm một ngày.

Cũng nhờ những suy nghĩ về cái chết luôn hiện hữu trong đầu của tôi, nó khiến tôi chú tâm đi tìm chân lý sống cho bản thân mình qua việc tự hỏi: “Tôi Có Mặt Trên Trái Đất Này Để Làm Gì?” 

Tôi đã khám phá ra được những câu trả lời khi tôi “đủ can đảm nhìn thẳng vào cái chết”, những câu trả lời đó đã trực tiếp hướng dẫn tôi tìm mọi cách tạo cho mình một cuộc sống lành mạnh, từ thể xác đến tinh thần, một cuộc sống tốt đẹp cho chính bản thân.

Suy nghĩ về cái chết, chính là động lực thúc đẩy tôi phải cố gắng hoàn thành những công việc, những chương trình mà mình mong ước, vì cái Ngày Mai kia, có thể sẽ không bao giờ … đến, cái ngày mai kia sẽ không kiên nhẫn chờ đợi để tôi hoàn tất công việc. Bởi thế, tôi luôn có những “kế hoạch”, những “chương trình” cần phải thực hiện trước khi … thời hạn phải xong. Thường xuyên nghĩ về cái chết, còn nhắc nhở và cảnh báo tôi rằng, những hoạch định mà tôi đưa ra, không thể chờ, không thể để lại cho ngày mai. Đó chính là động lực khiến tôi phải “hoàn tất sứ mệnh”.

Suy nghĩ về cái chết, còn giúp tôi trân quý cái hiện tại, cám ơn cho những gì tôi hiện đang có và tránh xa những suy nghĩ tạp niệm, bao gồm những thứ sân si và hơn thua ở đời. Một khi biết rằng, cái chết là một thực tiễn rất đơn giản mà tôi không thể trả giá, không thể tránh né và không thể từ chối, thì tất cả những sự việc khác xảy ra ở trên cõi đời này, đến với tôi, hên xui hay may rủi, tốt cũng như xấu, lành cũng như dữ, đều chỉ là những chuyện … không đáng phải bận tâm. Trước khi đặt lưng xuống giường, tôi luôn nghĩ rằng, đêm nay sẽ là đêm cuối cùng trong cuộc đời của tôi và sáng ra sau khi thức giấc, tôi cũng nghĩ rằng, ngày hôm nay sẽ là ngày cuối cùng của tôi trên cõi đời này, thì tất cả những mối sân si, hỉ nộ, ái ố ở đời, đều là những thứ chẳng đáng phải … để mắt tới. Cái chết còn nhắc nhở cho tôi hãy quên đi những chuyện nhỏ nhặt xảy ra ở chung quanh mình.

Photo by Hoang Hai

Suy nghĩ về cái chết, còn giúp tôi đánh giá những điều gì thực sự quan trọng trong đời mình, để rồi sống sao cho có mục đích, cho có ý nghĩa, trong tất cả những hành động của mình, có tác động đến người khác ở chung quanh, có ảnh hưởng đến giá trị căn bản ở xã hội. Điều quan trọng nhất, là nó giúp tôi coi nhẹ của cải, tiền bạc và vật chất ở trên đời, bởi tôi hiểu rất rõ cái điều kiện phải có khi ta nhắm mắt xuôi tay ra đi, là sẽ chẳng mang theo được gì. 

Suy nghĩ về cái chết lại còn giúp tôi vượt qua nỗi lo lắng và sự sợ hãi chính nó, về cái chết. Nó giúp tôi luôn sẵn sàng hơn trong việc ra đi vĩnh viễn, trong việc rời khỏi trái đất này không hẹn ngày trở lại.

Mỗi người trong chúng ta, ai cũng có một niềm tin khác nhau về cái ngày mà ta ngừng thở, trái tim ta ngừng đập. Chắc chắn rằng, niềm tin đó, sẽ giúp ta cảm nhận rõ ràng hơn về cái chết thế nào sau khi ta từ giã cõi đời này, về với cái thế giới bên kia, về với cuộc sống vĩnh cửu, nơi mà cái chết không còn ảnh hưởng gì và không khiến ta phải bận tâm chút nào nữa.

Những ngày đầu của mỗi năm, tôi vẫn luôn kiểm điểm lại những gì mình đã thực hiện được, những gì chưa và những gì sẽ phải làm trong những ngày tháng sắp tới, trong đó có cả việc chuẩn bị cho sự ra đi của mình. Trong những ngày đầu năm, sau khi biết mình lại già thêm một tuổi, cái đích ngày một gần hơn, tôi lại luôn tự hỏi, rồi tự đánh giá: 

CÒN VIỆC GÌ CHƯA THỰC HIỆN ĐƯỢC và SẼ PHẢI HOÀN THÀNH … SỚM NHẤT?