Sự Khác Biệt Rõ Rệt Giữa Quan Điểm Của Harris Và Trump Về Quyền Bầu Cử

2
19
Cuộc bầu cử mùa thu năm nay sẽ quyết định tương lai của quyền bầu cử ở Hoa Kỳ. (Nguồn: Chụp lại từ YouTube)

VIỆT BÁO

Cuộc bầu cử trong mùa thu này sẽ quyết định tương lai của quyền bầu cử ở Hoa Kỳ, bởi vì hai ứng viên hàng đầu của cả hai đảng đưa ra quan điểm hoàn toàn khác nhau về con đường phát triển, bản tin của NPR* phân tích.

Phó Tổng thống Harris, ứng viên Đảng Dân chủ, ủng hộ việc tăng cường các biện pháp pháp lý để ngăn chặn nạn phân biệt chủng tộc trong quá trình bầu cử, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho cử tri bỏ phiếu dễ dàng, suôn sẻ hơn.

Ngược lại, cựu Tổng thống Trump đang thúc đẩy việc thắt chặt các quy định về quyền bầu cử, và điều này có thể khiến các cử tri da màu bị ảnh hưởng nhiều hơn so với các nhóm cử tri khác. Ứng viên Tổng thống của Đảng Cộng hòa không đảm bảo sẽ chấp nhận kết quả bầu cử năm nay nếu không có điều kiện kèm theo, trong khi ông đang phải đối mặt với nhiều cáo buộc hình sự liên quan đến nỗ lực lật ngược kết quả bầu cử và tước đoạt quyền bầu cử của hàng triệu cử tri năm 2020. Đó là chưa kể Trump còn châm ngòi khiến dư luận hoang mang về vấn đề có những người không phải công dân Hoa Kỳ mà cũng được đi bỏ phiếu, dù đây là chuyện rất hiếm gặp.

Tuy nhiên, ngay cả khi thắng cử, thì dù là Harris hay Trump cũng không thể dễ dàng thực hiện các mục tiêu chính sách của mình. Bởi vì còn các yếu tố quan trọng khác như đảng nào chiếm đa số trong Quốc hội, và cũng còn phải xem bên tòa án có can thiệp hay không.

Trong thời gian chờ đợi, cùng điểm qua những chính sách và đề nghị của từng ứng viên đối với quyền bầu cử:

Harris

Harris cho rằng “quyền tự do bầu cử” đang bị đe dọa trong mùa bầu cử năm nay. Chính quyền của bà sẽ tiếp ủng hộ việc thông qua hai dự luật về quyền bầu cử mà trong nhiệm kỳ của Tổng thống Biden không nhận được đủ sự ủng hộ từ Thượng viện.

Một điều khoản quan trọng của Luật Cải tiến Quyền Bầu cử John Lewis (John Lewis Voting Rights Advancement Act), được đặt tên theo nhà đấu tranh vì dân quyền quá cố John Lewis, là việc tái khôi phục yêu cầu một số tiểu bang và quận có lịch sử phân biệt chủng tộc phải được chuẩn thuận trước khi thay đổi quy tắc bầu cử của mình. Những biện pháp bảo vệ này vốn là một phần quan trọng của Luật Bầu cử (Voting Rights Act) năm 1965, nhưng đã bị Tối cao Pháp viện loại bỏ vào năm 2013.

Theo Luật Tự do Bầu cử (Freedom to Vote Act), cử tri không cần phải giải thích lý do tại sao họ chọn bỏ phiếu qua thư, mà chỉ cần đủ điều kiện là họ có quyền chọn bỏ phiếu qua thư. Ngoài ra, luật cũng sẽ đặt ra các tiêu chuẩn chung trên toàn quốc về thời gian tổ chức bỏ phiếu sớm cho các cuộc bầu cử liên bang.

Những năm qua, Harris vẫn luôn nhấn mạnh rằng quyền bầu cử là một trong những ưu tiên chính sách hàng đầu của bà. Khi còn làm TNS, bà đã đồng bảo trợ cho các phiên bản trước của Luật Bầu cử Lewis, cũng như Luật Bầu cử cho Người Mỹ Bản địa (Native American Voting Rights Act). Bà còn giới thiệu một dự luật nhằm mở rộng quyền bỏ phiếu qua thư và bỏ phiếu sớm trong cuộc bầu cử đại dịch 2020.

Khi phát biểu trong một cuộc họp của Ủy ban Quốc gia Đảng Dân chủ năm 2022, Harris cho biết: “Tôi rất mong đến ngày được bỏ lá phiếu quyết định để phá bỏ rào cản quyền đã tồn tại dai dẳng bấy lâu,” ám chỉ đến chiêu trò “filibuster” đòi hỏi cần có 60 phiếu ủng hộ để Thượng viện thông qua luật. Với vai trò Chủ tịch Thượng viện, Harris sẽ có quyền bỏ lá phiếu quyết định (trong trường hợp tỷ số hòa), và bà hy vọng có thể giúp các dự luật về quyền bầu cử được thông qua suôn sẻ hơn.

Trump

Trong số 20 cam kết mà Trump tuyên bố sẽ thực hiện “rất nhanh chóng” nếu Đảng Cộng hòa kiểm soát Quốc hội, có một số biện pháp liên quan đến quyền bầu cử, bao gồm những chính sách đã được thực hiện hoặc sẽ được thực hiện để thắt chặt hơn quyền bầu cử hơn nữa.

Để “bảo vệ” các cuộc bầu cử, Trump nhấn mạnh việc sử dụng phiếu giấy (paper ballots). Hiện nay, phần lớn phiếu bầu tại Hoa Kỳ là phiếu giấy, và theo ước tính từ Trung tâm Brennan tại Trường Luật Đại học New York, khoảng 98% phiếu trong cuộc tổng tuyển cử năm nay sẽ là phiếu giấy.

Trump cũng ủng hộ hình thức “bỏ phiếu trong cùng một ngày,” thay vì bỏ phiếu qua thư. Dù bản thân cũng đã từng bỏ phiếu qua thư, Trump vẫn thường tuyên bố vô căn cứ rằng bỏ phiếu qua thư có thể dẫn đến gian lận quy mô lớn. Bỏ phiếu qua thư đã được áp dụng từ thời Nội chiến để quân nhân vẫn có thể tham gia bầu cử. Tuy nhiên, nếu việc bỏ phiếu bị giới hạn chỉ trong vỏn vẹn một ngày, rất nhiều cử có thể đành phải ‘bó tay’ vì không thu xếp được việc riêng để đi bỏ phiếu trong ngày duy nhất đó.

Một trong những đề nghị quan trọng của Trump là yêu cầu cử tri phải cung cấp bằng chứng về quốc tịch khi ghi danh bỏ phiếu trong các cuộc bầu cử liên bang, và trình giấy tờ tùy thân trước khi bỏ phiếu.

Theo luật, chỉ công dân Hoa Kỳ mới có thể điền đơn bỏ phiếu cho các cuộc bầu cử liên bang, và để xác minh, hầu hết các bang sẽ sử dụng số An sinh Xã hội hoặc số giấy phép lái xe của người điền đơn để kiểm tra thông tin trong cơ sở dữ liệu của các cơ quan chính phủ.

Khi điền đơn bỏ phiếu bằng mẫu đơn ghi danh cử tri quốc gia, người điền đơn sẽ phải tuyên thệ rằng họ là công dân Hoa Kỳ. Nếu khai man, họ có thể sẽ bị phạt tù hoặc bị trục xuất.

Theo một cuộc khảo sát trên toàn quốc gần đây, khoảng 10% người trưởng thành ở Hoa Kỳ cho biết họ không có, hoặc không thể tìm cho bằng được các giấy tờ chứng minh quốc tịch Hoa Kỳ, nếu cần phải đưa ra ngay vào ngày hôm sau. Tình trạng này phổ biến ở nhóm cử tri da màu hơn so với cử tri da trắng.

Dù vậy, Trump vẫn ủng hộ mạnh mẽ Luật Bảo vệ Tính hợp lệ của Cử tri Hoa Kỳ (SAVE Act), yêu cầu cử tri phải có giấy tờ chứng minh quốc tịch khi điền đơn bỏ phiếu trong các cuộc bầu cử liên bang. Trong tháng 9, ông đã kêu gọi đóng cửa chính phủ liên bang nếu Quốc hội không thông qua toàn bộ Đạo luật SAVE, nhưng các nhà lập pháp đã tìm cách tránh được tình huống này.

Hiện tại, theo Hội Nghị Toàn Quốc Các Nhà Lập Pháp Tiểu Bang (National Conference of State Legislatures), 36 tiểu bang đã yêu cầu hoặc khuyến khích cử tri mang theo một số loại giấy tờ tùy thân khi đi bầu cử. Mặc dù yêu cầu cử tri trình giấy tờ khi đi bỏ phiếu được nhiều người ủng hộ, một số nghiên cứu chỉ ra rằng cũng chả mấy ai đi giả mạo cử tri để bỏ phiếu. Trong khi đó, những yêu cầu này lại có thể gây nhiều khó khăn, cản trở cử tri da màu tham gia bầu cử một cách bất công. (VB biên dịch)

*Nguồn: “The stark divide between Harris and Trump on voting rights” được đăng trên trang NPR.org.

2 COMMENTS

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here