Phiên điều trần lần 3 của ứng viên Tối cao Pháp viện Amy Coney Barrett: 5 điểm trọng yếu

0
28
Ứng viên Tối cao Pháp viện, thẩm phán Amy Coney Barrett xuất hiện trước ủy ban Tư pháp Thượng viện trong buổi chất vấn cho thứ 3 tại Capitol Hill ngày 14 tháng 10, 2020 tại Washington, DC.Hilary Swift/Getty Images

Người Thông Dịch

Translated from Vox article 5 key moments from day 3 of Amy Coney Barrett’s Supreme Court hearing

Không như các ứng viên trước đây, Amy Coney Barrett không tỏ rõ quan điểm cá nhân về phán quyết lịch sử liên quan đến tránh thai.

Li Zhou, ngày 14 tháng 10, 2020.

Vào thứ Tư, các Thượng Nghị sĩ đã có thêm một phiên đối chất ứng viên Tối cao Pháp viện Amy Coney Barrett về một loạt các vấn đề bao gồm quyền bầu cử, chăm sóc y tế, và quyền hành pháp – những vấn đề mà nhìn chung bà lại một lần nữa từ chối trả lời.

Buổi chất vấn thứ hai và cuối cùng của bà Barrett trước ủy ban Tư pháp Thượng viện diễn ra tương tự buổi chất vấn đầu tiên. Về các chủ đề như quyền tự ân xá đối với tổng thống, bầu cử qua thư, và biến đổi khí hậu, bà Barrett – cũng như các ứng viên tư pháp trong quá khứ – tuyên bố rằng bà chưa thể đưa ra quan điểm của mình, nhằm giữ gìn sự khách quan trong trường hợp được yêu cầu xem xét các vấn đề tương tự như trên sau khi nhậm chức.

Trong khi cách hành xử trên của bà Barrett đã được các ứng viên ngày trước từng sử dụng, bà tỏ ra kín tiếng hơn so với Thẩm phán John Roberts và Elena Kagan về vụ Griswold v. Connecticut, một vụ kiện lịch sử về quyền tránh thai.

“Tôi cho rằng vụ Griswold là gần như không thể thay đổi,” bà trả lời, thay vì đưa ra quan điểm của mình về phán quyết này.

Dưới đây là một số khoảnh khắc quan trọng của lần thứ ba trong tổng số bốn ngày điều trần cho vị trí Thẩm phán của bà Barrett.

Bà Barrett chưa từng lên tiếng ủng hộ Affordable Care Act (tạm dịch: Đạo luật Bảo hiểm y tế Hợp túi tiền), mặc dù bà đã chỉ trích các phán quyết ủng hộ đạo luật này trong quá khứ.

Trong loạt trao đổi với Thượng Nghị sĩ Patrick Leahy (Đảng Dân chủ – tiểu bang Vermont), bà Barrett nói chưa từng công khai ủng hộ đạo luật bảo hiểm y tế mang tính lịch sử này của Tổng thống Barack Obama, nhưng thừa nhận những chỉ trích của mình nhằm vào các phán quyết từ Tối cao Pháp viện ủng hộ ACA trước đây, trong thời gian còn là giảng viên luật.

Sau phán quyết NFIB v. Sebelius năm 2012 bảo vệ tính hợp hiến của ACA, bài viết của bà trong một tạp chí luật cho rằng kết luận của Thẩm phán John Roberts “đẩy Affordable Care Act vượt quá ý nghĩa hợp lý của nó nhằm cứu lấy đạo luật này.” Với phán quyết năm 2015 về vụ King v. Burwell củng cố một số điều luật trong ACA, bà cũng đã tỏ sự đồng tình với ý kiến phản bác của Thẩm phán Antonin Scalia.

Khi ông Leahy hỏi bà đã từng có bình luận gì về ACA, bà Barrett cho hay: “Tôi chưa từng có cơ hội nêu ý kiến cá nhân về những chất vấn của chính sách này.”

Bà Barrett, trong cuộc chất vấn, đã nhấn mạnh rằng bà không hề có “mục tiêu” phản đối ACA, điều mà phe Dân chủ lo ngại bà sẽ thực hiện nếu nhậm chức. “Tôi không hề theo đuổi sứ mệnh nào nhằm lật đổ Affordable Care Act,” bà Barrett phát biểu.

Câu hỏi của ông Leahy nhằm dẫn dắt sự chú ý tới những phát ngôn trước đây của bà về vấn đề này.

Bà Barrett không nêu quan điểm về tính đúng đắn của phán quyết Griswold v. Connecticut, điều mà các ứng viên khác đã làm trước đây

Griswold v. Connecticut là một vụ kiện lên Tối cao Pháp viện vào năm 1965 đảm bảo quyền sử dụng biện pháp tránh thai cho cặp đôi tại nhà riêng của mình. Đây là một trong những phán quyết mà bà Barrett không đưa ra bình luận gì, khác với các ứng viên trước đây vốn đều đồng tình với phán quyết trên.

“Nếu còn ở các vị trí trước đây thì tôi còn có thể nêu ý kiến về các tiền lệ, nhưng trong trường hợp hiện tại thì không,” bà trả lời khi Thượng Nghị sĩ Chris Coons (Đảng Dân chủ – tiểu bang Delaware) chất vấn về việc liệu bà có nhận định Griswold là phán quyết sai lầm. “Tôi cho rằng vụ Griswold là gần như không thể thay đổi.”

Việc ứng viên hạn chế bình luận về các vụ kiện trong quá khứ là khá phổ biến, do họ không muốn gây nghi ngờ về phán quyết của chính mình sau này nếu đụng chuyện. Tuy nhiên, Thẩm phán Roberts và Kagan đều nêu quan điểm cá nhân về vụ Griswold trong quá trình đối chất.

“Tôi đồng tình với phán quyết của tòa trong vụ Griswold rằng quyền riêng tư trong hôn nhân bao gồm cả quyền tránh thai,” ông Roberts phát biểu trong buổi đối chất năm 2005.

Bà Barrett không bình luận về biến đổi khí hậu

Hôm thứ Tư, bà Barrett lại lần nữa từ chối nêu quan điểm về biến đổi khí hậu vì lý do bà không có “nhận định chắc chắn” về chủ đề này hôm thứ Ba.

“Tôi không nghĩ mình đủ hiểu biết để đưa ra ý kiến về nguyên nhân khiến trái đất nóng lên hay không,” đó là câu trả lời của bà Barrett cho câu hỏi từ Thượng Nghị sĩ Richard Blumenthal về việc bà có nghĩ rằng con người đã tác động tới sự nóng dần lên toàn cầu. “Tôi không cho rằng nhận định cá nhân của tôi về sự nóng lên toàn cầu hay biến đổi khí hậu có liên hệ gì với công việc của tôi trong vai trò thẩm phán, đồng thời không cho rằng nhận định của mình có đủ căn cứ.”

Câu trả lời trên dường như thể hiện thái độ cố chấp của phe Cộng Hòa khi tiếp cận chủ đề biến đổi khí hậu do hoạt động của con người, một vấn đề mà nhiều nhà lập pháp đảng Cộng hòa liên tục lảng tránh mỗi khi nhắc đến. Sau đó trong cuộc đối chất, bà gọi biến đổi khí hậu là “vấn đề khá nan giải trong công luận ”

Bà Barrett từ chối bình luận về việc Trump tự ân xá

Tổng thống Donald Trump trước đây đã tuyên bố rằng ông có quyền tự ân xá – một động thái chưa tổng thống tiền nhiệm nào từng thực hiện. Bà Barrett được hỏi lần thứ hai vào hôm thứ tư về tính hợp pháp của việc này, một chủ đề mà bà từ chối bình luận, do đây là vấn đề có khả năng sẽ được đưa lên Tối cao Pháp viện.

“Câu hỏi này có thể sẽ được nêu ra hoặc không, nhưng đây là vấn đề đòi hỏi sự phân tích luật pháp rõ ràng về giới hạn của quyền ân xá,” bà cho biết. “Đưa ra nhận định của tôi cho vấn đề này sẽ không được khách quan vì chính cá nhân tôi vẫn chưa xem xét cụ thể các quy trình tư pháp. Vì vậy tôi không muốn đưa ra quan điểm cá nhân vào thời điểm này.”

Theo NPR, hiện nay chưa có “sự đồng tình về mặt pháp lý” đối với việc Trump có thể thực thi quyền tự ân xá hay không. (Trước đây, một biên bản cuộc họp Bộ Tư pháp năm 1974 kết luận rằng Tổng thống Richard Nixon không có quyền tự ân xá, và sau đó được ân xá bởi Tổng thống Gerald Ford sau khi đã từ chức.)

Hôm thứ Tư, bà Barrett đồng tình rằng “không có ai vượt trên pháp luật.”

Ông Lindsey Graham muốn giành sự ủng hộ từ phụ nữ đảng Cộng Hòa

Ông Graham, người đứng đầu ủy ban Tư pháp Thượng viện, đang vướng vào cuộc đua tái tranh cử gây tranh cãi tại South Carolina, và tận dụng buổi chất vấn tuần này nhằm tranh thủ sự ủng hộ của phụ nữ đảng Cộng Hòa – nhóm cử tri cốt lõi mà ông cần lôi kéo để thắng cử.

Trong cả ngày thứ ba và thứ tư, ông Graham liên tiếp nhấn mạnh rằng việc đề cử bà Barrett cho thấy phụ nữ phái bảo thủ có cơ hội ngồi vào vị trí tòa án cao nhất cả nước – và nêu lên những thách thức mà ông cho rằng họ gặp phải.

“Tôi cho rằng một bộ phận công dân Hoa Kỳ đang trải qua một khoảng thời gian khó khăn, đó chính là người da màu và phụ nữ phái bảo thủ,” ông phát biểu. “Cuộc đối chất này là một cơ hội đối với tôi nhằm phá bỏ, không phải một trần kính vô hình, mà là cả một hàng rào cản bằng đá đang cô lập phụ nữ phái bảo thủ.” Bà Barrett – người mà ông Graham mô tả là có tư tưởng tư tưởng pro-life mạnh mẽ – sẽ mới chỉ là người phụ nữ thứ năm trong Pháp viện nếu nhậm chức.

Theo một khảo sát của Đại học Quinnipiac vào tháng 9, ông Graham đang thua kém đối thủ đảng Dân Chủ Jaime Harrison 10 điểm trong khối cử tri nữ nói chung.

Người dịch: Tom Nguyen

Biên tập: Tri Luong