NHỮNG GÌ CẦN BIẾT TRƯỚC KHI CUỘC CHIẾN UKRAINE BƯỚC VÀO GIAI ĐOẠN MỚI

0
14

Nguyễn Gia Kiểng

Cuộc chiến tranh Ukraine đã bước vào một giai đoạn mới. Với mặt trận Kherson Ukraine đã chuyển từ thế thủ sang thế công trong khi quân Nga đã lùi từ thế công về thế thủ. Quân Ukraine liên tục mạnh lên trong khi quân Nga ngày càng bối rối. Đây là lúc để nhận định những gì nên được chú ý nhất trong cuộc chiến này.

Thắng bại đã rõ ràng

Điểm đầu tiên cần được nhận định là mặt trận Kherson sẽ quyết định số phận cuộc chiến.

Từ gần hai tháng qua, sau khi chiếm được Severodonetsk và Lysychansk, hai thành phố kế cận nhau tại tỉnh Luhansk, quân Nga hầu như không còn tiến công nữa.

Luhansk và Donetsk là hai tỉnh thuộc vùng Donbass phía Đông Ukraine giáp ranh với nước Nga, nơi có nhiều người gốc Nga và tiếng Nga thông dụng hơn tiếng Ukraine. Năm 2014 các lực lượng thân Nga với sự hỗ trợ của quân đội Nga nổi dậy chiếm cứ bán đảo Crimea và khoảng một nửa vùng Donbass. Quân đội Ukraine vào lúc đó gần như không có sức mạnh nào để có thể phản kháng. Bán đảo Crimea lập tức được sáp nhập vào Nga sau một cuộc trưng cầu dân ý dàn dựng, hai khu ly khai tại Donbass tiếp tục tấn công để chiếm trọn vùng này. Như vậy tại đây Nga đã có sẵn lực lượng và cũng có hậu thuẫn địa phương. Mặt khác quân đội Ukraine dần dần được tổ chức và mạnh lên nhờ cuộc nội chiến này. Một cách âm thầm từ năm 2014 Mỹ và Châu Âu cũng đã giúp Ukraine tăng cường lực lượng để tự vệ.

Thực lực và tinh thần chiến đấu của quân đội Ukraine sau 8 năm thử thách đã là một bất ngờ rất lớn cho Putin khi ông ta phát động cuộc xâm lược, bắt đầu từ ngày 24 tháng 2.

Trước sự ngạc nhiên của cả thế giới, Ukraine sau khi đã đẩy lùi được cuộc tấn công ồ ạt phía Bắc của quân Nga với mục tiêu chiếm thủ đô Kiev, lật đổ chính quyền Zelensky và thiết lập một chính quyền tay sai. Sau đó Ukraine đã không quyết tâm giữ vùng Donbass mà chỉ ngăn chặn quân Nga được chừng nào hay chừng đó để tập trung cố gắng phản công ở phía Nam, trước hết là chiếm lại thành phố Kherson. Họ hoàn toàn có lý vì miền Nam và Kherson có tầm quan trọng chiến lược hơn hẳn.

Map 18-8-2022

Kherson là chặng đường bắt buộc để quân Nga có thể chiếm miền Nam Ukraine, khiến Ukraine mất bờ biển, trở thành một nước lục địa không thể xuất khẩu ngũ cốc –nguồn lợi chính của Ukraine- và bắt buộc phải lệ thuộc vào Nga. Không những thế, nếu chiếm hết được bờ biển phía Nam Nga còn tiếp nối được với Moldavia nơi họ đã chiếm được vùng Trasnistria và đồn trú khoảng 3.000 quân.

Quan trọng hơn, tỉnh Kherson, mà thủ phủ là thành phố Kherson, còn tiếp giáp và kiểm soát đường vào lục địa của bán đảo Crimea mà Nga đã chiếm được của Ukraine và ngang nhiên sáp nhập vào Nga năm 2014. Chính vì thế mà ngay từ đầu Nga đã dồn quân đánh chiếm được Kherson nhưng sau đó phải khựng lại trước sự chống trả quyết liệt của quân đội Ukraine. Hiện nay Quân đoàn 3 của Nga đang đóng giữ Kherson. Mất Kherson, hay đúng hơn không giữ được Kherson, có nghĩa là mộng chinh phục miền Nam Ukraine của Putin không những tan tành mà Nga còn có thể mất luôn bán đảo Crimea bởi vì đối với thế giới Crimea vẫn là một phần của Ukraine bị chiếm đóng trái phép. Sau đó vùng đất Transnistria mà Nga chiếm đóng của Moldavia cũng sẽ rơi vào tình trạng cô lập tuyệt vọng.

Thực tế là Nga đang thua tại Kherson. Thành phố Kherson có đặc điểm là ở phía Bắc sông Dniepr nối liền với phần còn lại của tỉnh Kherson chủ yếu bằng hai cây cầu Antonovski (ở ngoại ô Kherson) và Nova Kakhova (cách Kherson khoảng 50 km). Cầu lớn và quan trọng nhất là cầu Antonovski. Quân đội Ukraine nhờ có giàn pháo Himars, chính xác và có tầm xa 80 km, đã bắn phá khiến cầu Antonovski này không còn sử dụng được nữa. Cầu Nova Kakhova vì đồng thời cũng là một đập nước quan trọng cho Ukraine nên không thể bị phá hủy mà không gây tai họa lớn nhưng cũng đã trở thành rất khó sử dụng và ngày càng khó sử dụng hơn. Đường tiếp liệu của Quân đoàn 3 của Nga đang chiếm đóng Kherson gần như đã bị chặn và có mọi triển vọng sẽ bị chặn hẳn trong tương lai gần.

Quân Ukraine cũng đã tái chiếm được khoảng 50 làng chung quanh và đã tiến đến sát thành phố Kherson. Ngay tại Crimea họ cũng bắt đầu phản công bằng các toán đặc công gây cho quân Nga những thiệt hại rất lớn. Putin bị đặt trong tình thế tiến thoái lưỡng nan. Rút quân khỏi Kherson là thú nhận thất bại, điều mà Putin không thể làm bởi vì ông ta không ngừng tuyên bố với nhân dân Nga là sẽ chiến thắng, nhưng nếu không rút thì Quân đoàn 3 sớm muộn cũng sẽ bị tiêu diệt và hậu quả còn bi đát hơn. Cuối cùng Putin có vẻ đã chọn giải pháp liều lĩnh là đem viện binh tới cứu Kherson. Hiện nay theo các nguồn tin từ hiện trường, Nga đã đem thêm 22.000 quân tới Kherson. Như vậy lực lượng Nga tại đây hiện nay là khoảng 50.000 người. Ukraine cũng đang tăng cường lực lượng với quyết tâm đánh bại quân Nga. Các cấp chỉ huy Ukraine tin rằng họ có thể lấy lại được thành phố Kherson một cách khá nhanh chóng. Họ có lý do để tin như vậy nhưng giải phóng được Kherson là một chuyện, giải phóng phần còn lại của tỉnh Kherson ở bên kia bờ sông Dniepr là chuyện khó hơn nhiều. Quân Ukraine sẽ phải chủ yếu tấn công từ Odessa.

Đàng nào thì Kherson cũng sẽ quyết định số phận của cuộc chiến Ukraine, giống như trận Verdun đã quyết định số phận của Thế Chiến I năm 1918. Mặt trận Kherson sẽ rất khốc liệt. Ukraine có mọi triển vọng sẽ thắng vì quân Ukraine ngày càng mạnh hơn và được trang bị hơn trong khi Nga ngày càng gặp khó khăn về mọi mặt và yếu đi như mọi nghiên cứu nghiêm chỉnh chứng tỏ. Hơn nữa Nga còn có vấn đề tiếp vận cực kỳ nan giải. Một câu hỏi đang được đặt ra trong lúc này là uy tín của Putin đối với người Nga còn kéo dài được bao lâu nữa ; nhiều dấu hiệu cho thấy là người Nga ngày càng nhận ra rằng cuộc chiến này là một sai lầm bi đát. Một câu hỏi khác là Mỹ và Châu Âu còn kiên nhẫn giúp Ukraine được bao lâu nữa ; câu hỏi bắt đầu được đặt ra dù cho tới nay quyết tâm của Mỹ và Châu Âu chưa hề bị lay chuyển.

Putin muốn gì và đã được gì?

Gần sáu tháng xung đột đã chứng tỏ Putin không có tầm nhìn và chiến lược nào cả.

Khởi đầu cuộc chiến xâm lược Putin tuyên bố đây chỉ là một cuộc “hành quân đặc biệt”, ông ta tin rằng có thể đánh gục chính quyền Kiev trong một vài ngày để dựng lên một chính quyền bù nhìn tay sai. Nhưng thực tế đã trái hẳn, quân Nga đã phải tháo chạy khỏi mặt trận phía Bắc sau khi thiệt hại nặng. Quân Ukraine đã mạnh hơn ông ta tưởng và ngày càng mạnh hơn trong khi quân Nga ngày càng bối rối.

Putin tuyên bố mục tiêu của cuộc xâm lăng này là để ngăn chặn sự bành trướng của NATO và Liên Hiệp Châu Âu, trước hết là không cho Ukraine gia nhập Liên Hiệp Châu Âu. Kết quả là NATO đã mạnh hơn hẳn, tiếp nhận thêm hai thành viên mới là Phần Lan và Thụy Điển, hai nước từ trước đến nay vẫn chủ trương trung lập. Liên Hiệp Châu Âu chính thức nhận đơn xin gia nhập của Ukraine và Moldavia.

Putin hy vọng sự chia rẽ trong nội bộ NATO, trong nội bộ Liên Hiệp Châu Âu, trong nội bộ nước Mỹ và giữa Châu Âu và Mỹ sẽ càng nghiêm trọng hơn trước thử thách của cuộc xâm lăng này và Nga sẽ không gặp phản ứng đáng kể nào. Kết quả đã ngược hẳn, NATO, Mỹ và Châu Âu đã đoàn kết như chưa bao giờ thấy trong một quyết tâm chung là đánh bại Putin.

Cái giá mà Putin bắt nước Nga phải trả đã rất kinh khủng. Nước Nga hoàn toàn bị cô lập, bị nhìn như một nước côn đồ và phải chịu đựng những biện pháp trừng phạt về cả kinh tế lẫn chính trị như chưa bao giờ thấy.

Theo chính quyền Ukraine, hơn 40.000 quân Nga đã thiệt mạng, khoảng 120.000 binh sĩ Nga đã bị thương. Theo giới chức quân sự Mỹ và Anh số quân Nga chết và bị thương là từ 80.000 đến 100.000 người, nghĩa là gần một nửa lực lượng ban đầu đã bị loại khỏi vòng chiến. Nga đã phải tuyển quân từ các nhà tù và phải sử dụng một số lượng lính đánh thuê ngày càng đông. Một quân đội như vậy có giá trị gì ?

Về thiệt hại vũ khí của Nga, các ước lượng của Ukraine, Mỹ và Anh không khác nhau bao nhiêu. Tất cả đều đồng ý rằng Nga đã mất khoảng 2.000 xe tăng, 4.000 xe bọc thép, 1.000 khẩu pháo, trên 200 máy bay, trên 200 giàn phóng tên lửa và gần 200 giàn pháo phòng không. Kho vũ khí của Nga còn lại bao nhiêu ? Điều chắc chắn là Nga không có khả năng sản xuất vũ khí một cách nhanh chóng và vũ khí của Nga về phẩm chất thua xa những vũ khí mà Ukraine nhận được ngày càng nhiều.

Về mặt kinh tế, một nghiên cứu của Đại học Yale cho thấy chính quyền Putin đã ngụy tạo các con số, thậm chí sửa đổi cả các con số đã được công bố trước chiến tranh để cố che giấu những thiệt hại năng nề do các biện pháp trừng phạt. Nhưng làm sao có thể bịa đặt ra những số liệu trong thời đại truyền thông này ? Người ta vẫn có thể cộng tổng số xuất khẩu của các nước khác sang Nga để biết rằng nhập khẩu của Nga đã giảm hơn 50% so với trước chiến tranh.

Và cũng có những sự kiện không thể phủ nhận. Thí dụ như hơn 1000 công ty nước ngoài sử dụng trên 12% lực lượng lao động Nga đã bỏ ra đi. Tác dụng dây chuyền sẽ khiến ít nhất ba lần số công nhân của các công ty khác không thể làm việc. Như vậy gần một nửa số công nhân Nga phải bị thất nghiệp, thất nghiệp chính thức hoặc thất nghiệp kỹ thuật. Một thí dụ khác là 86% số lượng khí đốt xuất khẩu của Nga bán sang Châu Âu. Lượng khí đốt này hiện đã giảm 60% và sẽ xuống gần số không vào cuối năm. Nga không thể bán khí đốt sang Trung Quốc hay Ấn Độ như nhiều người nghĩ. Khí đốt cần đường dẫn và đường dẫn cần nhiều năm để xây dựng. Dầu của Nga không còn bán sang Châu Âu và các nước dân chủ nữa, một phần được bán sang Trung Quốc và Ấn Độ nhưng hai nước này hiện nay mới chỉ có sức tiêu thụ giới hạn và còn đòi Nga giảm giá 35 USD mỗi ba-rin, nghĩa là hơn 35% (giá mỗi ba-rin hiện nay là 93 USD trên thị trường). Kết luận của nhóm nghiên cứu Đại học Yale rất thuyết phục : kinh tế Nga đã thiệt hại rất nặng, đã lùi ít nhất ba thập niên.

Tóm lại cuộc xâm lược này đã có tác dụng ngược hẳn lại với những gì mà Putin mong đợi, ông ta đã thất bại trong mọi địa hạt, trên mọi phương diện và theo mọi tiêu chuẩn.

Nhìn lại nước Nga và Putin

Sau những trình bày rất tóm tắt trên đây, chúng ta có thể nhìn lại những những nét đậm của nước Nga và Putin.

Trước hết Putin không điên như nhiều người nghĩ. Ông ta có những lý do khá chính xác dù không chính đáng để quyết định xâm lăng Ukraine và cũng có những dữ kiện làm cơ sở cho những lý do đó. Đừng quên rằng Putin nguyên là một sĩ quan tình báo đã nhẩy vọt qua các cấp bậc để nhanh chóng trở thành bá chủ nước Nga. Một người như vậy chắc chắn phải rất xuất chúng, nhất là biết thu thập và sử dụng các dữ kiện.

Putin lo sợ vì Ukraine đang ngày càng mạnh lên về quân sự và ngày càng dứt khoát dân chủ hóa, ngày càng là một đe dọa cho chế độ độc tài Nga, do đó phải ra tay ngay bây giờ trước khi quá trễ. Về điểm này Putin hoàn toàn đúng.

Putin thấy rằng nước Mỹ đã quá chia rẽ và mất ý chí, một cố gắng nhỏ như yểm trợ Afghanistan mà cũng không làm được, phải bỏ chạy để mất hết thể diện trước thế giới ; NATO đã quá rã rượi, bị tổng thống Mỹ Donald Trump đánh giá là lỗi thời và tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho là đã chết lâm sàng ; Liên Hiệp Châu Âu lủng củng, nước Anh vừa rút ra, Ba Lan và Hung đang có những đảng cầm quyền dân túy. Nếu có thời điểm nào thuận lợi nhất để xâm chiếm Ukraine mà không sợ Mỹ và Châu Âu phản ứng mạnh thì chính là lúc này. Trên điểm này Putin cũng hoàn toàn có lý.

Putin cũng tin rằng với lực lượng hùng hậu –hơn 200.000 quân, hơn 10.000 xe tăng và xe bọc thép, hơn 1.000 máy bay và trực thăng v.v.- Nga có thể tấn công thần tốc, đánh gục chính quyền Zelensky của Ukraine trong một vài ngày. Sự thực đã trái ngược hẳn nhưng niềm tin của Putin có cơ sở, bằng cớ là cả tổng thống Mỹ lẫn tổng thống Pháp cũng tin như thế và phần lớn các chính quyền trên thế giới cũng tin như họ. Cả Mỹ và Pháp đều đề nghị cho Zelensky tỵ nạn nếu bỏ chạy. Phản ứng của chính quyền và nhân dân Ukraine đã là một bất ngờ cho cả thế giới, không riêng gì Putin.

Những câu hỏi thực sự cần được đặt ra sâu xa hơn nhiều. Đó là tại sao Putin lại sợ Ukraine mạnh lên và trở thành một nước dân chủ đúng nghĩa ? Tại sao ông ta lại thấy cần phải xâm lăng Ukraine ? Và tại sao ông ta lại có thể ngang ngược tự cho mình quyền đem quân xâm chiếm một nước khác bất chấp cả đạo đức và luật pháp quốc tế, làm chết hàng trăm nghìn người và khiến hàng chục triệu người phải tản cư, mất nhà cửa và tài sản ? Những câu hỏi này liên quan tới lịch sử, đạo đức, tư tưởng và tầm nhìn xa về tương lai thế giới, nhưng đó là những phạm trù mà những bạo chúa, những nhà độc tài và những tay điệp viên, tình báo như Putin không biết tới và không quan tâm.

Lich sử nước Nga rất phức tạp nhưng một cách tổng hợp có thể nói là từ ngàn xưa Nga và các nước lân cận vẫn là một thế giới riêng, xa xôi, bao la, băng giá và tách biệt với phần còn lại của thế giới. Trong vùng đất đó, các sắc dân cướp phá và thống trị lẫn nhau, chiến tranh và bạo lực là quy luật tự nhiên và duy nhất. Đế quốc Nga đã được thành lâp từ thế kỷ 14 bởi một băng đảng cướp Viking mới đầu chiếm đóng và thống trị Kiev và vùng phụ cận từ thế kỷ 10, đến thế kỷ 14 bỏ đi vì bị chống đối từ cả trong lẫn ngoài và đến lập nghiệp tại Moskva rồi dần dần bành trướng ra và mạnh lên. Do điều kiện địa lý khắc nghiệt, đế quốc Nga gần như bất khả xâm phạm. Các mưu toan chính phục dù là Napoleon thế kỷ 19, Hitler thế kỷ 20 hay Ba Lan trước đó đều thảm bại vì lý do thời tiết. Có một câu nói đùa rằng Nga có hai vị tướng đại tài bách chiến bách thắng là Giêng (January) và Hai (February). Sự an toàn đó và tập quán bạo lực của vùng đã khiến các vua chúa Nga thoải mái cai trị bằng bàn tay sắt. Tất cả các Nga Hoàng đều là những bạo chúa và được đánh giá qua những thành tích chiến tranh và chinh phục.

Những Nga Hoàng được tôn vinh nhất – Ivan Kinh Khủng, Peter Đại Đế, Catherine Đại Đế và gần đây Stalin- cũng là những bạo chúa hung ác nhất. Họ có thể học hỏi những kỹ thuật của Phương Tây, như Peter Đại Đế, nhưng không bao giờ chấp nhận văn hóa Phương Tây. Họ không chỉ bác bỏ mà còn thù ghét dân chủ. Họ không hề bị nhân dân lên án về những tội ác bởi vì trong cấu trúc tâm lý của xã hội Nga chủ quyền, nhân quyền và nhân đạo hoàn toàn vắng mặt. Chúng chỉ mới ló dạng một cách yếu ớt gần đây.

Cho tới nay Nga vẫn là một ngoại lệ, một thế giới riêng.

Putin không ngu xuẩn như nhiều người nghĩ, trái lại ông ta rất thông minh, nhưng ông ta là một sản phẩm và một tù nhân của lịch sử Nga. Putin muốn để tên lại trong lịch sử như một đại anh hùng đã khôi phục lại sự vĩ đại của Đế Quốc Nga và Liên Bang Xô Viết. Chính vì thế mà cho đến nay ông ta vẫn được đa số người Nga tôn sùng. Người Nga sau hàng ngàn năm bị ép buộc phải tôn sùng bạo lực và chiến tranh đã mắc tâm lý tôn sùng bạo lực và chiến tranh. Sai lầm chết người của Putin là không biết rằng thế giới đã thay đổi, ngoại lệ Nga phải chấm dứt và dù muốn hay không nước Nga cũng phải cố gắng để thích nghi.

Cuộc chiến dù chưa kết thúc nhưng sự thắng bại đã rõ ràng. Ukraine sẽ thắng và quả quyết xây dựng dân chủ. Nga sẽ thảm bại, bằng cách này hay cách khác Putin sẽ bị đào thải, chế độ độc tài sẽ sụp đổ và phần đất đóng kín với thế giới sẽ vĩnh viễn mở ra. Kết quả nổi bật nhất của cuộc chiến này là thành trì kiên cố nhất, cho tới nay bất khả xâm phạm, của độc tài chuyên chế sẽ thất thủ. Làn sóng dân chủ thứ tư sẽ tràn tới Nga.

Ngoại lệ Ukraine

Nếu Đế quốc Nga là một ngoại lệ trong lịch sử thế giới thì Ukraine cũng là một ngoại lệ trong vùng chịu ảnh hưởng Nga. Được mô tả trong vài truyện tích Hy Lạp như là một thiên đường trên mặt đất, vùng đất Ukraine đặc biệt phì nhiêu và dồi dào lương thực nên con người ở đây không cần cướp bóc và giết nhau để sống. Thành phố Kiev được thành lập rất sớm, khoảng thế kỷ thứ 6, và cư dân sinh sống với nhau trong hòa bình. Nhưng cũng chính vì có lương thực dồi dào mà Ukraine nhanh chóng trở thành mồi ngon cho các thế lực hiếu chiến bên ngoài. Từ thế kỷ 10 họ bị đảng cướp Viking chinh phục và thống trị. Từ thế kỷ 14, khi đảng Viking này bỏ đi, họ bị Lithuania rồi Ba Lan thống trị và bóc lột. Sau cùng, từ thế kỷ 18, là Đế quốc Nga. Lịch sử của Ukraine là lịch sử đau thương của một dân tộc luôn luôn bị chiếm đóng và phải chiến đấu chống ngoại xâm, nhưng cũng vì thế mà hơn mọi dân tộc Đông Âu người Ukraine có tinh thần dân tộc của những con người cùng chia sẻ một số phận và cùng mong muốn tự do. Ukraine là nước duy nhất trong vùng có tinh thần dân chủ rất sớm, chính vì vậy mà Ukraine đã có thể có những cuộc cách mạng dân chủ Màu Cam năm 2004 và Maidan năm 2014. Trong suốt mười thế kỷ người Ukraine đã chiến đấu rất quyết liệt để giành lại chủ quyền. Chỉ riêng trong 27 năm của nửa đầu thế kỷ 20, từ 1918 đến 1945, họ đã ba lần nổi dậy chống Liên Xô đòi độc lập và khoảng 15 triệu người

Ukraine, một nửa dân số vào lúc đó, đã thiệt mạng, 3 triệu người khác đã bị Stalin lưu đày sang Siberia. Trái với khẳng định bá quyền hồ đồ của Putin, Ukraine không hề là một phần của Nga. Quan hệ giữa hai nước chỉ là quan hệ thù địch và cũng không dài, trong đó Nga thống trị và đàn áp rất dã man còn Ukraine là nạn nhân đau khổ.

Bất ngờ lớn đã khiến cả thế giới sửng sốt là sự chống trả anh dũng của Ukraine, nhưng nếu nhìn lại lịch sử quan hệ Nga – Ukraine thì người ta không mấy ngạc nhiên. Người Ukraine không bao giờ tháo chạy trước quân Nga, bởi vì khi họ đối diện với Nga thì sự căm thù và phẫn nộ còn lớn hơn nỗi sợ, kể cả cái chết.

Cuộc chiến này là cuộc chiến căn cước

Putin xâm lăng vì phủ nhận chủ quyền của Ukraine trong khi người Ukraine chiến đấu để bảo vệ căn cước dân tộc của mình như họ đã từng chiến đấu trong suốt dòng lịch sử. Đây là cuộc chiến đấu giữa một đạo quân và một dân tộc. Điều khác là lần này họ được thế giới ủng hộ và cũng được sự chuyên chở của cả một làn sóng dân chủ. Họ chỉ có thể thắng. Ukraine sẽ khẳng định dứt khoát là một quốc gia có đầy đủ chủ quyền. Một nước dân chủ lớn sẽ được thành hình trên phần đất Liên Xô cũ kéo theo trong một tương lai không xa là Kazackhstan.

Cuộc chiến Ukraine sẽ thay đổi hẳn bối cảnh thế giới. Giờ này còn quá sớm để nói trật tự thế giới mới sẽ như thế nào. Điều chúng ta có thể quả quyết là trật tự đó sẽ là trật tự dân chủ và các chế độ độc tài không chịu thích nghi kịp thời sẽ có số phận rất bi đát bởi vì đà tiến hóa của lịch sử luôn luôn rất tàn nhẫn với những kẻ ngoan cố chống lại nó.