Những cựu binh chiến tranh Việt Nam trong quan hệ Việt – Mỹ

0
67

Huy Đức

Khi Tổng thống Joe Biden định giới thiệu Thomas Vallely, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng nói, “Ở đây, mọi người biết ông ấy”.

Phát biểu tại tiệc chiêu đãi của Chủ tịch nước, Tổng thống Joe Biden giới thiệu “Tom Vallely” là “my very close and old friend” và ông kể câu chuyện thời trẻ, khi vận động để được đảng Dân chủ chọn làm ứng cử viên tổng thống, Tom là người sát cánh bên ông. Cùng bay trên chiếc máy bay nhỏ, Biden hỏi, “Tom, sao anh làm thế vì tôi?”. Tom nói, “Vì tôi muốn thay đổi căn bản quan hệ với Việt Nam”.

Đấy là năm 1987, năm Thomas Vallely rời Hạ viện Massachusetts, bắt đầu một hành trình hoàn toàn cho Việt Nam.

Năm 1990, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước Phan Văn Khải được giao đứng đầu nhóm soạn thảo “Chiến lược ổn định và phát triển kinh tế xã hội đến năm 2000” và ngay sau đó được cử làm trưởng đoàn “khảo sát kinh nghiệm phát triển kinh tế ở bốn nước châu Á”. Trong suốt hành trình, sau những phiên làm việc chính thức, về khách sạn, ông Phan Văn Khải, ông Trần Đức Nguyên đã trao đổi rất nhiều với Giáo sư David Dapice và ông Thomas Vallely, hai người của Đại học Harvard cử đi hướng dẫn đoàn nghiên cứu.

Cựu Ngoại trưởng John Kerry và đương kim Ngoại trưởng Mỹ, Antony Blinken, tại bia đánh dấu phi công John McCain bị bắt 1967. Ảnh, Thomas Vallely chụp 11-9-2023.

Ông Phan Văn Khải, thừa nhận chuyến đi thực chất là “học” và nó không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình biên soạn “Chiến lược ổn định và phát triển kinh tế xã hội đến năm 2000” mà còn ảnh hưởng rất lớn đến tiến trình hình thành các chính sách xây dựng nền kinh tế thị trường ở Việt Nam trong thập niên 1990.

Sau khi tiễn Biden và Kerry ra tận sân bay lên “Airforce One”, trở về khách sạn, Tom Vallely dành riêng cho tôi một cuộc gặp. Theo Tom, con đường đưa quan hệ Mỹ – Việt đạt tới tầm “đối tác chiến lược, toàn diện” là một hành trình dài với sự vận động không mệt mỏi của những cựu binh chiến tranh Việt Nam như John Kerry, John McCain, Chuck Hagel, Bob Kerry… Và người luôn đứng sau lưng họ, Joe Biden.

Biden và John Kerry cùng tranh cử năm 1972, nhưng phải 12 năm sau, Kerry mới trở thành nghị sĩ. Trong ba người bạn thân mà khi phát biểu tại tiệc chiêu đãi, Tổng thống Biden “muốn nói lời cám ơn” vì những đóng góp cho tiến trình bình thường hóa, ngoài John Kerry, Tom Vallely, “Còn một người bạn thân nữa của ba chúng tôi, John McCain, hôm nay ông ấy không có ở đây”.

Tổng thống Biden chụp chung với John Kerry và Tom Vallely tại Phủ Chủ tịch.

Từ Việt Nam trở về, John McCain làm trợ lý quân sự cho TNS Biden, và chính Biden đã đề nghị McCain ứng cử vào Thượng viện. McCain nghe theo nhưng ông chọn ứng cử ở phía đảng Cộng hòa. Cả Kerry và McCain đều là ứng cử viên tổng thống của hai đảng, Kerry thua Bush năm 2004 và McCain thua cặp Obama và Biden năm 2008.

Phải nghe những gì mà “giặc lái” John McCain chịu đựng trong thời gian bị bắt và nhìn những gì ông làm cho “bình thường hóa” mới thấy, dùng tư duy người Việt để tiếp cận là rất khó để hiểu người Mỹ.

Tôi hỏi Tom, vì sao chính các cựu binh Mỹ từng tham chiến ở Việt Nam lại là những người quyết liệt nhất, bền bỉ nhất vận động cho tiến trình bình thường hóa. Thay vì trả lời ngay, Tom kể cho tôi cuộc trò chuyện trong xe Cadillac One trên đường ông tiễn Biden và Kerry ra sân bay Nội Bài:

“Tôi hỏi, ông đã coi bộ phim Oppenheimer chưa? Biden nói, chưa”.

“Oppenheimer là người đóng vai trò quan trọng trong thành công của dự án sản xuất bom nguyên tử và chính ông lại là người vận động hành lang để quốc tế kiểm soát nó. Chúng tôi nói về hai quả bom ném xuống Nhật Bản và thành công của Mỹ sau đó khi giúp Nhật tái thiết. Nhưng, những sai lầm của người Mỹ cũng bắt đầu từ những thành công này, bắt đầu khi người Mỹ ý thức quyền lực của mình quá lớn”.

Theo Tom thì chính Kerry thuyết phục Obama tiếp Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ở Nhà Trắng. Những cố gắng của người Mỹ sau thế chiến thứ Hai nhằm giúp các quốc gia thiết lập nhà nước theo mô hình của mình thường thất bại. Người Mỹ không can thiệp vào mô hình chính trị của Việt Nam và biết ai là “người đứng đầu” trong mô hình ấy.

Trước khi trả lời câu hỏi của tôi, Tom nói, ông khuyên Biden nên dành thời gian trên máy bay để xem phim “The Post” bộ phim nói về vụ bê bối “Pentagon Papers”. Biden cũng đã từng dự tuyển làm phi công trong chiến tranh Việt Nam nhưng ông không trúng vì sức khỏe.

Khi những nhà lãnh đạo nước Mỹ ngồi với nhau, điều họ nói là những bài học sai lầm của chính quyền mình.

Cả John Kerry, John McCain, Tom Vallely, Chuck Hagel… tham gia Chiến tranh Việt Nam đều với tư cách những người lính chứ không phải là những người quyết định gây ra cuộc chiến. Và câu trả lời mà Tom nói thay cho các bạn của ông là, “Chính những người lính đã chiến đấu trong cuộc chiến tranh ấy phải kết thúc nó và kiến tạo ở đó, hòa bình”.

Cho dù theo Biden, “Tom Vallely đã dành cả sự nghiệp đời mình để thay đổi quan hệ Việt – Mỹ”, tôi vẫn thấy trên gương mặt Tom nhiều băn khoăn. Như Biden nói, “Quan trọng nhất là chúng ta sẽ tiến xa đến đâu trong những năm tới”. Không ai hiểu người Việt như Tom, ông nói với tôi, “Điều duy nhất để Việt Nam khác với Myanmar và Bắc Triều Tiên là Việt Nam không ‘ngắt kết nối’ với thế giới”.

Tôi hiểu, những cựu binh như [Tom] Vallely, như McCain, Kerry… làm những điều này là vì nước Mỹ và vì chính họ. Tất nhiên, quan hệ hai nước còn có những lợi ích chiến lược, nhưng Việt Nam đã hưởng rất nhiều thuận lợi khi trên thượng tầng chính trị Mỹ có họ.

Trong nhóm cựu binh Chiến tranh Việt Nam, Tom là người trẻ nhất cũng đã ở tuổi 73, chính trường Mỹ sẽ không bao giờ có lại những người coi Việt Nam là mối quan tâm cả đời mình như họ nữa. Từ nay, Hà Nội sẽ là bên quyết định để ở Washington có những chính trị gia quan tâm đến Việt Nam là vì “thân Hà Nội” hay “thân Việt Tân” hơn.

PS1: Bài này viết xong thì xảy ra vụ cháy chung cư nên tôi để đến hôm nay mới post.

***

PS2: BÌNH THƯỜNG HÓA QUAN HỆ VIỆT MỸ

[Dài nên chỉ dành cho ai thực sự quan tâm]

Bình thường hóa quan hệ Việt – Mỹ gần như bế tắc kể từ khi những nỗ lực dưới thời Tổng thống Jimmy Carter thất bại. Hai trở ngại chính cho tiến trình này là việc Việt Nam đóng quân ở Campuchia và việc tìm kiếm tù nhân và người Mỹ mất tích trong chiến tranh (POW/MIA). Cho tới lúc đó, Việt Nam thường chỉ được người Mỹ nhớ tới như là tên của một cuộc chiến tranh, cuộc chiến được biết theo cách mô tả của Hollywood.

Ngay sau Hiệp định Paris, 27-1-1973, 590 tù binh Mỹ bị bắt ở Việt Nam, Lào và Campuchia đã được trao trả. Tuy nhiên, vẫn còn 2.646 người Mỹ bị xếp vào danh sách mất tích. Không ai biết bao nhiêu trong đó bị chết mà không tìm được hài cốt. Việc tìm kiếm MIA gần như phải đình lại sau ngày 30-4-1975. Trong khoảng từ tháng 2-1973 đến tháng 3-1975, người Mỹ chỉ xác nhận được sáu mươi ba bộ hài cốt trong đó có hai mươi ba chết trong thời gian bị giam giữ và năm trường hợp chết tại Lào. Trong thập niên 1980, một số người Việt vượt biên đến Mỹ đã đổ thêm dầu vào lửa khi nói là họ vẫn nhìn thấy tù binh Mỹ ở Việt Nam. Nhiều người Mỹ tin rằng Hà Nội đã nói dối về số lượng tù nhân chiến tranh.

Những cố gắng tìm kiếm của Chính phủ Mỹ ở Lào và Campuchia sau năm 1975 không làm hài lòng người dân. Một số cựu binh Mỹ trong vai người hùng đã quay lại Đông Dương trong các nỗ lực được gọi là “chiến dịch giải cứu” tù binh. Hollywood làm trầm trọng thêm vấn đề POW/MIA khi để trí tưởng tượng của mình tô vẽ những cuộc phiêu lưu của những cựu binh này. Trong thập niên 1980, có lẽ không mấy người Mỹ không biết đến Chuck Nor- ris và Sylvester Stallone. Đặc biệt là Sylvester Stallone trong vai Rambo. Trong khi tù binh Mỹ được mô tả là đã bị chính phủ của mình bỏ quên thì hình ảnh Stallone và Chuck Norris vạm vỡ, quả cảm trên những bích chương quảng cáo – “Chiến tranh chưa kết thúc cho đến khi chàng trai cuối cùng trở về” – đã tác động rất lớn đến tinh thần người Mỹ.

Chính quyền của Tổng thống Reagan (1980-1988) phản đối việc bình thường hóa cho đến khi có sự xác nhận Việt Nam đã rút hết quân ở Campuchia và có sự hợp tác đầy đủ của Việt Nam nhằm đạt được mức độ cao nhất có thể về việc tìm kiếm những người mất tích có tên trong danh sách.

Ronald Reagan cũng như người kế nhiệm ông, George H. W. Bush (1988- 1992), đã giao công cuộc tìm kiếm POW/MIA cho Bộ Quốc phòng, nhằm tránh áp lực của các nhóm vận động hành lang. Năm 1987, Reagan phái tướng về hưu John Vessey đến Hà Nội. Năm 1988, Hà Nội cho phép các nhóm tìm kiếm POW/MIA đến hoạt động trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Nhưng vấn đề người Mỹ mất tích vẫn không nhờ thế mà dịu xuống.

Chính quyền Mỹ liên tục bị chỉ trích là đã che giấu thông tin, những sản phẩm bịa đặt thường lại được tin cậy hơn là những thông tin chính thức. Tháng 7-1991, một thăm dò trên tờ Wall Street Journal cho thấy: 3/4 số người được hỏi tin chính quyền Mỹ đã không làm đủ những điều cần thiết để tù binh được trao trả. Tổng thống Nga Boris Yeltsin, tháng 6-1992, đã đổ thêm dầu vào lửa khi nói với NBC News rằng, một số tù binh Mỹ có thể đã được chuyển từ Hà Nội đến Liên Xô.

Năm 1991, theo đề nghị của Thượng nghị sỹ Bob Smith, Thượng viện lập Ủy ban Đặc biệt về POW/MIA. Ủy ban do Thượng nghị sỹ John Kerry, một cựu binh trong chiến tranh Việt Nam làm chủ tịch. Một cựu binh khác, Thượng nghị sỹ John McCain [426] , tham gia với tư cách ủy viên. Tiếng nói của hai ông trở nên có trọng lượng nhất trong vấn đề này [427].

Từ Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Việt Nam Võ Văn Kiệt cũng đã “đánh vào” tâm lý của dân chúng Mỹ khi ông trả lời phỏng vấn báo Time, tuần lễ từ ngày 7 đến 13-1-1992, nói rằng: “Sự nghi ngờ chúng tôi còn giam giữ một số người Mỹ còn sống… là một điều ngớ ngẩn. Động cơ nào có thể thúc đẩy chúng tôi làm điều đó?”. Báo Time hỏi: “Làm sao để dân chúng Mỹ có thể tin vào sự đảm bảo của các ông?”. Ông Kiệt: “Ở Việt Nam có hàng chục ngàn gia đình có người thân bị mất tích. Tôi cũng là một nạn nhân. Gia đình tôi có bốn người, vợ và ba con của tôi, bị mất tích trong chiến tranh. Trực thăng Mỹ đã giết 300 người trong một trận càn dọc sông Sài Gòn, vợ và con trai, một con gái của tôi đã mất trong trận càn đó. Tôi có thể thấu hiểu được nỗi đau của tất cả các gia đình Mỹ có người thân bị mất tích trong chiến tranh… Tôi mong muốn dân chúng Mỹ hiểu được hoàn cảnh của chúng tôi trong vấn đề này. Chúng tôi xin mời bất cứ người nào nghi ngờ còn người Mỹ sống ở Việt Nam hãy đến Việt Nam mà tìm hiểu”.

Cuối năm 1992, khi tới Hà Nội lần thứ hai, ông John Kerry đã đề nghị Chủ tịch nước Lê Đức Anh cho phép một cộng sự của ông, Thượng nghị sỹ Bob Smith xuống đường hầm ở khu vực lăng Hồ Chí Minh để tận mắt thấy không có lính Mỹ bị giam dưới lăng như Hollywood nói.

Vào cuối nhiệm kỳ của mình, Tổng thống George H. W. Bush đã đi được một quãng dài trong “lộ trình” do phía Mỹ đơn phương đưa ra để bình thường hóa. Đáp lại việc Việt Nam chấp nhận một văn phòng của Mỹ tại Hà Nội để xử lý vấn đề POW/MIA, Mỹ bãi bỏ lệnh hạn chế đi lại trong bán kính hai mươi lăm dặm đối với các nhà ngoại giao Việt Nam ở Liên Hợp Quốc, đồng thời cho phép người Mỹ được đi đến Việt Nam một cách có tổ chức, thay vì chỉ được đi theo từng cá nhân. Tháng 12-1991, các công ty Mỹ được phép có một số hoạt động kinh doanh ở Việt Nam. Tháng 11-1992, lệnh hạn chế liên lạc điện thoại được bãi bỏ, dịch vụ gọi điện trực tiếp giữa Mỹ và Việt Nam được thiết lập.

Lệnh cấm vận có thể đã được bãi bỏ nhanh hơn nếu G.H.W. Bush tái đắc cử. Nhưng ông đã thua cuộc trước Bill Clinton, một thống đốc chỉ bằng tuổi con trai ông. Bình thường hóa quan hệ với Việt Nam sẽ rất khó khăn với Bill Clinton, người đã tránh nhập ngũ thời chiến tranh Việt Nam, nếu không có tiếng nói của hai cựu binh, Thượng nghị sỹ Dân chủ John Kerry và Thượng nghị sỹ Cộng hòa John McCain.

Đầu tháng 4-1993, Chính quyền Clinton lặng lẽ, thận trọng tìm kiếm những bước đi tiến tới bình thường hóa với Việt Nam. Ngày 12-4-1993, tờ Wall Street Journal tuyên bố “Bill Clinton dường như đã ở bên bờ của sự kết thúc hoàn toàn chiến tranh Việt Nam”.

Nhưng ngay trong ngày hôm đó, tờ New York Times giật tít lên đầu trang nhất: “Nhiều tài liệu cho thấy năm 1972 Hà Nội đã dối trá về số lượng tù binh”. Bài báo được viết bởi Celestine Bohlen, trưởng văn phòng tại Moscow của tờ New York Times. Ngay trong ngày 12-4-1993, Hà Nội tuyên bố tài liệu này là bịa đặt. Nhưng, cả báo chí và chính trường Mỹ lúc đó dường như không ai còn đủ sự điềm tĩnh để đánh giá “bản báo cáo” về sau được chứng minh là ngụy tạo này [428] . Báo chí Mỹ tuyên bố: “Chúng ta không thể thiết lập quan hệ với những kẻ đã giết tù binh chiến tranh”. Một thăm dò do Wall Street Journal/NBC thực hiện vào các ngày 17 và 20-4-1993 cho thấy 2/3 người Mỹ tin rằng tù binh Mỹ vẫn còn bị giữ tại Đông Nam Á.

Ngày 18-4-1993, Tướng John Vessey từ Hà Nội trở về khẳng định với Tổng thống Bill Clinton, không có cơ sở để tin là vẫn còn người Mỹ bị giam giữ ở Việt Nam. Tuyên bố này của Tướng Vessay tiếp tục bị các tổ chức hoạt động chống Việt Nam trong vấn đề POW/MIA phản đối.

Khi đó, cựu Phó Thủ tướng Việt Nam Cộng hòa Nguyễn Văn Hảo đang ở Washington, D.C.. Hơn hai năm trước, ông đã nhận giúp Hà Nội vận động hành lang. Khi ông Hảo xuất cảnh năm 1981, ông Võ Văn Kiệt vẫn giữ liên lạc với ông thông qua bà Bùi Thị Mè [429].

Tháng 2-1990, vừa tới Thụy Sỹ dự Diễn đàn Kinh tế Thế giới, ông Kiệt gọi điện thoại ngay cho ông Hảo, khi ấy đang là một chuyên gia tư vấn của World Bank. Ông Nguyễn Văn Hảo kể: “Đang ở Haiti, tôi nhận được điện thoại, người đàn ông ở đầu dây bên kia hỏi tôi có nhận ra ai không. Tôi đề nghị ông nói lại một lần nữa, rồi kêu lên: Sáu Dân. Tôi hỏi ông đang ở đâu? Ông bảo: Geneva. Tôi nói: Mai tôi qua”.

Tháng 12-1991, sau khi trở thành chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, Ông Võ Văn Kiệt mời ông Nguyễn Văn Hảo trở lại Việt Nam. Ông Kiệt bàn với ông Hảo việc quay trở lại Washington, vận động Mỹ bỏ cấm vận và thúc đẩy nhanh tiến trình bình thường hóa. Ông Kiệt không làm việc này “đơn tuyến”. Ông bố trí để ông Hảo gặp Chủ tịch Lê Đức Anh và Tổng Bí thư Đỗ Mười. Theo ông Hảo: Ông Đỗ Mười coi ông như một “người của mình”. Ông Mười hỏi: “Anh về đã vào viếng lăng Cụ chưa?”. Ông Hảo trả lời: chưa. Ông bảo: “Anh nên đi”. Ông Hảo nói: “Vậy anh đưa tôi đi đi”. Thế là ông Đỗ Mười đích thân đưa ông Hảo viếng lăng Hồ Chủ tịch.

Sứ vụ của ông Nguyễn Văn Hảo bắt đầu cuối năm 1992, khi ứng cử viên của Đảng Dân chủ, Bill Clinton dần dần thắng thế. Thông qua một nhà cung cấp thực phẩm cao cấp, Marc Ashton, ông Hảo đã ba lần tiếp cận được ông Ron Brown. Lần đầu, khi Ron Brown đang là chủ tịch Ủy ban Toàn quốc của Đảng Dân chủ, tổ chức thành công đại hội của Đảng đưa Bill Clinton chính thức ra tranh cử tổng thống Mỹ. Cuộc gặp gần như tình cờ khi ông Hảo đang ở nhà Ashton và Brown từ cuộc gặp với các thành viên Đảng Dân chủ ở Virginia trở về ghé ngang. Họ kéo nhau ra một nhà hàng gần đó. Bữa tối diễn ra khá thân thiện, Brown còn nói đến việc hợp tác làm ăn với Việt Nam khi giao thương được tái lập.

Tháng 12-1992, khi cuộc bầu cử đã ngã ngũ với phần thắng thuộc về Bill Clinton, Ashton đến thăm cô em vợ, Madsen, đang là “bạn rất thân” của Brown, đang ở trong nhà của chính Brown, rồi rủ Brown cùng ghé lai rai chút đỉnh. Khi Brown đến thì ông Hảo đã ở đó. Cuộc gặp được viết lại trên báo Time ngày 11-10-1993 rằng, ông Hảo mang theo một lá thư được viết sẵn của Chính phủ Việt Nam chúc mừng ông Brown và hy vọng quan hệ hai nước sẽ tốt đẹp hơn.

Brown để lại lá thư trên bàn sau khi nói rằng ông không muốn nhận một lá thư như thế. Mấy ngày sau, theo đề nghị của Ashton, Brown gửi ông Hảo một mảnh giấy ghi: “Nice to have met you. Happy holidays”. Lần gặp thứ ba diễn ra vào trưa 13-2-1993, Ashton lại mời Brown ăn trưa cùng cô bạn Madsen, cùng đi có thêm ông Hảo. Rồi chính ông Ashton đề nghị Brown đưa mọi người ghé thăm Bộ Thương mại nơi Brown vừa được bổ nhiệm làm bộ trưởng. Brown đồng ý.

Thượng nghị sỹ John Kerry đưa tên của Thủ tướng Võ Văn Kiệt lên đầu danh sách những người Việt Nam mà ông cho là có đóng góp đặc biệt cho chương trình POW/MIA và tiến trình bình thường hóa quan hệ Việt-Mỹ. Thượng nghị sỹ John Kerry gặp ông Kiệt nhiều lần, và năm 1993 khi ông Kiệt tiếp ông ở Thành phố Hồ Chí Minh, John Kerry đã đề nghị ông Kiệt nên viết thư gửi Tổng thống Bill Clinton yêu cầu Mỹ xóa lệnh cấm vận thương mại, tiến tới bình thường hóa. Ông Kiệt hỏi: “Theo ngài thì tôi nên viết cho tổng thống như thế nào?”. Thay vì chỉ góp ý, ông John Kerry đã lấy giấy bút ra tự tay thảo giúp ông Kiệt lá thư gửi Bill Clinton. Theo ông Võ Văn Kiệt: “Tôi gần như chỉ phải sửa lại rất ít bản thảo mà ông John Kerry chuẩn bị giúp. Tôi cho chuyển bức thư ra Hà Nội đóng dấu rồi gửi vào ngay để kịp nhờ Thượng nghị sỹ John Kerry mang về Mỹ”. Ngày 2-7-1993, Clinton tuyên bố: “Mỹ không còn phản đối những dàn xếp được ủng hộ bởi Pháp, Nhật, và các nước khác nhằm nối lại sự giúp đỡ của các định chế tài chánh quốc tế cho Việt Nam”.

Đầu năm 1994, Việt Nam được Liên Hợp Quốc mời đến Ohio dự một hội nghị của Tổ chức Thương mại và Phát triển, UNCTAD. Thủ tướng Võ Văn Kiệt cử Bộ trưởng Thương mại Lê Văn Triết đi với tư cách là trưởng đoàn. Ông Lê Văn Triết kể: Vừa tới Ohio thì Tổng thư ký Liên Hợp Quốc, Boutros Boutros Ghali, gặp nói: “Tôi muốn có một cuộc họp riêng giữa ông và ông bộ trưởng Thương mại của nước chủ nhà”. Không kịp xin ý kiến Hà Nội, ông Triết trao đổi với phiên dịch Trần Đức Minh và một quan chức Bộ Ngoại giao đi cùng rồi nhận lời. Hôm sau, ông B. B. Ghali giới thiệu ông Triết với Bộ trưởng Thương mại Mỹ Ron Brown rồi lấy cớ bận một việc khác, rút lui.

Sau vài câu xã giao, Ron Brown nói: “Tôi muốn có cuộc gặp này để thông báo với ông, tổng thống của chúng tôi sắp tuyên bố bỏ cấm vận thương mại đối với Việt Nam”. Ông Triết cố gắng giấu sự xúc động, trả lời: “Tôi rất hoan nghênh; điều đó rất phù hợp với nguyện vọng của người Việt Nam cũng như người Mỹ”. Brown nói: “Tôi muốn nghe ông nói sâu hơn về suy nghĩ của người Việt Nam”. Ông Triết: “Lịch sử hai nước có sự bất hạnh là gặp nhau trong chiến tranh, tôi không nói lỗi của ai, nhưng chiến tranh ở Việt Nam cũng là bất hạnh của cả nhân dân Mỹ. Lệnh cấm vận gây thiệt hại rất lớn cho chúng tôi, chúng tôi có nhiều hàng hóa mà không thể bán sang đây, nhưng nhiều doanh nghiệp Mỹ muốn làm ăn với Việt Nam cũng không thể được”. Brown: “Tôi cám ơn ông. Tôi muốn hỏi thêm, sau dỡ bỏ cấm vận, cái gì sẽ đi theo?”. Ông Triết: “Với tư cách cá nhân, tôi nghĩ, sau đó là thiết lập quan hệ ngoại giao”. Brown: “Ở tầm nào?”. Ông Triết: “Đại sứ”. Brown: “Đó cũng là ý kiến của Thủ tướng?”. Ông Triết: “Thủ tướng sẽ có ý kiến riêng, nhưng tôi biết ông là một người cởi mở, đường lối của Đảng chúng tôi hiện nay là làm bạn với tất cả, đây là một quyết định phù hợp với thời đại”. Ron Brown cám ơn rồi nói tiếp: “Tôi đề nghị chúng ta nên thường xuyên quan hệ với nhau. Sau ngoại giao, thương mại sẽ có rất nhiều việc để làm”.

Ở thời điểm Bộ trưởng Ron Brown gặp Bộ trưởng Lê Văn Triết, ông đang chuẩn bị để ra trước một bồi thẩm đoàn. Giữa năm 1993, một cộng sự của Tiến sỹ Nguyễn Văn Hảo, ông Lý Thanh Bình – Việt kiều ở Miami – tố cáo: Chính phủ Việt Nam đã hối lộ ông Brown 700 nghìn USD nhằm đổi lại việc Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm vận và thiết lập bình thường hóa. Theo Tiến sỹ Nguyễn Văn Hảo, Bình đã cùng ông về Việt Nam và trong cuộc gặp các nhà lãnh đạo Việt Nam ông đã đưa Bình theo và ông ta biết được phần nào câu chuyện. Sau khi máy kiểm tra không phát hiện ra Bình nói dối, cảnh sát Miami đã khởi tố vụ án. Bình được trang bị các thiết bị ghi âm, mang mật danh “radar” và được hướng dẫn cách đưa ông Nguyễn Văn Hảo vào bẫy điều tra của cảnh sát. Nhưng những băng ghi âm của Bình sau đó đã không cung cấp được thêm bằng chứng nào cho thấy ông Hảo đang thực hiện một âm mưu hối lộ.

FBI thu được hai bản fax ông Hảo gửi cho các quan chức Việt Nam hồi tháng 12-1992 nói rằng phản ứng của Ron Brown là tích cực. Theo tờ New York Times thì FBI cũng tìm thấy dấu hiệu chính quyền Việt Nam dự định mở một tài khoản ở Singapore. Tuy nhiên, không có bằng chứng cho thấy việc mở các tài khoản này có liên quan tới những hoạt động vận động hành lang của ông Hảo. Các tổ chức phản đối tiến trình bình thường hóa Việt – Mỹ đã khai thác những lời tố cáo của Bình. Nhưng cả ông Hảo và Brown đều chỉ nhận là có gặp nhau ba lần và không làm gì sai trái. Sau bảy tháng điều tra công phu, ngày 1-2-1994, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Ron Brown phải ra hầu tòa. Trong ngày, bồi thẩm đoàn cho rằng Ron Brown vô tội. Hai hôm sau, 3-2-1994, Tổng thống Bill Clinton tuyên bố bãi bỏ lệnh cấm vận thương mại Việt Nam.

Tuyên bố của Tổng thống Clinton được đưa ra vào 5 giờ sáng ngày 4-2- 1994 theo giờ Việt Nam. Chưa đầy hai giờ sau, Công ty Pepsi Cola tung một quả bóng bay khổng lồ (hình cái lon Pepsi) lên vùng trời Thành phố Hồ Chí Minh, và phát không những lon Pepsi đầu tiên sản xuất tại Việt Nam. Ngày 5-2-1994, Coca Cola bảo trợ một cuộc biểu diễn nhạc rock tại Việt Nam. Pepsi và Coca Cola là hai trong số hơn 100 công ty Mỹ có mặt ở Việt Nam lúc đó.

Ngay trong tháng 4-1994, một hội chợ triển lãm hàng Mỹ lần đầu được khai mạc. Ở thời điểm ấy, các doanh nghiệp Đài Loan, Hồng Kông, Hàn Quốc, Nhật, Pháp và Úc đã ký kết các dự án đầu tư lên tới 8 tỷ đôla. Giới do- anh nghiệp Mỹ đã tạo sức ép khá lớn để bỏ cấm vận.

_____

BÊN THẮNG CUỘC, Chương 18, TAM NHÂN PHÂN QUYỀN [từ trang 265 – 270].

[426] John McCain đã từng trải qua sáu năm bị giam giữ trong nhà tù Hỏa Lò sau khi máy bay của ông bị bắn hạ và dù của ông rơi xuống hồ Trúc Bạch.

[427] John Kerry nhớ lại: “Chúng tôi đã trở về nhà trên hai con đường khác nhau nhưng cùng có những trải nghiệm giống nhau trong thời gian tại ngũ. Chúng tôi cùng chia sẻ một tầm nhìn về con đường phía trước, không phải như những cộng sự mà như hai người bạn… Chúng tôi cam kết truy tìm sự thật cho dù điều đó dẫn chúng tôi tới đâu”. Thượng nghị sỹ John Kerry mô tả công việc sau đó của Ủy ban là “hàng nghìn giờ chậm rãi, đau xót và tỉ mẩn”, giải mật hàng triệu trang tài liệu của Chính quyền Mỹ. John Kerry nói tiếp: “Tôi đã bay tới Việt Nam và các nước trong khu vực mười bốn chuyến, nghiên cứu từng chi tiết các câu chuyện kể về hàng trăm trường hợp mất tích và hồi tưởng từng ký ức chiến tranh của cá nhân mình gần như hàng ngày”.

[428] Tài liệu trên đây, còn được gọi là “Russian Document” hay “smoking gun”, được nói là một báo cáo 30 trang của Tướng Trần Văn Quang gửi Bộ Chính trị Việt Nam được KGB dịch ra tiếng Nga ngày 15-9-1972, được tìm thấy trong kho lưu trữ Liên Xô bởi một nhà nghiên cứu có uy tín người Úc, Stephen J. Morris, đang làm việc tại đại học Harvard. “Russian Document” đề cập đến số lượng tù binh bị giữ ở Việt Nam cho tới trước 15-9-1972 là 1.205 người Mỹ thay vì chỉ 368 người như thừa nhận lúc đó của Lê Đức Thọ. Nếu báo cáo này là đúng thì Hà Nội còn giữ tới 614 tù binh Mỹ vì 591 tù binh đã được trao trả vào tháng 3-1973.

[429] Nguyên “thứ trưởng” trong Chính phủ Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, người đồng thời làm “hộp thư” giữa ông Kiệt và Đại tướng Dương Văn Minh, sau khi ông Minh sang định cư ở Pháp vào năm 1978.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here