Nhân ngày 30/4: Chút hồi ức về một người tù cải tạo

    0
    906
    Ảnh: internet

    FB Lê Nguyễn

    28-4-2018

    XIN LƯU Ý – Đây chỉ là những gì mà ký ức còn ghi nhận được của một “người trong cuộc” sau 43 năm tang thương biến đổi, viết để các bạn đọc cho vui và có những cảm nhận cho riêng mình. Xin tuyệt đối không đưa ra những bình luận có tính cực đoan nhắm vào chính quyền hay chế độ hiện hành.

    Trân trọng!

    ***

    Chưa chi mà đã 43 năm rồi! Với những bạn FB dưới 50 tuổi, chắc ấn tượng về ngày 30.4.1975, các bạn chỉ có thể nghe qua lời kể của cha anh. Nhiều người 70, 80 trở lên, trí nhớ cũng đã thui chột dần. Thôi thì còn nhớ gì kể nấy, như những hồi ức vụn vặt về một thời điểm đáng nhớ trong đời của hàng triệu người trên đất nước này.

    Không lâu sau ngày 30.4.1975, việc đầu tiên mà “ngụy quân, ngụy quyền” kéo nhau đi thực hiện là “trình diện đăng ký” với Ủy ban Quân quản thành phố Sài Gòn – Gia Định, chủ tịch là Thượng tướng Trần Văn Trà, người ký trên giấy đăng ký là ông Cao Đăng Chiếm, Phó chủ tịch Ủy ban. Lúc bấy giờ giấy chứng nhận đăng ký trình diện là một thứ “giấy thông hành” của thành phần đặc biệt này, đi đâu cũng phải thủ nó trong túi. Trong vòng tháng 5, các hạ sĩ quan và binh sĩ phe thua cuộc được tham gia các buổi học chính trị tại chỗ kéo dài 3 hoặc 7 ngày. Mãi đến thượng tuần tháng 6, người ta mới kịp nói đến những thành phần cao cấp hơn: viên chức chính quyền từ Phó Ty, Phó Quận đến Phó Tổng thống, dân biểu, nghị sĩ, thẩm phán; đảng viên các đảng phái từ Phó bí thư Quận Huyện trở lên, viên chức trung ương tình báo từ trung cấp trở lên, và sĩ quan cảnh sát từ thiếu tá trở lên. Một trong những điều khoản ghi rõ trong thông cáo kêu gọi trình diện “học tập cải tạo” là “mang theo tiền bạc và đồ dùng đủ sử dụng trong một tháng”. 95% đối tượng HTCT đã “thất thủ” vì điều khoản này. Ai cũng nghĩ bụng, hạ sĩ quan, binh sĩ học tập tại chổ trong 3 ngày thì mình học 30 ngày, gấp 10 lần, cũng đã thỏa đáng lắm rồi, thôi thì ráng đi một tháng, có cái giấy chứng nhận lộn lưng, trở về tiếp tục cuộc mưu sinh nuôi gia đình. Thời gian trình diện trong ba ngày 13,14 và 15.6.1975; ngày 13 và 14 tại trường trung học Gia Long; ngày 15 tại trường Trưng Vương. Ác một cái: ngày 13 là thứ sáu, dân Công giáo kỵ; ngày 14 lại là mùng 5 âm lịch (mùng 5, mười bốn, hăm ba), dân Phật giáo ngại …Vì thế số người trình diện trong hai ngày này không nhiều, họ dồn hết vào ngày chủ nhựt 15.6 tại trường Trưng Vương. Sáng hôm ấy, mới 8g mà người trình diện “nhập học” đã xếp hàng rồng rắn từ cửa Sở Thú, đầu đường Thống Nhất (Lê Duẩn), đến đường Hồng Thập Tự (Nguyễn Thị Minh Khai). Đám đông mỗi lần chỉ được “nhập trường” 5 – 6 người, nên dòng người rồng rắn mỗi lúc một dài hơn. Những người đứng đầu hàng đang ngóng chờ đến lượt mình thì bỗng xuất hiện một đám đông khoảng chục người lố nhố, chạy đến, tíu ta tíu tít đưa cho mấy anh cán bộ phụ trách một tờ giấy gì đó. Hỏi kỹ thì mới biết đó là đám dân biểu, nghị sĩ xuất trình tờ giấy giới thiệu của ban Quân quản Quốc Hội đề nghị cho họ ưu tiên đi … ở tù. Thế là la ó, phản đối, rối beng trật tự khiến hai anh cảnh vệ đứng gần đó phải nổ súng chỉ thiên, lá me rơi tơi tả trên đầu, trên vai đám “sĩ tử” một cách rất ư là … lãng mạn. Xa trường học lâu rồi, sao mà họ nôn nóng được đi học đến thế. Có chị giữ chức vụ Chánh sở ở Bộ Xã Hội, không thuộc tiêu chuẩn đi học tập, thất vọng ra mặt, cứ gặp hết cán bộ này đến cán bộ khác, xin được nhập trường. Cuối cùng, chị được thỏa mãn nguyện vọng, gương mặt giãn ra, hớn hở.
    Quên kể một chi tiết: theo thông cáo đi học tập, các học viên phải đóng tiền ăn một tháng hơn 10 ngàn đồng, và ngay bữa ăn đầu tiên tại trường Trưng Vương, thức ăn được nhà hàng (Đồng Khánh hay Á Đông gì đó) mang đến. Một bữa ăn giá vài trăm đồng lúc ấy sang lắm!

    Nhưng chúng tôi không ở lại trường Trưng Vương lâu. Đêm hôm đó, lúc gần 11g, tất cả được lệnh mang hết đồ đạc ra ngồi ở sân trường. Không lâu sau, chúng tôi được đưa lên những chiếc GMC bít bùng, chạy quanh co giữa một thành phố ngủ im lìm như chết. Trời tối đen, chúng tôi nhìn qua những lỗ thủng nhỏ trên tấm bạt, đoán là xe chạy về hướng Vũng Tàu. Không lâu sau, xe rẽ trái, chạy lên một vùng đất hơi cao, có vẻ như một ngọn đồi nhỏ, rồi dừng lại. Khi xuống xe, nhiều người trong chúng tôi nhận ra đó là Làng cô nhi Long Thành, từng là một trung tâm nuôi dưỡng cô nhi nổi tiếng, hàng tuần, vào mỗi chủ nhật, số người giàu thiện tâm đổ xô lên đó để thăm viếng, giúp đỡ vô cùng đông đúc. Sau này mới biết người điều hành làng cô nhi này có bí danh Tư Sự, đã hoạt động cho MTGP từ trước ngày 30.4.

    Hôm 15.6 ấy, vì số người được nhận vào đã đủ so với dự kiến, nhiều người xếp hàng phía sau không được “nhập trường”,. Họ thất vọng trở về và hầu hết những người này bị hốt ngay trong đêm ấy. Thành phần “nửa nạc nửa mỡ” đeo băng đỏ đông như quân Nguyên lúc đó, lập công đi trình báo với chính quyền là số người này trốn HTCT, và thế là họ bị hốt đi, giam cả vào khám Chí Hòa. Sáng hôm sau họ mới được thả ra sau khi người ta phối hợp biết nguyên nhân vì sao họ phải trở về. Họ chờ trình diện những đợt sau.

    Khi chúng tôi lên tới, làng cô nhi Long Thành trống vắng, tiêu điều, chỉ có một hàng rào kẽm gai vây quanh. Nó trở thành ”Trại HTCT 16 NV” (NV: Nội vụ, vì trại này thuộc quyền quản lý trực tiếp của Cục quản lý trại giam Bộ Nội vụ, để phân biệt với các trại do địa phương quản lý) lúc ấy chứa khoảng 3.000 người, được chia thành 4 khối:

    – Khối 1 gồm công chức từ Phó Ty, Phó Quận trở lên, dân biều, nghị sĩ, thẩm phán (chánh án, biện lý, phó biện lý, dự thẩm).

    – Khối 2 gồm các đảng viên đảng phái phản động (tất nhiên trừ đảng Lao Động) chức vụ từ Phó bí thư quận huyện trở lên (đảng Dân Chủ, VNQDĐ, đảng Đại Việt, đảng Cấp Tiến…).

    – Khối 3 gồm các viên chức Phủ Đặc ủy Trung ương Tình báo từ trung cấp trở lên.

    – Khối 4 gồm sĩ quan cảnh sát từ cấp Thiếu tá trở lên.

    Tất nhiên khối 1 là hùng hậu nhất, nhiều người từng là Tổng, Bộ trưởng, Thứ trưởng, Chủ tịch Hạ viện, Chủ tịch Tối cao Pháp viện, từng ngồi ghế chánh án các tòa án tỉnh (thời đó tòa án chỉ đến cấp tỉnh, không đến cấp quận như bây giờ). Trong khối 2 (đảng phái) có một nhân vật lừng lẫy trong kháng chiến chống Pháp, đó là cụ Vũ Hồng Khanh, nguyên thủ lãnh VNQDĐ, từng tham gia chính phủ liên hiệp kháng chiến năm 1946. Còn nhớ khá rõ hình ảnh cụ Vũ Hồng Khanh lúc ấy rất tiên phong đạo cốt. Tóc cụ bạc gần hết, để “củ nừng” phía sau, gương mặt cụ phương phi, hồng hào, chiều chiều cụ hòa theo dòng chảy của mấy ngàn người đi bách bộ trên con đường mà chúng tôi gọi vui là “đại lộ hoàng hôn”. Cụ lầm lũi đi, không nhìn quanh nhìn quất, đầu hơi cúi về phía trước, hai bàn tay chắp lại sau mông.

    Khối 2 còn có luật sư Nguyễn Lâm Sanh, Phó chủ tịch Liên minh Á châu chống Cộng (chủ tịch là cựu Thủ tướng Phan Huy Quát), nghe đâu là người từng mở chung văn phòng luật sư với ông Nguyễn Hữu Thọ trước khi ông Thọ vào khu. Ở khối ba mới có chuyện hài, thông cáo đi học gồm những viên chức tình báo trung cấp trở lên, mà thời VNCH, thơ ký đánh máy (ngạch B3) đã được xếp vào công chức trung cấp, hạng B (hạng C là tùy phái, hạng D là lao công), báo hại các cô thư ký đánh máy của Phủ Đặc ủy Trung ương Tình báo đều đi trình diện tất, ở chung trong một nhà chứa khoảng 300 người, chung với phụ nữ thuộc các thành phần khác (dân biều, nghị sĩ, thẩm phán…). Mãi đến hơn 6 tháng sau, người ta mới có dịp truy xét và nhận ra rằng các cô này chỉ là … thơ ký đánh máy nên cho họ về trong một buổi sáng thật đông vui, náo nhiệt.

    Sau khi đã ở đây gần hết một tháng, ai cũng nuôi hi vọng sớm trở về. Nhưng có những dấu hiệu “khó hiểu” xuất hiện. Người ta bắt đầu cho dựng lên căng-tin, bố trí phòng hớt tóc … để làm gì nhỉ? Vậy mà điều đó vẫn không ngăn cản nhiều học viên (khi đó, chúng tôi chưa bị gọi là “trại viên”) hàng đêm đóng sẵn va li, chờ đoàn xe từ Sài Gòn lên rước về, giữa đêm hôm khuya khoắt, như lúc ra đi. Chúng tôi đang ở trên một cao điểm nên đêm đêm, những ánh đèn pha của đoàn xe từ hướng Biên Hòa ra Vũng Tàu đủ khiến cho bao nhiêu trái tim rộn lên niềm hi vọng, để rồi thất vọng triền miên. Trong số những nhân vật chuẩn bị sẵn hành lý, chờ đợi và hi vọng đó, có cả một vị từng ở top 5, top 6 của lãnh đạo chế độ VNCH trước 1975!

    Thế rồi, chúng tôi cũng không phải chờ đợi lâu. Sau khi hết một tháng, tất cả học viên được tập trung thông báo là “kể từ tháng thứ hai, chính quyền cách mạng sẽ đài thọ tiền ăn cho các anh chị”. Cú sốc khá nặng, một nữ thẩm phán là chị Phù T.H. đang mang cái bụng thè lẻ, bật khóc nức nở. May mà chỉ 1-2 tháng sau, chị được về, nếu không, chẳng biết sự thể sẽ ra sao.

    CUỘC GẶP GỠ VỚI TRƯỞNG TY CÔNG CHÁNH PHƯỚC LONG

    Buổi sáng đầu tiên khi chúng tôi vừa đến trại Long Thành, một chiếc xe GMC chở tới khoảng 5-6 người trung niên gầy ốm, mình chỉ mặc độc chiếc quần đùi. Họ được thả xuống và làm cái việc đào một số hố xí cho chúng tôi ngay sát cạnh hàng rào kẽm gai của trại. Chúng tôi tò mò ra đứng xem, không được đến gần họ, nhưng nhìn rõ mặt nhau và nói to thì có thể nghe nhau được. Bỗng nhiên có người trong nhóm chúng tôi nhận ra một trong những người mặc quần đùi nhếch nhác đó là anh Trưởng ty Công chánh Phước Long. Như vậy, có thể đoán là anh ta bị bắt làm tù binh vào tháng 1.1975, khi quân đội miền Bắc tấn công và chiếm đóng vĩnh viễn tỉnh này. Anh Trưởng ty Công chánh cũng nhận ra người quen trong đám chúng tôi, anh nhìn về hướng chúng tôi, rồi chỉ vào cái quần đùi và cái bụng nhễ nhại mổ hôi của mình: “rồi tụi bây cũng như tao vầy thôi”. Nghe như thế, nhưng hầu như chẳng ai trong chúng tôi tin lời anh ta. Tụi tôi đang ăn trắng mặc trơn, cơm canh đang được các nhà hàng Đồng Khánh, Á Đông mang đến tận miệng mà, sao có chuyện quần đùi trần trụi như bọn họ được. Để rồi phải chờ đến 1, 2 năm sau, lời cảnh báo của anh Trưởng ty Công chánh Phước Long mới được hiện thực hóa dần, hiện thực hóa dần …

    TỪ CHÁNH SỞ LÊN LÀM PHÓ THỦ TƯỚNG TRONG CHƯA ĐẦY MỘT NĂM!

    Anh B. là Chánh sự vụ một sở thuộc Bộ X. Chức vụ này xếp trên Chủ sự phòng (Trưởng phòng) và Trưởng ban, dưới Giám đốc và Tổng Giám đốc. Bữa trưa nọ, anh về ăn trưa, giữa bữa ăn, chị vợ đợi lúc anh vui, mở lời:

    – Anh à, sáng nay em đi coi ông thầy bói rất nổi tiếng, nói đâu trúng đó, nhất là chuyện tương lai, hậu vận.

    – Em lại mê tín, rồi sao?

    – Anh à, ông ấy phán anh sắp làm … Phó Thủ tướng!

    Ông Chánh sở dằn chén cơm xuống mâm một cái rầm, quắc mắt nhìn cô vợ:

    – Ông thầy bói này khùng mà em tin sao? Tôi bây giờ mới là Chánh Sở mà bảo tôi sắp làm Phó Thủ tướng trời ạ!

    Chị vợ sợ quá, im thin thít, không dám nhắc tới chuyện này nữa.

    Tháng 6.1975, vào trại Long Thành, ngẫu nhiên anh Chánh Sở này được phân công làm Nhà trưởng, quản lý gần 300 học viên. Trưa nọ, đang ngồi nói chuyện khào với bạn bè, anh ta vỗ đùi đánh đét một cái:

    – Trời ạ, tao ân hận quá! tao chửi oan ông thầy bói, ổng đoán tao sắp làm Phó Thủ tướng, đúng quá, tao đang quản lý cả chục ông Bộ trưởng và Thứ trưởng tại nhà này, tao không là Phó Thủ tướng thì là gì?

    (Còn tiếp)

    CHÚT HỒI ỨC CỦA MỘT NGƯỜI TÙ CẢI TẠO (Phần 2)