Nga-Ukraine: Cựu sinh viên người Việt nghĩ gì về cuộc chiến?

0
11
Ông Lân Nguyễn chụp trước Nhà Hát kịch ở Kyiv, tháng 11/1993

BBC

26 tháng 2 2022

Sang Liên Xô học vào những năm 1980 và hiện đang định cư tại Úc, ông Lân Nguyễn cho biết ông phản đối việc Nga đưa quân đội vào Ukraine.

Ông nói rằng bất cứ cuộc chiến tranh nào giữa hai nước, đặc biệt hai nước đã nhiều năm từng trong cùng một liên bang, thì rốt cuộc chỉ có người dân và quân đội hai nước sẽ phải chịu thiệt hại, và sẽ không có bên thắng cuộc.

Việt kiều Úc, cựu sinh viên dầu khí Baku, Azerbaijan

“Ukraine là một nước nhỏ nằm ngay cạnh nước Nga, nhưng những người lãnh đạo nước này đã không khôn khéo trong ngoại giao để giữ được sự cân bằng giữa Nga và phương Tây, giữa nhóm người thân Nga và người thân phương Tây.

“Đó là một điều bất hạnh, để cho Nga có lý do tấn công, cũng như những người thân Nga kêu gọi nội chiến để tách ra khỏi Ukraine.

“Việc Ukraine muốn gia nhập NATO đã khiến Nga cảm thấy bị đe doạ và bị bao vây từ cả phía NATO và các nước phương Tây khác. Như vậy là không khôn khéo.

“Ngoài ra, giới lãnh đạo Ukraine cũng làm cho một số người dân, nhất là người ở vùng Đông nước này vốn thân Nga, cảm thấy đang mất đi những truyền thống, những thói quen vốn có sau bao nhiêu năm sống chung với Nga, hầu như có chung một tiếng nói và tập quán giữa hai nước.

“Cuộc chiến cho dù là giữa Nga với Ukraine, hay với Azerbaijan hoặc Uzbekistan thì có lẽ với các cựu sinh viên Việt Nam đều vẫn là một nước Liên Xô mà chúng tôi đã từng sang học tập và sinh sống.

“Vì thế tôi thấy buồn, đặc biệt khi Nga và Ukraine đã có chiều dài lịch sử bao nhiêu năm từng chung sống hoà bình, hầu như không có sự khác biệt mấy về văn hoá cũng như về con người. Giờ chiến tranh như vậy chắc chắn sẽ chỉ đem lại thiệt hại cho cả hai dân tộc.

“Ai cũng biết giải pháp chính trị là hay nhất nhưng một khi đã xảy ra giao tranh như hiện nay thì giải pháp sẽ khó khăn hơn, nhất là nếu lãnh đạo Ukraine không khôn khéo và ngồi vào đàm phán với Nga. Tôi e là chiến tranh sẽ kéo dài cho tới khi nào Nga đạt được mục đích của họ.”

“Có ý kiến nói rằng Trung Quốc có thể đang nhìn vào phản ứng của quốc tế trước cuộc tấn công của Nga vào Ukraine hiện nay và sẽ có động thái tương tự với Đài Loan, và nhìn xa hơn có thể làm như vậy với cả Việt Nam, thì tôi cho rằng trường hợp Ukraine và Đài Loan là hoàn toàn khác nhau.

“Đài Loan đã ký hiệp ước quân sự và có sự hiện diện của quân đội Mỹ trên lãnh thổ nước này, vì thế Trung Quốc tấn công Đài Loan sẽ khó khăn hơn vì như vậy là tấn công trực tiếp vào đồng minh của Mỹ và Mỹ sẽ phải bảo vệ đồng minh của mình. Khi đó sẽ xảy ra chiến tranh theo một cách hoàn toàn khác. Trong khi Ukraine không hề có hiệp ước quân sự nào với NATO hay với Mỹ. Do vậy khác hẳn nhau ở điểm này.

“Thế nhưng đối với Việt Nam thì có thể cũng sẽ giống như Ukraine vì Việt Nam đứng giữa đường, chẳng có hiệp ước quân sự nào với ai, nên nếu Trung Quốc tấn công thì các nước khác không thể nào nhảy vào bảo vệ Việt Nam được.”

“Tôi trở lại Ukraine vào năm 1993, Ukraine đã thay đổi ngoài sức tưởng tượng so với hình ảnh đất nước Ukraine xinh đẹp, giàu có của những năm 1980s mà tôi từng biết: một Ukraine nghèo nàn và đầy tham nhũng. Lái xe mà cảnh sát rình từng góc phố và khi thấy xe tư bản là thổi còi dừng xe rồi khi đưa một đô la thì họ cho đi tiếp.

“Nhiều người Ukraine mà tôi đã gặp không hẳn muốn quay trở lại thời Liên Xô cũ và sáp nhập Ukraine vào lại Nga đâu, nhưng họ mong muốn giữ một quan hệ tốt với nước láng giềng lớn này, mà trong đó ngoài lý do văn hoá và truyền thống có lẽ còn cả lý do kinh tế.

“Hầu như toàn bộ lượng dầu và khí Ukraine sử dụng là từ phía Nga chứ bản thân Ukraine chỉ có bể dầu ở Donetsk và sản lượng dầu không được bao nhiêu, chừng 2-3% vào thời gian tôi trở lại đó. Nếu không có lượng dầu khí bán giá rẻ do Nga cung cấp thì kinh tế Ukraine còn tồi tệ hơn nữa”.

Việt kiều Panama, cựu sinh viên y khoa Odessa, Ukraine

Cũng sang Liên Xô học vào giai đoạn đầu những năm 1980, bà Hồng Thuỷ, 61 tuổi, hiện đang định cư tại Panama, chia sẻ bà coi Liên Xô mà cụ thể là Ukraine như Tổ quốc thứ hai của mình.

Trường Y Odessa năm 1980

“Tôi yêu Liên bang Nga (trước đây thường gọi tắt là Nga hay là Liên Xô) từ hồi còn là một cô bé học lớp 5 qua những lá thư kết bạn một thời được khuyến khích giữa học sinh Việt Nam và học sinh các nước xã hội chủ nghĩa, một tình bạn qua thư kéo dài hơn 10 năm cho đến khi người bạn này qua đời mà chúng tôi chưa hề gặp mặt.

“Tôi yêu Ukraine, đất nước tôi đã gắn bó suốt 9 năm trời, và cũng chính tại thành phố Odessa này tôi đã trở thành một bác sỹ tốt với sự giúp đỡ của thầy cô và bạn bè thân quen.

“Tôi vẫn nhớ kỷ niệm ngày còn là sinh viên khi đang đứng xếp hàng dài để mua một con gà trong thời tiết mùa đông lạnh giá, một phụ nữ đứng tuổi người Ukraine đã đẩy tôi lên phía trước và nói với người bán hàng: “Cô bé này không có mẹ ở đây, bán cho nó trước đi”! Chuyện tuy nhỏ nhưng thật cảm động khiến tôi còn nhớ mãi tới tận bây giờ.

Trở lại trường Y Odessa năm 2018

“Cứ như vậy thời gian trôi qua, đối với tôi Liên bang Nga đã trở thành Tổ quốc thứ 2 của mình và tình yêu ấy ko bao giờ thay đổi.

“Tôi đã buồn biết bao khi Liên bang Nga tan vỡ. Giờ đây tôi lại đang theo dõi cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine với nỗi buồn như thế khi nhớ tới thành phố Odessa mà tôi từng gắn bó.

“Tôi cho rằng cuộc chiến tranh nào cũng đều đáng lên án và không ai mong muốn có chiến tranh, vậy mà dường như vẫn đang có những cuộc chiến không thể tránh được?

Tại cảng Odessa, phía xa là Chiến hạm Potemkin, chụp năm 1980

“Là cựu sinh viên Liên Xô cũ, tôi lo lắng cho nước Nga, thương cho người dân Ukraine và chỉ biết hy vọng rằng một vài ngày nữa xung đột này sẽ kết thúc, Odessa nói riêng và Ukraine nói chung sẽ ko bị thiệt hại nhiều và hoà bình sẽ được thiết lập lại trong sự bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau tại đất nước này.”