Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran

    0
    7
    VOA

    Quyết định của Tổng thống Trump

    Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump hôm 8/5 thông báo Mỹ rút ra khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran.

    “Mỹ sẽ không đe dọa suông,” ông nói trong bài phát biểu được tường thuật từ Tòa Bạch Ốc.

    Ông Trump tuyên bố thỏa thuận đạt được năm 2015 dưới thời của cựu Tổng thống Barack Obama có các nước Anh, Pháp, Đức, Nga, Trung Quốc cùng tham gia ký kết với Mỹ và Iran là ‘một thỏa thuận một chiều tồi tệ mà lẽ ra không bao giờ nên có” và rằng Mỹ “sẽ áp đặt các lệnh trừng phạt kinh tế ở mức độ cao nhất” lên Iran.

    Quyết định của ông Trump có nghĩa là Chính phủ Iran giờ đây phải quyết định có làm theo Mỹ, tức là cũng rút ra khỏi thỏa thuận, hay là cố gắng cứu vãn những phần còn lại của thỏa thuận.

    Iran đã đưa ra những tuyên bố trái ngược về hành động tiếp theo của họ – và câu trả lời của họ sẽ tùy thuộc vào cách ông Trump rút lui khỏi thỏa thuận như thế nào.

    Một quan chức được thông báo về quyết định này nói với hãng tin AP rằng ông Trump sẽ tiến đến áp đặt lại tất cả các lệnh cấm vận lên Iran vốn đã được dỡ bỏ theo thỏa thuận năm 2015 chứ không phải chỉ những lệnh trừng phạt có thời hạn chót.

    Theo AP, quyết định này của ông Trump là một ‘cú giáng mạnh vào các đồng minh của Hoa Kỳ’ và ‘làm sâu sắc thêm sự cô lập của nước Mỹ trên trường quốc tế.’

    Các quan chức chính quyền Trump đã thông báo cho lãnh đạo Quốc hội về quyết định của Tổng thống hôm thứ Ba ngày 8/5. Họ nhấn mạnh rằng cũng như với hiệp định tự do thương mại TPP và thỏa thuận Paris về chống biến đổi khí hậu mà Tổng thống Trump đã tuyên bố từ bỏ, ông vẫn để ngỏ khả năng tái đàm phán một thỏa thuận khác tốt hơn, AP dẫn nguồn từ một người được thông báo về quyết định cho biết.

    Phản ứng trong-ngoài

    Trong một động thái hiếm thấy, cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama lên tiếng chỉ trích quyết định của ông Trump đối với hiệp định hạt nhân Iran, vốn là di sản ngoại giao của ông Obama. Ông Obama gọi quyết định của ông Trump là ‘một sai lầm nghiêm trọng’.

    Trong tuyên bố gồm 12 đoạn của ông để lập luận cho việc Mỹ phải tuân theo thỏa thuận, ông Obama viết: “Tất cả chúng ta đều biết những nguy cơ của việc Iran đắc thủ vũ khí hạt nhân. Nếu những ràng buộc đối với chương trình hạt nhân Iran trong khuôn khổ Kế hoạch Hành động Toàn diện phối hợp (JCPOA) không còn nữa, thì chúng ta sẽ đẩy nhanh cái ngày mà chúng ta sẽ phải đối diện với lựa chọn phải sống chung với nguy cơ đó hay là tiến hành chiến tranh để ngăn chặn nó.”

    Ông cảnh báo rằng việc xóa bỏ thỏa thuận mà không có bằng chứng rõ ràng về những vi phạm của Iran có thể sẽ đẩy nhanh cuộc chạy đua vũ trang hay xung đột trong khu vực.

    “Thực tế rõ ràng là JCPOA có hiệu quả – đó là điều mà các đồng minh châu Âu của chúng ta, các chuyên gia độc lập và đương kim Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đều đồng ý.”

    Ông Obama cho rằng việc rút khỏi thỏa thuận sẽ phá hoại uy tín của Mỹ trên trường quốc tế.

    Cựu Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cũng than phiền về quyết định của ông Trump. Ông cho rằng quyết định của ông Trump ‘làm suy yếu an ninh nước Mỹ, cô lập chúng ta với các đồng minh châu Âu, khiến Israel gặp nguy cơ cao hơn, tạo thêm sức mạnh cho những phe cứng rắn ở Iran và làm giảm ảnh hưởng toàn cầu của chúng ta trong việc giải quyết những hành vi sai trái của Iran trong khi gây hại cho khả năng đàm phán các thỏa thuận quốc tế các chính phủ Mỹ trong tương lai.”

    Văn phòng Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói rằng Pháp, Anh và Đức ‘lấy làm tiếc’ về quyết định của Tổng thống Donald Trump từ bỏ thỏa thuận hạt nhân Iran và gọi đây là ‘mối đe dọa đối với nỗ lực toàn cầu kiềm chế vũ khí hạt nhân.

    Ông Emmanuel Macron đã đăng dòng tweet rằng “cơ chế không phổ biến vũ khí hạt nhân đang bị đe dọa” với quyết định của ông Trump.

    Văn phòng Tổng thống Pháp cho biết ông vào tối thứ Ba ngày 8/5 ông Macron đã có cuộc điện đàm với Thủ tướng Đức Angela Merkel và Thủ tướng Anh Theresa May về những bước kế tiếp sau quyết định của ông Trump.

    Các cường quốc châu Âu ủng hộ mạnh mẽ thỏa thuận và xem đó là cách tốt nhất để kiềm chế tham vọng hạt nhân của Iran. Trump cho rằng thỏa thuận này không đủ căng với Tehran.

    Cao ủy đối ngoại của Liên minh châu Âu Federica Mogherini cho rằng thỏa thuận hạt nhân Iran là ‘trụ cột của an ninh quốc tế’ và bà kêu gọi các bên tham gia ký kết tiếp tục tôn trọng nó.

    “Thỏa thuận hạt nhân với Iran là hết sức quan trọng đối với an ninh của khu vực, của châu Âu và toàn thế giới,” bà Mogherini phát biểu.

    Bà Mogherini là người giám sát việc thực hiện thỏa thuận. Bà nói rằng bà đặc biệt quan ngại trước việc Mỹ loan báo các lệnh trừng phạt mới. Bà cũng cho biết bà sẽ tham vấn các đối tác châu Âu về những lệnh trừng phạt này để đánh giá tác động của chúng, theo AP.

    Ông Trump đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình để thông báo về quyết định của mình hôm thứ Ba ngày 8/5.

    Ngoại trưởng Anh Boris Johnson tuần này có mặt tại Washington để nỗ lực cứu vãn thỏa thuận vào phút chót. Một quan chức Anh ẩn danh nói với AP rằng mục tiêu của London là vẫn duy trì và tuân thủ thỏa thuận.

    AP cho biết, trong nỗ lực ngoại giao vào phút chót, các nước châu Âu đã nhượng bộ rất nhiều các yêu cầu của ông Trump, theo các quan chức và các nhà ngoại giao được thông báo về tình hình.

    Chỉ vài giờ trước khi ông Trump đưa ra thông báo, các nước châu Âu đã họp để nhấn mạnh sự ủng hộ của họ đối với thỏa thuận hạt nhân Iran. Theo đó, các quan chức cấp cao của Anh, Pháp, Đức đã gặp Thứ trưởng Ngoại giao Iran phụ trách về chính trị Abbas Araghchi tại Brussels.

    Lãnh đạo Anh, Pháp, Đức trong thông cáo chung ngày 8/5 nhấn mạnh họ vẫn cam kết với thỏa thuận hạt nhân Iran 2015 dù Mỹ có rút lui, đồng thời kêu gọi Washington chớ cản trở các nước khác thực thi thỏa thuận này.

    Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres phát biểu rằng ông ‘thất vọng sâu sắc’ trước quyết định của Mỹ, đồng thời kêu gọi năm nước ký kết còn lại tuân thủ thỏa thuận. Ông lặp lại rằng thỏa thuận năm 2015 ‘là một thành tựu quan trọng trong nỗ lực không phổ biến vũ khí hạt nhân và đã đóng góp cho hòa bình và an ninh khu vực và thế giới’.

    Phía chỉ trích thỏa thuận hạt nhân Iran 2015 bao gồm Israel, các nước Ả Rập ở Vùng Vịnh và nhiều thành viên Đảng Cộng hòa ở Mỹ cho rằng thỏa thuận là một món quà cho Tehran mà cuối cùng sẽ dọn đường cho nước này trở thành một nước được trang bị vũ khí hạt nhân trong vài năm tới.

    Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, người lâu nay vẫn phản đối quyết liệt thỏa thuận hạt nhân Iran, là một trong số ít các nhà lãnh đạo quốc tế đã ngay lập tức hoan nghênh quyết định của Tổng thống Donald Trump.

    Phản ứng từ Iran

    Ở Iran, nhiều người đang quan ngại sâu sắc về việc quyết định của Trump sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế đang gặp khó khăn của họ như thế nào. Tổng thống Hassan Rouhani đã tìm cách trấn an công chúng. Ông mỉm cười khi xuất hiện tại một triển lãm dầu mỏ. Ông không nêu đích danh ông Trump, nhưng nhấn mạnh rằng Iran sẽ tiếp tục theo đuổi ‘hội nhập với thế giới’.

    “Khả năng là chúng ta sẽ gặp đôi chút vấn đề trong vòng từ hai đến ba tháng, nhưng chúng ta sẽ vượt qua,” ông Rouhani được dẫn lời nói.

    Trước đó, Iran đã kín tiếng về phản ứng của họ trước các lệnh trừng phạt có thể bị ông Trump áp đặt trở lại. Trong nhiều tuần, Ngoại trưởng Iran đã nói rằng việc Mỹ áp đặt trở lại các lệnh trừng phạt sẽ khiến thỏa thuận trở thành vô hiệu lực, khiến Tehran không có lựa chọn nào khác ngoài việc cũng từ bỏ thỏa thuận.

    Tuy nhiên, Tổng thống Iran ngày 8/5 tuyên bố Iran sẽ giữ cam kết với thỏa thuận bất chấp quyết định của Mỹ. “Nếu chúng ta đạt được mục tiêu của thỏa thuận qua việc hợp tác cùng các thành viên khác trong thỏa thuận, thỏa thuận sẽ được giữ nguyên,” ông Rouhani nói.

    Trong một tuyên bố nảy lửa trên truyền hình, ông Rouhani lên án Mỹ là nước ‘không bao giờ tuân cam kết của mình’ và cáo buộc nước Mỹ ‘luôn có lập trường thù địch’.

    Truyền hình nhà nước Iran gọi quyết định của ông Trump là ‘bất hợp pháp và phá hoại các thỏa thuận quốc tế’.

    Kịch bản nhiều khả năng nhất hiện nay là ông Trump sẽ ra lệnh trừng phạt ngân hàng trung ương Iran.

    Những người ủng hộ chỉnh sửa lại thỏa thuận đã hy vọng rằng ông Trump sẽ chọn cách tiếp cận từ từ để ông có dư địa để thay đổi lập trường và tiếp tục tuân theo thỏa thuận nếu ông có thể đạt được các biện pháp hạn chế bổ sung với Iran.

    Tuy nhiên, chính quyền Mỹ cũng có kế hoạch cho phép thời gian chuyển tiếp kéo dài ít nhất ba tháng và có thể lên đến sáu tháng để các doanh nghiệp và các chính phủ có thể thu hẹp lại các hoạt động có thể vi phạm lệnh trừng phạt mà Mỹ vừa tái áp đặt.

    Tùy thuộc vào việc Trump quyết định việc rút lui cụ thể như thế nào – hoặc là rút lui hoàn toàn không thể đảo ngược, hoặc là cơ hội cuối cùng để cứu lấy thỏa thuận – thỏa thuận này sẽ được củng cố trong khoảng thời gian chuyển tiếp như là nỗ lực cuối cùng để thuyết phục ông Trump thay đổi quyết định. Khoảng thời gian 15 tháng cầm quyền đầu tiên của ông Trump có rất nhiều những ‘cơ hội cuối cùng’ như thế cho thỏa thuận Iran mà khi đó ông hoãn quyết định lại một vài tháng, sau đó thêm một vài tháng nữa.

    Theo thỏa thuận được ký kết vào năm 2015, Mỹ dỡ bỏ các lệnh cấm vận nhắm vào Iran. Đổi lại, Iran đồng ý hạn chế chương trình hạt nhân của họ cùng với sự thanh sát nghiêm ngặt khiến họ không thể nào chế tạo được bom hạt nhân.

    Cả Ngoại trưởng của ông Trump và cơ quan Liên hiệp quốc giám sát việc tuân thủ thỏa thuận đều đồng ý rằng cho đến nay, Iran đã tuân thủ nghĩa vụ của mình trong thỏa thuận.