Một số trí thức Việt có cái nhìn ‘xét lại’ ngày 30/4

    0
    591
    Họa sĩ Thành Chương tự hỏi có nên vứt bỏ các huân chương, huy chương thời "chiến tranh chống Mỹ"

    VOA Tiếng Việt
    30-4-2018

    Một số trí thức Việt Nam có nhiều ảnh hưởng trên mạng xã hội mới đây đưa ra những quan điểm có tính chất “xét lại” sự kiện 30/4, ngày Việt Nam gọi là “giải phóng miền Nam” nhưng nhiều người lại coi là “ngày quốc hận”, thu hút hàng nghìn lượt phản ứng và chia sẻ trên mạng.
    Họa sĩ Thành Chương hôm 28/4 đăng một bài ngắn trên Facebook cá nhân, cho biết, năm 1967 ông đã từ chối đi học ở Đức để nhập ngũ, “sẵn sàng hy sinh, chiến đấu cho lý tưởng Cộng Sản cao đẹp và sự nghiệp Chống Mỹ Cứu Nước vĩ đại!”
    Đăng cùng bài là tấm ảnh cho thấy một số huân chương, huy chương mà ông được trao, ghi nhận ông “có công” trong quân ngũ. Song họa sĩ nổi tiếng hiện sống ở Hà Nội viết: “Xưa những tấm huân chương, huy chương này là niềm vinh dự tự hào! Nay thấy chúng thật vớ vẩn, vô nghĩa!” Ông cũng tự hỏi “nên giữ hay vứt chúng đi đây???”
    Trong một đoạn khác, ông Chương nói 43 năm qua, cứ đến ngày 30/4, “luôn có một đám” mà ông mô tả rằng không chỉ “ăn mày dĩ vãng, giờ chúng Ăn Cướp cả qúa khứ và dĩ vãng để mưu cầu danh lợi!”
    Họa sĩ không nói cụ thể những người ông gọi là “một đám” đó là ai. Ông kêu gọi “Xin gác cái quá khứ hào hùng ấy lại! Sống cho hiện tại và hướng tới một tương lai tốt đẹp hơn!”
    Bài viết 171 từ của ông đã nhận được ít nhất 5000 phản ứng ủng hộ lẫn chia sẻ trên mạng.
    Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện, một blogger có nhiều ảnh hưởng qua các bài viết phản biện về chính quyền, nói với VOA rằng ông thấy “bàng hoàng” về những ý kiến “gay gắt” của họa sĩ 69 tuổi, vốn từng có thời gian dài làm báo và suốt đời không “va chạm gì với chính trị”.
    Ông Diện cho rằng quan điểm mới thể hiện của ông Chương cho thấy trong lòng cá nhân họa sĩ, và rộng hơn là nhiều trí thức Việt Nam, họ “nuối tiếc” những hy sinh ở tuổi thanh xuân để rồi nhận lại là một đất nước sau nhiều thập kỷ còn kém phát triển, cùng với tham nhũng tràn lan.
    Ông Diện nói với VOA:
    “Họ hy sinh xương máu như vậy là để phấn đấu cho một đất nước giang sơn liền một dải, dân chủ, giàu mạnh, văn minh, tiến kịp các nước. Nhưng cung cách quản lý, điều hành đất nước của nhà cầm quyền hiện nay khiến họ buồn quá. Phản ứng đó là không phải là với quá khứ của cuộc chiến, mà đấy là sự phản ứng của người trí thức từng tham gia cuộc chiến đối với cách điều hành và lãnh đạo đất nước của nhà cầm quyền hiện tại”.

    Thành phố Hồ Chí Minh đã phát triển hơn nhiều sau 43 năm song vẫn thấp hơn kỳ vọng của nhiều người

    Các con số thống kê chính thức của Việt Nam và các tổ chức quốc tế cho hay GDP đầu người của Việt Nam năm 2017 ở mức 2.385 đôla. Trong khối ASEAN, con số này thua Lào, chỉ hơn Campuchia và Myanmar.
    Nếu so sánh với GDP đầu người của Hàn Quốc, con số của Việt Nam chỉ bằng 8% của mức 29.780 đôla mà người Hàn đạt được năm 2017.
    Bác sĩ Võ Xuân Sơn, người hay bình luận về đời sống chính trị, xã hội Việt Nam trên mạng xã hội, đã bàn về “cái giá của sự thống nhất” trong bài viết đăng hôm 27/4 trên trang Facebook cá nhân có hơn 50.000 người theo dõi.
    Ông viết rằng thời nhỏ khi ông hỏi người lớn rằng tại sao Đức và Triều Tiên không có “chiến tranh giải phóng dân tộc”, ông thường nhận được câu trả lời là “chúng ta yêu nước hơn họ”.
    Cuộc chiến mà những người cộng sản Việt Nam gọi là “chống Mỹ cứu nước” kết thúc năm 1975, với chiến thắng lại cho người cộng sản toàn quyền cai trị nước Việt Nam thống nhất.
    Giờ đây, ở độ tuổi trung niên, bác sĩ Sơn ở thành phố Hồ Chí Minh tóm tắt lại thực trạng đất nước: “Đạo đức xã hội băng hoại, đất nước bị chia rẽ sâu sắc, xã hội ngày càng mất ổn định, những kẻ trong bộ máy cầm quyền càng ngày càng tham lam, độc ác, người dân càng ngày càng cảm thấy bế tắc, hoang mang”.
    Ông cũng nhắc đến một thực tế là hàng triệu người đã bỏ đất nước ra đi “vì kinh tế, vì bức bách, vì chán chường, vì mong muốn một tương lai cho con, cháu…”
    Theo báo chí trong nước, chỉ riêng năm 2017, có gần 135.000 người “lao động xuất khẩu” Việt Nam được đưa ra nước ngoài, nâng tổng số người đi làm việc theo hình thức này lên đến khoảng 500.000.
    Con số chính thức đó không bao gồm hàng vạn người khác đi làm việc “chui” ở nhiều nước.
    Trong khi đó, ở trong nước, giới chuyên gia kinh tế dẫn các số liệu khẳng định khu vực doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI) đang thể hiện vai trò quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam. Họ đóng góp đến 1/5 GDP, 3/4 cho xuất khẩu và 1/4 vốn đầu tư toàn xã hội. Trong số các doanh nghiệp FDI có nhiều hãng của Hàn Quốc và Đức thuê hàng trăm ngàn người lao động Việt Nam.
    Đề cập đến hơn 3,3 triệu người Việt Nam thiệt mạng trong chiến tranh, bác sĩ Võ Xuân Sơn nêu ra kết luận: “Cái giá mà chúng ta phải trả cho thống nhất đất nước thật sự là quá đắt. Đấy là chưa kể, chúng ta đang trở thành những kẻ làm thuê rẻ mạt, đang bị chính những kẻ ‘không yêu nước bằng chúng ta’ sai khiến, bóc lột”.