Manila ‘xoay trục’ trong quan hệ với Bắc Kinh

0
6
Báo chí “lề Đảng” đưa tin rất kịp thời về chuyến thăm của Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris tới Philippines trong nỗ lực khởi động lại hợp tác quốc phòng với đồng minh then chốt sau nhiều năm lạnh nhạt.

Hoàng Trường

Giới quan sát đang nhìn vào chính sách “xoay trục” của tân Tổng thống Marcos Jr. để tìm hiểu 3 khía cạnh: i) Mỹ đã chủ động tái kích hoạt quan hệ với Manila ra sao? ii) Những yếu tố nào làm nên sự bền chặt của mối quan hệ Mỹ – Philippines mà không dẫn đến xung đột trên biển đảo với Trung Quốc? iii) Việt Nam, qua chuyến thăm Manila của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, liệu có thể rút tỉa được kinh nghiệm gì hữu ích để cải thiện thế ngoại giao “trở đi mắc núi, trở lại mắc sông” của mình hiện nay?

Tái khởi động quan hệ Mỹ – Philippines

Ngược lại với thái độ “ignorant” của báo chí và truyền thông chính thống, không hề đề cập tới cuộc cách mạng “Bạch Chỉ” (Giấy Trắng) ở Trung Quốc suốt những tuần qua, hầu hết các cơ quan truyền thông ở trong nước đã tường thuật chi tiết một cách đáng ngạc nhiên quá trình “xoay trục” trong bang giao với Trung Quốc của tân Tổng thống Philippines Marcos Jr. Báo chí “lề Đảng” đưa tin rất kịp thời về chuyến thăm của Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris tới Philippines trong nỗ lực khởi động lại hợp tác quốc phòng với đồng minh then chốt sau nhiều năm lạnh nhạt. Các báo trích dẫn tuyên bố của Phó Tổng thống Harris đưa ra trong cuộc gặp với ông Ferdinand Marcos (Marcos Jr.) ở Dinh tổng thống tại Manila hôm 21/11: “Chúng tôi sát cánh với các bạn để bảo vệ những quy tắc và chuẩn mực quốc tế liên quan ở Biển Đông… Một cuộc tấn công vào lực lượng vũ trang, tàu công vụ hoặc máy bay của Philippines ở Biển Đông sẽ kích hoạt đến cam kết phòng thủ chung của Mỹ. Đó là cam kết vững chắc của chúng tôi đối với Philippines“.

Đây là cam kết ở cấp cao nhất mà Mỹ đưa ra với Philippines trong nhiều năm qua. Bà Harris cũng là quan chức cấp cao nhất của Mỹ đến thăm Manila từ khi ông Marcos Jr. nhậm chức vào tháng 6/2022, báo hiệu mối quan hệ ấm lên giữa hai đồng minh, sau nhiều năm lạnh nhạt dưới thời cựu Tổng thống Rodrigo Duterte. Trong 6 năm nắm quyền, ông Duterte chủ trương thân thiện với Trung Quốc và muốn giảm lệ thuộc an ninh vào Mỹ. Ông cũng nhiều lần chỉ trích Washington “can thiệp” vào cuộc chiến chống ma túy do ông phát động. Duterte có thời điểm còn tuyên bố cắt hợp tác quân sự với Mỹ, đòi hủy Hiệp ước Các lực lượng Thăm viếng (VFA) vốn là cơ sở cho quân đội Mỹ triển khai binh sĩ đồn trú luân phiên ở Philippines. Giới quan sát cho rằng khi Tổng thống Marcos Jr. lên nắm quyền, chính quyền Joe Biden đã chủ động tăng cường tiếp xúc cấp cao để kích hoạt lại quan hệ Mỹ – Philippines, đồng thời nối lại những dự án hợp tác quốc phòng bị gián đoạn ở quốc gia Đông Nam Á này, vốn là mảnh ghép then chốt đối với hiện diện của Mỹ ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.

“Đầu tư vào tiếp xúc cấp cao là bước đi hợp lý để khôi phục hợp tác sâu sắc trên mọi lĩnh vực với một đồng minh năng động và đang giữ vị thế chiến lược”, Daniel Russel, cựu Cố vấn Nhà Trắng về các vấn đề Đông Á, nhận định về nỗ lực cải thiện quan hệ với Philippines thông qua chuyến thăm của Phó tổng thống Harris.

Reuters dẫn thông tin từ các quan chức Mỹ cho biết Tổng thống Biden cùng đội ngũ cố vấn an ninh quốc gia đánh giá tân Tổng thống Philippines là đồng minh chiến lược có thể cùng hợp tác để giải quyết những thách thức đối ngoại hàng đầu tại khu vực, trong đó có vấn đề cạnh tranh với Trung Quốc. Một ngày sau khi ông Marcos đắc cử Tổng thống vào cuối tháng 6, ông Biden đã gọi điện chúc mừng và tránh đề cập đến những vấn đề gai góc giữa hai nước. Nhà Trắng sau đó cử Đệ nhị phu quân Doug Emhoff (chồng Phó Tổng thống Harris), đến dự lễ tuyên thệ nhậm chức của tân Tổng thống Philippines. Đại diện Nhà Trắng hôm đó trao tận tay ông Marcos lá thư mà Tổng thống Biden viết riêng cho người đồng cấp, chia sẻ mong muốn đón tiếp ông trên đất Mỹ.

Chuyến thăm của bà Harris đến Philippines được giới phân tích xem là bước đi tiếp theo của Mỹ trong nỗ lực tiếp cận tân chủ nhân Điện Malacanang. Những nỗ lực đó được đại diện chính quyền Marcos ghi nhận tích cực, thể hiện qua thông điệp từ Đại sứ Philippines tại Mỹ Jose Manuel Romualdez rằng Washington “không còn xem nhẹ” Manila. “Tổng thống Marcos đang phản hồi với tâm thế muốn nước Mỹ hiểu rằng chúng tôi muốn làm bạn”, Romualdez phát biểu mới đây. Theo giới quan sát, ngoài nỗ lực củng cố quan hệ với Philippines, chuyến thăm của bà Harris dường như còn ngầm phát đi tín hiệu tới Trung Quốc. Một trong những điểm dừng chân của Phó tổng thống Mỹ trong chuyến thăm là tỉnh Palawan, vùng duyên hải ở rìa phía tây quần đảo Philippines, tiếp giáp Biển Đông. Bà lên thăm tàu tuần tra BRP Teresa Magbanua, qua đó gửi thông điệp về cam kết của Mỹ đối với tự do hàng hải và trật tự dựa trên luật pháp quốc tế trên Biển Đông. “Bước đi này gửi thông điệp rất rõ đến Bắc Kinh, đồng thời tái khẳng định cam kết với Manila. Hoạt động như vậy cho thấy thay đổi rất lớn trong quan điểm của chính quyền Tổng thống Marcos so với người tiền nhiệm Duterte, vốn tìm cách hạn chế tiếp xúc quân sự với Mỹ và giảm nhẹ bất đồng với Trung Quốc“, Lucio Blanco Pitlo, chuyên gia

tại tổ chức nghiên cứu Quỹ Con đường Tiến bộ châu Á – Thái Bình Dương, viết trên Asia Times.

Cơ sở bền vững của mối bang giao

Trước chuyến thăm của bà Harris, Tổng thống Marcos Jr. cũng đã có chuyến công du đến Mỹ và gặp Tổng thống chủ nhà Joe Biden vào ngày 24/9. Trong cuộc gặp, một mặt, ông Marcos đã nhấn mạnh vai trò của Mỹ ở khu vực. Những động thái trên của Malila được đánh giá là nhằm làm ấm lại mối quan hệ với Washington sau nhiều trục trặc dưới thời ông Duterte. Mặt khác, trả lời phỏng vấn Bloomberg cũng trong ngày 24/9, Tổng thống Marcos xác nhận chính quyền Manila muốn nối lại các cuộc thương thuyết với Trung Quốc về hợp tác khai thác dầu khí ở Biển Đông. Cụ thể, ông cho hay Philippines muốn tìm kiếm sự thỏa hiệp với Trung Quốc về lĩnh vực hợp tác khai thác dầu khí, và nằm trong phạm vi luật pháp Philippines cho phép. Đối với những điều chưa đồng thuận thì ông cho rằng hai bên sẽ tiếp tục tìm kiếm những biện pháp khác để thúc đẩy nỗ lực hợp tác. Rõ ràng, tầm nhìn về chính sách của Marcos Jr. có thể đưa lại một đường hướng ổn định lâu dài cho định hướng “thân Mỹ, làm bạn với Trung Quốc” của Manila.

Washington và Manila những tháng qua đã nghiên cứu đẩy nhanh thực thi Thỏa thuận Tăng cường Hợp tác Quốc phòng (EDCA) ký từ năm 2014, cho phép Mỹ triển khai quân nhân đồn trú luân phiên cùng bố trí vật tư quân sự ở một số căn cứ ở Philippines. Trong 5 căn cứ mà quân đội Mỹ được phép sử dụng theo khuôn khổ EDCA, có một địa điểm nằm trong tỉnh Palawan là sân bay quân sự Antonio Bautista. Mỹ cũng muốn tăng số căn cứ đồn trú ở Philippines từ 5 lên 10 địa điểm. Trong số 5 căn cứ đang được hai bên bổ sung vào EDCA, có một địa điểm cũng nằm trong tỉnh Palawan, một căn cứ khác nằm tại tỉnh Zambales trên đảo Luzon nhưng cũng hướng ra Biển Đông. Trong số ba địa điểm tiềm năng còn lại, hai căn cứ nằm tại tỉnh Cagayan ở phía bắc đảo Luzon, hướng về Eo biển Đài Loan. Địa điểm còn lại nằm trong tỉnh Isabela và nhìn ra vùng biển phía đông quần đảo.

“Những căn cứ đồn trú như vậy có thể cho phép Mỹ phản ứng nhanh chóng nếu xảy ra sự cố trên Biển Đông hoặc Eo biển Đài Loan. Những đợt diễn tập thời gian qua cho thấy quân đội Mỹ muốn triển khai lực lượng từ đảo Luzon”, theo giới phân tích. “Tuy nhiên, điều này có thể làm gia tăng lo ngại nguy cơ Philippines bị cuốn vào xung đột, nếu tình hình tại các điểm nóng an ninh đó leo thang”. Philippines cũng như nhiều nước Đông Nam Á không muốn bị đẩy vào tình thế phải chọn phe trong cuộc cạnh tranh Mỹ – Trung hiện nay. Trong khi Mỹ đang tích hợp mạnh mẽ hai đồng minh Đông Á là Nhật Bản và Hàn Quốc vào chiến lược khu vực cả về kinh tế lẫn quốc phòng, Philippines vẫn dè dặt trong hợp tác quân sự, đặc biệt là hiện diện thường trực của quân đội Mỹ trên lãnh thổ. Trong bình luận trước thềm chuyến thăm của bà Harris, Tổng thống Marcos cho rằng lịch trình của Phó Tổng thống Mỹ đến tỉnh Palawan sẽ không gây căng thẳng trong quan hệ Philippines – Trung Quốc. 

Có nhiều yếu tố làm nên sự bền chặt của mối quan hệ Mỹ – Philippines. Các yếu tố ấy bao gồm: lịch sử, quan hệ thương mại – đầu tư và quan hệ quân sự giữa hai nước. Ngoài ra, gần 90% người dân Philippines cho rằng, Mỹ là quốc gia đáng tin cậy nhất và rằng, Marcos Jr. nên bảo vệ quyền và lợi ích của Philippines trên Biển Đông theo phán quyết của Tòa PCA hồi tháng 7/2016. Có điều thú vị do chính Tạp chí “Nghiên cứu các vấn đề Đông Nam Á” (Trung Quốc) chỉ ra là, 6 năm cầm quyền “thân Trung Quốc, rời xa Mỹ” của Duterte không những không làm tổn hại đến lợi ích cơ bản của Mỹ tại Philippines, mà còn ngược lại nữa là khác. Mức độ mất lòng tin của người dân và chính quyền Philippines đối với Trung Quốc cao hơn so với 6 năm trước đó. Các quan chức quốc phòng và ngoại giao thời Marcos Jr. xuất thân từ giới tinh hoa truyền thống và coi Trung Quốc là mối đe dọa an ninh bên ngoài chủ yếu. Họ coi trọng việc duy trì liên minh với Mỹ, và coi đó là thực tế khách quan về nền tảng “thân Mỹ” của chính quyền mới.

Việt Nam rút tỉa được kinh nghiệm gì?

Thật khó có thể liệt kê một cách rạch ròi những kinh nghiệm mà Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã rút tỉa sau khi ông kết thúc chuyến thăm Philippines từ ngày 23 đến 25/1. Truyền thông trong nước đưa lại tin TTXVN. Theo báo Quốc hội, lãnh đạo hai bên đánh giá quan hệ hai nước phát triển tốt đẹp trong nhiều năm qua dù gặp thách thức do Coivd-19. Thương mại song phương đã trở thành điểm sáng, với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2021 đạt 6,8 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay; 10 tháng đầu năm 2022 đã đạt gần 6,6 tỷ USD; nhất trí tăng cường trao đổi đoàn trên tất cả các kênh và các cấp để tương xứng với tiềm năng hợp tác và đề nghị Việt Nam tăng cường nhập khẩu hàng hóa của Philippines để giúp cân bằng cán cân thương mại. Hai bên đánh giá cao sự phối hợp chặt chẽ và hiệu quả tại các tổ chức quốc tế thời gian qua; nhất trí tăng cường trao đổi, phối hợp lập trường chung về các vấn đề đa phương trong khuôn khổ LHQ, ASEAN và APEC. Hai bên nhất trí chia sẻ thông tin, ủng hộ lẫn nhau, đóng góp cho việc củng cố đoàn kết và vai trò trung tâm của ASEAN trong các vấn đề an ninh chung ở khu vực, trong đó bao gồm Biển Đông.

Chuyến thăm Manila của ông Huệ cũng là chuyến thăm của một Chủ tịch Quốc hội Việt Nam đến Philippines sau 16 năm. Nhân một cuộc viếng thăm có ý nghĩa lịch sử như vậy, nhưng phía Việt Nam vẫn rất kín đáo và kiệm lời, hầu như không có bất cứ một tuyến bố (kể cả khen hay chê) đối với “bước ngoặt xoay trục” của tân Tổng thống Marcos Jr. Tuy nhiên, trao đổi trong diện hẹp với một vài nhà báo không muốn tiết lộ danh tính, được tháp tùng Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội do ông Huệ dẫn đầu, Hà Nội không thể không đánh giá tích cực chủ trương “thân Mỹ, làm bạn với Trung Quốc” của Manila. Việt Nam cũng cho rằng, có một vài tuyên bố không mấy thân thiện của Marcos. Jr trong cuộc trả lời phỏng vấn với Bloomberg tại New York, nếu chỉ vì lợi ích kinh tế thì Trung Quốc vẫn có thể chấp nhận. “Làn ranh đỏ” ở đây là Philippines không được vượt qua vấn đề Nam Hải (Biển Đông) và Eo biển Đài Loan. Từ kinh nghiệm bản thân, Việt Nam không loại trừ những phức tạp có thể nảy sinh khi Tổng thống Marcos Jr. đã đưa các nhân tố bên ngoài vào để gia tăng “vốn chiến lược” nhằm đối trọng với Trung Quốc. Tuy nhiên, việc Manila chủ động triển khai quan hệ “đối tác chiến lược toàn diện” giữa ASEAN với Hoa Kỳ vào bang giao song phương là bài học nhỡn tiền đối với Việt Nam, một nhà báo ẩn danh tỏ vẻ khâm phục nền ngoại giao Manila.

Hoàng Trường là bút hiệu một nhà báo tại Hà Nội. Tác giả hiện đang công tác tại một tạp chí nghiên cứu tại Việt Nam. Các bài viết của Hoàng Trường là blog cá nhân và được đăng tải với sự đồng ý của đài VOA nhưng không phản ánh quan điểm chính thức của chính phủ Hoa Kỳ.