MẠNG XÃ HỘI VÀ NHỮNG CHÍNH QUYỀN ĐỘC TÀI

0
20
Bao Ngan Bao Ngan

Hầu hết các mạng xã hội đều ra đời sau năm 2000. Mà cao trào là sự ra đời của Facebook năm 2004. Chỉ chưa đầy một thập kỷ đầu tiên của thế kỷ 21, mạng xã hội đã bùng nổ mãnh liệt và làm thay đổi cả thế giới. Không những mạng xã hội đã thay đổi sự tương tác của con người trong xã hội, nó còn là nhân tố quyết định trong những cuộc cách mạng đầu thế kỷ 21.

Tháng 12/2010, cuộc cách mạng Hoa Lài chỉ kéo dài chưa đầy 4 tuần lễ, khởi đầu từ ngọn lửa tự thiêu của một người bán hàng rong tên là Mohamed Bouazizi, ở Tunisia đã kéo đổ chế độ độc tài toàn trị và buộc tổng thống Ben Ali phải chạy trốn.

Sau đó phong trào lan rộng ra khắp thế giới Arab. Hàng loạt các chế độ độc tài khác lần lượt ra đi. Tổng thống Mubarak của Ai Cập trốn chạy. Tổng thống Gaddafi của Lybia bị lật đổ và giết chết. Tại Yemen, Tổng thống Andullah Saleh bỏ của chạy lấy người. Tổng thống Assad của Syria phải vật vã chống đỡ phong trào nổi dậy cho đến hôm nay và nếu không nhờ Putin thì chắc chắn đã phải lưu vong từ lâu rồi…

Nhưng từ khi gây được những bất ngờ làm chao đảo cả thế giới của những lãnh đạo độc tài, mạng xã hội đã dần dần mất đi khả năng tụ tập và kêu gọi để đánh đổ các chính thể độc tài. Ngược lại, mạng xã hội lại bị các chính thể độc tài lợi dụng để “ổn định chính trị.”

Ở những quốc gia kế tiếp như Bahrain, Kuwait, Oman, Ma-rốc… phong trào chống đối chỉ dừng lại ở biểu tình. Các phong trào này sau đó bị đàn áp và giải tán….

Từ một tác nhân quan trọng làm thay đổi các thể chế chính trị, một công cụ làm điên đầu các nhà cầm quyền độc tài, mạng xã hội đã dần dần bị mất tác dụng, rồi đến phản tác dụng để trở thành công cụ của các thể chế độc tài dùng như một trở lực chống lại sự thay đổi. Vì sao như vậy?

Thứ nhất, mạng xã hội không còn yếu tố bất ngờ. Khác với cách mạng Hoa Lài, và các cuộc cách mạng Mùa xuân Arab xảy ra trong một thời gian ngắn như hiện tượng Domino kéo đổ một mảng lớn hệ thống chính trị tập quyền làm cho một số lãnh đạo độc tài phải từ bỏ ngai vàng chạy trốn hay đứng trước vành móng ngựa. Các thể chế độc tài còn sót lại đã nhận ra sự nguy hiểm của mạng xã hội và tìm cách đối phó.

Tính bất ngờ vốn là yếu tố quyết định để giành thắng lợi đã không còn nữa khi mà các thể chế chính trị tìm cách quản lý chặt chẽ các mạng xã hội. Họ cho người theo dõi mọi động thái trên các mạng xã hội. Những cuộc biểu tình không báo trước đã trở thành những cuộc biểu tình được báo trước, từ sớm, cho nhà cầm quyền mà không cần phải chờ đơn từ xin phép. Nhà cầm quyền dễ dàng ngăn chặn mọi cuộc biểu tình, với mọi quy mô.

Gần như lực lượng phản kháng không thể kêu gọi một cuộc biểu tình mà không đánh thức hệ thống chính trị. Mà một khi xác định được mục tiêu, địa điểm và số lượng người biểu tình thì nhà cầm quyền có thể phá vỡ thế trận một cách dễ dàng…

Vì vậy, đã rất lâu từ khi cuộc cách mạng cuối cùng trong cơn lốc Mùa xuân Arab suy yếu hoàn toàn, không có một sự phản kháng nào có kết quả tốt đẹp cả. Những giấc mơ là Mùa Xuân Arab có thể lan ra khắp thế giới độc tài chuyên chế đã dừng lại ở Trung Đông mà không đến được Trung Quốc hay Việt Nam.

Thứ hai, các chính thể độc tài đã biết dùng mạng xã hội để tự điều chỉnh.

Trước khi có mạng xã hội, hệ thống báo chí là nguồn thông tin gần như duy nhất mà nhân dân các nước dưới thể chế độc tài có thể tiếp cận. Bằng cách khống chế báo chí, các nhà độc tài có thể ăn ngon ngủ yên mà không cần thiết phải làm gì để đối phó.

Mạng xã hội, thay đổi điều đó. Thông tin trên mạng xã hội lan nhanh bằng tốc độ ánh sáng và không bị cái phễu lọc của bộ Thông tin Tuyên truyền nào cả. Những vụ hối lộ, hà hiếp nhân dân của các quan chức lập tức được share đi khắp hang cùng ngỏ hẻm. Hệ thống báo chí bất lực.

Để giải quyết tình trạng này, các chính quyền độc tài đành phải dùng phương pháp “chặt chân bẩn.” Họ dùng mạng xã hội để tự điều chỉnh chính quyền. Họ có thể loại bỏ những “phần tử bị lộ” để giữ an toàn cho chế độ. Họ trấn an dân bằng cách “giơ cao đánh khẻ” những kẻ lỡ bị phát hiện. Và đôi khi đấu đá nội bộ, họ cũng dùng mạng xã hội làm công cụ để loại đối thủ.

Một khi chính quyền dùng mạng xã hội để tự điều chỉnh nó, sẽ rất khó để người dân có thể có đủ phẫn nộ và dũng khí để đứng lên.

Thứ ba, các chính quyền độc tài lợi dụng mạng xã hội để đàn áp các tư tưởng chống đối và định hướng dư luận.

Trên mạng xã hội lúc nào cũng có những luồng tư tưởng trái ngược nhau. Bất cứ vấn đề gì cũng đều có “kẻ bênh người chống.” Ngay cả những tư tưởng mà bạn chắc chắn đúng, ví dụ như tự do, bình đẳng, dân chủ… vẫn có những luồng tư tưởng chống đối nó. Họ muốn “ổn định” hơn tự do. Họ muốn đảng chủ thay vì dân chủ…

Các chính phủ độc tài vì thế có thể lợi dụng mạng xã hội để khuyếch đại các tư tưởng dối trá, nguỵ biện nhưng có lợi cho họ và đàn áp, bôi nhọ những tư tưởng không có lợi cho họ.

Để thực hiện điều này, các chính phủ độc tài dễ dàng tạo ra những “tập đoàn chiến binh mạng” với hàng ngàn bàn phím và những cái đầu bị tẩy não.

Lực lượng “dư luận viên” này được trả lương để chỉ chuyên gõ, post và share những tư tưởng “định hướng” của chính phủ. Chúng còn dùng các phương tiện hỗ trợ như [bot] để tăng năng suất. Mỗi một dư luận viên có thể biến thành hàng trăm, hàng ngàn người trên mạng.

Lực lượng dư luận viên này đương nhiên trở thành lực lượng chiếm đa số trên các mạng xã hội, vì khác tôi và bạn, chúng không phải làm việc để kiếm sống… Việc của chúng là hướng dẫn dư luận và đàn áp các tư tưởng chống đối… Như vậy nhân dân phải đi làm để kiếm sống đồng thời phải nuôi đám âm binh sống bám này.

Lực lượng âm binh này ra sức đàn áp các ý tưởng chống đối. Đưa các thông tin sai lệch để quấy rối, làm ô nhiễm môi trường trên mạng xã hội. Chúng tạo ra những luồng tư tưởng có lợi cho chính quyền, lôi kéo và tẩy não thành phần “thấy sao tin vậy” hoặc thành phần lười động não và chỉ tin theo vào đa số…

Tóm lại, với khởi đầu bất ngờ, mạng xã hội đã làm thay đổi thế giới, giật đổ một loạt các chính thể độc tài, vô cảm với nhân dân. Nhưng dần dần, nó bị mất tác dụng và phản tác dụng. Hiện tại mạng xã hội đã bị các chính thể độc tài lợi dụng. Họ khai thác mạng xã hội để duy trì chính thể, duy trì sự cai trị tuyệt đối.

Rất tiếc, chúng ta sẽ không còn được thấy một Mùa Xuân Arab thứ hai nào nữa. Và đó là một điều đáng buồn cho loài người yêu tự do.

Đoản Kiếm