Kỷ niệm 70 năm, Trung Quốc phải chấp nhận thách thức to lớn nhất: Cải cách chính trị và mở cửa

0
71
Biếm họa của Craig Stephens

SCMP

Tác giả: David Shambaugh

Dịch giả: Đỗ Kim Thêm 

1-10-2019

Lời dịch giả: Nhân dịp lễ kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Cộng hòa Nhân dân, Trung Quốc đã thể hiện những mâu thuẫn rõ rệt, vừa ca ngợi thành tích vừa lừa dối lịch sử cận đại.

Trong bài phát biểu, Tập Cận Bình tuyên bố là Trung Quốc đã tổ chức đất nước như một lực lượng hòa bình có trách nhiệm. Trong một đoạn văn khác, Tập nói rằng không có sức mạnh nào có thể làm lung lay nền tảng của quốc gia vĩ đại này. Dù không ám chỉ Hoa Kỳ, điều đó tất nhiên ai cũng hiểu như vậy. Với một cuộc diễn hành quân sự đã cho thấy Tập muốn Trung Quốc trở thành siêu cường. Các hỏa tiễn viễn liên mới được trang bị bằng mười đầu đạn có thể tới lãnh thổ Mỹ trong nửa giờ. Đó là một thí dụ.

Nhưng Việt Nam có thể chứng minh sự lừa dối của Trung Quốc với các bằng chứng hùng hồn nhất. Trong lúc Tập đọc diễn văn tại Bắc kinh, thì tàu “khảo sát” Hải Dương 8 “mở rộng khu vực khảo sát dọc theo 9 lô dầu mà Trung Quốc tự nhận và mở thầu năm 2012, trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam”. Trước đây, tàu Hải Dương 8 quấy phá khu vực Nam Biển Đông, hiện nay vẫn tiếp tục đe dọa hoạt động của Giàn khoan Hakuryu-5 tại khu vực này. Hoạt động của Trung Quốc từ chỗ chỉ tập trung ở khu vực Bãi Tư Chính, nay đã mở rộng thành hai khu vực: Bãi Tư Chính và vùng biển ngoài khơi các tỉnh từ Bình Định đến Ninh Thuận. 

Nhưng Việt Nam thiếu can đảm tố cáo đích danh việc vi phạm chủ quyền lãnh thổ, nên làm cho Trung Quốc ngang nhiên tiếp tục lừa dối về thiện chí hiếu hoà.

Công luận quốc tế thán phục sự phát triển của Trung Quốc: từ nhà nước của công nhân và nông dân trở thành nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới. Với chính sách cải cách và mở cửa kể từ cuối thập niên 1970, Trung Quốc đã đưa trên 400 trăm triệu người thoát khỏi cảnh đói nghèo. Không có quốc gia nào trên thế giới đã thành công quá ấn tượng trong việc này như Trung Quốc.

Nhưng mặt khác của phép lạ này là khi Trung Quốc cố tình che giấu những sự thật thương đau do chế độ độc tài gây ra. Vai trò lịch sử của Mao Trạch Đông vẫn là điều cấm kỵ. Chính sách “Bước tiến nhảy vọt” làm cho hàng triệu nạn nhân chết oan uổng, sau đó đã kết thúc với một nạn đói khổng lồ và có lẽ hơn 40 triệu người chết. Hàng trăm ngàn trí thức đã bị bức hại, tra tấn hoặc giết trong cuộc Cách mạng Văn hóa. Gần đây nhất là vụ thảm sát trên Quảng trường Thiên An Môn cũng không để lại một dấu tích nào. Cho đền nay, không ai nhớ, không sử gia nào can đảm hay được phép làm sáng tỏ những khuất tất của lịch sử. Tất cả sự thật này không có chỗ trong cuộc triển lãm chính thức nhân dịp lễ kỷ niệm 70 năm.

Lễ kỷ niệm vô cùng hào nhoáng trong chiều hướng khép lại lịch sử  cận đại một cách khôn ngoan. Trung Quốc không trình bày khách quan các sự thật lịch sử là tiếp tục đánh lừa dân chúng bằng chính sách ngu dân. Dân chúng vì cơm áo mà đành yên thân trước sự đã rồi. Nhưng một ngày nào đó, sư thật lịch sử sẽ sáng tỏ. Điều đó có nghĩa là cuối cùng giới lãnh đạo Trung Quốc sẽ không còn chỗ đứng trong lòng dân tộc.

***

Cộng hòa Nhân dân Trung Quốc có thể tự hào về những thành tựu để trở thành một cường quốc thế giới. Nhưng trong 10 năm qua, sự chuyển hướng với các biện pháp kiểm soát chính trị và xã hội rộng lớn hơn sẽ đưa đất nước lui về quá khứ đàn áp, thay vì hướng đến một tương lai có thể phát triển toàn diện các tiềm năng.

Ngày kỷ niệm phải là các dịp để ăn mừng các thành tựu, suy ngẫm về quá khứ, đưa ra một bảng đối chiếu về hiện tại và nhìn về tương lai. Kỷ niệm 70 năm của Cộng hòa Nhân dân Trung Quốc nên là một dịp để làm như vậy.

Điều chắc chắn là sẽ có một buổi lễ diễn hành trọng đại được dàn dựng với phô diễn quân sự tại Quảng trường Thiên An Môn. Một thập niên trước đây, nhân dịp kỷ niệm 60 năm, tôi ngồi trong khán đài xem bên dưới cổng Thiên An Môn và dự khán các loại vũ khí và phao, binh sĩ và dân chúng diễn hành qua Đại lộ Hòa bình vĩnh cửu. Đó là một màn trình diễn gây ấn tượng về niềm tin quốc gia, xuất hiện sau lễ Thế vận hội Olympic 2008 thành công. Vào buổi tối, có những màn pháo hoa hoành tráng và nhiều lễ hội ở quảng trường.

Lần này là một lễ kỷ niệm hoạch định thậm chí công phu hơn. Về mặt quân sự, Quân đội Giải phóng Nhân dân dự kiến sẽ phô bày một số hoả tiễn mới, nhiều bệ phóng hoả tiễn, máy bay ném bom chiến lược, xe tăng hạng nhẹ, máy bay và tàu bay dưới nước không người lái và máy bay thám thính không người lái trinh sát loại siêu thanh viễn liên.

Những hệ thống vũ khí mới này sẽ không chỉ gây tò mò cho giới quan sát Quân đội Nhân dân, mà nó còn gửi tín hiệu mạnh mẽ khắp châu Á và đến Hoa Kỳ về một Trung Quốc đang liên tục tăng cường quyền lực quân sự.

Tuy nhiên, cũng như đã xảy ra đối với tôi cách đây 10 năm trước khi xem màn trình diễn hỏa lực đó, liệu có phải một cuộc phô diễn khích chiến như vậy là mâu thuẫn và phản tác dụng với hình ảnh quyền lực mềm và hiếu hòa trong tình lân quốc mà Bắc Kinh cố tìm cách tô vẽ? Các cuộc thăm dò của Pew tiết lộ rằng, phần lớn các nước ở khắp châu Á đã xem sự trỗi dậy và tăng cường sức mạnh quân sự của Trung Quốc là tiêu cực.

Người ta tự hỏi liệu điều này có xảy ra trong Ban Tuyên giáo của Đảng Cộng sản Trung Quốc không? Đối với một quốc gia đang tìm cách giảm bớt lý thuyết về mối đe dọa của Trung Quốc và đang tạo ra về một hình ảnh đẹp ở nước ngoài, có phải đây là cách tốt nhất để làm như vậy? Câu trả lời có thể là cuộc diễn binh nhằm mục đích khơi dậy niềm tự hào trong nước và chủ nghĩa dân tộc hơn là để trấn an người ngoài cuộc.

Ngoài cuộc diễn hành quân sự vào ngày 1 tháng 10, chúng ta nên làm gì với quá khứ, hiện tại và tương lai Trung Quốc?

Chắc chắn là dân chúng và chính phủ Trung Quốc có rất nhiều điều đáng tự hào về bảy thập niên sau khi Mao Trạch Đông tuyên bố thành lập nền cộng hòa mới.

Bằng bất kỳ một số các biện pháp nào – thống kê kinh tế và các chỉ số phát triển xã hội, an ninh và toàn vẹn lãnh thổ, quan hệ đối ngoại và vị thế của Trung Quốc trên thế giới – Trung Quốc đã đạt được tiến bộ chưa từng có trong lịch sử thế giới và hiện là một trong những cường quốc thế giới.

Với những thành tựu vật chất và hữu hình như vậy cũng mang lại cảm giác chân thực về thành tựu tâm lý cho người dân Trung Quốc. Sau một thế kỷ phân hoá và nhục nhã, khôi phục ý thức về phẩm giá quốc gia là một trong những mục tiêu chính được thể hiện trong việc thành lập Cộng hòa Nhân dân Trung Quốc – khi Chủ tịch Mao tự hào tuyên bố trên đỉnh Thiên An Môn là “người Trung Quốc đã đứng lên!“

Trong khi chính phủ Trung Quốc và dân chúng có nhiều điều đáng tự hào và những thành tựu để ăn mừng, thì việc suy nghĩ về quá khứ lại càng khó khăn hơn. Trầm tư về quá khứ không phải là điều mà chế độ khuyến khích, bởi vì nó chứa quá nhiều sai lầm về chính sách và quá nhiều đau khổ cho con người, đặc biệt là trong thời đại theo chủ nghĩa Mao. Ở nhiều mức độ, trong 30 năm đầu tiên của Cộng hòa Nhân dân thật là kinh hoàng. Tuy nhiên, đây không phải là điều mà chế độ Tập Cận Bình muốn đề cập.

Tuyên truyền chính thức gần như hoàn toàn minh oan cho giai đoạn 1949-1978 (đặc biệt là 1958-1976) và bất kỳ phân tích nào trái với tường thuật được chứng minh đều được gán cho là theo “chủ nghĩa hư vô lịch sử”. Không đối mặt quá khứ với bất kỳ loại trung thực lịch sử thật sự nào chỉ là một công thức làm cho bản sắc dân tộc bị bóp méo một cách sâu xa và tính hợp pháp của chế độ giống như tuyên truyền che giấu sự thật của Potemkin.

Đối vối Tập, ca ngợi Trung Quốc trong ngày Quốc khánh sẽ nói nhiều về sức mạnh của Tập.

Nếu ba thập niên đầu tiên phần lớn là đàn áp và nhiều đau thương, thì thập niên thứ tư vừa qua đã có nhiều điều tốt hơn – mặc dù không phải không có những bi kịch tiếp theo như năm 1989. Nhưng, nhìn chung, Trung Quốc cởi mở hơn đối với thế giới và trong nước.

Tuy nhiên, trong 10 năm qua đã chứng kiến sự đàn áp gia tăng và kiểm soát thông tin và xã hội lớn hơn. Trong khi đó, năm 2009, vẫn còn một ý thức lan tỏa ở Trung Quốc và nước ngoài về mở cửa tiến bộ và tự do hóa gia tăng, thập niên qua đã chứng kiến một sự đảo ngược triệt để.

Dường như là có một sự tiến hóa theo đường tuyến tính từ thời kỳ hỗn loạn của thời Mao thông qua sự lạc quan thực dụng của thời Đặng Tiểu Bình, đến sự cai trị công nghệ và cải cách của Giang Trạch Dân, và những cải cách thận trọng hơn dưới thời Hồ Cẩm Đào, thời Tập Cận Bình đã trở thành thoái bộ theo một quá khứ đàn áp bên cạnh những cải cách bị đình trệ.

Nhìn bề ngoài, nhiều chỉ số vẫn còn cho thấy rằng Trung Quốc đi theo đúng hướng của việc trẻ trung hóa tuyệt vời. Tuy nhiên, nhìn dưới bề mặt này, có nhiều vấn đề còn giấu kín: dân số già nua và mất cân bằng về giới tính; một hệ thống chính trị vô trách nhiệm theo kiểu Lenin; một hệ thống tài chính và nền kinh tế do nhà nước thống trị; một hệ thống giáo dục cứng nhắc; bất bình đẳng về mức thu nhập; đàn áp thô bạo đối với xã hội dân sự, bất đồng chính kiến, và tôn giáo; kiểm soát hà khắc đối với Tây Tạng và Tân Cương; kiểm duyệt kỹ lưỡng và kiểm soát các phương tiện truyền thông; giới lãnh đạo thối nát tham nhũng vẫn còn ở mức độ cao; thất thoát vốn tư bản; dư thừa sản xuất trong công nghiệp; nợ nần của chính quyền địa phương và doanh nghiệp (khoảng 300% tổng sản phẩm quốc nội); làm chậm tăng trưởng GDP; rơi vào bẫy thu nhập trung bình; bong bóng thị trường nhà ở và xây dựng quá mức (thành phố ma); suy thoái môi trường; và một nhà lãnh đạo độc tài không có kế hoạch kế nhiệm.

Những cơn bệnh này không làm trầm trọng thêm một Trung Quốc đang gặp khủng hoảng hay một hệ thống đang bị đe dọa trực tiếp, nhưng tất cả là những vấn đề nghiêm trọng và thực tế mà bất kỳ một bảng đối chiếu trung thực nào về tình hình của Trung Quốc ngày nay phải nhận ra.

Bên ngoài, ảnh hưởng toàn cầu của Trung Quốc chưa bao giờ rộng lớn như vậy.Trung Quốc đã thật sự trở thành một cường quốc thế giới bằng nhiều biện pháp. Tuy nhiên, các cuộc thăm dò dư luận toàn cầu của Pew cũng tiếp tục cho thấy hình ảnh quốc tế của Trung Quốc là một sự pha trộn giữa tích cực và tiêu cực.

Việc kết liễu sự cai trị của Đảng Cộng sản Trung Quốc khởi đầu?

Cận kề hơn với chuyện nội tình, Hồng Kông và Đài Loan tiếp tục là những vấn đề đặc biệt rắc rối đối với giới lãnh đạo Trung Quốc. Sự bất tuân dân sự đang diễn ra ở Hồng Kông và cuộc biểu tình ào ạt song song được lên kế hoạch ở đó vào ngày 1 tháng 10 là những chỉ dấu cho thấy rõ ràng là, sau 70 năm nắm quyền, thanh danh của Đảng Cộng sản Trung Quốc bị mờ nhạt và có sự bất mãn lan rộng với cách hoạt động trong chính sách “một quốc gia, hai hệ thống“.

Trong 70 năm qua, Đài Loan vẫn là một thực thể tự quản riêng biệt, đáng kể là đa số cũng có tình cảm chống lại việc sáp nhập vào Cộng hòa Nhân dân Trung Quốc. Cuộc đối kháng liên tục này ở Hồng Kông và Đài Loan sẽ là một lời nhắc nhở nghiêm túc đối với Bắc Kinh rằng, đối với tất cả những thành tựu trong nước và vị thế quốc tế, nó vẫn chưa thống nhất được Trung Quốc.

Nhìn về tương lai, thách thức rõ ràng nhất đối với Trung Quốc nằm ở trong lĩnh vực chính trị. Hệ thống chính trị cứng nhắc là trở ngại lớn cho nhiều mục tiêu của Trung Quốc – lãnh thổ, kinh tế, xã hội, trí tuệ và đổi mới. Giống như những người ở độ tuổi 70, sự thay đổi không dễ dàng – nhưng chỉ bằng cách nới lỏng và mở ra, Trung Quốc mới có thể đạt được tiềm năng toàn diện, đạt được mục tiêu và thật sự ăn mừng những ngày lễ kỷ niệm trong tương lai.

______

Tác giả: David Shambaugh là Giáo sư nghiên cứu châu Á và các vấn đề quốc tế, Giám đốc Chương trình Chính sách Trung Quốc tại Đại học George Washington, ở Washington DC.

Nguồn : Báo Tiếng Dân